Từ khi nào Người Việt lại trở nên “khôn quá hóa hèn”?
Nguyễn Trọng Bình
1. Những cuộc tranh cãi liên miên và không có hồi kết
Xem ra cuộc tranh cãi về chuyện du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập rồi không về nước lập nghiệp đến giờ vẫn chưa có hồi kết. Điều đáng nói là, các ý kiến tham gia tranh luận đều chân thành và hợp lý mới... chết. Người không chịu về hay chưa muốn về thì bảo cái chính sách “trải thảm đỏ” để chọn người tài về nước làm việc (nhất là vào các cơ quan Nhà nước) thực ra là nói “dzậy chứ không phải dzậy”; và tuy không về nước nhưng trong thời đại “công dân toàn cầu” và “thế giới phẳng” hiện nay họ vẫn có thể đóng góp cho nước nhà...
Ở chiều ngược lại, phía kêu gọi du học sinh trở về tuy không đến nỗi quá “cứng nhắc” nhưng lại cho rằng các du học sinh cũng nên nhìn lại mình, bớt than vãn, kêu ca và chỉ trích đi; đặc biệt là cần phải giữ chữ “tín” (trường hợp những người đã sử dụng ngân sách Nhà nước để đi du học). Cuộc tranh cãi cứ thế và không có hồi kết, chỉ có chuyện “chảy máu chất xám” là tiếp tục “vũ như cẩn”.
Từ đây nhìn rộng ra, mỗi ngày trên đất nước này có không biết bao nhiêu là cuộc hội thảo, hội nghị lớn nhỏ; không biết bao nhiêu vấn đề bức thiết của đất nước (cũng xin lưu ý là trừ vấn đề liên quan đến “người anh em” Trung Quốc đang thao túng đất nước và cướp đảo ngoài biển Đông) được người ta mang ra bàn thảo nhưng cuối cùng không có vấn đề nào được giải quyết rốt ráo; không có giải pháp mang tính đột phá nào để tạo ra sự thay đổi thực sự theo hướng tiến bộ và tích cực hơn.