Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Tăng thuế môi trường: Người nghèo thêm nặng gánh

Người nghèo thêm nặng gánh
22/09/2018 TP - Tăng thuế môi trường chắc chắn tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ và người dân sẽ chịu thiệt nhiều nhất. Cùng với đó, các loại thuế gián thu đã có lộ trình tăng từ năm 2019, người dân, người tiêu dùng càng thêm nặng gánh. Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, sau khi tăng thuế TMT làm giá xăng tăng, sắp tới, rất nhiều các loại thuế gián thu cũng tăng (theo lộ trình từ năm 2019). Rõ ràng người dân, người tiêu dùng càng thêm nặng gánh. “Số tiền đánh thuế trước đây để bảo vệ môi trường sử dụng như thế nào, có sử dụng vào mục đích bảo vệ môi trường không cần phải làm rõ, công khai minh bạch để dân biết”
Thuế tăng, xăng tăng giá, người dân cũng phải chắt chiu chi tiêu
Ngành vận tải thêm khó khăn
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho hay, nhiên liệu chiếm khoảng 40% trong giá thành vận tải. Nếu thuế môi trường (TMT) với xăng dầu tăng thì giá thành vận tải sẽ tăng, kể cả giá cước xe khách, taxi và đặc biệt là giá cước hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác, hàng hóa tiêu dùng sẽ bị đẩy giá lên.

Theo Chủ tịch VATA, các doanh nghiệp vận tải cũng đang phải tính toán để tiết giảm chi phí, nhưng doanh nghiệp không thể cân đối mãi được. “Chắc chắn sau khi giá xăng tăng, hoặc là doanh nghiệp sẽ tăng giá cước hoặc sẽ tìm cách chở quá tải để bù lỗ”, ông Thanh tỏ ra quan ngại.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết, doanh nghiệp vận tải rất khó khăn khi phải đóng rất nhiều loại thuế, phí, trong đó nặng nhất là phí BOT và phí bảo trì đường bộ hằng năm thu trên đầu xe. Khi chi phí đầu vào tăng, buộc doanh nghiệp phải tăng giá đầu ra.


Hàng loạt ngành hàng bị ảnh hưởng

Đại diện một doanh nghiệp taxi than: Taxi truyền thống đã phải chịu quá nhiều loại chi phí, lại đang bị taxi công nghệ dồn vào thế chân tường. Tăng chi phí nhiên liệu, tăng giá cước có thể khiến taxi truyền thống ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng vạn lái xe và gia đình họ sẽ không được đảm bảo cuộc sống dù là tối thiểu.

Theo chị Hoàng Thị Thu (31 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), lương hằng tháng của chị khoảng 10 triệu đồng, mỗi tháng chi phí xăng xe đi lại hết khoảng hơn 600.000 đồng. Chi tiêu sinh hoạt trong gia đình chị đang khó khăn lại càng thêm khó. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bộ Tài chính muốn tăng thêm nguồn thu là điều có thể giải thích, bởi năm nay, các nguồn thu từ thuế nhập khẩu bị giảm do thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 0%. Nếu giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí vận tải, bốc xếp tăng. Điều này lại đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng giảm chi phí Logistic xuống 50%. Nhìn rộng ra, chi phí và giá sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trở nên đắt đỏ, giảm khả năng cạnh tranh rất nhiều. 

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, sau khi tăng thuế TMT làm giá xăng tăng, sắp tới, rất nhiều các loại thuế gián thu cũng tăng (theo lộ trình từ năm 2019). 

Rõ ràng người dân, người tiêu dùng càng thêm nặng gánh.

“Số tiền đánh thuế trước đây để bảo vệ môi trường sử dụng như thế nào, có sử dụng vào mục đích bảo vệ môi trường không cần phải làm rõ, công khai minh bạch để dân biết”, ông Trinh nói.



TUẤN NGUYỄN

https://www.tienphong.vn/kinh-te/nguoi-ngheo-them-nang-ganh-1326552.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét