Văn hóa Anh qua cuộc đời Churchill
Nguyễn Giang | 2011-10-31, Cuộc đời Churchill quả là sống oai hùng, khiêm tốn và chết rồi cũng đơn sơ. Có thể cũng vì thế mà tới nay người dân Anh vẫn quý trọng ông dù nhiều trẻ con Anh khi hỏi về Churchill vẫn tưởng là con chó đầu to ngồ ngộ trên quảng cáo của hãng bảo hiểm Churchill. Đứng cạnh mộ Churchill trong nghĩa địa giản dị cạnh một trường tiểu học cũng nhỏ bé, tôi hiểu ra nét văn hóa rất thực tiễn và cũng rất đúng đắn của dân Anh. Ông Churchill, dù hai lần làm thủ tướng và có công lãnh đạo Anh Quốc chiến thắng phát-xít Đức, lại được cả Nobel Văn chương, khi chết cũng trở về với gia đình, dòng họ như mọi người khác.Tuần qua tôi nghỉ phép đi chơi vùng West Oxfordshire mà vẫn suy nghĩ về cái chết tàn khốc và phận phải vùi thây nơi sa mạc của ông Gaddafi. Cuộc đời các nhân vật chính trị - quân sự luôn là chỉ dấu về tình hình đất nước họ, và chuyện họ chết rồi được đối xử thế nào lại phản ảnh trình độ văn hóa của những người kế thừa. Câu chuyện tôi muốn chia sẻ ở đây là về cựu thủ tướng Winston Churchill (1874-1965), người được dân Anh coi là nhân vật vĩ đại nhất của đất nước trong thế kỷ 20.
Vì nhà tôi cách Charwell, nơi ông Churchill từng sống chỉ chừng 30 phút chạy xe nên tôi thường đến đó chơi.
Tại một triền đồi vùng Kent nay còn có ngôi nhà gạch trong khu vườn rộng với vé vào cổng nếu đi cả gia đình bốn người chưa tới 15 bảng, rẻ hơn nhiều bảo tàng ở London.
Ngoài toà nhà hai tầng còn có vườn hoa, vườn rau, chuồng gà và phòng làm việc chứa đầy tranh sơn dầu của Churchill, vốn thích vẽ nghiệp dư.
Tranh của Churchill thì tôi thấy cũng thường thôi nhưng ngoài vườn có bức tượng ông và vợ, bà Clementine của nhà điêu khắc Oscar Nemon thì lại rất đẹp.
Charwell là nơi vào cuối thập niên 1930 Churchill, khi đó đã mất chức Bộ trưởng Hải quân và Bộ trưởng Tài chính, tụ họp với các đồng sự thuộc phe chủ chiến để bàn mưu chống lại Hitler trong khi phe chủ hòa của Lord Halifax chủ trương nhường bước trước làn sóng Quốc Xã ở châu Âu.
Năm 1940, phe chủ hòa thất thế, ông được Hoàng gia mời ra làm thủ tướng và nhanh chóng nêu cao ngọn cờ chống nước Đức phát-xít bằng mọi giá.
Ở Charwell cũng có phòng lưu niệm trưng bày kỷ vật của quân đồng minh Mỹ, Ba Lan, Pháp cùng chống phát-xít thời Thế Chiến 2 tặng ông.
Cũng vì muốn tìm hiểu thêm về Churchill, hôm vừa rồi nhân đi nghỉ, chúng tôi tìm đến làng Bladon ở ngoại ô Oxford để thăm mộ Churchill.
Chính cứ đi tìm một tòa lăng tẩm đồ sộ, xứng với tầm vóc của ông, hoặc ít ra là một giáo đường bề thế, chúng tôi phóng xe qua lại Bladon vài lần mà chẳng thấy gì.
Đỗ xe lại, đi bộ tìm mãi mới thấy một tấm biển bé tí đóng trên cột bên phố (xem hình trên) chỉ lối vào nơi chôn cất Churchill ở nhà thờ Thánh Martin trong làng.
Cạnh ngôi mộ vợ chồng ông hóa ra còn nhiều người khác thuộc dòng họ Spencer - Churchill, gồm cả cháu nội cũng cũng tên là Winston Churchill mới qua đời năm 2010.
Bên mộ cũng có một chiếc ghế đá ghi dòng chữ "Những người kháng chiến Đan Mạch kính tặng".
Trong nhà thờ có 'triển lãm Churchill' (Churchill Exhibition) mà thực ra chỉ là một mảng tường gắn ảnh ông và cuốn sổ lưu niệm.
Người ta cũng treo tấm biển yêu cầu giúp tiền để duy trì góc 'triển lãm': ai hảo tâm thì mua nến với giá 70 xu một cây để đóng góp.
Đứng cạnh mộ Churchill trong nghĩa địa giản dị cạnh một trường tiểu học cũng nhỏ bé, tôi hiểu ra nét văn hóa rất thực tiễn và cũng rất đúng đắn của dân Anh.
Ông Churchill, dù hai lần làm thủ tướng và có công lãnh đạo Anh Quốc chiến thắng phát-xít Đức, lại được cả Nobel Văn chương, khi chết cũng trở về với gia đình, dòng họ như mọi người khác.
Trong nhà thờ, người ta cho tôi hay rằng họ Spencer-Churchill theo Anh giáo từ nhiều đời thuộc xứ đạo này nên đều mai táng thân nhân ở đây.
Oai hùng và đơn sơ
Khi ông qua đời năm 1965, lễ tang trọng thể được Hoàng gia đứng ra tổ chức nhưng sau đó, nhà nước không có liên quan gì nữa.
Tất nhiên, giới trí thức vẫn viết sách về ông, và BBC cũng làm tới mấy phim về Winston Churchill, mô tả đủ cả thành công, thất bại của ông trên chính trường và không quên nhắc cả bệnh nghiện rượu của ông nhưng ở Anh ngày nay không có cảnh bày vẽ tưởng niệm tốn kém về người đã khuất.
Ngôi nhà của ông ở Charwell do tín quỹ National Trust quản trị và trông cậy vào đóng góp của công chúng để bảo tồn như họ vẫn làm với các di tích lịch sử khác.
Người trông phòng lưu niệm giải thích với tôi vì sao Winston Churchill chỉ có tước Sir, chứ không phải là Lord.
Dù là cháu của Quận vương John Churchill of Marlborough, ông lại thuộc dòng thứ nên không được thừa kế tước Duke (Công tước) đi kèm với lâu đài Bleinheim Palace to vào loại nhất Anh Quốc.
Mẹ của Winston Churchill là người Mỹ nên không có tước vị gì trong hệ thống quý tộc của Anh để truyền lại cho ông.
Nhưng vì ông có công lao lớn trong chiến tranh, Hoàng gia Anh nhiều lần muốn phong tước đại quý tộc mà Churchill từ chối.
Cuối cùng ông chỉ nhận tước Sir thuộc hàng thấp nhất và không được quyền thừa kế.
Cuộc đời Churchill quả là sống oai hùng, khiêm tốn và chết rồi cũng đơn sơ.
Có thể cũng vì thế mà tới nay người dân Anh vẫn quý trọng ông dù nhiều trẻ con Anh khi hỏi về Churchill vẫn tưởng là con chó đầu to ngồ ngộ trên quảng cáo của hãng bảo hiểm Churchill.
Vì chuyện học về ông cũng không phải là điều bắt buộc, ai thích thì đọc thêm, ai không biết cũng không sao.
http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2011/10/van-hoa-anh-qua-cuoc-di-church.html
Đó là quan niệm coi trọng chất lượng bên trong hơn là cái vỏ bên ngoài !
Trả lờiXóa