Các bị cáo trong vụ vỡ ống nước sông Đà vẫn nghĩ mình vô tội
10/03/2018 - Ngày 10-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống dẫn nước sông Đà. Được nói lời sau cùng, các bị cáo mong muốn HĐXX xem xét công tâm, bởi hành vi của họ cũng vì mục đích chung chứ không tư lợi cá nhân.
Các bị cáo tại phiên xử.
Bị cáo Hoàng Thế Trung (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) mong muốn HĐXX xem xét quá trình giám định hậu quả vụ án, bởi đơn vị phụ trách giám định chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sông Đà.Theo bị cáo Trung, đây là dự án tâm đắc của bị cáo trong suốt gần 40 năm công tác trong ngành xây dựng và hậu quả xảy ra là ngoài tầm kiểm soát. Bản kết luận giám định còn nhiều nội dung mâu thuẫn khiến bị cáo rất tâm tư.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải (cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) nói, cho đến thời điểm này, các bị cáo đều không rõ vì sao họ vướng lao lý sau sự cố vỡ đường ống nước.
Bị cáo Trương Trần Hiển (cựu Trưởng phòng Vật tư, thiết bị dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) bày tỏ rằng, bị cáo không đồng tình với các kết luận giám định của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra sự cố của dự án. Và nếu cơ quan chức năng không tìm được nguyên nhân chính xác thì sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sẽ tiếp tục xảy ra, không thể khắc phục được.
Bị cáo Nguyễn Biên Hùng (cựu cán bộ Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, cựu Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà Phó trưởng Đoàn tư vấn giám sát) nêu quan điểm, các bị cáo không có tội.
“Bản thân bị cáo nghĩ rằng, cơ quan tố tụng không có căn cứ buộc tội các bị cáo bởi các bị cáo không có quyền thực hiện các nhiệm vụ liên quan chuyên môn của từng người trong dự án".
Nói lời sau cùng, các bị cáo khác đều cho rằng, bản kết luận giám định tư pháp về sản phẩm không đạt chuẩn, gây ra sự cố vỡ ống còn nhiều mâu thuẫn.
Trước đó, trong phần đối đáp với các bị cáo và luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố khẳng định, nguyên nhân các lần vỡ ống cấp nước của dự án không phải do tác động của tải trọng bất thường mà do chất lượng ống sản xuất không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng là lý do khiến đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà đã phải chi hơn 16 tỷ đồng để khắc phục.
Có mặt tại phiên xử với tư cách là nguyên đơn dân sự, đại diện đơn vị cung cấp nước sạch không yêu cầu bồi thường số tiền này. Nhưng theo quan điểm của Viện kiểm sát, nguyên đơn dân sự không yêu cầu bồi thường thiệt hại không có nghĩa là các bị cáo không gây thiệt hại trong vụ án này.
“Việc nguyên đơn dân sự không yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Viện kiểm sát sẽ không đề nghị HĐXX buộc các bị cáo bồi thường cho nguyên đơn dân sự mà thôi”, đại diện Viện kiểm sát cho biết.
Theo đại diện Viện kiểm sát, quá trình điều tra vụ án này, CQĐT đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị phối hợp làm rõ nội dung ống dẫn nước cốt sợi thủy tinh có được sản xuất theo phương pháp áp dụng thành tựu công nghệ mới hay không. Cơ quan chức năng đã có văn bản xác định, việc sản xuất ống nước không nằm trong danh mục áp dụng thành tựu khoa học.
Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát nhận thấy, cáo trạng truy tố hành vi của 9 bị cáo đã cấu thành tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại Điều 229 BLHS năm 1999). Việc truy tố các bị cáo là đủ căn cứ, đúng pháp luật.
Sau ngày xét xử thứ 6, phiên toà tạm nghỉ. Ngày 13-3, HĐXX sẽ tuyên án.
Nguyễn Hưng
http://cand.com.vn/Ban-tin-113/Noi-loi-sau-cung-cac-bi-cao-mong-Toa-xem-xet-cong-tam-481547/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét