Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Những “phát súng cảnh cáo” vào…nền giáo dục

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Những “phát súng cảnh cáo” vào…nền giáo dục
Người giữ lửa “Rau sạch, gà lợn sạch, cá sạch, bánh trung thu sạch đến… giaó dục sạch!”  “Ngày càng nhiều người tin rằng các nền giáo dục ở bên ngoài biên giới ưu việt hơn trong nước. Đây chính là những “phát súng cảnh cáo” đối với nền giáo dục của chúng ta”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Câu chuyện về một đôi vợ chồng quyết định dành 18 năm không cho con đến trường mà tự họ dạy con ở nhà đang xôn xao dư luận xã hội. Người ủng hộ, người phản đối. Hiện tượng này nói lên điều gì về nền giáo dục của chúng ta hay là do quan niệm giáo dục của đôi vợ chồng kia ? Tôi muốn chúng ta bắt đầu từ chuyện rau sạch. Hiện nay, càng ngày càng có nhiều gia đình ở thành phố, đặc biệt cùng sống trong một khu phố hoặc một chung cư liên kết lại với nhau thuê những gia đình ở nông thôn trồng rau củ sạch, nuôi lợn, gà, cá sạch và cung cấp trực tiếp cho họ. 

Họ làm vậy bởi một sự thật là nỗi đe dọa của thực phẩm ô nhiễm và độc hại ngày càng rõ và càng thách thức mà chưa có một dấu hiệu nào cho thấy chúng ta chống lại được cuộc xâm lăng của thực phẩm độc hại ấy.

Tôi lại muốn chúng ta bắt đầu từ chuyện bánh trung thu sạch khi bây giờ chúng ta đang chuẩn bị đón rằm Trung thu. Người dân đang lao đi tìm những cơ sở sản xuất bánh trung thu ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khi nhìn những hộp bánh trung thu xếp chồng xếp đống dọc hai bên nhiều con phố, một người bạn tôi kêu lên: “Những quả bom nổ chậm”. Một ví von nghe rùng mình nhưng không phải không có lý.

Nhiều năm nay, gia đình tôi không mua bánh trung thu như thế. Bà mẹ họa sỹ Lê Thiết Cương năm nào cũng làm bánh trung thu truyền thống cho những người thân và hàng năm tôi đều được thưởng thức bánh trung thu của bà làm. Ngon và đương nhiên quá tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Năm nay vợ tôi, một học trò làm bánh của bà, bắt đầu làm bánh và biếu những người thân và bạn bè. Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm được coi trọng nhất.

Và đến bây giờ, lại xuất hiện những gia đình không cho con đến trường mà dạy con ở nhà. Việc cho con ở nhà học mà không đến trường sẽ mãi mãi chỉ là số ít, rất ít. Vấn đề này sẽ không bao giờ trở thành một phong trào như làm thực phẩm sạch.

Càng ngày càng có nhiều gia đình tìm mọi cách để có tiền cho con đi học nước ngoài cho dù học ở những nước cũng vừa vừa như Malaysia. Càng ngày càng nhiều người tin rằng hầu hết các nền giáo dục ở bên ngoài biên giới đều ưu việt hơn nền giáo dục trong nước.
Những hiện tượng cho dù với lý do nào thì cũng chính là những “phát súng cảnh cáo” đối với nền giáo dục của chúng ta.

Và đến bây giờ, lại xuất hiện những gia đình 
không cho con đến trường mà dạy con ở nhà 

Bản chất của những hiện tượng trên chính là sự phản ứng đối với nền giáo dục Việt Nam chứ không phải là hành động trực tiếp để thay đổi nền giáo dục.

Nhưng tôi nghĩ, cái lớn nhất của những hành động đó là “cảnh cáo” nền giáo dục của chúng ta chứ không phải là con đường đưa các thế hệ con em chúng ta đến với một nền giáo dục ưu việt. Bởi một nền giáo dục ưu việt nhất phải là một nền giáo dục sở tại, nơi những đứa trẻ không chỉ được nhận những tri thức tốt nhất của nhân loại mà còn phải được hưởng những điều tốt đẹp và nhân văn nhất của văn hóa dân tộc mình

Cùng với đó là sự hòa đồng, chia sẻ của những đứa trẻ với những đứa trẻ, với nhà trường, xã hội mà nó sinh ra và lớn lên từ một lớp mẫu giáo cho đến cấp đại học.

N.Q.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét