Ô tô Việt Nam đắt gấp 3 Mỹ: Nguyên nhân chưa được nói đến
29/09/2018 Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ở những lĩnh vực sản xuất nào có chính sách thuế, phí bất ổn, khó dự đoán được tương lai, chênh lệch với các quốc gia khác lớn,... thì tình trạng DN chuyển giá sẽ xuất hiện nhiều. Hành vi chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam đang để lại các hậu quả xấu, làm thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây sức ép lên các DN tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế.
Các DN thuộc lĩnh vực tài chính bảo hiểm,
dệt may và ô tô đứng đầu về chuyển giá
Chuyển giá đã trở thành đề tài nóng, đang được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, tìm giải pháp phòng chống. Ngay trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đề nghị các DN kiểm toán quốc tế, tích cực tư vấn việc ngăn ngừa, xử lý chuyển giá của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam.3 lĩnh vực dẫn đầu về chuyển giá
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), số lượng DN đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ hàng năm chiếm từ 44% đến 51%. Đặc biệt, năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng DN có báo cáo. Đáng lưu ý là, có những doanh nghiệp FDI lỗ 10 năm, 15 năm, thậm chí 20 năm, song vẫn tiếp tục tăng vốn, mở rộng đầu tư. Điều này cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.
Theo các chuyên gia, việc chuyển giá của các DN FDI được thực hiện ngay từ khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư là những tập đoàn lớn, có máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, nên sẽ tiến hành góp vốn bằng nguồn lực này. Trong khi đó, phía Việt Nam chưa đủ năng lực để thẩm định giá các loại thiết bị công nghệ hiện đại, nên thường bị đối tác nước ngoài định giá cao hơn giá trị thực tế. Việc định giá cao, sẽ nâng giá trị vốn góp trong liên doanh.
Tiếp đến, trong quá trình sản xuất và kinh doanh, DN FDI thường kê khai giá nguyên liệu đầu vào cao, đồng thời tìm mọi cách khai tăng các chi phí khác như quảng cáo, khuyến mại,... nhằm triệt tiêu lợi nhuận.
Cùng với đó, là sử dụng chi phí trả lãi tiền vay để chuyển giá. Công ty mẹ đưa nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện đầu vào, cho trả chậm và tính lãi. Khi công ty con tại Việt Nam bán hàng ra có lãi, đều tính vào chi phí trả lãi tiền vay, dẫn tới hết lãi.
Rồi phối hợp, liên kết với các công ty trong cùng tập đoàn, hoặc các đối tác, tự dàn xếp giá với nhau, thông qua các giao dịch, để giảm được nghĩa vụ thuế.
Vì vậy, mới có hiện tượng hàng loạt các DN FDI lỗ liên tục nhiều năm, nhưng doanh thu vẫn tăng, hoạt động sản xuất vẫn mở rộng.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) năm 2014 đã tiến hành khảo sát về hành vi chuyển giá, tại các DN FDI, cho thấy có 20% DN FDI thừa nhận chuyển giá.
Phương pháp điều tra được sử dụng có tên gọi là “Kỹ thuật đếm bất đối xứng” để khai thác thông tin về hoạt động nhạy cảm, mà người trả lời thường không muốn chia sẻ, vì e ngại hậu quả xấu có thể xảy ra. Kết quả cho thấy, các DN thuộc lĩnh vực tài chính bảo hiểm, dệt may và ô tô đứng đầu về chuyển giá, với tỷ lệ trên 50%.
Hậu quả nặng nề
Báo cáo của VCCI và USAID cho thấy, những DN coi Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu thực hiện chuyển giá chiếm từ 13-20%. Bên cạnh đó, 37% DN FDI đến từ nước có thuế suất thấp hơn Việt Nam có xu hướng thực hiện chuyển giá. Không những thế, có 65% DN FDI có lợi nhuận lớn hơn 20% có thực hiện chuyển giá và 44,5% DN lợi nhuận từ 10-20% thực hiện hành vi này.
Giá bộ linh kiện bị khai khống cao hơn giá trị thật khiến giá ô tô Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia
Chẳng hạn, trong lĩnh vực ô tô, ngoài việc nâng giá trị tài sản vốn góp liên doanh, nhà đầu tư còn chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ và thu phí tiền bản quyền. Đây là một loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn do khấu hao giá trị tài sản cố định vô hình.
Linh kiện ô tô chủ yếu phải nhập khẩu từ các công ty đa quốc gia và được định giá do công ty mẹ. Việc định giá cao bộ linh kiện nhập khẩu sẽ khiến cho chi phí đội lên, làm giá thành tăng, giảm lợi nhuận, qua đó các DN ô tô giảm nộp thuế thu nhập DN, trong khi công ty mẹ vẫn có lãi lớn về bán linh kiện. Trên thực tế, có những bộ linh kiện ô tô nhập về Việt Nam, có giá khai báo ngang bằng với giá một chiếc ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.
Giá xe ô tô tại Việt Nam hiện cao hơn 70% so với Âu, Mỹ và cao hơn 30% so với khu vực. Ngoài thuế cao, còn có lý do là chi phí góp vốn đầu tư, máy móc thiết bị, phí bản quyền, giá bộ linh kiện... đã bị khai khống cao hơn giá trị thật rất nhiều.
Theo Hiệp hội Thuế Việt Nam, công tác chống chuyển giá thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan, ngăn chặn được nhiều hành vi gian lận thuế, thông qua giá chuyển nhượng giữa các bên có giao dịch liên kết. Cụ thể, năm 2016, cơ quan thuế thanh tra 329 DN có giao dịch liên kết, truy thu 607,52 tỷ đồng, giảm lỗ 5.162 tỷ đồng; năm 2017 thanh tra 734 DN có giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt 2.270 tỷ đồng, giảm lỗ 7.146 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc hoạt động chống chuyển giá chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng chuyển giá không phải là mới và việc điều tra chuyển giá thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dữ liệu là yếu tố cực kỳ quan trọng trong điều tra chống chuyển giá. Khi điều tra giá chuyển nhượng, thường phải sử dụng phương pháp giá so sánh, phải tìm một công ty, một giao dịch tương đồng. Nhưng cơ sở dữ liệu của chúng ta hiện nay không đủ.
Chẳng hạn trong lĩnh vực ô tô, các cơ quan chức năng có thể biết, giá nhập bộ linh kiện, để lắp ráp một chiếc xe hơi tại Việt Nam cao hơn tới 30% so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, làm sao biết được giá thực của một cái khung xe hay một cái động cơ là bao nhiêu, khi phần lớn các linh kiện đó chỉ được mua bán qua lại giữa các công ty trong cùng tập đoàn, hay chuỗi cung ứng với nhau.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ở những lĩnh vực sản xuất nào có chính sách thuế, phí bất ổn, khó dự đoán được tương lai, chênh lệch với các quốc gia khác lớn,... thì tình trạng DN chuyển giá sẽ xuất hiện nhiều.
Hành vi chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam đang để lại các hậu quả xấu, làm thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây sức ép lên các DN tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế.
Trần Thủy
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/dn-fdi-gia-tang-chuyen-gia-hau-qua-kho-luong-477500.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét