Rút tác phẩm, trả thù nhà văn
Mỹ Lan RFA 2018-04-02 - Họ cho rằng ông Nguyên Ngọc ở trong Ban vận động Văn đoàn độc lập rồi những ai có dính dáng vào đấy, thì cho dù bây giờ họ vẫn là công dân tự do, họ vẫn là nhà văn tự do và không có bị xử lý gì về pháp luật cả thế nhưng lại bị cấm thì đó là hành động rất đáng buồn, thậm chí là đáng khinh nữa - Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của Đất nước
đứng lên, Rừng Xà nu, Các bạn tôi ở trên ấy...
Nhà văn Nguyên Ngọc là một tên tuổi quen thuộc đối với nhiều người tại Việt Nam. Học sinh trung học phổ thông tại Việt Nam từng được học những tác phẩm của ông như Rừng Xà Nu, Đất Nước Đứng Lên.Bình luận về biện pháp của Ban Tuyên Giáo Trung Ương đối với một tiếng nói bất đồng như Nhà Văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội, thành viên của Văn đoàn độc lập cho biết đây chính là đề xuất từ phía Hội Nhà văn Việt Nam.
“Họ cho rằng ông Nguyên Ngọc ở trong Ban vận động Văn đoàn độc lập rồi những ai có dính dáng vào đấy, thì cho dù bây giờ họ vẫn là công dân tự do, họ vẫn là nhà văn tự do và không có bị xử lý gì về pháp luật cả thế nhưng lại bị cấm thì đó là hành động rất đáng buồn, thậm chí là đáng khinh nữa”.
Những nhân vật như anh hùng Núp hay Tnú trong các tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc đã trở nên quen thuộc rất nhiều thế hệ học trò ở Việt Nam. Tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm này cũng hoàn toàn theo đường lối chủ trương mà Ban Tuyên giáo đưa ra là giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như truyền tải những ý nghĩa nhân văn cao cả. Tuy nhiên, Hội nhà văn Việt Nam cùng Ban Tuyên giáo TW lại không hề đưa ra bất kỳ lý do để giải thích cho hành động loại bỏ các tác phẩm này.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói tiếp:
“Những tác phẩm của các tác giả miền Nam trước đây một thời dù hay cũng không được xuất bản hay nói đến là vì họ đi lính, họ chống Cộng, họ thế này thế khác thuộc phía bên kia. Bây giờ đang hoà hợp dần rồi thì chính những nhà văn phía Cách mạng lại bị những lãnh đạo của Hội nhà văn đề nghị loại trừ. Bản thân tôi, tôi rất phản đối chuyện này”
Một giáo viên dạy Văn ở Hà Nội chia sẻ việc loại bỏ những tác phẩm như của Nhà Văn Nguyên Ngọc sẽ là một thiệt thòi không nhỏ đối với cả giáo viên lẫn học sinh bởi chương trình giảng dạy Ngữ văn chính thức hiện nay không còn nhiều các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.:
“Tôi thấy là Rừng xà nu hay Đất nước đứng lên là những tác phẩm nói lên được những sự kiện lịch sử của đất nước. Nếu bỏ đi thì tôi sợ các con sẽ không còn nhớ gì về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc”
Trên thực tế, ngoài những tác phẩm kể trên của Nguyên Ngọc, những tác phẩm mang giá trị văn học nghệ thuật cao, giúp học sinh nâng cao được khả năng cảm thụ văn học như các sáng tác của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Hàn Mạc Tử… cũng dần bị loại bỏ khỏi chương trình Ngữ văn hoặc còn giữ lại rất ít, chỉ còn từ 1 đến 2 bài bao gồm cả bài đọc thêm. Thay vào đó là những tác phẩm mang nặng tính tuyên truyền cách mạng như thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên hay tác giả Hồ Chí Minh.
Bọn em bây giờ thực sự quan tâm đến những cái mà tăng tính cảm xúc cho bọn em nhiều hơn chứ không phải là học những cái mà ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi lòng dũng cảm và nó như kiểu là một sự bắt buộc - Học sinh
Rừng Xà Nu và Đất Nước Đứng Lên mặc dù không phải quá xuất sắc nhưng so với những tác phẩm văn học cùng thời kháng chiến vẫn được xem là tác phẩm tiêu biểu mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật và giá trị nhân văn sâu sắc. Do đó, nếu tiếp tục loại bỏ những tác phẩm này, trong chương trình Ngữ văn cấp phổ thông sẽ chỉ còn lại những tác phẩm mang tính định hướng chính trị, rất khó để cảm thụ đối với các em học sinh lứa tuổi này. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chán học văn hay tiếp thu văn học một cách thụ động ở một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay. Điều này được chính một học sinh thú nhận:
“Bọn em bây giờ thực sự quan tâm đến những cái mà tăng tính cảm xúc cho bọn em nhiều hơn chứ không phải là học những cái mà ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi lòng dũng cảm và nó như kiểu là một sự bắt buộc. Giáo viên đọc cho chép như thế nào bọn em sẽ chép vào vở y như thế, bọn em sẽ học thuộc lòng rồi trả bài, viết văn nó cũng sẽ cứng ngắt như thế và quả thực bọn em rất không thích điều đó”
Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập được thành lập vào tháng 03 năm 2014 quy tụ những tên tuổi như nhà văn Nguyên Ngọc, Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Dương Tường, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên, Võ Thị Hảo… Mục đích của Văn Đoàn Độc Lập được nêu rõ là đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước, tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp và bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm.
Tuy nhiên, ngay từ ngày thành lập, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập đã bị vu là tổ chức phản động, do các thế lực thù địch giật dây; đồng thời các thành viên Ban Vận Động Văn đoàn độc lập bị Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam gạch tên không cho tham dự đại hội Hội Nhà Văn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rut-tac-pham-tra-thu-nha-van-04022018152811.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét