Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

Tăng thuế, người nghèo và nông thôn thiệt nhất

Tăng thuế GTGT, người nghèo và nông thôn bị ảnh hưởng nặng nhất
15/09/2017 Thanh Niên - Nếu đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính được thông qua thì người nghèo và nông thôn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì nhóm này đang dùng nhiều hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng hơn. Tăng thuế giá trị gia tăng: Người nghèo lãnh đủ
Công nhân khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM) 
mua rau sau giờ tan ca. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Bộ Tài chính đang đề xuất sẽ tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10 - 12%. Đại diện Bộ Tài chính và cả chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN cũng cho rằng việc tăng thuế GTGT sẽ không ảnh hưởng đến nhóm có thu nhập thấp nhất (nhóm thu nhập 1) vì nhóm này dành gần 60% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục (những mặt hàng theo đại diện của Bộ Tài chính là không chịu thuế GTGT), trong đó nhóm thu nhập cao nhất (nhóm thu nhập 5) chỉ dành gần 40% chi tiêu để mua những mặt hàng trên.

Người nghèo dùng nhiều mặt hàng chịu thuế
Dựa trên số liệu kết quả khảo sát mức sống dân cư VN năm 2014, tạm thời phân loại các mặt hàng được xem là không chịu thuế GTGT gồm: lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục và các mặt hàng còn lại được xem là những mặt hàng chịu thuế GTGT.
Kết quả tính toán cho thấy trong cơ cấu chi tiêu cho đời sống năm 2014, nhóm thu nhập 1 có tỷ lệ chi tiêu cho các mặt hàng chịu thuế GTGT là 40,3% so với mức 28,5% vào năm 2002.

Trong khi đó, nhóm thu nhập 5 có tỷ lệ chi tiêu cho các mặt hàng chịu thuế GTGT trong năm 2002 và 2014 lần lượt là 54,6% và 60,3%. Số liệu này cho thấy, chi tiêu của nhóm thu nhập 1 có khuynh hướng chuyển sang tiêu dùng nhiều loại hàng hóa chịu thuế GTGT hơn.

Tuy trong cơ cấu chi tiêu, người có thu nhập thấp chi tiêu cho các mặt hàng chịu thuế GTGT ít hơn nhưng tỷ lệ chi tiêu các hàng hóa chịu thuế GTGT trên thu nhập của nhóm này cao hơn so với nhóm có thu nhập cao (50,6% so với 29,5%).

Ngoài ra, trong năm 2002 mức chênh lệch thu nhập của nhóm thu nhập cao và nhóm thu nhập thấp là 8,1 lần thì đến năm 2014 tăng lên 9,7 lần. Như vậy có thể thấy rằng, nếu đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính được thông qua thì người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì nhóm này đang dịch chuyển sang sử dụng nhiều hàng hóa chịu thuế GTGT hơn, và tỷ lệ chi tiêu của người nghèo cho các hàng hóa chịu thuế GTGT trên thu nhập cũng cao hơn so với nhóm thu nhập cao.

Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cho rằng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hay giáo dục, y tế là các mặt hàng không chịu thuế GTGT, nhưng thực tế không phải các hàng hóa nào thuộc nhóm này cũng được miễn thuế GTGT. Vì vậy, có thể nhóm có thu nhập thấp nhất chi tiêu hàng hóa chịu thuế GTGT nhiều hơn so với các tính toán trong khảo sát này.

Nông thôn bị ảnh hưởng nhiều hơn thành thị

Trong năm 2014, dân cư ở nông thôn chi tiêu cho các mặt hàng chịu thuế GTGT là 49,5% so với mức 39,8% vào năm 2002. Tỷ lệ chi tiêu các mặt hàng chịu thuế GTGT/thu nhập cũng tăng từ 30,5% ở năm 2002 lên 35,1% năm 2014, gần bằng tỷ lệ của dân cư thành thị (35,8%).

Tuy mức thu nhập giữa thành thị và nông thôn đã giảm từ 2,3 lần (năm 2002) xuống còn 1,9 lần (năm 2014), nhưng kết quả tính toán này vẫn cho thấy người dân ở khu vực nông thôn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn người dân ở thành thị với đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính.

Qua những tính toán từ kết quả khảo sát mức sống trên cho thấy, nhóm người nghèo sẽ chịu tác động nhiều nhất nếu đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính được thông qua. Khu vực nông thôn cũng chịu nhiều ảnh hưởng hơn so với khu vực thành thị. Do vậy đề xuất tăng thuế GTGT cần được nghiên cứu một cách thấu đáo và tính toán cẩn trọng hơn.

Mỗi con cá, cân đường, hộp sữa, lít xăng... nếu tăng thuế giá trị gia tăng sẽ lập tức kéo giá tăng theo.

TS Trần Hùng Sơn
http://thanhnien.vn/kinh-doanh/tang-thue-gtgt-nguoi-ngheo-va-nong-thon-bi-anh-huong-nang-nhat-875806.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét