Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Bánh xe "sơ cua": Có còn cần thiết?

Bánh xe "sơ cua": Có còn cần thiết?
Trong một ngày không đẹp trời, xe đang lăn bánh trên đường thì bỗng dưng bị xẹp bánh. Người tài xế ngừng xe, mở cốp để lấy bánh xe “sơ cua” (bánh xe dự phòng) ra thay, thì mới phát giác ra... xe mình không có thứ này. Một ngày đã không đẹp, nay có thể vì thế mà trở nên bi đát hơn!
Đó là một thực tế xảy ra trong vài năm gần đây, mà không phải người lái xe nào cũng nhận biết. Vào ngày 11 tháng 11, 2015, AAA - tổ chức dịch vụ xe hơi lớn nhất nước Mỹ - vừa ra khuyến cáo các nhà sản xuất xe hơi không nên tìm cách loại bỏ bánh xe dự phòng, một phụ tùng mà trước đây là không thể thiếu của những chiếc xe hơi lưu hành.


Mọi việc bắt nguồn từ việc các nhà sản xuất xe hơi ở Mỹ bị áp lực từ chính phủ liên bang phải tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu xe (miles per gallon), đáp ứng xu thế bảo vệ môi trường. Theo quy định này, đến năm 2025 các loại xe phải đạt mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình (Corporate Average Fuel Economy) là 54.5 mpg. Để có thể đáp ứng yêu cầu này, cách đơn giản nhất là tìm cách giảm bớt trọng lượng xe. Và bánh xe dự phòng đã được đưa vào trong danh sách “cho nghỉ việc.” Nhiều hãng xe đã đưa bánh xe dự phòng vào các hạng mục tuỳ chọn (optinal) chứ không còn là tiêu chuẩn bắt buộc như trước. Những xe nào không có bánh xe dự phòng, sẽ được trang bị một bộ vá bánh xe tạm (tire repair kit) như là bộ đồ nghề hỗ trợ khi bị xẹp bánh. Một bánh xe dự phòng khoảng 30 lbs được thay thế bằng một hộp đồ nghề chỉ có vài lbs. Mọi chuyện xem ra đơn giản, mà hiệu quả giảm trọng, bớt hao xăng thấy liền trước mắt.



Còn phải kể đến một yếu tố nữa đang khai tử bánh xe dự phòng: Chi phí và lợi nhuận. Hiện nay các hãng xe hơi ở Mỹ đanh cạnh tranh mạnh mẽ. Xe ngày càng tốt, mà giá lại càng rẻ.

Bỏ bớt bánh sơ cua cũng là một phương cách cắt giảm chi phí tương đối dễ lựa chọn.

Kết quả là khoảng 29 triệu chiếc xe đã “âm thầm” bị thay thế những chiếc bánh “sơ cua” bằng các bộ vá bánh xe tạm trong vòng 10 năm qua bởi các hãng chế tạo xe. Cách đây chục năm, chỉ có khoảng 5% những chiếc xe xuất xưởng là không có bánh xe dự phòng. Còn bây giờ, tỉ lệ đó là 36%! Dùng chữ “âm thầm” cũng không quá đáng, bởi vì có rất nhiều chủ nhân của các chiếc xe mới tậu về không biết là xe mình không hề có bánh xe dự phòng. Họ vẫn nghĩ in trong đầu là “đương nhiên phải nằm trong cốp xe” thôi!



Tất nhiên, những nhà chế tạo xe hơi cũng có lý của họ khi quyết định loại bỏ bánh xe dự phòng. Theo họ, dịch vụ kéo xe, hỗ trợ trên đường 24/7 (road assistance) là rất nhiều. Chỉ cần gọi điện thoại là sẽ có người đến giúp, kéo xe đến nơi an toàn. Vậy thì đâu có cần bánh “sơ cua?” Có nhiều chiếc xe không đụng tới bánh xe dự phòng cả mấy năm trời. Mà rất nhiều người lái xe, đặc biệt là phái đẹp, đâu có biết cách thay thế bánh xe dự phòng, cho nên có cũng như không. Thay vào đó, bộ vá bánh xe tạm là một công cụ dễ sử dụng, ai cũng có thể dùng nó để vá và bơm bánh xe bị lủng tạm thời, đủ để chạy đến chỗ sửa xe gần nhất. Chỉ cần lên youtube, gõ chữ “tire repair kits,” sẽ được xem các video của các hãng Honda, Toyota... chỉ dẫn cách tự mình vá xe trên đường phố. Các cô diện đồ đẹp, tự vá xe mình dễ dàng, mà còn khẳng định rằng vá xe thì mấy cô làm được, chứ thay bánh xe “sơ cua” thì không! Dơ và nặng nhọc quá! Thời gian vá bánh xe cũng nhanh hơn, chỉ bằng khoảng phân nửa thời gian thay bánh sơ cua.



Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với sự thay thế này. AAA là công ty sẽ có nhiều việc làm hơn khi xe hơi không có bánh xe dự phòng. Nhưng AAA lại là công ty đi đầu trong việc phản đối. Theo AAA, bằng việc loại bỏ bánh xe dự phòng, các hãng chế tạo xe đã đẩy khoảng 30 triệu lái xe vào tình huống khó xoay sở, nếu xe họ chẳng may bể bánh dọc đường. Theo John Nielsen - giám đốc điều hành của AAA- mỗi năm có hơn 4 triệu người lái xe gọi cho AAA để kêu gọi hỗ trợ vì bị bể bánh xe. Theo ông, việc bể bánh xe không biến mất, mà bánh “sơ cua” lại biến mất, thiệt là kỳ! Với công nghệ kỹ thuật, các nhà sản xuất xe vẫn có thể giảm trọng lượng xe mà không cần phải tính đến chuyện làm khó người lái xe bị nạn theo cách này.

Thứ nhất, không phải trường hợp bể bánh xe nào cũng có thể tự vá được bằng bộ tire repair kit. Trong các video hướng dẫn tự vá xe nhắc ở trên, các hãng chế tạo xe có nói rõ, những lỗ thủng lớn hơn 4 mm thì không nên tự vá xe, mà phải gọi dịch vụ roadside assistance tới. Có rất nhiều trường hợp, vật đâm thủng bánh xe ở phần hông của vỏ, chỉ có cao su mà không có lớp bố, làm cho vỏ bị tét, bánh xe bị xẹp 100% và không thể vá lại được nữa. Trong trường hợp này mà không có vỏ xe dự phòng, thì chỉ có nước kéo xe về rồi thay vỏ mới.

 


Thứ hai, không phải chỗ nào trên đường lộ cũng có sóng điện thoại để gọi dịch vụ kéo xe hay road assistance. Và không phải lúc nào việc kêu gọi sự trợ giúp cũng mau chóng. Hãy tưởng tượng, vào một đêm đông lạnh giá, ở một vùng đường núi xa xôi không có sóng điện thoại, xe bị bể bánh theo dạng không thể vá tạm được. Nếu trong xe lúc đó không có bánh “sơ cua,” chuyện gì sẽ xảy ra?

Thứ ba, bộ dụng cụ này cũng tương đối mắc, hơn nhiều lần so với chi phí cho việc vá vỏ xe. Mà một bộ tyre repair kit cũng chỉ có tuổi thọ từ 4 đến 8 năm. Nếu so với bánh xe sơ cua dạng đặc ruột, tuổi thọ của chúng có thể xem như ngang bằng với tuổi thọ của chiếc xe.

AAA còn tiết lộ một nghiên cứu mới đây, cho thấy do việc không có bánh xe sơ cua, số người lái xe mới biết cách thay vỏ xe ngày càng giảm. Chỉ có 78% những người bắt đầu lái xe vào thế kỷ 21 (tức là có độ tuổi từ 18 đến 34) là biết làm công việc này. Trong khi có đến 90% người lái xe tuổi từ 35 đến 54 biết cách tự thay vỏ xe. Cũng theo thống kê này, 97% tài xế nam giới cho là mình biết cách thay vỏ, trong khi con số đó ở bên nữ giới chỉ là 68%.



Ý kiến của chính dân lái xe về vấn đề “bánh xe sơ cua có còn cần thiết?” trên Internet cũng khác nhau. Có người thương vợ, nói rằng cương quyết không muốn nhìn thấy vợ mình phải loay hoay thay vỏ xe dọc đường. Nguy hiểm lắm, lỡ có chuyện gì, thì còn ai về nhà cằn nhằn cho nghe! Có người (chắc là thuộc loại dân “anh hùng xa lộ”) thì có vẻ bực dọc khi bị thuyết phục rằng cái bộ tyre repair kit xinh xắn, sạch sẽ có thể thay thế cho cái bánh xe sơ cua, con đội, wrench mở bánh xe. Không bao giờ! Người này còn có vẻ trách móc ai đã lái xe mà không biết cách thay vỏ, lười đến thế là cùng! Còn có người thì nói việc mấy hãng xe bỏ bánh sơ cua chỉ vì tiền, chẳng phải vì thương người lái xe. Cũng có người dung hoà hơn, chia ra hai trường hợp hẳn hòi. Có ai xuôi vạn lý, lên núi xuống sa mạc, thì dứt khoát phải có bánh sơ cua. Còn ai về miền xuôi, chỉ loanh quanh chốn phố thị, thì chỉ cần bộ tire repair kit là đủ.



Nói tóm lại, nên nhận biết ra một sự thật (cho dù nó có phũ phàng): Rất có thể khi mua một chiếc xe mới sẽ không có chiếc bánh sơ cua. Phải biết hỏi vấn đề này cho rõ ràng để mà còn biết đường đối phó. Và nhớ rằng bộ tire repair kit không phải là một chiếc đũa thần toàn năng giúp mình mỗi khi bị bể bánh xe dọc đường. Trong mọi trường hợp, bánh xe sơ cua vẫn là sự lựa chọn an toàn cho người lái xe.


https://www.youtube.com/watch?v=6T-rmhXUR8o
https://www.youtube.com/watch?v=MPNSCeVWJyY

Tư Mỏ Lết


http://baomai.blogspot.ch/2015/11/banh-xe-so-cua-co-con-can-thiet.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét