Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

(1) Việt Nam và đại nạn Trung Hoa: thời cổ sử

Việt Nam và đại nạn Trung Hoa:
Đại nạn Trung Hoa thời cổ sử
Tháng Sáu 13, 2015 Trần Gia Phụng - Việt Nam nằm về phía nam Trung Hoa, một nước lớn so với Việt Nam. Vị trí địa lý nầy là một đại nạn thường trực cho Việt Nam, vì các nhà lãnh đạo Trung Hoa qua mọi thời đại, luôn luôn ỷ thế nước lớn, kiếm cách xâm lăng các nước nhỏ láng giềng, trong đó có Việt Nam. Trong suốt hơn 1,000 năm đô hộ cổ Việt, từ năm 208 trước Công nguyên đến năm 938 sau Công nguyên, các thái thú Trung Hoa không ngừng vơ vét tài nguyên cổ Việt để cung ứng cho triều đình Trung Hoa. Bài nầy trình bày đại nạn Trung Hoa từ thời cổ sử đến cận đại
Lược đồ Âu Lạc thế kỷ I-III (Nhà Hán chia Âu Lạc 
thành ba quận là Giao Chỉ,Cửu Chân và Nhật Nam
1. Trung Hoa xâm chiếm cổ Việt
Ở phương bắc, lúc mới lập quốc, người Trung Hoa quần tụ sinh sống chung quanh lưu vực Hoàng Hà (Huang He), phía bắc Dương Tử Giang (Yang Zi Jiang), khá xa cổ Việt. Các triều đại Trung Hoa đầu tiên theo chế độ phong kiến, tức phong hầu (phong chức) và kiến địa (cắt đất) để cai trị. Hoàng đế Trung Hoa nắm giữ chính quyền trung ương. Các vương hầu đứng đầu các tiểu quốc chung quanh gọi là chư hầu. Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên (TCN), nhà Châu (Chou) suy yếu. Trong các chư hầu, lúc đó nước Tần mạnh nhất.

Năm 221 trước TCN, vua nước Tần là Tần Chính tiêu diệt các chư hầu, thống nhất Trung Hoa, lên ngôi hoàng đế tức Tần Thủy Hoàng (Ch’in Shih Huang, trị vì 221-210 TCN), lập ra nhà Tần (Ch’in). Tần Thủy Hoàng bỏ chế độ phong kiến, xóa các nước nhỏ, chia Trung Hoa thành 36 quận, đặt quan cai trị, thuộc quyền hoàng đế.

Ổn định xong trung nguyên Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư (Tu Shu) và Sử Lộc (Shi Lu) cầm quân vượt qua sông Dương Tử năm 214 TCN (đinh hợi), mở mang bờ cõi xuống phương nam, chiếm vùng đất mà người Trung Hoa gọi là vùng Bách Việt, lập thành ba quận là Quế Lâm (Kueilin), Nam Hải (Nanhai), và Tượng Quận (Hsiang).

Quế Lâm nay là vùng bắc và đông Quảng Tây. Nam Hải là vùng Quảng Đông. Tượng Quận là đất cổ Việt, tức vùng Bắc Việt ngày nay. Trong ba quận nầy, Tượng Quận ở xa xôi nhất đối với Trung Hoa. Phía bắc Tượng Quận, núi non hiểm trở bao bọc, ngăn cách với Nam Hải, Quế Lâm, và trung nguyên Trung Hoa.

Đồ Thư bị người địa phương kháng cự và giết chết. Nhà Tần cử Nhâm Ngao (hay Nhâm Hiêu) làm hiệu uý quận Nam Hải và Triệu Đà (Chao T’o) làm huyện lệnh Long Xuyên (Lung-Chuan), thủ phủ của quận Nam Hải.

Năm 210 TCN (tân mão), Triệu Đà đem quân sang đánh Tượng Quận hay cổ Việt. Theo truyền thuyết, vua cổ Việt là An Dương Vương, nhờ có nỏ thần nên đã đẩy lui quân Triệu Đà. Triệu Đà liền giảng hòa và cho con trai là Trọng Thủy sang kết hôn với con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu. Trọng Thủy lén bẻ gãy nỏ thần, thay bằng một nỏ giả, rồi về nước. Năm 208 TCN (quý tỵ), Triệu Đà tấn công An Dương Vương lần nữa, và chiếm được khu vực cổ Việt.(1)

Lúc đó, Nhâm Ngao bị bệnh qua đời. Trước khi từ trần, Nhâm Ngao khuyên Triệu Đà nên dựa vào địa thế xa xôi hiểm trở của quận Nam Hải, thành lập một nước độc lập. Năm 207 TCN (giáp ngọ), Triệu Đà chiếm Nam Hải và tự xưng vương, tức Triệu Võ Vương, đặt quốc hiệu là Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung (có tài liệu gọi là Phan Ngu hay Phan Ngung). Năm 198 TCN (quý mão), Triệu Võ Vương cử người sang cai trị cổ Việt.(Cương mục, bd. tập 1, sđd. tr. 89.)

Bên Trung Hoa, sau khi nhà Tần bị lật đổ, Hạng Võ (Xiang Yu) cùng Lưu Bang (Liu Bang) tranh hùng. Lưu Bang thành công, lên ngôi hoàng đế, tức Hán Cao Tổ (Han Kao Tsu, trị vì 202-195 TCN), lập ra nhà Hán (202 TCN – 220). Lúc đầu, Hán Cao Tổ vẫn để họ Triệu làm vương đất Nam Việt. Gần 100 năm sau, Hán Võ Đế (Han Wu Ti, trị vì 141-87 TCN) sai Lộ Bác Đức (Lu Bo De) đem quân đánh nhà Triệu năm canh ngọ (111 TCN), giết vua Triệu Dương Vương và thái phó Lữ Gia, chiếm nước Nam Việt.

Cần chú ý là Triệu Đà vốn là tướng của nhà Tần, vâng lệnh nhà Tần làm huyện lệnh Long Xuyên, thủ phủ của quận Nam Hải, nhân cơ hội xáo trộn ở Trung Hoa, đứng lên chiếm quận Nam Hải, lập ra nước Nam Việt. Triệu Đà không phải là người địa phương Bách Việt. Triệu Đà xâm lăng cổ Việt và sáp nhập cổ Việt vào nước mới của ông là Nam Việt.

Theo sử gia Ngô Thời Sỹ (thế kỷ 18), tác giả bộ Việt sử tiêu án, vì Triệu Đà sáp nhập cổ Việt vào nước Nam Việt, nên khi Nam Việt bị Lộ Bác Đức sáp nhập vào nước Trung Hoa năm 111 TCN, vùng cổ Việt cũng bị sáp nhập luôn vào Trung Hoa, chứ trước kia quân đội của triều đình Trung Hoa không xuống tận miền biên viễn xa xôi nầy. Do đó, theo Ngô Thời Sỹ, Triệu Đà chẳng những không có công gì với cổ Việt mà là người đem họa lại cho cổ Việt nữa.(2) Từ đó, cổ Việt bị Trung Hoa đô hộ cho đến năm 938, khi Ngô Quyền chiến thắng trận Bạch Đằng Giang, đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi nước.

2.- Chủ trương thuộc địa thựa dân

Khi gởi quân vượt sông Dương Tử, đánh chiếm Bách Việt, triều đình Trung Hoa thực hiện ngay chính sách thuộc địa thực dân (thực = trồng, tức trồng người). Triều đình Trung Hoa gởi người Trung Hoa, thuộc chủng Mongoloiid (Mông-cổ) đến các vùng đất mới chiếm càng ngày càng đông. Những đợt di dân đầu tiên có thể gồm hai hạng người: thứ nhất là những binh sĩ đi chiếm đất và thứ hai là những người có trọng tội, bị lưu đày đến miền biên viễn. Khi làm lệnh Long Xuyên, Triệu Đà gởi sứ về triều đình nhà Tần, xin triều đình gởi ba vạn con gái hoặc đàn bà góa sang để làm vợ binh sĩ.(3) Như thế, chứng tỏ số người gốc Hoa được gởi đến vùng Nam Hải lên khá đông.

Từ khi Triệu Võ Vương (Triệu Đà) cử người sang cai trị cổ Việt (198 TCN), người Trung Hoa thuộc chủng Mongoloiid di cư đến tận cổ Việt càng ngày càng đông, đến nỗi có sử thuyết cho rằng những người Hoa di cư nầy chính là tổ tiên người Việt. Trong thực tế những di chỉ khảo cổ cho thấy những người đầu tiên sống trên đất cổ Việt nói chung thuộc chủng người được sắp vào nhóm Indonesian hay Mã Lai Đa Đảo (Malayo-Polynesian). Những người Hoa di cư từ thời Triệu Đà đến Cổ Việt sinh sống, đã hợp chủng với người bản địa cổ Việt để trở thành tổ tiên người Việt ngày nay.

Theo sách The Living Races of Men (New York, 1966), các tiến sĩ Carleton S. Coon và Edward E. Hunt Jr. dựa trên những khảo cứu về huyết học, đã sắp người Đông Nam Á, trong đó có người Việt Nam, và người Indonesian nằm chung trong một hệ thống huyết tộc với nhau.(4) Bên cạnh đó, trong những nghiên cứu về nguồn gốc người Việt Nam, bộ bách khoa Encyclopedia Britannica (1999) đã kết luận “… rằng giữa người Việt với người Thái và các tộc hệ Indonesian có liên hệ mạnh mẽ [chặt chẽ] về xã hội và văn hóa.”(5) Các kết quả nầy cho thấy trong cuộc hợp chủng Việt Hoa thời cổ Việt, yếu tố bản địa có tính cách chủ yếu quan trọng cả về chủng tộc, lẫn văn hóa và xã hội.

Yếu tố bản địa còn thấy rõ trong hai sự kiện: 1) Thứ nhất, dầu bị đô hộ hơn một ngàn năm trong thời cổ sử, người Việt vẫn duy trì tiếng Việt, vẫn nói tiếng Việt cho đến ngày nay, trong khi chữ viết có thể thay đổi. 2) Thứ hai, đế quốc Trung Hoa xâm chiếm miền Nam sông Dương Tử, một vùng đất rộng mệnh mông với nhiều sắc dân khác nhau, duy nhất chỉ có người cổ Việt nổi lên giành độc lập, trong khi các sắc dân khác đành chịu sự đô hộ của Trung Hoa. Điều nầy cho thấy sắc dân bản địa là một thành tố quan trọng trong sự sống còn của người Việt.

Điều đặc biệt là những người Mongoloiid di cư đến sinh sống trên đất cổ Việt, từ đời nầy qua đời khác, đã gắn liền với những quyền lợi chính trị, kinh tế người bản địa cổ Việt. Từ đó những người Mongoloiid di cư đến cổ Việt được Việt hóa dần dần, và trở thành một bộ phận của dân Việt, trái ngược với chủ trương đồng hóa người Việt của triều đình Trung Hoa. (Thay vì đồng hóa người Việt theo Trung Hoa, thì người Trung Hoa di cư lại biến thành người Việt.) Có khi chính những người gốc Hoa di cư cũng nổi lên chống lại chế độ đô hộ Trung Hoa.

Tượng trưng cho khuynh hướng nầy là cuộc nổi dậy của Lương Long năm 178 (mậu ngọ), rồi của các binh sĩ triều đình Trung Hoa tại Giao Chỉ năm 184 (giáp tý), và nổi bật hơn cả là Lý Bôn năm 541 (tân dậu). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về Lý Bôn như sau: “Tổ tiên là người Bắc [Trung Quốc], cuối thời Tây Hán [202 TCN-25 SCN] khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam…”(6) Câu nầy không khẳng định là được bảy đời mới trở thành người Nam, nhưng ý cho thấy sống lâu năm và nhiều đời ở cổ Việt “thì thành người Nam”.

Như thế, từ thời Tần Thủy Hoàng, Trung Hoa bắt đầu xâm chiếm miền nam sông Dương Tử, tiến xuống cổ Việt. Nhà cầm quyền Trung Hoa di dân để đồng hóa vùng Bách Việt, nhưng khi đến Tượng Quận, tức cổ Việt, mưu đồ nầy bất thành, vì gặp sự chống đối mạnh mẽ của người cổ Việt, trong đó có cả những di dân từ phương bắc đến. Ngưòi cổ Việt luôn luôn kiếm cách nổi dậy chống lại nhà cầm quyền thực dân Trung Hoa, để giành lấy chủ quyền và nền độc lập của mình.

3.- Huyền thoại khai hóa

Đất cổ Việt bị Trung Hoa đô hộ từ năm 208 TCN đến năm 938, là năm Ngô Quyền đánh đưổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi cổ Việt.(7) Nhà cầm quyền Trung Hoa đưa người sang cổ Việt, vừa để biến cổ Việt thành một thuộc địa thực dân của Trung Hoa, làm phiên thuộc nhằm bảo đảm an ninh phía nam của Trung Hoa, vừa để tổ chức khai thác và bóc lột thuộc địa.

Công cuộc khai thác của những nhà đô hộ Trung Hoa chỉ nhằm phục vụ quyền lợi Trung Hoa, nhưng lại luôn luôn tự đề cao là họ đã khai hóa dân Việt mà họ cho là “Nam man”.(8) Theo sách Hậu Hán thư (Hou Han shu, sách về đời Hậu Hán, viết vào thế kỷ thứ 5): “Tục Cửu Chân làm nghề săn bắn chứ không biết dùng bò để cày. Dân thường phải mua lúa Giao Chỉ mỗi lần bị thiếu thốn. [Nhâm] Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng, ruộng đất trù mật, mỗi năm một rộng thêm; trăm họ được đầy đủ. Dân Lạc Việt lại không có phép cưới hỏi, mọi người ưa dâm dật, không quen thói sống chung với nhau, nên không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng. Vì vậy Diên gởi thư đi các huyện thuộc quyền ông, truyền cho mọi người đàn ông từ 20 đến 50 tuổi, đàn bà từ 15 đến 40 tuổi, tất cả tùy theo tuổi tác mà cưới hỏi nhau… Trước kia trong thời Bình Đế có Tích Quang, người Hán Trung làm thái thú Giao Chỉ, lấy lễ nghĩa dạy cho dân Man di ăn ở, tiếng giáo hóa cũng lừng lẫy như ông Diên…Đất Lĩnh Nam giữ phong tục Trung Hoa bắt đầu từ hai vị thái thú đó…”(9)

Đoạn văn nầy kể công hai nhân vật tiêu biểu cho các thái thú Trung Hoa, là Tích Quan (Xi Guang/ Hsi Kuang) và Nhâm Diên (Ren Yan / Jen Yen). Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ (châu thổ sông Hồng), đời vua Hán Bình Đế (1-5 SCN). Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân (châu thổ sông Mã) từ năm 25 đến năm 29 (SCN) thì được gọi về Trung Hoa.

Hai nhân vật nầy, theo Hậu Hán thư, đã có công:. 1) Truyền dạy việc dùng điền khí để cày ruộng. 2) Giáo hóa dân bản địa. Hai “sự nghiệp” nầy được các bộ sử Trung Hoa ca tụng và được một số bộ sử Việt Nam chép theo. Đây là hai vấn đề tiêu biểu cần được xem xét lại:

a) Thứ nhất, “Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng”. Dựa vào câu nầy, các sách xưa cho rằng chính Nhâm Diên đã dạy cho dân Việt biết cách dùng lưỡi cày bằng kim khí (điền khí) để cày ruộng. Cần chú ý là người Trung Hoa xưa ở vùng Hoàng Hà, trồng lúa mì và lúa mạch trên ruộng khô, không biết lúa gạo (lúa nước), thì làm sao giỏi kỹ thuật trồng lúa gạo ở ruộng nước mà dạy người Việt?

Trong khi đó, một tài liệu cổ của Trung Hoa xác định rõ ràng lúa trồng tại cổ Việt là loại lúa nước, theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Sách Giao Châu ngoại vực ký [viết khoảng giữa đời Tấn (265-420) Trung Hoa] viết: “…Hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là Lạc dân, người cai quản dân gọi là Lạc vương, người phó là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu…”(10) “Theo thủy triều lên xuống mà cày cấy” chính là lúa trồng trong ruộng nước, hay lúa gạo.

Càng ngày càng có nhiều khảo cứu của các học giả Hoa Kỳ, Nga, Trung Hoa và cả Việt Nam, cho thấy rằng Đông Nam Á là trung tâm đầu tiên trên thế giới của nền văn minh lúa nước, rồi từ đó lan truyền đi khắp nơi trên thế giới. Cũng theo các tác giả trên, tâm điểm của trung tâm văn minh lúa nước ở Đông nam Á chính là khu vực Hòa Bình ở Bắc Việt.(11) Hòa Bình nằm trong khu vực uốn khúc của sông Đà để đổ lên sông Hồng, gần huyện Mê Linh (tức Phú Thọ, Vĩnh Phúc), quận Giao Chỉ thời cổ Việt, nơi phát tích của Hai Bà Trưng.

Tiến sĩ Wilhelm G. Solheim II, giáo sư nhân chủng học thuộc Đại học Hawaii, chuyên viên về tiền sử Đông Nam Á, cho biết những di chỉ ông tìm kiếm được năm 1963 mách bảo rằng sắc dân Lạc Việt ở Đông Nam Á đã biết trồng lúa và biết cách đúc đồng sớm hơn các miền Cận đông, Ấn Độ và Trung Hoa. (National Geographic, Vol. 139, No. 3, March 1971.)

Theo một tài liệu khác, tại Mê Linh (Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay) quận Giao Chỉ (châu thổ Hồng Hà), người ta tìm thấy những bộ xương trâu đã có mặt tại đây khoảng 2,000 năm trước Công nguyên, và hai lưỡi cày bằng đồng theo mô thức Đông Sơn (thế kỷ thứ 5 TCN đến thế kỷ 1 SCN) dùng cho trâu cày.(12)

Như thế, rõ ràng Nhâm Diên không phải là người khai tâm dân Việt dùng điền khí để cày cấy như Hậu Hán thư đã viết và các bộ sử khác chép theo. Dân Lạc Việt đã biết làm ruộng, trồng lúa nước (lúa gạo) và đã biết sử dụng điền khí trước khi người Trung Hoa đến xâm lăng, chứ không phải người Trung Hoa dạy dân Lạc Việt dùng điền khí để cày cấy. Lúc đó, dân Lạc Việt dùng lưỡi cày bằng đồng vì đồ đồng là nghề luyện kim chính của dân Lạc Việt (vốn nổi tiếng về trống đồng), và nhất là đồ sắt bị hạn chế, do việc bà Lữ hậu nhà Hán đã ra lệnh cấm xuất cảng sắt xuống phía nam Trung Hoa từ năm 183 TCN.(Cương mục, tr. 92.)

Vậy phải chăng Nhâm Diên, thái thú Cửu Chân (vùng châu thổ sông Mã), nơi có trung tâm trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa), chứng kiến cảnh dân chúng địa phương đã cày cấy bằng lưỡi cày bằng đồng theo mô thức Đông Sơn, rồi báo cáo như trên để lập công với triều đình Trung Hoa?

b) Điều thứ hai, Hậu Hán thư còn cho rằng người Việt “không có phép cưới hỏi… không quen thói sống chung với nhau nên không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng”, nên Nhâm Diên dạy dân Việt cưới hỏi theo lễ giáo. Tập tục cưới hỏi, cũng như các lễ nghi, tập quán trong đời sống mỗi sắc dân mỗi khác. Người cổ Việt có phong tục của người cổ Việt. Dân Trung Hoa có tập quán của dân Trung Hoa. Dưới thời Mã Viện cai trị cổ Việt, Hậu Hán thư (quyển 54) chép rằng: “Luật dân Việt và luật nhà Hán khác nhau đến hơn mười điều.”(13)

Những tập tục cưới hỏi của các bộ tộc miền núi ở Việt Nam ngày nay, có thể xem là vết tích tập tục của người cổ Việt còn được lưu truyền. Dầu theo mẫu hệ, những tập tục cưới hỏi nầy khác với tập tục của những người ở miền đồng bằng (người Kinh), nhưng không có gì là đồi phong bại tục, đáng để lên án hay đáng để thay thế. Vì vậy, khi đô hộ cổ Việt, các nhà cai trị Trung Hoa bắt người cổ Việt bỏ những tập tục cưới hỏi của người cổ Việt, và theo những tập tục cưới hỏi Trung Quốc, là một sự áp đặt văn hóa thô bạo, chứ không phải là giáo hóa cho người cổ Việt.

Duy có một điều chắc chắn là cưới hỏi theo lễ giáo Trung Hoa, tức cưới hỏi theo phụ hệ, để “biết tình cha con, đạo vợ chồng”, nghĩa là lập thành từng hộ gia đình nhỏ. Điều nầy đối với những nhà đô hộ Trung Hoa có hai điều lợi cho công việc cai trị. Thứ nhất, qua các hộ gia đình, nhà cầm quyền đô hộ nắm vững tình hình dân số, tình hình an ninh địa phương. Thứ hai, nhà cầm quyền đô hộ sẽ dựa vào số hộ dân để thu thuế theo cách mà Vệ Ưởng (Wei Yang) hay Thương Ưởng (Shang Yang, 390-338 TCN), đã thiết lập tại Trung Hoa từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.(14) An ninh và thu thuế là hai mục đích hàng đầu của chế độ đô hộ bóc lột.

Ngoài Nhâm Diên, thái thú Tích Quang “lấy lễ nghĩa dạy cho dân Man di ăn ở, tiếng giáo hóa cũng lừng lẫy…”. Lễ nghĩa mà Tích Quang phổ biến cho dân chúng cổ Việt chắc chắn không ngoài lễ nghĩa Nho giáo, với ba giềng mối chính là tam cương (vua tôi, chồng vợ, cha con) và năm đạo chính là ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Ai cũng biết Nho giáo là một triết thuyết chính trị hậu thuẫn cho chế độ quân chủ, trong đó đứng đầu là đạo “trung quân”. Trung quân có nghĩa là trung thành với vua. Lúc đó cổ Việt không có vua; chỉ có vua Trung Hoa. Trung thành với vua Trung Hoa là mặc nhiên chấp nhận nền đô hộ của Trung Hoa. Như thế, lễ giáo của Tích Quang cũng chỉ để ổn định xã hội và phục vụ cho công cuộc thống trị của thực dân Trung Hoa.

Công việc “giáo hóa” của hai thái thú Tích Quang và Nhâm Diên, nhất là việc áp dụng tục lệ cưới hỏi theo lễ nghi Trung Hoa, bị người Việt chống đối. Một tờ trình của Tiết Tống (Hsueh Tsung) vào năm 231, 5 năm sau khi Sĩ Nhiếp chết, gởi cho triều đình Đông Ngô thời Tam quốc (213 – 280), cho rằng cho đến khi Tiết Tống đến Giao Chỉ dưới thời Sĩ Nhiếp (Shi She) làm thái thú (từ 187 đến 226), tức là sau mấy trăm năm đô hộ, ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa không đúng theo như các báo cáo trước đó; người Giao Chỉ và Cửu Chân vẫn còn giữ tục lệ gia đình của họ.(15)

Điều nầy không lạ, vì đến thế kỷ 15, Quốc triều hình luật thời nhà Hậu Lê đã thừa nhận trong điều 40 rằng: “Người “man liêu” là người sắc tộc thiểu số và tuy có văn hóa khác với dân Việt, vẫn thuộc thành phần quốc dân Đại Việt…”(16) Hơn nữa, cho đến ngày nay, tức 20 thế kỷ sau, vùng rừng núi Việt Nam vẫn còn một số bộ tộc theo mẫu hệ, tập quán riêng của họ.

Như thế, chuyện Nhâm Diên dạy cho dân Việt dùng điền khí để cày cấy, hay chuyện Nhâm Diên và Tích Quang giáo hóa dân Việt, đều chỉ là những huyền thoại làm đẹp cho chế độ đô hộ. Trong khi đó người Trung Hoa học cách cày cấy lúa nước của người Việt và du nhập lúa nước vào Trung Quốc, làm phong phú sinh hoạt kinh tế Trung Hoa.

Trong sách Ancient China (1967), tác giả Edward H. Schafer viết rằng: “Thuật trồng lúa gạo và thuần hóa gia súc chắc chắn [Trung Hoa] đã tiếp thu từ các sắc dân tầm thường ở miền nam xa xôi hẻo lánh [nam Man].” (Nguyên văn: “The art of cultivating rice and domesticating cattle were doubtless adopted from the despised races of the remote south.”)(17a)

Cũng nhà nghiên cứu nầy cho rằng Đức Khổng Tử (551-478 TCN), người tỉnh Sơn Đông (Shandong) vùng hạ lưu Hoàng Hà và ở phía bắc sông Dương Tử, “sống chủ yếu bằng loại bánh làm bằng kê”. (nguyên văn: “…Confucius have subsisted chiefly on millet cakes…”), và “Khổng Tử chưa bao giờ thưởng thức trà, và chắc chắn rằng Vương Xung, sáu thế kỷ sau, cũng thế.” (nguyên văn: “…Confucius never tasted tea, and it is doubtful that Wang Ch’ung, six centuries later, did either….”(17b) Trà là loại giải khát cũng phát xuất từ miền nam.

Chủ trương bóc lột của triều đình Trung Hoa khi nặng khi nhẹ, tùy hoàn cảnh và tùy tư cách của các thái thú Trung Hoa, có người tốt kẻ xấu, nhưng thực chất trước sau cũng đều chỉ nhắm mục đích vơ vét cho Trung Hoa. Chính sách bóc lột nầy lên cao điểm khi vua Hán Quang Võ (Han Guang Wu) cử Tô Định (Su Ding) sang làm thái thú Giao Chỉ năm 34 (giáp ngọ). Tô Định rất tham tàn và hà khắc, áp dụng chủ trương khai thác và bóc lột một cách triệt để, đã đưa đến cuộc khởi nghĩa giành độc lập đầu tiên năm 40 (canh tý) của dân cổ Việt do Hai Bà Trưng lãnh đạo.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bị thất bại năm 43 (quý mão). Sau đó, trong suốt mười thế kỷ, người Việt nhiều lần nổi lên chống quân xâm lược Trung Hoa: Triệu Thị Trinh (248), Lý Nam Đế (541), Lý Phật Tử (603), Lý Tự Tiên (602), Mai Thúc Loan (727), Phùng Hưng (767), Dương Thanh (819), Vương Thắng Triều (828), Khúc Thừa Dụ (905) Dương Diên Nghệ (931). Cuối cùng, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán năm 938 (mậu tuất), thực hiện được giấc mộng độc lập của dân tộc Việt.

Kết luận

Tóm lại, đối với người Việt, đại nạn Trung Hoa bắt đầu từ thời cổ sử. Ngay khi mới thống nhất Trung Hoa, triều đình nhà Tần đã chủ trương bành trướng và đưa quân vượt sông Dương Tử, chiếm Bách Việt, tiến xuống xâm lăng cổ Việt. Trong suốt hơn 1,000 năm đô hộ cổ Việt, từ năm 208 trước Công nguyên đến năm 938 sau Công nguyên, các thái thú Trung Hoa không ngừng vơ vét tài nguyên cổ Việt để cung ứng cho triều đình Trung Hoa.

Tuy người Việt đã đánh đuổi được quân Trung Hoa ra khỏi nước để giành lấy độc lập tự chủ, nhưng sau hơn một ngàn năm đô hộ nước Việt, người Trung Hoa vẫn mang một số định kiến lạ lùng đối với người Việt.

Thứ nhất, cho đến thế kỷ 20, mà một nhà cách mạng dân chủ như bác sĩ Tôn Văn (1866-1925), đã nói với Khuyển Dưỡng Nghị (chính khách Nhật Bản): “Người Việt Nam vốn nô lệ căn tính. Ngày xưa họ bị chúng tôi đô hộ, ngày nay họ bị Pháp đô hộ. Dân tộc ấy không có tương lai.”(18) Thật là một câu nói ngạo mạn!

Thứ hai, các nhà cầm quyền Trung Hoa tự cho rằng nước Việt là một phiên thuộc của Trung Hoa, một phần đất của Trung Hoa. Khi Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ Việt Nam, buộc triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước năm 1874, Pháp báo hòa ước nầy cho triều đình nhà Thanh ngày 24-5-1875. Triều đình nhà Thanh trả lời rằng: “Chí Giao Chỉ tức Việt Nam bổn hệ Trung Hoa thuộc quốc.” (tạm dịch nghĩa: “Từ Giao Chỉ đến Việt Nam vốn là thuộc quốc của Trung Hoa.”)(19) Vì vậy nhà Thanh đòi hỏi Pháp phải thương thuyết với Trung Hoa về vấn đề Việt Nam.

Năm 1939, trong một tài liệu của đảng Cộng Sản Trung Hoa, tựa đề là “Cách mạng Trung Quốc và đảng Cộng Sản Trung Quốc”, lãnh tụ đảng CSTH là Mao Trạch Đông đã xác quyết: “Các nước đế quốc, sau khi đánh bại Trung Quốc, đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ, và Lữ Thuận, Anh chiếm Miến Điện, Bu-tan, Hương Cảng, Pháp chiếm An-Nam.”(20)

Do những định kiến ưu quyền trịch thượng đối với Việt Nam, các nhà cầm quyền Trung Hoa luôn luôn có dã tâm xâm lăng Việt Nam, mà không để cho người Việt yên sống hòa bình.

Chú thích:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, (viết tắt: Cương mục), (Chữ Nho), Hà Nội: bản dịch của Nxb. Giáo Dục, 1998, tập 1, tt. 80-89.
2. Ngô Thời Sỹ, Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Sài Gòn, San Jose: Văn Sử tái bản, 1991, tr. 34.
3. Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Huế: Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại Học, 1965, tr. 235.
4. Carleton S. Coon & Edward E. Hunt J., The Living Races of Man, New York: Nxb. Alfred A. Knopf, 1966, đồ bản 12, tr. 286.
5. Encyclopedia Britannica, 1999, (CD), “Vietnam History…”
6. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư [chữ Nho], Hà Nội: bản dịch Nxb. Khoa học Xã hội, 1998, tr. 178. Nếu trung bình một đời (một thế hệ) là 23 đến 25 năm, thì 7 đời là từ 161 đến 175 năm. Nhà Hán (Han, 202 TCN – 220) ở Trung Hoa được chia thành 2 giai đoạn: Tiền Hán hay Tây Hán (Former Han, 202 TCN – 25) và Hậu Hán hay Đông Hán (Later Han, 25-220). Giữa Tiền Hán và Hậu Hán, từ năm 9 đến năm 23 là thời gian do Vương Mãng (Wang Mang) đảo chánh và cầm quyền.
7. Bên Trung Hoa, nhà Đường (Tang) chấm dứt năm 907 khi Chu Toàn Trung (Chu Ch’uan-chung) đảo chánh, lật đổ Đường Ai Đế (trị vì 904-907), tự mình lên làm vua, tức Lương Thái Tổ (trị vì 907-914), lập ra nhà Hậu Lương (907-923). Từ đó Trung Hoa rơi vào tình trạng hết sức xáo trộn gọi là đời Ngũ đại Thập quốc. Ở miền bắc Trung Hoa có năm triều đại kế tiếp nhau trong thời gian ngắn là Hậu Lương (907- 923), Hậu Đường (923-935), Hậu Tấn (936-947), Hậu Hán (948-950), Hậu Châu (951-959). Ở miền nam Trung Hoa, trước sau mười nước được thành lập, nên gọi là Thập quốc: so với ngày nay nước Ngô ở An Huy, Tiền Thục ở Tứ Xuyên, Ngô Việt ở Chiết Giang, Sở ở Hồ Nam, Mân Việt ở Phúc Kiến, Nam Hán ở Quảng Đông, Nam Bình ở Hồ Bắc, Hậu Thục ở Tứ Xuyên, Nam Đường ở Giang Tô và Bắc Hán ở Sơn Tây. Nước Nam Hán do Lưu Cung thành lập năm 917 ở Quảng Đông, là nước chiếm đóng Giao Châu. Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán năm 938, giành độc lập vĩnh viễn.
8. Người Trung Hoa luôn luôn tự hào và gọi các sắc dân chung quanh là đông Di, tây Địch, bắc Nhung, nam Man.
9. Nguyễn Phương trích dịch, sđd. tt. 186-187.
10. Lê Tắc, An Nam chí lược [chữ Nho],Huế: Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam,Viện Đại học Huế, phiên âm và dịch nghĩa, 1961, tr. 39.
11. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. TpHCM, 1997, tt. 75-86.
12. Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh], University of California Press, 1983, tr. 35.
13. Nguyễn Phương, sđd. trích dịch, tr. 137.
14. Bên Trung Hoa, thời Chiến quốc (479-221 TCN), tại nước Tần, dưới đời Tần Hiếu Công (cầm quyền 361-338 TCN), tể tướng Thương Ưởng (390-338 TCN), bày ra cách tổ chức hộ khẩu để thu thuế. Đến đời Đường, từ thế kỷ thứ 7 mới bỏ thuế theo sổ hộ khẩu, đặt ra thuế “dung” đánh vào từng cá nhân (tức thuế đinh).
15. Keith Weller Taylor, sđd. tr. 75. Về việc nầy, tác giả Taylor căn cứ trên sách Tam quốc chí của Trần Thọ. (Sách nầy khác với Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung là một bộ tiểu thuyết.)
16. Nguyễn Ngọc Huy, Quốc triều hình luật, phiên âm, dịch nghĩa và chú thích, Viet Publisher Thư Quán, Hoa Kỳ, tr. 188.
17. Edward H. Schafer, Ancient China, New York: Time-Life Books, 1967, tr. 16 (17a), tt. 37, 38 (17b). Wang Ch’ung tức Vương Xung (27-97), triết gia thời Đông Hán (25-220) là tác giả nhiều sách lý luận về triết học, trong đó quan trọng nhất là bộ Luận hoành (Lun Heng, 30 quyển). Hoành là cái cân, nghĩa rộng là cân nhắc, so sánh.
18. Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, [nguyên bản bằng Anh văn], bản dịch của Mạc Định, Paris: 1962, tr. 22.
19. Yoshiharu Tsuboii, Nước Đại Nam đối diện với Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu dịch, TpHCM: Ban Khoa Học Xã Hội, 1990, tr. 142.
20. Nxb. Sự Thật, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua [tài liệu của đảng Cộng Sản Việt Nam, không đề tên tác giả], Hà Nội: 1979, tr. 16.

https://nghiencuulichsu.com/2015/06/13/viet-nam-va-dai-nan-trung-hoa/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét