Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

(1) “Bàn tay vô hình” băm nát quy hoạch Thủ đô

Kỳ 1: “Gom” dân chứ không phải giãn dân
Reatimes.vn Hàng loạt những vấn đề "nóng" của Hà Nội hiện nay như gia tăng dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước, ngập úng, quá tải hạ tầng kỹ thuật, thiếu trường học… là minh chứng khẳng định, quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Thủ đô đang bộc lộ những bất cập khó có thể khắc phục.

Hạ tầng giao thông không phát triển theo kịp
tốc độ tăng dân số tại các khu đô thị mới. 
Theo thống kê của Cục Phát triển hạ tầng (Bộ Xây dựng), tính đến năm 2016, cả nước đã có 802 đô thị và hơn 10.000 điểm dân cư nông thôn. Tốc độ đô thị hóa của nước ta diễn biến rất nhanh, tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 20% năm 1998 lên mức 36,6% vào năm 2016, diện tích đất đô thị đã tăng từ 630km2 lên mức hơn 41.700km2 từ năm 1998 đến 2016.

Tại Hà Nội, theo nhiều chuyên gia xây dựng, quy hoạch nhà cao tầng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch chưa cao, điều chỉnh nhiều, thậm chí tràn lan. Đặc biệt là quy hoạch hạ tầng xã hội và kỹ thuật không tương thích với việc phát triển nhà ở đang dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh, nếu Hà Nội không tính toán đến các vấn đề quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, bảo đảm cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường thì sẽ phải trả giá đắt trong thời gian tới.

Bằng những thông tin và hình ảnh thực tế ghi nhận được, cùng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, Reatimes thực hiện và khởi đăng loạt bài: “Bàn tay vô hình” băm nát quy hoạch Thủ đô.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung từng thừa nhận, ông là người ngoại đạo không liên quan đến quy hoạch kiến trúc. Khi sang nhận nhiệm vụ mới, ông đã đọc rất nhiều tài liệu về các đô thị trên thế giới sẽ định hướng, thay đổi như thế nào.

"Đối chiếu với tiêu chuẩn, tiêu chí một thành phố xanh trong tương lai, tôi nhận thấy việc phát triển quy hoạch của Hà Nội có những vấn đề chúng ta đang đi chệch hướng”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, nếu như những năm 1990, Hà Nội lấy rộng ra hai bên 200-300 m mặt đường thì thành phố đã có đủ tiền để phát triển hạ tầng không kém gì các nước khác. Nhưng đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội. Năm qua, những khu đất 5-7 ha cũng bị băm ra cho 2-3 chủ đầu tư.

"Tôi không hiểu đằng sau có gì người ta xin nhau hay không, nhưng tóm lại làm quy hoạch theo kiểu đấy thì không bao giờ tốt được", ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Minh chứng cho những điều Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói, dễ nhận thấy hiện nay, tại Hà Nội, nhiều khu chung cư trên địa bàn phường Hoàng Liệt, Linh Đàm (Hoàng Mai), Vạn Phúc (Hà Đông), Phú Diễn (Bắc Từ Liêm), xã An Khánh (Hoài Đức)… đang thiếu trường học, dẫn tới học sinh phải học nhờ, học tạm...

Thêm đó, tình trạng ùn tắc, ngập úng cũng xảy ra tại các khu đô thị mới ở Hà Nội đang là nỗi lo lớn của các cư dân hiện đại. Nóng vội trong các quy hoạch, thiếu kiểm soát trong thực hiện các quy hoạch, chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng xã hội… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.


Sau trận mưa, Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Nội) ngập trong nước, giao thông đi lại khó khăn.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý đô thị cũng chưa theo kịp thực tiễn phát triển. Tình trạng dự báo quy hoạch chưa đáp ứng được xu thế phát triển của đô thị, các quy hoạch dễ dàng bị điều chỉnh, quản lý hành chính đô thị yếu.

Điển hình như, việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) đã “băm nát” khu đô thị đáng sống. Theo quy hoạch, tổ hợp HH được xây dựng 12 tòa nhà nhỏ trên khu đất phía Tây Nam bán đảo Linh Đàm để làm khu văn phòng, khách sạn và nhà ở cao cấp. Chiều cao các tòa nhà khoảng 25-35 tầng tạo điểm nhấn. Mật độ xây dựng tại đây chỉ khoảng 20-30%.


Việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) đã “băm nát” khu đô thị đáng sống.

Thế nhưng hiện nay, khu đất HH bị phá vỡ quy hoạch ban đầu và biến thành tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với khoảng 8.000 căn hộ. Công trình do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư với 4 tổ hợp nhà cao từ 35 đến 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng) trên khu đất khoảng 3 ha. Mỗi tổ hợp lại gồm 3 đơn nguyên nhà A, B, C. Tổng cộng khu HH có tới 12 tòa nhà chung cư cao tầng, mật độ xây dựng trên 50%.

Chúng ta đang nỗ lực giãn dân nội đô ra bên ngoài, vì sao Hà Nội lại vẫn cho xây chung cư trong khu lõi? Nó có tốn kém, bất cập gì không? Khu Đống Đa, Ba Đình có được xây không? Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu.

Bên cạnh việc điều chỉnh quy hoạch không đồng bộ, mạng lưới giao thông tại các đô thị lớn chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu đi lại và vận tải của người dân. Tại một số dự án, quá trình đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải và chưa theo quy hoạch.

Nhiều dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị triển khai chậm. Các dự án phát triển đô thị mới thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu hạ tầng xã hội. Dự án cải tạo môi trường đô thị chưa gắn với các dự án cải tạo chỉnh trang và phát triển mới nơi ở, nơi làm việc và giải trí của đô thị.

Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về công tác quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng, đề cập về việc Hà Nội thực hiện chủ trương giãn dân khu vực nội đô trong thời gian qua, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Văn Chiến cho biết, từ lâu chúng ta thực hiện chủ trương giãn dân nội đô để nội đô văn minh sạch đẹp và giải quyết nhiều vấn đề liên quan môi trường ô nhiễm, giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công việc này chưa có kết quả. Hiện nay rất nhiều chung cư cao tầng “mọc” lên ở nội đô Hà Nội. Thậm chí các cơ quan chức năng phê duyệt cho chủ đầu tư xây dựng căn hộ diện tích nhỏ rồi bán cho người dân đua nhau vào trong nội đô để ở. “Câu hỏi đặt ra bây giờ chủ trương giãn dân sẽ được giải quyết như nào? Với việc quy hoạch như vậy thì Hà Nội đang gom dân hay giãn dân nội đô”, đại biểu Chiến nêu vấn đề.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác quy hoạch Hà Nội đang còn nhiều bất cập. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quy hoạch chung của Hà Nội quy định khu nội đô từ phía Nam sông Hồng đến vành đai 2, được giới hạn khu không phát triển các công trình cao tầng. Trong quy chế về quản lý nhà cao tầng của Hà Nội, những công trình bên trong này chủ yếu cao từ 21 - 27 tầng là tối đa, còn ra bên ngoài vành đai 2 hoặc sát vành đai 3 bắt đầu có công trình 39 tầng, các khu chung cư cải tạo cũng chỉ khoảng chừng 21 - 29 tầng. “Nhưng thực tế lại có khu mà người ta nói nhiều trong thời gian qua cao trên 40 tầng. Tôi nghĩ chắc chắn cái này các anh ở Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc bị sức ép rất lớn về chuyện này. Vậy đâu là nguyên nhân tạo ra cái đó? Sửa đổi luật pháp ra sao để tránh tình trạng này?”, ông Cường nói.


Hàng loạt tòa nhà cao ốc hai bên đường Lê Văn Lương.

Đơn cử như các khu vực quanh tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Minh Khai thời gian qua đã có cả chục dự án chung cư cao từ 25 đến 35 tầng được cấp phép. Việc phê duyệt các dự án BĐS dày đặc đang khiến tuyến đường trở thành nỗi khiếp sợ của người dân khu vực khi vào giờ cao điểm thường xuyên phải chịu cảnh ùn tắc. Một kilômét đường vào giờ cao điểm phải đi mất 20 đến 30 phút là chuyện thường ngày ở đây.

Nhận định về vai trò quan trọng của quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng từng nhấn mạnh, đô thị hóa là quá trình tất yếu, nhưng nếu không tính toán từ đầu, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt trong tương lai. Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị vừa qua đã bộc lộ những lỗ hổng, khiếm khuyết.

Theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, Việt Nam chưa có một công cụ tốt để kiểm soát việc thực hiện quy hoạch. Quy hoạch ban đầu được xây dựng từ sự góp ý của cả xã hội, thường là một sản phẩm rất tốt, nhưng khi điều chỉnh quy hoạch lại chỉ có một nhóm nhỏ tham gia và chất lượng quy hoạch sau điều chỉnh không được như ban đầu nữa.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, năm 2017, Bộ Xây dựng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ rà soát, kiểm tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch của tất cả các khu đô thị trên toàn quốc. Đặc biệt là những khu đô thị lớn để đảm bảo chất lượng của các đô thị được quản lý theo quy hoạch.

Vấn đề quy hoạch cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình cao tầng theo Quy hoạch xây dựng thủ đô và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội thành.

Thực trạng quy hoạch xây dựng Thủ đô đã bị "băm nát" ra sao? Những ai, đơn vị nào đã “quy hoạch băm nát thủ đô”? Và những ai được hưởng lợi từ việc “băm nát” này? Mới đọc giả đón đọc những kỳ tiếp theo của loạt bài: “Bàn tay vô hình” băm nát quy hoạch Thủ đô.

Kỳ 2: Sự "thất bại” của một khu đô thị kiểu mẫu

Trần Kháng
http://reatimes.vn/ky-1-gom-dan-chu-khong-phai-gian-dan-12158.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét