Doanh nghiệp Việt ngày càng teo tóp
20/09/2018 TP - Theo kết quả điều tra, quy mô doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng nhỏ, số lượng DN nhỏ và vừa tăng mạnh. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nguồn vốn chủ yếu đi vay và quá trình cổ phần hoá chậm.Khó đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020
Kết quả tổng điều tra cho thấy, năm 2017 cả nước có 517,9 nghìn DN. Trong đó, DN có 12,8 nghìn DN đã đăng ký, đang đầu tư, chưa sản xuất kinh doanh. Cả nước chỉ có 10 nghìn DN lớn, với tỷ lệ khiêm tốn với 1,9% số doanh nghiệp; số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm 98,1% số doanh nghiệp. Số lượng DN nhỏ và vừa ngày càng tăng cho thấy quy mô của DN Việt ngày càng teo tóp.
Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng vụ Thống kê Công nghiệp (GSO) cho rằng, để đạt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 là thách thức lớn. Trong 2 năm 2016-2017, trung bình mỗi năm cả nước có 120.000 DN thành lập mới. Trong khi đó để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, trung bình 4 năm tới, mỗi năm phải có thêm 130.000 DN thành lập mới.
“Với tốc độ bình quân số DN thành lập mới như hiện nay sẽ không đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Vì vậy, Chính phủ cần ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách mạnh mẽ cắt giảm thủ tục hành chính và động viên DN khởi nghiệp”, ông Thúy kiến nghị.
Theo Tổng cục Thống kê, trong bức tranh chung về DN của Việt Nam, số lượng DNNN giảm 18,4% và lao động giảm tới 23,1% so với 2012 . Giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm giảm 4 % về số DN và 5,1% về số lao động. Điều này cho thấy chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại các DNNN đã có tiến triển nhưng quá trình thực hiện còn khá chậm.
Mặc dù số lượng DNNN chỉ chiếm 0,5% tổng số DN nhưng sử dụng tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ DN. Xét về cơ cấu, vốn của DNNN chủ yếu đi vay. Vốn chủ sở hữu thực sự của DNNN chỉ chiếm 23,2% trong khi tỷ lệ này của DN ngoài nhà nước 30,7% và DN FDI là 39,6%.
“Dù có vốn bình quân cao nhất với 3.000 tỷ đồng/DN, gấp 97,5 lần DN ngoài nhà nước và 8,3 lần so với DN FDI nhưng hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 của DNNN giảm sút. Con số này năm 2016 đạt 2,6%, thấp hơn mức 3,2% của năm 2011”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng GSO cho biết.
Theo Tổng cục Thống kê, DNNN có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu trong giai đoạn 2011-2016.
Với DN FDI, dù doanh thu tăng rất nhanh nhưng số tiền đóng góp ngân sách thấp. DN FDI có lợi nhuận tăng trên 45% nhưng chỉ nộp ngân sách tăng 30%. Lý do là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và trong thời gian được giảm các loại thuế…
Khi được hỏi về quá trình thực hiện hiệp định thương mại, đa số DN bày tỏ mong muốn Chính phủ và các cơ quan nhà nước đơn giản thủ tục hành chính; hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định và được cung cấp thông tin thị trường nước ngoài.
Dù DN mong muốn như vậy, nhưng việc cung ứng các dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp còn khá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của DN, thể hiện rõ nhất qua việc sử dụng máy tính, kết nối internet. Năm 2017, số lượng đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng máy tính đạt 98%, sử dụng internet đạt 95%.
Tuy nhiên, mục đích sử dụng internet còn khá đơn giản, chủ yếu để gửi và nhận thư điện tử (98%), tìm kiếm thông tin (94%), học tập nghiên cứu (85%). Trong khi tỷ lệ cơ sở sử dụng máy tính và internet để điều hành tác nghiệp chỉ đạt 36%, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 12,6%.
“Công nghệ thông tin chưa được ứng dụng hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan địa phương để phục vụ người dân và DN. Đây là hạn chế, bất cập lớn, cần nhìn nhận khách quan trong bối cảnh Việt Nam đã và đang triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Bích Lâm Tổng cục trưởng GSO.
DN Việt nhận gia công, lợi nhuận thấp
Với xu hướng DNNN giảm dần để “nhường sân” cho DN tư nhân phát triển nhưng rất nhiều DN Việt hiện chỉ gia công cho nước ngoài. Năm 2016, cả nước có 1.687 DN nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài với tổng phí nhận được 8,6 tỷ USD.
Trong đó, phí gia công của hàng dệt may và giày dép chiếm trọng số lớn nhất. Nhóm hàng dệt may đứng đầu với số ngoại tệ thu về 4,1 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công; Giày dép 2,7 tỷ USD, chiếm 32% tổng phí gia công; lắp ráp điện thoại 268 triệu USD, chiếm 3,1%; Lắp ráp điện tử máy tính 63 triệu USD, chiếm 0,7%...
“Nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính gần như DN Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công. Các đối tác chính đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công, lắp ráp hàng hóa trong năm 2016 gồm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản”, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết.
https://www.tienphong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-ngay-cang-teo-top-1325799.tpo
QUỲNH NGA
QUỲNH NGA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét