Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

"Doanh nghiệp và cơ quan nhà nước ở hai chiến tuyến ?”

Chuyện này quá bình thường từ ngày Thủ tướng Dũng lên nắm quyền. Khi làm báo cáo tổng hợp trình Chính phủ và Quốc hội, tôi thường phải gọi điện đến từng Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế để yêu cầu gửi báo cáo. Các cơ quan này biết rằng thời nay chỉ có Thủ tướng Dũng mới có thực quyền và Thủ tướng Dũng cũng không quan tâm tới các báo cáo văn bản, nên họ vừa không thèm làm, vừa không coi Bộ KHĐT và Văn phòng CP ra gì. Các thời thủ tướng khác không có chuyện này.
Hầu hết các bộ và địa phương bất tuân Nghị quyết 19 
Tư Giang - Ông Cung cho biết, trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các ngành về Nghị quyết 19 mới đây ở TPHCM, có doanh nghiệp khẳng khái nói rằng đây là lần góp ý cuối cùng của họ vì đã góp ý liên tục sáu năm nay mà không được tiếp thu. “Tôi cứ có cảm giác là doanh nghiệp và cơ quan nhà nước ở hai chiến tuyến,” ông than thở. 
Luật sư Huỳnh: "Vì sao nhiều thành viên CP 
không tuân thủ Nghị quyết của CP?" - Ảnh TG 
(TBKTSG Online) - Cuộc họp sơ kết Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 24-9 cho thấy, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương phớt lờ yêu cầu của Chính phủ.

Theo Nghị quyết 19 do Thủ tướng ban hành đầu năm nay, định kỳ hàng quý, các bộ, cơ quan, địa phương phải gửi báo cáo đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Nghị quyết này là trọng tâm trong điều hành của Chính phủ trong năm nay với kỳ vọng sẽ thu hẹp xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam sao cho ngang bằng với các quốc gia ASEAN 6, và ASEAN 4.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến ngày 23-9-2015, Bộ này mới chỉ nhận được báo cáo 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 của vỏn vẹn bốn bộ, cơ quan gồm Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, VCCI, EVN; và ba địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, và Hà Nội.

Hầu hết các bộ, ngành và địa phương khác hoàn toàn không có văn bản gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo CIEM.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho biết thêm, để hoàn thành báo cáo gửi chính phủ, CIEM đã liên tục mở các lớp tập huấn về triển khai Nghị quyết 19, song hầu hết các bộ, cơ quan và 18 UBND tỉnh, thành phố “chưa coi trọng” việc tham gia tập huấn, trong đó có Hà Nội.

“Nhiều địa phương chỉ gửi vài cán bộ cấp phòng của sở tham gia, mà cũng không tham gia hết khóa,” ông Cung than phiền.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh của VCCI bình luận: thực tế là chỉ có 2 bộ còn nghiêm túc gửi báo cáo.

Ông Huỳnh nói: “Đây là một bước thụt lùi. Lý do gì một nghị quyết của Chính phủ đề lần đầu tiên đưa Việt Nam tham gia cuộc chơi với thế giới, mà các thành viên Chính phủ lại không làm, không báo cáo? Tôi cho rằng phải lý giải điều này, nếu không thì tình hình (môi trường kinh doanh) có thể sẽ xấu hơn.”

Theo ông Cung, triển khai Nghị quyết 19 và Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị loại bỏ 3.300 điều kiện kinh doanh từ ngày 1-7. Tuy nhiên, ngay lập tức, các bộ, ngành và địa phương lại ban hành vô số thông tư, văn bản với hàng loạt điều kiện kinh doanh mới.

“Luật Doanh nghiệp thay đổi đột phá về đăng ký kinh doanh. Nhân dân và doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự thay đổi này, nhưng thực tế các cơ quan nhà nước chưa nghiêm chỉnh chấp hành nên sẽ làm mất lòng tin. Tôi thực sự báo động thực trạng này,” ông nói.

Ông Cung cho biết, trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các ngành về Nghị quyết 19 mới đây ở TPHCM, có doanh nghiệp khẳng khái nói rằng đây là lần góp ý cuối cùng của họ vì đã góp ý liên tục sáu năm nay mà không được tiếp thu.

“Tôi cứ có cảm giác là doanh nghiệp và cơ quan nhà nước ở hai chiến tuyến,” ông than thở.

Trước thực trạng này, ông Huỳnh cho rằng, lẽ ra Văn phòng Chính phủ phải đứng ra "ốp" các bộ, địa phương chứ không nên chỉ kêu gọi suông như CIEM vốn là cơ quan nghiên cứu.

“Để các bộ, địa phương phối hợp, (Chính phủ) phải sử dụng quyền lực chứ không thể kêu gọi được,” ông Huỳnh nói.


Còn ông Cung nói ông chỉ biết đánh động vào lòng “xấu hổ” của các địa phương không tuân thủ Nghị quyết khi “bêu” tên họ.

Theo CIEM, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai là địa phương điển hình tốt trong triển khai quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết 19.

Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã tiến hành nhiều giải pháp về cải cách hành chính thuế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ thuế điện tử.

Thời gian nộp thuế giảm 370 giờ trong năm 2014 và 50 giờ trong năm 2015. Tổng thời gian giảm đến nay là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế), vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết. Tính đến 23-9-2015, đã có 98% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử ổn định.

Tổng cục Thuế đã phối hợp với 33 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; đến nay đã có 84% số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và 71,3% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử.

http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/136164

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét