Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Lăng mộ và lòng dân: từ Lê Duẩn đến Trần Đại Quang

Nhìn ảnh mộ các bác Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng ở nghĩa trang Mai Dịch thấy kính trọng tâm đức của các bác. Có thể chính sách của các bác không phủ hợp do hoàn cảnh nào đó, làm đất nước liên tục khủng hoảng, nhưng sự thật là các bác có tâm lo cho đất nước, chứ không lo tham nhũng cướp phá tài sản công. Dù tiêu chuẩn lãnh đạo có cao hơn dân thường nhưng về cơ bản các bác sống giản dị, chết cũng giản dị. Bác Duẩn xây lăng cho bác Hồ nhưng bản thân mình cũng chỉ có một ngôi mộ đơn sơ khoảng 6-10m2 gì đó... Bài dưới đây không thấy tên tác giả.


LĂNG MỘ VÀ LÒNG DÂN
Sau sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất (2013), ông được đưa về quê hương chôn cất theo nguyện vọng cá nhân, người ta thấy nhiều công thần cao cấp có tiêu chuẩn ở nghĩa trang Mai Dịch dường như cũng bắt chước tướng Giáp, xin về quê an nghỉ sau khi “băng hà”.
Bắt đầu từ ông Nguyễn Bá Thanh (2-2015), Trưởng ban nội chính TW, tiếp đến Thủ tướng Phan Văn Khải (2-2018) và bây giờ là Chủ tịch nước Trần Đại Quang (9-2018). Mỗi ông đều có một khu đất rộng rãi để xây lăng mộ làm nơi an nghỉ cuối cùng. Nghe nói nhiều nguyên lão cũng đã chuẩn bị những khu lăng mộ như thế để nay mai “đi gặp các cụ Các-mác, Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”; đi gặp Bác Hồ. Cứ theo đà này,.......(cắt 1 dòng)..........

Lần giở bản nguyên văn Di chúc của Bác thấy đoạn cuối Người nói về về việc riêng như sau: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn. Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn...” (1)

Bác mất, việc xây lăng Hồ Chí Minh có lí do đặc biệt, nhưng dù sao thì cũng đã không làm đúng di nguyện của Người. Các công thần sau Bác lần lượt vào nghĩa trang quốc gia ở 2 đầu đất nước. 

Còn bây giờ mở ra 1 trang mới, cho phép các vị về yên nghỉ tại quê nhà. Tôi nghĩ việc các công thần sau khi mất về với quê hương, nơi chôn rau/nhau cắt rốn của mình cùng những người thân là đúng. Suốt đời hoạt động cách mạng, xa gia đình, tổ tiên, ông bà, cha mẹ… nay thác về 9 suối nên được đoàn tụ 1 nơi là phải.

Nhưng điều quan trọng là cần thực hiện như lời Bác dặn: “chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân…” và cần tuân thủ quy định của pháp luật. “Tiêu chuẩn quốc gia mộ và bia mộ” mục 5.1 nêu rõ: “Diện tích đất tối đa cho một phần mộ hung táng: người lớn không lớn hơn 5,0 m2; trẻ em không lớn hơn 3,0 m2; mỗi mộ cát táng không lớn hơn 3,0 m2.”(2)

Tôi không rõ các vị đã làm theo gương Bác và chấp hành pháp luật ở đâu?
Ai cũng hiểu, có được lòng dân là do tài năng, đức độ của mỗi công thần. Lăng mộ dù to đến mấy cũng không lấy được lòng dân; thậm chí để bia miệng muôn đời. Thế thì làm thế để làm gì?

HN 25-09
(1)Nguyên văn các bản di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh - http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/ho-so-su-kien/books...)
(2) http://hethongphapluatvietnam.net/tieu-chuan-quoc-gia-tcvn-ve-mo-va-biamo-tieu -chuan-thiet-ke.html
Ảnh: mộ phần của Mozart, văn hào Lev Tolstoi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

http://www.thesaigonposts.com/2018/09/lang-mo-va-long-dan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét