Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Từ vụ Đinh La Thăng, nghĩ về văn hóa Việt

Từ vụ Đinh La Thăng, nghĩ về văn hóa Việt
19/01/2018, Anh Gấu Phạm - Theo FB Anh Gấu Phạm
Dạo quanh phố phường, dạo quanh các tường Facebook hai hôm nay mình quan sát thấy một hiện tượng thú vị như sau, xin phép ghi chép lại để các bạn góp ý. Cho tới trước khi các bị can trong vụ xử án lịch sử 01/18 phát biểu những lời cuối cùng thì dư luận nói chung vẫn còn nhiều tiếng nói ủng hộ, bênh vực, chia sẻ, vv với các bị cáo. Đặc biệt số bạn nữ làm vậy dường như áp đảo số bạn nam.
Kết quả hình ảnh cho đấu tranh vượt nghịch cảnh
Từ lúc có các bài báo ghi lại những lời thống thiết, những tiếng khóc, tiếng van, tiếng xin của các bị can thì gần như không còn tiếng nói bênh vực nào nữa mà toàn những tiếng phàn nàn, chê trách, phê bình là các bị can quá yếu, quá hèn, quá tệ. Cách đánh giá này giống hệt nhau ở cả các bạn lề phải, lề trái, và chân giữa của mình.

Mình lờ mờ cảm thấy sự thay đổi trong dư luận này phản ánh những yếu tố văn hóa nào đó rất Việt Nam. Mình đoán có thể là như thế này.

Người Việt mình có mấy thứ tính cách tuy tên gọi khác nhau nhưng có chung nền tảng căn bản là kiên nhẫn trước khó khăn, kiên tâm trước nghịch cảnh, nhẫn nại trước kẻ ác, kẻ mạnh - nói chung là không dễ bị hoàn cảnh, thiên nhiên, hay con người khuất phục. Những tính cách này có lẽ đến từ hàng ngàn năm lịch sử phải đối mặt với ngoại xâm, với thời tiết khắc nghiệt, mưa gió không thuận hòa nên để tồn tại người ta phải hun đúc một thứ tinh thần thép không đầu hàng. Người ta luôn từ từ tìm cách thích nghi với nghịch cảnh và kẻ thù rồi tìm cách khuất phục dần những đối thủ đó. Với thứ tâm lý dân tộc đó, người ta không thích những sự sợ hãi kiểu sợ đau, sợ chết, sợ bệnh tật hay những biểu hiện yếu đuối về cơ thể hay tinh thần. Dù ở trong có đau đớn bao nhiêu, sợ hãi bao nhiêu, họ cũng luôn cố gắng hết sức để che đậy những cảm giác con người đó và tỏ ra cứng rắn, bất khuất vừa để làm gương vừa để làm chỗ dựa cho người khác.

Phụ nữ Việt Nam phản ánh rõ nhất những mặt tốt của tính cách nói trên. Họ không bao giờ kêu đau, ngại khó, ngại khổ. Họ tự hào đeo những thứ khó, khổ, đau, vất vả vì gia đình như là những tấm huân chương trên ngực. Nói với một người phụ nữ Việt Nam là chị/bà ta không thể nào làm được một việc nào đó vì nó quá khó chính là thách thức người ta làm việc đấy cho bằng được, nhất là khi có liên quan tới lợi ích của những người trong gia đình họ. Cắn răng cắn môi chịu đựng, nhận phần khó, khổ, đau, vất vả vào mình vì người thân dường như là số phận chung của đàn bà Việt Nam.

Khi thấy những người cùng khổ đấu tranh vượt nghịch cảnh, người Việt, rất là người đàn bà Việt thường dễ bày tỏ lòng thương, lòng bao dung sẵn sàng hỗ trợ hay tha thứ vv. Thế nhưng khi thấy những người giơ tay đầu hàng số phận, khóc lóc, cầu xin, van vỉ, bày tỏ sự yếu đuối thì người ta cũng khó thông cảm được vì tích cách dân tộc này không có chỗ cho những tình cảm ủy mị, tiểu tư sản, đau đớn, mềm yếu biểu đạt ra ở nơi công cộng như thế. Đúng chuẩn là phải cắn môi nén đau vào trong, không khóc, không xin gì cho mình, trông chết cười ngạo nghễ.

Nếu đúng có thể dùng những biến chuyển trong dư luận mấy ngày qua để dò la tính cách dân tộc như thế này và cách đánh giá thế này nếu có phần chính xác thì cũng có thể suy diễn thêm là với nét văn hóa đó, với tính cách đó, dân tộc quen chịu đựng này không dễ phẫn nộ để cải thiện đời sống trước nghịch cảnh. Họ sẽ chọn cách thích nghi, chịu đựng thay vì nổ bùng lên đòi thay đổi nghịch cảnh, bất công, đàn áp ngay như văn hóa của người phương Tây chỉ cần hơi đau, hơi đói là đã làm ầm lên rồi. Người Việt có lẽ phải thấy con cái họ, cha mẹ già yếu của họ bị đe dọa thì họ mới phẫn nộ đấu tranh, còn thì họ sẽ dĩ hòa vi quý để giữ mình toàn vẹn để che đậy, làm chỗ nương tựa cho những người trông cậy vào họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét