Dân phải è cổ ‘bồi thường’ 3.000 tỷ đồng cho sân golf Tân Sơn Nhất?
Thiền Lâm - Rốt cuộc, sân golf Tân Sơn Nhất đã bị biến thành “kẻ tống tiền”, còn ngân sách quốc gia và tiền thuế của dân tạo ra ngân sách lại bị biến thành một thứ “con tin”. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ ngày 28/8/2017, ông Trần Văn Tĩnh, người nắm giữ 48,5% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên (Lobico) và hiện giữ chức Phó chủ tịch HĐQT Lobico – “ông chủ” của sân golf Tân Sơn Nhất, đã nói toạc ra “đạo lý” trên: “sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng phải bồi thường”!Ông Trần Văn Tĩnh “ra giá”: “Đến nay chúng tôi đã đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng vào dự án…”. Ảnh: Tuổi trẻ. “Đạo lý” trên lại rất nhất quán từ trên xuống dưới, và từ dưới lên trên trong hệ thống “nhóm lợi ích quân đội”. Chỉ khoảng 3 tuần trước khi “phải bồi thường” của ông Trần Văn Tĩnh, Thứ trưởng Quốc phòng Trần Đơn cũng đã ‘bắn ý” về “phải bồi thường”.
“Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, nếu Chính phủ quyết định thu hồi thì bất kỳ lúc nào cũng được”, nhưng “Vấn đề là cần tính đến phương án đền bù, giải quyết cho nhà đầu tư ra sao cho hợp lý” – Thượng tướng Trần Đơn nói “thòng” trong hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về quản lý sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay TSN diễn ra tại TP.HCM vào sáng ngày 8/8/2017.
Có thể hiểu phát ngôn của tướng Trần Đơn là điều kiện tiên quyết để phía quân đội trả lại đất cho phi trường TSN, còn nếu không thì có chờ đến… tết công gô.
Thứ trưởng Quốc phòng Trần Đơn, không biết có “đại diện” cho một nhóm lợi ích nào, đã như thách thức dư luận theo cách “muốn lấy sân golf thì lấy đi, nhưng đã xây bao nhiêu thì phải bỏ ra chừng đó tiền mà đền”. Và nếu theo đúng phương châm “quân đội làm kinh tế sân golf” như thế thì còn rất lâu hoặc chẳng bao giờ có chuyện “sân golf trả về phi trường”.
“Sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất” cũng là “quan điểm” của giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng, từ Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đến Thứ trưởng Trần Đơn, trong các chuyến thị sát sân bay TSN và trong các cuộc làm việc với Chính phủ và chính quyền TP.HCM. Sự nhượng bộ có vẻ dễ dãi như thế đã khiến một số dư luận ngạc nhiên, vì sân golf TSN chiếm diện tích đến 157 ha và đều là “đất vàng”.
Tuy vậy, thái độ nhượng bộ trên lại không quá khó để giải thích.
Một “biến cố” mà nhóm lợi ích quân đội và giao thông không thể lường trước khi làm sân golf TSN là đến nay phi trường TSN đã kẹt cả dưới đất lẫn trên trời. Giờ đây, đường vào phi trường TSN đang trở nên nỗi kinh hoàng với tất cả hành khách. Rất nhiều lần tuyến chính dẫn vào phi trường là đường Trường Sơn cùng các đường nhánh bị kẹt suốt 3-4 tiếng đồng hồ, khiến nhiều hành khách phải bỏ xe hơi, ôm hành lý chạy vội vào nhà ga phi trường để khỏi lỡ chuyến bay.
Trong khi đó, lối thoát được kỳ vọng nhất của sân bay TSN là dự án phi trường Long Thành lại… bế tắc.
Khác hẳn thời “tiền vào như nước” và vốn ODA “từ trên trời rơi xuống”, từ năm 2017 Việt Nam sẽ không còn được ưu ái về lãi suất và thời hạn cho vay vốn ODA từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu, kể cả Nhật Bản. Trong cơn bĩ cực ấy, thế lực muốn dời phi trường TSN về sân bay Long Thành không biết tìm đâu ra gần 18 tỷ USD để xây dựng. Ngay cả 18 ngàn tỷ đồng để bồi thường giải tỏa dân cư xung quanh dự án này còn chưa biết tìm đâu ra… Do đó, không chịu trả sân golf cho phi trường là không thể được.
Và nếu không chịu trả sân golf cho phi trường, Chính phủ sẽ không biết đào đâu ra ít nhất 9,3 tỷ USD để bồi thường trong phương án “mở rộng phi trường TSN về phía Nam”, tức phải giải tỏa các khu dân cư ở ba quận Tân Bình, Gò Vấp và Phú Nhuận.
Chưa kể đến việc sân golf TSN vẫn tiếp tục… lỗ. giới chủ đầu tư của sân golf này vừa nêu ra còn số tổng số lỗ lũy kế của dự án đến nay khoảng hơn 400 tỉ đồng.
Nói trắng ra, không còn tương lai cho sân golf TSN.
Cho đến nay, đã có thể khẳng định quan điểm của Quân ủy trung ương, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, đang nghiêng về phương án “trả sân golf cho phi trường Tân Sơn Nhất”.
Vô hình trung, ý đồ ban đầu “chuyển phi trường TSN về sân bay Long Thành” của nhóm lợi ích giao thông và ODA đã gần như phá sản. Giờ đây, chỉ còn phi trường TSN và Bộ Chính trị không còn cách nào khác là phải chọn phi trường này, ít nhất từ đây đến năm 2025.
Vậy nếu “phải bồi thường” cho nhà đầu tư đã xây dựng sân golf TSN, tức cho Công ty cổ phần Long Biên của Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh, kinh phí bồi thường là bao nhiêu?
Trong phát ngôn của mình, ông Trần Đơn không nói ra con số nào. Chỉ đến ông Trần Văn Tĩnh mới “ra giá”: “Đến nay chúng tôi đã đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng vào dự án…”.
Tình thế cấp bách đang đặt ra hai khả năng: ngân sách quốc gia có phải bồi thường hay là không.
Về mặt pháp luật, cần nhắc lại một kết luận của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: hợp đồng xây dựng sân golf TSN là vô hiệu. Theo đó, có thể cho rằng phát ngôn của Thứ trưởng Đơn đã vô trách nhiệm và sai luật. Hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.
Nhưng nếu Chính phủ vẫn “quyết liệt” trích ngân sách ra để bồi thường cho nhóm lợi ích sân golf mà không thèm hỏi ý kiến dân, quan chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm về 3.000 tỷ đồng bồi thường trái pháp luật ấy?
T.L.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét