Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Đổi tiền ở VN: Truyền thông và đời thực

Đổi tiền ở VN: Truyền thông và đời thực
Trần Quốc Quân, gửi tới BBC Tiếng Việt từ Warsaw, Ba Lan
14 tháng 9 2017 - 
Với qui định tiền đang lưu hành phải nộp lại trong vòng 3-5 ngày với tỷ lệ 1 đồng mới ăn 10 đồng cũ và số lượng bị hạn chế như sau: Mỗi gia đình chỉ được đổi 20.000 đồng cũ lấy 2.000 đồng mới; mỗi người độc thân chỉ được đổi 15.000 đồng cũ lấy 1.500 đồng mới; mỗi hộ kinh doanh công thương nghiệp chỉ được đổi 50.000 đồng cũ lấy 5.000 đồng mới, thì bản chất cuộc đổi tiền năm 1985 không khác gì nhà nước thi hành chính sách cướp tiền dân.

Ngày này 32 năm trước, 14/9/1985, nhà nước Việt Nam đã tiến hành đổi tiền trên cả nước. Đây là lần đổi tiền thứ hai kể từ sau ngày thống nhất đất nước 1975, nhằm thực hiện một trong ba nhiệm vụ quan trọng của cải cách giá - lương - tiền, chuyển nền kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa mà thực chất là vận hành theo qui chế thị trường.

Nhưng quan trọng hơn là để cứu nền kinh tế kế hoạch hóa bị kiệt quệ vì sản xuất đình trệ và phải duy trì hai cuộc chiến tranh với Campuchia và Trung Quốc.

Chuyên gia nói gì về tin đồn Việt Nam đổi tiền?
Ngân hàng Nhà nước VN 'bác tin đổi tiền'

Đây cũng là lần thứ hai trong đời, tôi biết đến đổi tiền.

Lần đổi tiền đầu tiên là ngày 3/5/1978 với mục đích thống nhất tiền tệ lưu hành tại hai miền Bắc, Nam.

Khi ấy, đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi được trường phân công trợ giúp một bàn đổi tiền tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Là sinh viên hưởng trợ cấp 18 đồng một tháng, tôi không có nổi đến 100 đồng là lượng tiền tối đa để đổi cho mỗi người độc thân theo quy định. Tuy thế, tôi nhất định không "tiếp tay" đổi hộ các gia đình bạn bè tiểu thương để kiếm chút tiền tiêu.

Hồi đó hầu hết sinh viên đều có ý nghĩ trong sáng thế.

Sau cuộc đổi tiền này, từ năm 1979 đến 1985 đời sống khó khăn cùng với lạm phát tăng cao khiến đổi tiền trở thành thông tin nhạy cảm đối với cả xã hội. Toàn dân luôn trong tư thế thấp thỏm nghe ngóng mỗi khi có tin đồn thổi "đổi tiền".
Bí mật và tin đồn

Đổi tiền là chủ trương có tác động rất lớn lên đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, cuộc đổi tiền lần thứ hai vào ngày 14/9/1985 được giữ bí mật đến phút chót với mục đích "cho bọn nhà giàu không kịp trở tay".

Ấn Độ hỗn loạn sau lệnh đổi tiền
Tin đồn về việc đổi tiền của Ấn Độ

Trong tháng 11/2016, người dân Ấn Độ choáng váng khi giới chức công bố ngưng lưu hành các tờ tiền mệnh giá 500 rupee (tương đương 7 đô la) và 1.000 rupee (tương đương 14 đô la) để 'chống tham nhũng'

Ngày 12/9/1985, báo Tuổi Trẻ vẫn đăng trên trang nhất bài viết "Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương", trong đó có nội dung "Với sự tăng cường hiệu lực của bộ máy chuyên chính vô sản, mọi hậu quả tin đồn phải được thanh toán triệt để".

Thế nhưng chỉ hai ngày sau, sáng sớm 14/09/1985, hệ thống phát thanh, truyền hình và báo chí trong cả nước bất ngờ đưa tin thời sự nóng hổi "Đổi Tiền".

Lần đổi tiền này, tuy chỉ là công chức nghèo nhưng tôi cũng trở thành nạn nhân cùng với "đối tượng bị tước đoạt" là giới giàu có tiểu thương và tư sản.

Càng gần đến ngày N, tin đồn đổi tiền càng lan rộng, thậm chí công khai khiến nhiều người hoang mang lo lắng. Nhưng những bài viết, bài phát biểu phủ nhận trên báo chí, truyền hình đã củng cố lòng tin cho tôi.

Ngày 13/9/1985, tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh trong một chuyến công tác định trước với số tiền mang theo tương đương một tháng lương. Tôi ở nhà khách của Văn phòng 2 Tổng cục Thống kê tại 40E Ngô Đức Kế, cửa sổ phòng ngủ quay ra đường Nguyễn Huệ.

Sáng sớm hôm sau, đang ngủ sâu, bỗng nhiên tôi nghe ngoài cửa sổ vang lên tiếng loa truyền thanh loan báo thông tin đổi tiền. Tôi bừng tỉnh, lo lắng. Ơ! Sao mới bảo "Đập tan thủ đoạn tung tin đồn thất thiệt" cơ mà.

Cả thành phố như thức dậy theo, ngơ ngác, hoảng loạn.

"Nạn nhân"

Lắng nghe thông báo hướng dẫn qua loa truyền thanh, không kịp ăn sáng, tôi vội lao ra bàn đổi tiền xế bên cổng chợ Bến Thành. Ở đó đã có đám đông hàng trăm người xếp không ra hàng ra lối, ồn ào nhốn nháo đang chầu chực sẵn.

Việc đổi tiền thường được áp dụng ở những thời điểm kinh tế, chính trị có nhiều biến động

Vừa đến giờ mở cửa, ai cũng cố ào ạt xông lên để chen bằng được vào bên trong hàng rào sắt. Dưới ánh nắng, trong cái nóng nhễ nhại mồ hôi, người đổ đến bàn đổi tiền càng ngày càng đông.

Chen chúc một lúc, tôi bị bật ra vòng ngoài.

Quay sang, tôi thấy vợ chồng nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Tr. G. đang đứng bên cạnh. Nhìn đám đông một lúc lâu, họ ngao ngán lắc đầu rồi lững thững bỏ đi.

Chờ đến giữa trưa, thấy đám đông không hề thuyên giảm, với cái bụng đói meo tôi đành bỏ về nhà khách. Trong túi tôi lúc đó chỉ có cuộn tiền cũ không còn giá trị lưu hành.

Chưa tìm ra cách đổi được tiền cũ sang tiền mới, tôi đành ngồi nghĩ kế cứu đói cho mình trước tiên.

Chợt nhớ ra loa truyền thanh buổi sáng hướng dẫn, tiền lẻ mệnh giá thấp vẫn có giá trị trao đổi, tôi tìm trong ví được số tiền lẻ đủ mua một bữa ăn đạm bạc.

Hôm sau, vẫn chưa đổi được tiền, tôi tìm đến nhà người bạn để ăn chạc bữa trưa. Bạn tôi dân thành phố, tuy thổ công nhưng cũng không đổi được tiền. May là khi mở các ngăn kéo trong phòng riêng, bạn tôi tìm được khá nhiều tiền lẻ, đủ nuôi hai người đến khi đổi được tiền mới.

Đổi tiền hay tước đoạt tiền có tổ chức?

Như đã nói, Nhà nước Việt Nam tổ chức đổi tiền lần 2 mục đích là chuyển nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh "vận hành theo quy chế thị trường" và để trang trải cho những khó khăn của nền kinh tế.

Venezuela hoãn đổi tiền đến tháng Giêng
Venezuela đổi tiền nhằm 'chống lại mafia'
Tháng 12/2016, Tổng thống Maduro của Venezuela tuyên bố đổi tiền đối với toàn bộ các tờ mệnh giá 100 bolivar để chống nạn buôn lậu

Với qui định tiền đang lưu hành phải nộp lại trong vòng 3-5 ngày với tỷ lệ 1 đồng mới ăn 10 đồng cũ và số lượng bị hạn chế như sau: Mỗi gia đình chỉ được đổi 20.000 đồng cũ lấy 2.000 đồng mới; mỗi người độc thân chỉ được đổi 15.000 đồng cũ lấy 1.500 đồng mới; mỗi hộ kinh doanh công thương nghiệp chỉ được đổi 50.000 đồng cũ lấy 5.000 đồng mới, thì bản chất cuộc đổi tiền năm 1985 không khác gì nhà nước thi hành chính sách cướp tiền dân.

Thế nhưng, y như không khí ngày đổi tiền, đời sống kinh tế xã hội Việt Nam những năm sau đổi tiền rơi vào hỗn loạn với mức lạm phát cao tới ba con số: năm 1986 là 774%, năm 1987 là 323%, và năm 1988 là 393%.

Với mức gia tăng lạm phát như trên, chỉ trong ba năm từ 1986 đến 1988, trước khi tôi đi du học Ba Lan, giá cả hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam đã tăng gần 100 lần.

Tôi còn nhớ rõ, cái xe máy Simson S50 anh tôi dành dụm tiền mua được trong thời gian du học Đông Đức, đem về bán trước đổi tiền năm 1985, má tôi gửi vào tiết kiệm, đến năm 1990 rút ra số tiền không mua nổi một chiếc lốp xe đạp.

Đổi tiền rồi phát hành tiền vô tội vạ khiến lạm phát gia tăng ở mức cao là đỉnh cao nghệ thuật nhà nước tước đoạt tiền của nhân dân.

Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, hiện đang sống tại Warsaw, Ba Lan.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41267504

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét