Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Lợi và bất lợi khi IMF đưa Nhân dân tệ vào SDR

Lợi và bất lợi khi IMF đưa Nhân dân tệ vào SDR
NGUYỄN VĂN THÀNH - Ngày 30/11 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bỏ phiếu thông qua việc đưa Nhân dân tệ (NDT) trở thành đồng tiền dự trữ trong Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Right / SDR). Động thái này là một bước đi lớn của cả Trung Quốc lẫn hệ thống tiền tệ thế giới.
Đây là kết quả sau nhiều năm phấn đấu của Bắc Kinh để tìm kiếm sự công nhận quốc tế đối với đồng bản tệ. Rổ tiền tệ mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2016, vẫn chứng kiến đồng USD tiếp tục là đồng tiền lớn nhất với 41,73%, theo sau là euro (30,93%), đồng NDT (10,92%), yên Nhật (8,33%) và bảng Anh (8,09%). Đồng NDT sẽ trở thành đồng tiền lớn thứ ba trong rổ tiền tệ SDR, vượt qua cả đồng yên Nhật và đồng bảng Anh.

Đây là sự thay đổi quan trọng của rổ tiền tệ này, kể từ khi đồng Euro thay thế mark Đức và franc Pháp năm 1999. Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, đồng thời là cựu quan chức IMF tại Trung Quốc, Eswar Prasad nhận định: “Đồng NDT được gia nhập Câu lạc bộ Dự trữ tiền tệ hàng đầu thế giới là một bướcđi lớn đối với Trung Quốc và có ý nghĩa đối với hệ thống tiền tệ thế giới”.

Trung Quốc từ 2003 đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa nhân dân tệ với nhiều biện pháp như thúc đẩy giao thương bằng NDT, tăng cường sử dụng NDT trong thanh toán quốc tế, tăng cường ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ bằng nội tệ… Tiến trình quốc tế hóa đồng NDT đã được đẩy mạnh đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2009 trở lại đây và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: thị trường đồng NDT bên ngoài Trung Quốc đã không ngừng được mở rộng và phát triển với tốc độ cao và chương trình thí điểm thanh toán thương mại xuyên biên giới bằng đồng NDT

tiếp tục được đẩy mạnh đã đưa NDT trở thành đồng tiền thanh toán nhiều thứ năm trên thế giới. Một số quốc gia như Nga, Nhật, Belarus… đã chấp thuận sử dụng đồng NDT và đồng bản tệ trong thanh toán… Ngày 10/11/2015, Cơ quan trao đổi ngoại tệ Trung Quốc cho biết sẽ cho phép NDT được đổi trực tiếp với đồng franc Thụy Sĩ (CHF) trên thị trường ngoại hối. Đây là nỗ lực tiếp theo của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng quốc tế hóa đồng NDT.

Cột mốc của cải cách

Được lập ra từ năm 1944 như loại ngân hàng cấp cứu, IMF đón nhận các quốc gia thành viên, mỗi nước ký thác một phần hùn vốn, tùy theo khả năng kinh tế, để nếu cấp thời thiếu ngoại tệ trong dự trữ thì có thể vay từ một trương mục chung để tránh khủng hoảng tài chính. Năm 1959, IMF đã lập ra loại ngoại tệ dự trữ thay thế, để bổ sung cho vàng và Mỹ kim, hầu các nước có thể rút ra khi cần cấp cứu hệ thống tài chính của mình. Trương mục đó gọi là SDR( Giải thích từ viết tắt này...),với ý nghĩa là các thành viên có thể vay căn cứ trên phần hùn vốn của mình. Tuy nhiên, SDR không phải là một loại ngoại tệ có thể dùng để mua hàng hóa. Đấy là một dạng tiền đặc biệt, chỉ sử dụng khi quốc gia thiếu thanh khoản. 188 thành viên IMF có một kho chung, trị giá khoảng 265 tỷ đô la. Cái quỹ ấy có bốn loại ngoại tệ sử dụng phổ biến nhất, là Mỹ kim, Euro, bảng Anh và đồng Yen Nhật. Cứ 5 năm một lần, căn cứ trên tình hình giao dịch, IMF rà soát lại nội dung của SDR. Khi đồng NDT được nhận vào rổ tiền đặcbiệt, đấy là một thắng lợi chính trị của Bắc Kinh.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde gọi sự kiện này là “cột mốc” trong hành trình cải cách kinh tế của Trung Quốc và sự hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu. Động thái này còn là sự công nhận đối với những nỗ lực của Bắc Kinh trong suốt những năm qua nhằm tự do hóa các thị trường tài chính và mở cửa (một phần)thị trường vốn của Trung Quốc. Trên phương diện này, quyết định của IMF là một cú hích đối với các nhà cải cách ở Bắc Kinh so với lực lượng bảo thủ trong chính quyền. Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell kết luận: “Đây là khoảnh khắc lịch sử đối với nền kinh tế đang nổi trên phương diện tài chính quốc tế, nhất là khi thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ mới bằng ¼ so với các nền kinh tế khác trong rổ tiền tệ”.

Tuy nhiên, với hệ thống tài chính thế giới, sự tham gia của Trung Quốc vào “câu lạc bộ” SDR cũng cho thấy một số thách thức đáng kể. NDT là đồng tiền đầu tiên của thị trường đang nổi được gia nhập, trong khi các thành viên khác của SDR hiện nay đều là các nền kinh tế phát triển với đồng tiền có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và mở cửa các thị trường vốn theo quy định. Trung Quốc hiện còn khác biệt trên những khía cạnh này: một nền kinh tế đang phát triển còn hạn chế về khả năngchuyển đổi tiền tệ, sẵn sàng bảo vệ các thị trường trong nước trước nguồn vốn và ảnh hưởng từ nước ngoài.

Hai năm trước, ngày 15/11/2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố việc cải tổ để “thị trường đóng vai trò quyết định” trong nền kinh tế, thay vì chỉ phụ thuộc các quyết định của chính quyền. Một ủy ban Cải tổ ra đời do chính TBT Tập Cận Bình cầm đầu, nhằm “thiết lập các quy tắc thị trường công bằng, cởi mở và công khai”, như Tân Hoa Xã loan báo. Nhưng trong năm qua, Trung Quốc đã đi những bước giật lùi trên con đường cải tổ; tiêu biểu nhất là chính quyền can thiệp một cách khá công khai vào thị trường chứng khoán để giữ giá các cổ phiếu; tiếp theo là những “chương trình kích cầu” để giữ cho tỷ lệ phát triển không xuống dưới 7%. Những biện pháp đó cuối cùng vẫn không thành công. Thủ Tướng Lý Khắc Cường mới lên tiếng chấp nhận tỷ lệ tăng trưởng 6.9%. Một bản phúc trình của Demand Institute, một cơ sở nghiên cứu uy tín ở New York do hai công ty Nielsen và The Conference Board thành lập, tiên đoán kinh tế Trung Quốc thực sự chỉ tăng được trung bình 4.5% mỗi năm từ năm 2015 tới năm 2020.

Do những khác biệt nói trên, đã có quan điểm cáo buộc IMF “bẻ cong” quy định để đưa NDT vào rổ tiền tệ. Các quan chức IMF phủ nhận bất kỳ sự ưu ái nào dành cho Trung Quốc và khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế nước này chính là yếu tố khiến họ cân nhắc để đưa NDT vào rổ tiền tệ. Đáng chú ý, quyết định này nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, cổ đông lớn nhất của IMF và các nền kinh tế chủ chốt khác tại châu Âu như Pháp, Anh và Đức. Các quan chức IMF cũng cam kết rằng, đánh giá về đồng NDT hoàn toàn dựa trên yếu tố kỹ thuật mà Trung Quốc đã đáp ứng, trong đó bất kỳ quốc gia nào có đồng nội tệ được đưa vào SDR phải có vai trò chủ chốt trong thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, NDT được các cổ đông đánh giálà được sử dụng tự do trong các giao dịch. Quá trình cải cách của Trung Quốc đã được thực hiện từ lâu, thông qua việc tự do hóa ấn định lãi suất và trao cho thị trường vai trò lớn hơn trong biên độ giao dịch tiền tệ trong ngày.

Hai mặt của đồng tiền


Năm 2015 có thể là năm khốn khó với đồng Euro và vận xui của đồng tiền này vẫnsẽ còn tiếp diễn khi NDT được IMF thêm vào rổ dự trữ các đồng tiền chủ chốt. Theo IMF, tỷ lệ dự trữ của đồng Euro trong SDR sẽ giảm từ 37,4% xuống 30,93% do NDT được đưa thêm vào với tỷ lệ 10,92%. Tuy nhiên, tình trạng các ngân hàng trung ương tăng cường mua mạnh NDT có thể sẽ chưa xảy ra trong thời gian ngắn.

Trước đây, đồng Euro đã phải mất 4 năm kể từ khi ra mắt vào năm 1999 để các nhàđầu tư bắt đầu đa dạng hóa dự trữ tiền tệ từ đồng USD sang đồng tiền chung Châu Âu. Tuy nhiên, việc đưa NDT vào rổ SDR hay trở thành đồng tiền quốc tế cũng kéo theo những rủi ro nhất định cho Trung Quốc. Thống đốc Ngân hàng Trung ươngTrung Quốc Chu Tiểu Xuyên mới đây đã nhận xét: “Trung Quốc phải đối mặt trực tiếp với nhiều rủi ro trong 5 năm tới, sau khi mở cửa dần thị trường tài chính và đưa đồng NDT trở thành đồng tiền quốc tế”.

Thống đốc Chu Tiểu Xuyên không nêu cụ thể các rủi ro mà Trung Quốc có nguy cơ đối mặt. Tuy nhiên, ông lưu ý các xung đột về mặt cấu trúc đã nhen nhóm và sốphận của kế hoạch cải cách tài chính sẽ phụ thuộc vào tình hình an ninh tài chính quốc gia. “Nhiệm vụ gian nan của chúng ta trong 5 năm tới là phòng vệ và giảm thiểu rủi ro tài chính”, ông Chu Tiểu Xuyên nhấn mạnh. Còn theo các nhà phân tích thì IMF nhiều khả năng sẽ đặt điều kiện yêu cầu Trung Quốc nâng cao mức độ tự do sử dụng NDT, đẩy nhanh tự do hóa tài khoản vốn, nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư tư nhân ở nước ngoài, giao dịch chứng khoán, sản phẩm phái sinh, lưu thông vốn… Một khi Trung Quốc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này thì đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải đối mặt với tác động từ các dòng vốn nóng quốc tế, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách tiền tệ và quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng.

Ngoài ra, về mặt lý thuyết, nước có đồng tiền quốc tế có thể chịu những bất lợi, rủi ro, cũng như trách nhiệm nhất định. Trung Quốc sẽ gặp một số khó khăn hơn trong xác định hơn mục tiêu chính sách tiền tệ của mình, trong kiểm soát cung tiền, vì một phần tiền được sử dụng, lưu hành ở nước ngoài, luồng tiền có thể chảy ngược vào trong nước gây bất ổn (phát triển nóng), hoặt bị rút ra đột ngột. Đồng tiền có thể bị tấn công, có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô. Khi có đồng tiền quốc tế, đồng tiền bản tệ thường lên giá (đồng thời để hấp dẫn việc nắm giữ), do đó, có thể chịu áp lực thâm hụt cán cân vãng lai. Khi được phát hành trái phiếu (chính phủ, doanh nghiệp) bằng đồng bản tệ, có thể vay nhiều quá mức. Một khi đồng bản tệ được đồngtiền khác gắn định thì khó đơn phương phá giá đồng tiền khi cần thiết. Phải có chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh để duy trì ổn định giá cả và tỷ giá hối đoái, đặc biệt phải có chính sách tài chính, tiền tệ minh bạch.

Ảnh hưởng đến Việt Nam

Trao đổi xung quanh sự kiện này, phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho biết, với việc đưa NDT vào danh sách các đồng tiền quy đổi của SDR, IMF đã xác định Trung Quốc là nền kinh tế hùng mạnh, đáp ứng một số tiêu chí của IMF đưa ra. Tuy nhiên, từ nay đến 1/10/2016, Trung Quốc còn phải thực hiện và đáp ứng nhiều điều kiện khác nữa của IMF, trong đó có tự do hóa tài khoản vốn, không dùng biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường... Cũng cần nói thêm,
IMF cũng đang xem xét đưa đồng won của Hàn Quốc và đôla của Canada vào rổ tiền tệ này. Nhìn một cách tổng thể, SDR chỉ là đồng tiền giao dịch giữa IMF với các ngân hàng trung ương, chứ trên thị trường quốc tế, SDR không được dùng để định giá hoặc yết giá trong các giao dịch thương mại, dịch vụ và đầu tư. Khi đồng NDT tham gia rổ SDR, uy tín của Trung Quốc trên thị trường quốc tế sẽ tăng cao nhưng phải chờ xem Trung Quốc sẽ có những chính sách gì để tạo ra sức mạnh của NDT, như một đồng tiền mang tính chất dự trữ, một đồng tiền có sức thuhút trong thanh toán, định giá hàng hóa, dịch vụ... của các quốc gia trên thế giới.

Dự báo về những tác động trước mắt tới Việt Nam, chuyên gia tài chính-ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho hay, về lý thuyết, sự kiện này sẽ khiến đồng NDT tăng giá. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc sẽ không để tiền tăng giá do lo ngại ảnh hưởng đến xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế nước này có chiều hướng đi xuống. Vì thế, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh chính sách tỷ giá linh hoạt hơn và điều này sẽ tác động đến tỷ giá của Việt Nam. Tất nhiên, không phải tỷ giá Việt Nam sẽ tăng giảm theo kiểu “song hành” mà sẽ có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, tác động của sự kiện trên cũng liên quan đến nợ nước ngoài của Việt Nam, vì nợ theo đồng tiền SDR chiếm khoảng 25% tổng nợ. Tuy vậy, trong rổ SDR có đến 5 loạitiền tệ khác nhau, giả sử tỷ giá NDT tăng nhưng các loại tiền khác xuống giá thì chúng có thể sẽ bù đắp lẫn nhau, nên chưa thể nói trước được việc sẽ có ảnh hưởng tăng hay giảm nợ, nhưng tỷ giá giữa các loại tiền tệ này chắc chắn sẽ thay đổi.

Còn việc Việt Nam có nên dự trữ bằng NDT hay không, theo các chuyên gia tài chính, cần phải xem xét cơ cấu bên trong SDR. Trong rổ này, NDT vẫn là đồng tiền nhỏ, lép vế hơn nhiều so với USD. Đấy là trên danh nghĩa. Trong thực tế, thế giới vẫn sử dụng đồng USD là chủ yếu trong thanh toán, giao dịch. Việc lựa chọn đồng tiền nào để thanh toán còn phải chờ xem đồng NDT có từng bước lấn sân đồng USD hay không, nhưng trong ngắn hạn và trung hạn chắc chắn USD vẫn là đồng tiền phổ biến nhất. Hiện nay, NDT chỉ mang biểu tượng là đồng tiền có vị trí quan trọng, còn thuyết phục thế giới sử dụng nó hay không vẫn là câu chuyện của tương lai. Trong ngắn và trung hạn, đồng NDT chưa tác động gì nhiều lắm đối với Việt Nam, vì nó vẫn là đồng tiền trao đổi giữa ngân hàng trung ương chứ không phải là đồng tiền thanh toán, giao dịch. Tuy nhiên, là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải theo dõi và quan sát những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc, đặc biệt là chính sách tự do hóa các dòng vốn trên tài khoản vốn của họ tác động thế nào đến Việt Nam.

Việc chuyển đổi sang đồng ngoại tệ khác, chẳng hạn như đồng NDT, chắc chắn sẽ là đề tài nóng trong giai đoạn tới và cần có thời gian để tìm hiểu. Chính thị trường, doanh nghiệp sẽ lựa chọn đồng tiền thanh toán mà theo họ an toàn cho giao dịch và ít rủi ro nhất. Trung Quốc nếu có tham vọng để NDT thành đồng tiền giao dịch và thanh toán như thế thì phải tạo lập thị trường công khai, minh bạch, tỉ giá hối đoái phải được xác lập bởi các quan hệ cung cầu thực, không phải là những can thiệp hành chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Đấy là chưa nói các doanh nghiệp lâu nayđã có thói quen thanh toán bằng USD rồi nên cũng không đơn giản khi chuyển sang thanh toán bằng đồng ngoại tệ khác, dù trên thực tế, đồng USD cũng không ổn định, tăng giảm bất thường. Nếu các ngân hàng bán NDT một cách dễ dàng và đối tác thương mại cũng đồng ý thanh toán bằng NDT, doanh nghiệp sẽ chọn NDT để thanh toán cho các giao dịch trong tương lai./.

http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/loi-va-bat-loi-khi-imf-dua-nhan-dan-te-vao-sdr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét