Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Cúng lễ vì mất niềm tin vào 'cõi dương'?

"Những người muốn theo đạo Phật hay theo thế giới tâm linh lẽ ra chỉ cần làm một điều quan trọng nhất, đó là "tu tại tâm". Điều duy nhất mà họ cần làm là làm việc thiện. Chưa nói đến kiếp luân hồi hay luật nhân quả, mà đơn giản là khi tất cả mọi người trên thế giới cùng làm việc thiện thì thế giới sẽ tốt đẹp lên rất nhiều, và đương nhiên bạn cũng được hưởng cái thành quả chung đó."
Cúng lễ vì mất niềm tin vào 'cõi dương'?
2 tháng 3 2018 -Hiện tượng người dân đi lễ cầu an, giải hạn, cúng bái trong những năm gần đây đang "tăng dần đều" vì người dân mất lòng tin vào 'cõi dương' nên tìm chỗ dựa ở 'cõi âm', một chuyên gia về minh triết Phương Đông trong quản trị nói với BBC. Truyền thông Việt Nam mấy ngày qua đưa tin vào dịp đầu năm Mậu Tuất, người dân và cả cán bộ nhà nước đổ đến các đền chùa miếu mạo để đi lễ, cúng bái.
Nhiều người đi lễ đầu năm để cầu tài cầu lộc
Tiêu biểu là hiện tượng biển người đổ về dự lễ cầu an, chen chân xin lộc ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội và hàng ngàn người rồng rắn xếp hàng về xin ấn từ 5 giờ sáng ở Đền Trần, Nam Định, theo báo chí Việt Nam. "Đang có một cuộc khủng hoảng trong xã hội về mặt giá trị", Bà Giang Hà, chuyên gia về ứng dụng minh triết Phương Đông trong quản trị, nói với BBC hôm 2/3.

"Theo tôi, khi người ta cảm thấy mất lòng tin trong cuộc sống có thể nói là 'dương', khi người ta không biết bấu víu vào đâu thì người ta đành phải đi tìm kiếm niềm tin ở một thế giới khác - thế giới âm," bà nhận định

Theo bà, có nhiều người đi lễ 'theo phong trào' mà không tìm hiểu nguồn gốc những nghi lễ họ theo đến từ đâu.

"Đi chùa đầu năm xuất phát từ mong muốn tìm một lòng tin nào đó," theo bà Giang Hà, nhà nghiên cứu triết học phương Đông.

Người dân tìm kiếm điều gì khi đi chùa?

Bà Giang Hà cho biết người Việt Nam không những theo đạo Phật và mà còn theo đạo Khổng, đạo Mẫu (đạo nguyên thủy trước khi đạo Phật và đạo Khổng gia nhập vào Việt Nam).

Việc đi thăm đền chùa đầu năm là một hiện tượng chung về mặt tín ngưỡng, văn hóa và đều xuất phát từ mong muốn tìm một lòng tin nào đó.

Dẫn câu nói 'âm thịnh dương suy', bà Giang Hà nói phong trào đi lễ sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm tới nếu không có thay đổi về nhận thức giá trị.

"Khi mà 'dương thịnh' hay khi người ta cuốn theo những cái đam mê trong công việc, gia đình, người ta hạnh phúc, thì người ta không mất thời gian đi cầu xin nhiều.
Bản quyền hình ảnhGIANG HA
"Không có một thế lực nào, một cõi âm nào mà mầu nhiệm đến mức cứ đi xin là được, cứ đi giải hạn là không còn hạn nữa."Bà Giang Hà

"Người ta chỉ có những chuyến du xuân - vào chùa là đến một nơi thanh tịnh, đi vào đền để ôn lại lịch sử và cảm nhận sự linh thiêng của mảnh đất nơi mình ở, chứ không phải để xin."

"Không có một thế lực nào, một cõi âm nào mà mầu nhiệm đến mức cứ đi xin là được, cứ đi giải hạn là không còn hạn nữa."

Khi được BBC hỏi về chuyện một số người dân phong thần cá chép hay quỳ lạy rắn nước nằm trên mộ, bà Giang Hà cho rằng, chuyện đi cầu xin một thế giới "thần thánh", cái thế giới có lẽ vượt ra ngoài tầm nhận thức của con người, cũng "gần như là tham nhũng".

"Anh không làm gì mà anh cứ đòi đi xin, đi xin thì một ngày nào đấy anh phải trả", bà nhận xét.

Từ lâu nay, con người đi chùa là để tìm nơi thanh tịnh nhưng số lượng đông đảo người đi cầu cúng lại đặt ra vấn đề về mục tiêu của các nghi lễ

Cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ làm việc

Mặc dù chính phủ đã có công văn cấm cán bộ nhà nước đi lễ trong giờ hành chính, truyền thông Việt Nam đưa tin chuyện này vẫn xảy ra, với vụ việc nổi bật nhất là bảy cán bộ Kho bạc Nhà nước Thành phố Nam Định bị đình chỉ công tác vì làm chuyện này.

Theo bà Giang Hà, đây là do hiền triết phương Đông được áp dụng vào quản trị một cách thái quá: các cơ quan nhà nước chấp nhận tâm linh trong môi trường làm việc.

"Xét về khía cạnh tôn giáo tâm linh, lòng tin là điều rất riêng tư sâu thẳm của cá nhân, anh tin vào đâu là điều của cá nhân anh, không nên mang ra xã hội."

Nếu cứ lấy thời gian làm việc để đi lễ mong sẽ làm ăn phát đạt, không những công chức mà cả các công ty đều không mang lại hiệu quả."

Bảy cán bộ Kho bạc nhà nước TP Nam Định bị đình chỉ công tác vì đi lễ Đền Trần trong giờ hành chính

Mua thần bán thánh?

Hiện tượng thương mại hóa ở các đền chùa Việt Nam được cho là rất phổ biến.

Theo các báo Việt Nam, người dân đi du xuân, cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) phải nộp phí từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng.

Còn tại Đền Trần (Nam Định), các hòm công đức đã được dựng sẵn ngay phía trước các điểm phát ấn và những ai muốn được phát ấn 'tự hiểu' họ phải bỏ tiền vào hòm công đức.

Bình luận về hiện tượng này với BBC, bà Giang Hà nhận định các cơ quan truyền thông chính thống, mạng xã hội và các cơ quan chức năng của nhà nước phải chịu trách nhiệm rất lớn vì ở đây có liên quan đến việc "thao túng lòng tin của nhân dân để kiếm tiền".

Theo bà, những cơ quan này phải có vai trò lên tiếng, giáo dục, cảnh tỉnh người dân để chống lại mê tín và chuyện mua thần bán thánh một cách công khai lộ liễu.

Người dân đi lễ ở Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 28/1/2017

"Tu tại tâm"

Bà Giang Hà cho rằng những người muốn theo đạo Phật hay theo thế giới tâm linh lẽ ra chỉ cần làm một điều quan trọng nhất, đó là "tu tại tâm".

"Điều duy nhất mà họ cần làm là làm việc thiện. Chưa nói đến kiếp luân hồi hay luật nhân quả, mà đơn giản là khi tất cả mọi người trên thế giới cùng làm việc thiện thì thế giới sẽ tốt đẹp lên rất nhiều, và đương nhiên bạn cũng được hưởng cái thành quả chung đó."
Bản quyền hình ảnhGIANG HA
"Mỗi người hãy góp một tiếng nói vào việc làm thức tỉnh những ai đang mải mê đi lễ, khấn bái, rằng việc đó không làm nên điều gì tốt đẹp cho xã hội."Bà Giang Hà

Bà kêu gọi giới truyền thông, những người trí thức và trường học nên giúp người dân và học sinh có hiểu biết về triết học và tôn giáo, không phải là triết học Mác Lê Nin khô cứng, mà về những giá trị trong xã hội.

Thời gian qua, chính các tờ báo Việt Nam lại tập trung giới thiệu các nghi thức như "Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất" (VietnamNet), hay "Cúng Rằm tháng Giêng thế nào cho chuẩn?" (Tiền Phong).

Theo bà Giang Hà, hiện sống tại Paris nhưng thường về Hà Nội, thì:

"Mỗi người hãy góp một tiếng nói vào việc làm thức tỉnh những ai đang mải mê đi lễ, khấn bái, rằng việc đó không làm nên điều gì tốt đẹp cho xã hội."

"Họ nên làm những điều tốt cho môi trường, cho xã hội và nên tự đi tìm niềm đam mê khác để cân bằng lại và tìm ra giá trị của cuộc sống," bà Giang Hà nói với BBC.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43257900

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét