Sophia ơi, thôi đừng làm khổ Việt Nam tôi với 4.0
Kể từ khi nàng Sophia, robot đầu tiên được trao quyền công dân, tới Việt Nam chém gió hồi tháng Bảy trước hàng loạt quan chức trong đó có cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cơn sốt 4.0 ngày càng lan rộng. Không có gì chứng minh cho điều này rõ hơn là chuyện nó len lỏi vào cả cuộc thi hoa hậu vừa kết thúc.
Sophia, hình chụp ở Hong Kong, 28 tháng Chín, 2017.
Một trong các thí sinh nhận được câu hỏi "[b]ạn nghĩ có chỗ cho hoa hậu và các người đẹp trong việc thực hiện cách mạng 4.0 không?". Cô trả lời: "Em học chuyên ngành ngôn ngữ, cách mạng 4.0 hơi xa lạ với em. Theo em, bất kỳ thời đại, xã hội nào, nếu như bạn cố gắng hoàn thành vai trò, nhiệm vụ của mình, bạn đều có thể cống hiến. Cách mạng 4.0 không nằm ngoài quy luật đó". Thật là câu trả lời thành thật và phù hợp cho một câu hỏi lạc điệu và chạy theo phong trào. Trong thời ‘dân ta phải học sử ta, nếu mà không học thì tra Google’ việc gì phải hỏi những câu ngớ ngẩn như thế tại một cuộc thi nhan sắc. Các người đẹp thi xem gương mặt có khả ái và ba vòng có chuẩn không chứ có thi vào làm việc cho Google đâu. Họ cũng chẳng phải Sophia, cô người máy mà nếu trời nhá nhem tối ai gặp phải chắc chạy mất dép vì hình thù và giọng nói của cô dù cô được lập trình để ba hoa về cách mạng 4.0.
Sophia có lẽ là ví dụ rõ rệt nhất về việc chạy theo phong trào 4.0 một cách ngớ ngẩn. Một cô robot được lập trình để hỏi A trả lời B, hỏi C trả lời Z đâu có gì là hoành tráng. Vậy mà thủ tướng, phó thủ tướng, trưởng ban kinh tế trung ương… ngồi lĩnh hội những gì cô phán. Cô cũng chẳng phải công dân của nước công nghiệp phát triển nào mà là công dân Ả rập Saudi, nước chỉ vừa mới cho phụ nữ quyền lái xe và còn kém Việt Nam ở chỗ vẫn có án tử hình cho những người quan hệ đồng tính.
Nhưng Sophia có lẽ cũng thích hợp để làm công dân Việt Nam. Cô thực ra không có tư duy độc lập và chỉ biết nhai lại những gì người khác bảo. Đây vẫn là cách giáo dục 1.0 mà rất nhiều nơi ở Việt Nam còn đang áp dụng trong khi thế giới đang chuyển trọng tâm từ dạy kiến thức sang dạy các giá trị. Kiến thức robot có thể học và chắc chắn sẽ học nhanh hơn con người. Nhưng các giá trị của cuộc sống như khả năng chơi và cảm thụ âm nhạc, khả năng làm việc trong nhóm, khả năng tư duy độc lập… thì không biết bao giờ robot mới có thể học được. Đây là ý kiến của tỷ phú Jack Ma, người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba: “Nếu không thay đổi cách dạy, trong vòng 30 năm tới chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề.”
Người từng là giảng viên đại học và được sinh viên bầu là giảng viên xuất sắc nói thêm: “Những gì chúng ta dạy trẻ nhỏ trong vòng 200 năm qua đều dựa trên nền tảng kiến thức. Và chúng ta không thể dạy trẻ em cạnh tranh với máy tính vốn thông minh hơn.” Khi được hỏi vậy phải dạy trẻ em những gì, ông nói: “Các giá trị, niềm tin, tư duy độc lập, làm việc trong nhóm, quan tâm tới mọi người. Đây là những [kỹ năng] mềm. Kiến thức sẽ không tạo ra chúng.” Ông nói thêm ông cho rằng khi trẻ học thể thao, âm nhạc, hội họa và nghệ thuật, các em sẽ vượt lên trên người máy trong tương lai.
Hãng tin BBC của Anh cũng vừa đưa tin về chuyện một trường phổ thông ở miền bắc nước Anh đã thoát khỏi danh sách các trường yếu kém nhờ cải tiến chương trình giảng dạy và coi âm nhạc là trọng tâm. Trường Feversham ở Bradford từ chỗ kém tới mức chính phủ phải can thiệp và thay đội ngũ lãnh đạo nay đã lọt vào số 10% các trường hàng đầu ở Anh sau sáu năm cải cách. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi 98% học sinh có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh vì các em có bố mẹ người Pakistan hoặc từ các nước khác. Khu vực xung quanh trường cũng có tỷ lệ tội phạm và nghèo đói cao. Hiệu trưởng Naveed Idrees nói một trong những lý do ông quyết định tăng thời lượng dạy âm nhạc trong trường là vì ông muốn các em nhỏ học không chỉ bằng cả trí óc và thân thể mà còn bằng cả tâm hồn.
Thầy giáo dạy nhạc của trường Feversham, ông Jimmy Rotheram, dùng “phương pháp Kodaly” do nhạc sỹ Hungary Zoltan Kodaly sáng tạo ra để dạy học sinh các bài hát quen thuộc và qua đó giúp các em học đánh vần. Nó cũng tạo cho học sinh tình yêu đối với âm nhạc và sự tự tin vào bản thân khi chúng có thể hát, chơi các loại nhạc cụ và qua đó học khả năng giao tiếp và biểu diễn.
Hôm trước tôi cũng tình cờ đọc được một câu trích dẫn lời Einstein trên mạng xã hội rằng “giáo dục là những gì đọng lại sau khi ta đã quên hết những gì đã học ở trường”. Điều thực sự quan trọng là trẻ em học cách làm người chứ không phải làm cừu, học cách yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường, học cách chất vấn mọi thứ mình được học và học cách bao dung đối với mọi người và cả với môi trường xung quanh.
Việt Nam tốt hơn hết hãy bắt đầu từ bốn điều nhỏ nhặt này trước khi phát sốt với 4.0 và nàng Sophia học vẹt. Mà muốn dạy trẻ em và cả người lớn sự bao dung, tôn trọng ý kiến khác biệt và các giá trị như tự do ngôn luận và thượng tôn pháp luật thì hãy bỏ những bản án 10.0, 14.0 hay 16.0 năm cho những người nói ngược một cách ôn hoà.
Trân Văn
Blog VOA
Trân Văn
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét