Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Chuyện quốc tang ở các nước

Chuyện quốc tang ở các nước
Hồ Anh Hải - Quốc tang (state funeral) là lễ tang được cử hành với danh nghĩa quốc gia, dành cho những người có công lao đặc biệt với đất nước, thể hiện sự tôn kính của toàn dân đối với người đó. Nghe nói Việt Nam ta có quy định 4 vị “Tứ trụ” khi qua đời dù đã nghỉ hưu đều được hưởng quy chế quốc tang, cho dù cống hiến của các vị đó đối với dân tộc, tổ quốc ra sao, khi chết họ đều được đối xử như nhau. Kiểu “cào bằng” như vậy có nên chăng? Có xứng với người quá cố chăng? Có lãng phí tiền của và thời gian của dân của nước không? Có hợp với lòng dân không?

Có những người tuy rất xứng đáng được hưởng quy chế quốc tang, nhưng ngay từ khi còn sống đã di chúc đề nghị không tổ chức quốc tang cho mình. Điển hình là cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Hầu như tất cả các báo ở ta đều đăng tin về nghi thức lễ tang Chính phủ Anh dự định dành cho bà Thatcher vào ngày 17/04/2013. Nhiều báo giật tít bằng lời trăng trối của bà: “Đừng lãng phí tiền cho đám tang tôi”. Đúng vậy, người đại diện của bà là Lord Bell cũng nói “Bà ấy không muốn quốc tang, gia đình bà cũng không muốn”. Được biết gia đình bà Thatcher đề nghị mọi người không viếng hoa mà thay vào đó nên góp tiền cho quỹ từ thiện giúp đỡ các cựu chiến binh.

Nhiều người cho rằng bà Thatcher quá cố phải được hưởng nghi lễ quốc tang để xứng đáng với công lao và uy tín của người phụ nữ Anh đầu tiên làm Thủ tướng, hơn nữa lại làm ba nhiệm kỳ liền, hơn ông Churchill một nhiệm kỳ; ông này khi chết đã được làm quốc tang linh đình, tại sao bà Thatcher lại không được?

Nhưng rốt cuộc Chính phủ Anh đã quyết định làm lễ tang bà Thatcher theo ý nguyện của người quá cố: không làm quốc tang, không quàn thi hài bà để mọi người đến viếng. Họ cho rằng cách tốt nhất tôn trọng người quá cố là làm theo ý nguyện của người đó. Dĩ nhiên họ vẫn làm lễ tang bà Thatcher một cách trang trọng theo nghi thức danh dự của quân đội. Song dù sao lễ tang kiểu này sẽ đỡ tốn tiền đóng thuế của dân hơn. Thái độ khiêm tốn từ chối quốc tang của bà Thatcher đã nâng cao uy tín của bà trong lòng dân nước Anh và các nước khác.

Nói chung quốc tang rất tốn kém.

Hãy xem lễ quốc tang cố Thủ tướng Anh Churchill: Thi hài được rước bằng xe ngựa có đội binh sĩ đi kèm đi từ nhà riêng đến đại sảnh trong điện Westminster (nhà Nghị viện Anh), quàn 3 ngày ở đây để mọi người đến viếng, trong thời gian đó đội danh dự và các nhân sĩ cấp cao thường xuyên túc trực bên linh cữu. Lễ tang có đại diện của hơn 100 quốc gia đến dự, vừa tốn tiền đón tiếp ăn ở đi lại, vừa mất thời gian của Chính phủ. Có bắn 19 loạt súng và trên trời có đội máy bay lướt qua để tỏ ý tưởng nhớ v.v…

Vì thế người Anh rất thận trọng khi quyết định làm lễ quốc tang — việc làm quốc tang cho ai phải được Quốc hội phê duyệt.

Suốt hai thế kỷ 19 và 20 nước Anh chỉ làm quốc tang cho 9 người không thuộc Hoàng gia. Thế kỷ 19 có 5 người: hai công thần trong chiến tranh đánh bại Napoleon là Đô đốc hải quân, huân tướcLord Nelson (1758-1805) và công tước Duke of Wellington (1769-1852, nguyên soái lục quân, sau làm Thủ tướng); hai Thủ tướng: Lord Palmerston (1784-1865) tác giả chiến thuật “Ngoại giao pháo hạm” (Gunboat Diplomacy) và W.E. Gladstone (1809-1898) người 4 lần làm Thủ tướng; nhà khoa học vĩ đại Charles Darwin (1809-1882) cha đẻ Thuyết Tiến hóa.

Thế kỷ 20 có 4 người: Nguyên soái lục quân Frederick Roberts (mất 1914); Nam tước Edward Carson, Bộ trưởng Hải quân (mất 1935); Thủ tướng Winston Churchill (1874-1965), người kiên cường lãnh đạo nước Anh chống phát xít Đức thành công; Nguyên soái L.Louis Mountbatten(1900-1979), từng chỉ huy các trận đánh úp hải quân phát xít Đức ở Pháp và Na Uy, đập tan dự án làm bom nguyên tử của Hitler, cả hai ông này đều đã nghỉ hưu.

Ngay cả Hoàng Thái Hậu Elizabeth (tức Queen Elizabeth The Queen Mother) mẹ đương kim Nữ Hoàng Anh Elizabeth II, và bà Diana công nương xứ Wales khi mất cũng chỉ được hưởng nghi thức lễ tang của Hoàng gia mà không được làm quốc tang

Thế nhưng lại có những nước “lạm phát” quốc tang, kể cả nước nghèo, đặc biệt là các nước nơi tàn tích chủ nghĩa phong kiến còn nặng nề: làm quốc tang cho cả những người tuy chức vụ cao nhưng không có cống hiến xứng đáng và không được lòng dân, thậm chí làm hại dân hại nước; rốt cuộc người đáng được kính trọng lại ngang hàng với kẻ xấu, làm mất ý nghĩa đích thực của quốc tang.

Trung Quốc trong thời gian 1916-1949 đã làm quốc tang cho 29 người. Có người được làm quốc tang hai lần như nhà cách mạng Liêu Trọng Khải, năm 1925 khi chết và năm 1935 khi đổi địa điểm mai táng. Một số kẻ phản dân hại nước cũng được làm quốc tang, như Đoàn Kỳ Thụy, Thủ tướng Chính phủ quân phiệt Bắc Dương (chết năm 1936), kẻ gây ra vụ thảm sát quần chúng yêu nước 18/03/1926; Lê Nguyên Hồng Tổng thống chính phủ quân phiệt Bắc Dương, năm 1928 chết, năm 1935 mới làm quốc tang…

Có nước dù giàu nhưng lại rất “tiết kiệm” quốc tang, thực ra là tiết kiệm tiền đóng thuế của dân.
Có nước làm quốc tang cho những người không có chức vụ gì nhưng nổi tiếng trong xã hội. Như Brazil làm quốc tang cho tay đua xe Công thức Một lừng danh Ayrton Senna (1960-1994) chết do tai nạn đua xe, trong khi các vị nguyên thủ quốc gia nước này khi chết chẳng được hưởng quốc tang. Chính quyền Đài Loan làm quốc tang cho nữ danh ca Đặng Lệ Quân (Teresa Teng, 1953-1995).

Nhiều nước có quy định về quốc tang: ai được hưởng nghi lễ này, nội dung và quy chế của nghi lễ ra sao.

Dưới đây thử điểm qua tình hình tổ chức quốc tang ở một số nước (theo tài liệu trên mạng).

Trung Quốc:  Thời Trung Hoa Dân Quốc: năm 1916 Quốc hội có thông qua  Luật Quốc tang, tháng 9/1930, Chính phủ lại ban hành Luật Quốc tang. Chính phủ Quốc Dân đã làm quốc tang cho khá nhiều nhân vật cấp cao của Quốc Dân Đảng, trong đó có Tôn Trung Sơn và một số công thần, nhưng cũng có cả một số kẻ phản dân hại nước.

Thời Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ 1949 tới nay: tuy chưa có quy định công khai về quốc tang, nhưng “Luật Quốc kỳ nước CHND Trung Hoa” quy định: sau khi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch Quân ủy trung ương, Chủ tịch Chính Hiệp qua đời, phải hạ quốc kỳ xuống vị trí nửa thân cột cờ (ta gọi là treo cờ rủ) để tưởng nhớ.

Từ 1949 tới nay, Trung Quốc đã 9 lần làm quốc tang cho các nhân vật: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức, Tống Khánh Linh, Đặng Tiểu Bìnhba nhà báo chết trong vụ máy bay Mỹ bắn tên lửa vào Sứ quán Trung Quốc tại Belgrade ngày 7/5/1999, các đồng bào tử nạn trong 3 thiên tai: hai vụ động đất Vấn Xuyên, Ngọc Thụ và vụ lở bùn đá Châu Khúc. Trong đó lễ tang Mao, Đặng có quy mô và cấp bậc cao nhất (thể hiện ở danh nghĩa cáo phó, quy mô đưa tin của giới truyền thông, cấp bậc người dự lễ tang …); thực ra vì thi hài Mao được bảo quản mà không chôn cất hoặc hỏa táng nên nói chính xác thì Mao không có lễ tang mà chỉ có lễ truy điệu.

Nhiều nhân vật tuy thuộc diện được treo cờ rủ khi chết nhưng lại không được làm quốc tang, như ba vị Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Lý Tiên Niệm, Dương Thượng Côn, hai Thủ tướng Hoa Quốc Phong, Triệu Tử Dương, Tổng Bí Thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang… Riêng bà Tống Khánh Linh tuy chỉ là Phó Chủ tịch nước (và không có thực quyền) nhưng vì là vợ góa Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc Tôn Trung Sơn và từng có công lớn trong đấu tranh chống Tưởng Giới Thạch, ủng hộ Đảng CSTQ, cho nên đích thân Trung ương ĐCSTQ, Quốc hội và Chính phủ ra cáo phó về sự qua đời của bà và nói rõ sẽ làm quốc tang.

Mỹ: Theo luật, cựu Tổng thống, Tổng thống trúng cử và Tổng thống đương nhiệm khi chết được hưởng nghi lễ quốc tang, thi hài được quàn tại đại sảnh nhà Quốc hội để mọi người đến viếng. Chi tiết cụ thể về bố trí lễ tang được quy định tùy theo ý nguyện của gia đình người quá cố. Ngoài các Tổng thống ra, một số nhà chính trị (Chủ tịch Quốc hội, Thượng nghị sĩ, Nghị sĩ), Thẩm phán Tòa Tối cao, danh tướng (như MacArthur) cũng được hưởng vinh dự này. Năm 1958 còn làm quốc tang cho các binh sĩ vô danh chết trong Thế chiến II và chiến tranh Triều Tiên, năm 1984 — các binh sĩ vô danh chết trong chiến tranh Việt Nam. Bà Rosa Parks (1913-2005) nhà hoạt động xã hội người da đen khi từ trần cũng được quàn tại nhà Quốc hội, hưởng nghi lễ tương đương quốc tang.

Liên Xô:  Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô:
 LeninStalinBrezhnevAndropov và Chernenko đều được làm quốc tang, trong đó lễ tang Lenin, Stalin, Brezhnev có quy mô rất lớn, cả nước để tang nhiều ngày.

Đức: Nước Đức Hitler từng làm quốc tang cho hai tên phát xít: Nguyên soái Erwin Johannes Eugen Rommel (1891-1944) do tham gia âm mưu ám sát Hitler mà bị buộc phải tự xử chết bằng thuốc độc, đổi lại, hắn được hưởng nghi thức quốc tang với cáo phó của Chính phủ là chết vì đột quỵ; Reinhard Tristan Eugen Heydrich (1904-1942), tác giả các vụ thảm sát khủng khiếp trong Thế chiến II, bị du kích người Tiệp Khắc bắn trọng thương rồi chết.

Ba Lan:  Đã làm quốc tang cho vợ chồng Tổng thống Lech Kaczynski chết trong tai nạn máy bay tại Smolensk (Nga, 10/4/2010).

Ấn Độ: Hai vị được làm quốc tang là Mahatma Gandhi (1869-1948), lãnh tụ tối cao, người cha của nước Cộng hòa Ấn Độ, và bà xơ Ki Tô giáo Mẹ Teresa (1910-1997), giải Nobel Hòa bình 1979.

Hàn Quốc: Có hai nghi thức lễ tang: 1) Quốc tang dành cho cựu Tổng thống và nhân sĩ có công, kéo dài 9 ngày, các cơ quan nhà nước được nghỉ vào ngày làm lễ mai táng. Trong các Tổng thống Hàn Quốc đã quá cố mới có hai người được làm quốc tang: TT Park Chung Hee (bị ám sát chết năm 1979) nhà độc tài tiến bộ, có công đưa Hàn Quốc cất cánh thành nước công nghiệp, và TT Kim Dae Jung (1925-2009), giải Nobel Hòa bình năm 2000. 2) Quốc dân tang là lễ tang cử hành với danh nghĩa của toàn thể quốc dân, phần lớn chi phí lễ tang do Chính phủ đài thọ. Quy mô chỉ kém quốc tang, thời gian 7 ngày; hôm mai táng cả nước lập hương án để mọi người đến viếng. Tuy vậy trên thực tế quy mô lễ tang đều làm theo nguyện vọng của gia đình người quá cố. Quốc dân tang dành cho các nhân vật có công đặc biệt lớn đối với quốc gia hoặc xã hội.

Indonessia: Ba vị Tổng thống Sukarno (chết 1970), Suharto (2008) và Abdurrahman Wahid(2009) đều được làm quốc tang.

Argentina: Lễ tang lớn nhất dành cho Đệ nhất phu nhân Eva Perón chết năm 1952 khi mới 33 tuổi, người được Quốc hội tặng danh hiệu Lãnh tụ tinh thần, có 3 triệu người dự.

Có thể thấy các nước rất thận trọng khi quyết định làm quốc tang cho công dân của họ.

Nghe nói Việt Nam ta có quy định 4 vị “Tứ trụ” khi qua đời dù đã nghỉ hưu đều được hưởng quy chế quốc tang, cho dù cống hiến của các vị đó đối với dân tộc, tổ quốc ra sao, khi chết họ đều được đối xử như nhau. Kiểu “cào bằng” như vậy có nên chăng? Có xứng với người quá cố chăng? Có lãng phí tiền của và thời gian của dân của nước không? Có hợp với lòng dân không?

Hiển nhiên, hình thức lễ tang nào thể hiện được tình cảm của dân đối với người quá cố thì sẽ hợp lòng dân. Mọi người còn nhớ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuy không vào diện được hưởng quốc tang, nhưng trên thực tế lễ tang ông — được gọi là “Dân tang”, lại có quy mô và sự cảm động chưa từng thấy kể từ sau lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tháng 9 năm 1969.
 
Hồ Anh Hải
(Nghiên cứu Quốc tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét