Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Vũ về’: Sẽ lộ đường dây bảo kê cho ‘Vũ đi’?

Vũ về’: Sẽ lộ đường dây bảo kê cho ‘Vũ đi’?
04/01/2018 Phạm Chí Dũng - Cánh đang nắm giữ ưu thế quyền lực trong đảng rốt cuộc đã giành được một thắng lợi quan trọng: buổi chiều ngày 4/1/2018, thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ kiêm trùm bất động sản Vũ “Nhôm” đã bị đưa từ Singapore về Hà Nội, nhưng không phải được đưa về văn phòng công ty Nova79 của Vũ “Nhôm” hay ngôi nhà của Vũ ở 82 Trần Quốc Toản ở quận Hải Châu của Đà Nẵng, mà Phan Văn Anh Vũ sẽ phải nằm trong một xà lim biệt lập với chế độ biệt giam, dù có thể sẽ được cán bộ quản giáo phục vụ tận tình “cơm bưng nước rót”.
Phan Văn Anh Vũ (giữa), hình chụp năm 2016.
Thắng lợi của cánh đảng
Thắng lợi trên mang ý nghĩa “rửa mặt” cho chiến dịch “chống tham nhũng” sau hàng loạt vụ “ra đi tìm đường cứu nước” từ năm 2016 đến nay của những Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy… Sau vụ Tổng bí thư Trọng “dám” chỉ đạo bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và đến nay là vụ “dẫn độ” tạm coi là thành công đối với nhân vật “bất đồng chính kiến” Phan Văn Anh Vũ, có thể xem chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Trọng lẫn lẩn khuất những chiến dịch “đánh hôi” của những nhóm quyền lực và lợi ích khác đang trên đà khá thuận lợi.

Thắng lợi trong vụ “dẫn độ” Phan Văn Anh Vũ thậm chí còn rất quan trọng vì đã ngăn chặn được nguy cơ quốc tế hóa vụ việc này. Vũ “Nhôm” đã không thể trở thành “Trịnh Xuân Thanh thứ hai”.

Bởi trước khi Vũ “Nhôm” đào thoát, vấn đề cốt yếu vẫn xoay quanh cuộc chiến giữa Vũ “Nhôm” và Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch thành phố Đà Nẵng. Nhưng ngay sau khi Phan Văn Anh Vũ bị phát hiện ở cửa khẩu Singapore - Malaysia, vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn nhiều với những thông tin về việc Vũ đã rất muốn tự nguyện cung cấp “hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” hoặc những bằng chứng về vụ việc gây chấn động ngoại giao này cho phía tình báo Cộng hòa liên bang Đức, để đổi lấy quy chế tị nạn cho mình.

Giờ đây trong con mắt của nhóm đang nằm giữ quyền lực trong đảng cầm quyền ở Việt Nam, “tội” của Phan Văn Anh Vũ phải nặng gấp đôi, không còn đơn thuần là “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” hay những vụ đi đêm mua bán dự án và nhà công sản, mà là hành vi dám ra mặt thách thức Tổng bí thư Trọng - điều tương tự đã xảy ra với Trịnh Xuân Thanh.

Singapore không phải là một đối tác nặng về chính trị với Việt Nam, mà các nhà đầu tư Singapore luôn chiếm giữ một vị trí trong nhóm đầu vào Việt Nam. Không cần ngạc nhiên nếu Chính phủ Singapore đã có thể nhân vụ bắt giữ Phan Văn Anh Vũ để “đàm phán” thêm với chính phủ Việt Nam về những dự án đang trong quá trình đầu tư, hoặc ít nhất cũng là “lành mạnh hóa môi trường đầu tư dành cho các nhà đầu tư Singapore”.

Cũng có một khả năng khác là mặc dù đã có thông tin hành lang về việc Phan Văn Anh Vũ đã gửi đơn xin tị nạn cho Đức và đã được Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Tư pháp nước này nhận đơn, và Vũ cũng đã được tiếp xúc với một số quan chức phương Tây, song có thể các “đối tác” đã nhận ra rằng trong tay Phan Văn Anh Vũ không có được những tài liệu giá trị nào mà dư luận đồn đoán trước đó như “danh sách mạng lưới tình báo ngoại tuyến của Việt Nam”, “danh sách các công ty bình phong”, và đặc biệt là chẳng có được “hồ sơ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” hay những bằng chứng về vụ việc này… Thế là Vũ phải “về”.

Nhưng “Vũ về” thì sao?

Ai bảo kê cho ‘Vũ đi’?

Từ trước khi “Vũ về”, đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng một số quan chức, kể cả nhà báo liên quan đến Vũ, có khả năng sẽ gặp rắc rối, thậm chí có thể bị “nhập kho”. Đặc biệt, cánh bên đảng muốn truy ra ai và thế lực nào đã bảo kê để Phan Văn Anh Vũ dời gót sang Singapore một cách ngon trớn đến thế. Và cũng đã xuất hiện tin đồn đoán vào chiều ngày 4/1 là sẽ có ít nhất một tướng công an rơi quân hàm hoặc “còn hơn thế nữa”.

Rốt cuộc, “chuyên án” của Bộ Chính trị đảng về Phan Văn Anh Vũ đã có kết quả ban đầu. Chiến dịch truy nã Phan Văn Anh Vũ cuối cùng đã không quá cực khổ và mất quá nhiều thời gian như vụ Trịnh Xuân Thanh mà đã bị Nhà nước Đức cáo buộc là “bắt cóc”.

Chỉ trong nay mai, rất có thể “chuyên án” của Bộ Chính trị sẽ biết rõ Phan Văn Anh Vũ đã có hay không, và nếu có thì có được những tài liệu nội bộ thuộc độ “Mật,” thậm chí “Tuyệt Mật” nào về những vấn đề nghiệp vụ của ngành công an, hay những tài liệu về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo ra sao - những bằng chứng mà có thể đủ sức “giết sống” nhiều quan chức đang tại vị.

Một đại án an ninh quốc gia đã có thể khởi động từ giờ phút này.

Dù chỉ được đánh giá là một con chốt, nhưng Phan Văn Anh Vũ lại có vai trò như một “hồ sơ sống” đối với nhiều quan chức, và có thể tác động lớn đối với bàn cờ tương quan quyền lực và xung đột chính trị ở Việt Nam.

Phan Văn Anh Vũ cũng rất có thể đóng vai trò đột phá khẩu cho bất kỳ phe phái nào biết lợi dụng nhân vật mà bị một số dư luận xem là “tình báo hai mang” này.

Trong cái nhìn của Tổng bí thư Trọng, vụ việc Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng thoạt đầu có lẽ không quá quan trọng, hoặc chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu vấn đề của Vũ lại liên quan đến Trịnh Xuân Thanh thì sẽ là một việc khác hoàn toàn. Giờ đây, ông Trọng có thể sẽ không bỏ qua cơ hội quý giá này để bổ túc cho kế hoạch “cải tổ Bộ Công an”, xem xét lại toàn bộ cơ cấu và tính hợp lý hay chưa của các tổng cục và cục nghiệp vụ trong bộ này, kể cả khâu tình báo. Thậm chí, ông Trọng nếu “nổi hứng” sẽ còn có thể “thay máu” hàng loạt tướng lĩnh công an - tương tự cái cách mà Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc trong suốt 3 năm từ 2012 đến 2015.

Vào giờ này, chắc hẳn đang có những quan chức và cả những nhà báo hay blogger quốc doanh đã từng “ăn chịu” với trùm bất động sản Vũ “Nhôm” hoặc với thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, đã mất ngủ sau khi Vũ “Nhôm” bị khám nhà, đã tạm thở phào khi Vũ “Nhôm” bỏ trốn, sẽ tiếp tục mất ngủ và cả mất ăn khi nghe tin mạng xã hội về vụ Vũ “Nhôm” sẽ bị “dẫn độ” về Hà Nội.

Hoặc một đường dây (nếu có) đã bảo kê cho Vũ “Nhôm” lặng biến khỏi Việt Nam…

Nhớ lại tết nguyên đán năm 2014…

Việt Nam những ngày cận tết nguyên đán 2018. Khoảng thời gian gần tết nguyên đán năm 2014 đang hiện hình trở lại khi nhân vật “hốt liền, bắt liền” - trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh - được chuyên cơ y tế đưa từ Hoa Kỳ về sân bay Đà Nẵng, để sau đó dù được hệ thống tuyên giáo đảng tuyên truyền “tau khỏe mà, có chi mô”, ông Thanh vẫn về nơi chín suối mà chẳng thể trăng trối được điều gì.

“Vũ về” - khối báo chí quốc doanh đang sôi lên vì nỗi thèm muốn tin tức và hơn thế là có tin tức để đăng. Nhưng cũng tương tự vụ Nguyễn Bá Thanh mà báo chí nhà nước chỉ còn cách chạy theo mạng xã hội và chờ tin phát chính thức từ Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương, vào lần này báo nhà nước cũng phải ngậm tăm chờ đợi ý chỉ của một cấp cao hơn nhiều - tổng bí thư.

“Vũ về”. Năm dương lịch 2018 đã mở đầu đầy may mắn cho Nguyễn Phú Trọng, báo hiệu ông ta có thể ở vào thế “chẻ tre” với cuộc chiến nội bộ trong suốt năm nay.


Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-nhom-singapore-bi-bat/4191912.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét