Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

'Trung Quốc nguy cơ đối mặt với biến động lớn'

Giáo sư Vuving: 'Trung Quốc nguy cơ đối mặt với biến động lớn'
Sau một thời gian dài tạo dựng vị thế quốc tế bằng lợi thế hàng giá rẻ, Bắc Kinh đang bộc lộ những hạn chế, có thể dẫn tới biến động chính trị, xã hội lớn. Hai thách thức của mô hình phát triển Trung Quốc / Kinh tế Trung Quốc thách thức đối sách của Washington với Bắc Kinh
Giáo sư Alexander Vuving. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, trao đổi với VnExpress về những vấn đề nội tại của Trung Quốc và dự báo diễn biến sắp tới.

- Trung Quốc đang phải đối diện với một loạt các vấn đề lớn như chứng khoán lao dốc, đồng Nhân dân tệ (NDT) phá giá, khủng bố ở Tân Cương, các vụ bê bối an toàn vệ sinh thực phẩm, cháy nổ. Những vấn đề này cho thấy điều gì trong mô hình phát triển của Trung Quốc?

- Tôi không chắc các vụ việc cụ thể nêu trên có liên quan trực tiếp gì đến nhau, nhưng nếu chúng có chung một nguyên nhân sâu xa thì nguyên nhân đó nằm ở sự phát triển hết sức thiên lệch của Trung Quốc.

Trong hơn 30 năm qua Trung Quốc đã trở thành "công xưởng" của thế giới, sản xuất hàng hoá vừa nhiều, vừa rẻ nên đã tràn ngập toàn thế giới. Nhưng khi tìm cách hạ giá thành sản phẩm thì người ta đã bỏ qua các tiêu chuẩn về an toàn, trong đó có an toàn của chất thải ra môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động. Hệ thống quản lý của Trung Quốc, phần vì chạy theo tăng trưởng cao, phần vì quan liêu, vô trách nhiệm, phần do thông đồng với doanh nghiệp, nên đã không thiết lập được kỷ luật về an toàn, chất lượng, và môi trường.

Sản phẩm giá rẻ là một chìa khoá mở cửa con đường tăng trưởng cao của Trung Quốc. Một trong những công cụ quan trọng mà Trung Quốc sử dụng để giữ cho sản phẩm của mình có giá rẻ trên thị trường thế giới là tỷ giá hối đoái. Vừa qua Trung Quốc hạ giá đồng NDT là một cách đối phó với sự đổ vỡ trên thị trường chứng khoán trong nước. Khi thị trường chứng khoán đổ vỡ, nền kinh tế sẽ chững lại, hàng hoá không bán được nhiều, phá giá đồng nội tệ là một cách để đẩy tiêu thụ hàng hoá ra thị trường ngoài nước, khơi luồng lưu thông cho nền kinh tế.

Một thiên lệch nữa trong phát triển ở Trung Quốc là chủ yếu chỉ tăng trưởng kinh tế mà không có nhiều tiến bộ xã hội đi kèm, nhất là trong vấn đề chung sống giữa các sắc dân có xung đột về lịch sử và văn hoá. Trong một thế giới mà thông tin lan toả rất nhanh, điều này rất dễ làm gia tăng các xung đột sắc tộc và tôn giáo. Thế nhưng hệ thống quản lý của Trung Quốc không có cơ chế hiệu quả để lắng nghe tâm tư của các nhóm người yếu thế và để điều hoà các lợi ích khác biệt trong xã hội.

- Đánh giá chung của ông về giai đoạn phát triển hiện nay của Trung Quốc?


- Trung Quốc đang đi vào một giai đoạn bất ổn hơn trước rất nhiều. Lý do chính là vì nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, chuẩn bị kết thúc thời kỳ tăng trưởng cao. Một công trình nghiên cứu của tôi về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho thấy là thời kỳ tăng trưởng cao, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7-10%/năm, sẽ chấm dứt trong khoảng 5 năm tới. Sau đó tốc độ tăng trưởng bình quân của Trung Quốc sẽ chỉ còn khoảng 4-6%/năm.

Khi nền kinh tế còn tăng trưởng cao thì nhiều vấn đề và mâu thuẫn sẽ được xu thế đi lên của nền kinh tế khoả lấp. Nhưng khi nền kinh tế giảm tốc và tăng trưởng chậm thì các vấn nạn sẽ bung ra và gây sự bất ổn.

- Vấn đề tiền tệ, kinh tế suy giảm với chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" có sự liên quan như thế nào?

- Tôi không nghĩ chiến dịch đả hổ diệt ruồi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nguyên nhân của kinh tế suy giảm và cuộc khủng hoảng tiền tệ. Nó có gây ra xáo trộn chính trị nhưng sự suy giảm kinh tế, như tôi nói ở trên, là một xu thế khách quan. Trong xu thế đó, cuộc khủng hoảng tiền tệ sớm muộn cũng sẽ xảy ra.
Chiến dịch chống tham nhũng cũng có thể có mối liên hệ nhất định với kinh tế suy giảm. Một số người chủ trương chống tham nhũng đã nhìn thấy trước sự suy giảm sắp đến của nền kinh tế, và họ nghĩ rằng chống tham nhũng sẽ làm lành mạnh nền kinh tế, khiến cho cuộc "hạ cánh" trở nên nhẹ nhàng hơn. Nói cách khác, chống tham nhũng sẽ giúp quá trình suy giảm kinh tế tự nhiên của Trung Quốc diễn ra êm ả hơn.

- Những rủi ro tiềm ẩn mà Trung Quốc phải đối diện trong thời gian tới là gì, cả về kinh tế và chính trị?

- Nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế và chính trị Trung Quốc trong khoảng một đến hai thập niên tới là một cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, ngân hàng kéo theo những biến động lớn về chính trị, xã hội.

Sự tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua một phần lớn là nhờ nằm trên một núi tiền tiết kiệm khổng lồ của dân chúng. So với các nước khác, tính theo tỷ lệ trên GDP thì Trung Quốc tiêu dùng cực kỳ thấp, tiết kiệm cực kỳ cao, và do đó đầu tư cực kỳ nhiều. Doanh nghiệp vay tiền tiết kiệm của dân chúng với giá rẻ, lại được giá nhân công rẻ và nhờ chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ nên hàng hoá Trung Quốc bán ra rất rẻ. Đó là một vế trong mô hình tăng trưởng của Trung Quốc.

Một vế khác là kỷ luật đầu tư rất lỏng lẻo. Tiền vay được dễ dàng nên đầu tư tràn lan dẫn đến một núi nợ xấu không thể trả được mà phải đảo nợ, giãn nợ, nương vào tăng trưởng kinh tế để thu hẹp lại. Khi kinh tế suy giảm thì khả năng trả nợ sẽ giảm theo. Mấy năm vừa qua gặp lúc kinh tế khó khăn, Trung Quốc ra sức bơm tiền vào để chống đỡ, nên tuy kinh tế không bị suy giảm nhiều nhưng núi nợ xấu càng phình to hơn. Với cách làm này thì chuyện khủng hoảng tài chính, tiền tệ chỉ là vấn đề thời gian.

Hiện Trung Quốc vẫn chống đỡ được những cuộc khủng hoảng này vì người dân vẫn tiết kiệm được nhiều, tốc độ tăng trưởng tuy không còn ở mức 10% như các năm trước nhưng vẫn còn ở mức 7%. Trong 10 năm tới, với tỷ lệ người già trên số dân lao động tăng nhanh, khả năng tiết kiệm của dân chúng sẽ giảm sút nhanh chóng, đồng thời tăng trưởng lúc đó cũng giảm đi rất nhiều, thì núi nợ xấu sẽ đè bẹp hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Không phải lãnh đạo Trung Quốc không biết nguy cơ này, nhưng có rất ít cơ hội để Trung Quốc thay đổi mô hình tăng trưởng vì nếu thay đổi sẽ phải chấp nhận "nhịn" đầu tư trong một thời gian, mà như thế thì lấy đâu tiền cho hệ thống sống. Chiến dịch chống tham nhũng, ngoài động cơ đấu tranh quyền lực giữa các phe nhóm, còn xuất phát từ nhu cầu gia tăng kỷ luật đầu tư. Tuy nhiên có vẻ như tính chính trị đang lấn át tính kinh tế trong đó, cho nên hiệu quả kinh tế của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" chắc sẽ không cao.

- Những bất ổn hiện tại ảnh hưởng thế nào đến chính sách của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp trên biển như Biển Đông và Hoa Đông?


- Có một tư tưởng khá phổ biến cho rằng khi Trung Quốc bất ổn bên trong thì sẽ gây hấn bên ngoài để gây thanh thế bên trong hoặc để lái sự quan tâm ra bên ngoài. Tuy nhiên nhìn vào lịch sử hơn 60 năm qua của Trung Quốc thì không thấy quy luật này nổi lên rõ rệt.

Xét thực lực của Trung Quốc thì thấy dù bất ổn hay không, Trung Quốc cũng là một cường quốc hạng nặng trong khu vực. Và dù bất ổn hay không thì "giấc mộng Trung Hoa" cũng không thay đổi. Mà một thành tố quan trọng của giấc mộng đó là các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông và vị thế bá chủ trong khu vực.

Do đó tôi nghĩ bất ổn hiện tại ở Trung Quốc sẽ không làm thay đổi chiến lược lớn của nước này ở các vùng biển Đông Á và Đông Nam Á. Trung Quốc sẽ không gây chiến tranh lớn vì điều đó sẽ gây thiệt hại nặng nề lên chính nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách bành trướng theo kiểu gặm nhấm, tiếp tục "đánh dưới ngưỡng đau", chừng nào các nước khác vẫn còn sợ làm Trung Quốc tức giận, vẫn còn ngại va chạm với Trung Quốc, hoặc vẫn còn coi tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông là "chuyện nhỏ" trong "mối quan hệ lớn" với Trung Quốc.

- Ông có thể dự báo xu hướng tình hình của Trung Quốc và Trung Quốc cần làm gì để giải quyết khó khăn hiện nay?

- Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng, trong khoảng 5 năm tới sẽ kết thúc thời kỳ tăng trưởng cao, và trong khoảng 10 năm tới sẽ bước vào một giai đoạn khủng hoảng lớn. Giảm tốc là điều không thể đảo ngược được vì những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng cao của Trung Quốc đang ngày càng cạn kiệt. Khủng hoảng cũng là không thể tránh khỏi vì khối nợ xấu đã quá to, trong khi đó các rào cản của cơ chế không dễ gì tháo gỡ.

Điều Trung Quốc có thể làm là giảm nhẹ quy mô và tác động của khủng hoảng. Muốn vậy phải tạo cơ chế kiểm soát đầu tư, nhất là đầu tư công, một cách có hiệu quả, và phải giải phóng sức sáng tạo và sức sản xuất hơn nữa.

Tuy nhiên, Trung Quốc vấp phải vấn nạn là nếu cải cách mạnh thì sẽ gây xáo động và bất ổn. Còn nếu cải cách yếu thì sẽ không có hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc có thể áp dụng chính mô thức "cắt lát xúc xích" mà họ đã sử dụng khá thành công trong quá trình bành trướng ở Biển Đông. Tức là cải cách không ồn ào nhưng kiên trì, mức độ vừa đủ mạnh để có hiệu quả nhưng cũng không quá mạnh để gây bất ổn lớn, đồng thời chấp nhận một số xáo trộn nhỏ nhất định.

Việt Anh
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/giao-su-vuving-trung-quoc-nguy-co-doi-mat-voi-bien-dong-lon-3272025.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét