Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Người trẻ nào xứng đáng là lãnh đạo?

Người trẻ nào xứng đáng là lãnh đạo?
Hà Hiển - Người trẻ có thể là một cậu ấm con quan, dù cho đó là một cậu ấm thông minh, được học hành đỗ đạt cao, mà chẳng phải “đấu tranh” gì, chỉ vì có lợi thế “con ông cháu cha” mà được trao những vị trí béo bở một cách dễ dàng như “cơm bưng tận miệng”, mà người trẻ cũng có thể là một thanh niên đã được trui rèn trong những cuộc đấu tranh khốc liệt mới giành được một vị trí chính trị (dù là đấu tranh kiểu bất hợp pháp như cụ Trần Phú ở thế kỷ 20 hay kiểu hợp pháp như ông Obama khi tranh cử tổng thống ở thế kỷ 21).
Phản ứng trước cơn bão dư luận suốt tuần qua về việc anh Lê Phước Hoài Bảo, con ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam mới 30 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm giám đốc một sở của tỉnh nhà, một số quan chức từ trung ương đến Quảng Nam lấy các vị như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ… ngày xưa hay một số chính khách phương Tây hiện nay ra làm ví dụ về việc họ có thể giữ các trọng trách khi mới ở lứa tuổi 20 – 30.

Nhưng nếu phân tích cho kỹ thì các cụ như Trần Phú hay Nguyễn Văn Cừ … chỉ giữ các vị trí trọng trách của một đảng chưa cầm quyền, lúc đó bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, không thể so sánh với một vị trí chính thức trong hệ thống chính trị hợp pháp như “giám đốc sở” của một tỉnh như hiện nay. Muốn có vị trí trong chính quyền, các vị đó phải đấu tranh để giành (hay cướp chính quyền) và thông qua cuộc đấu tranh đó, những người xuất sắc sẽ nổi lên, có thể chỉ là một thanh niên 20 hay một cụ già 80 tuổi.

Cuộc đấu tranh của các cụ ấy là đấu tranh bất hợp pháp. Và trong cuộc đấu tranh ấy cả cụ Phú, cụ Cừ và nhiều cụ cùng trang lứa khác đều đã hi sinh anh dũng mà không “cướp” được một vị trí nào như “giám đốc sở”, nói chi đến cướp chính quyền vào thời đó. Làm sao so được với anh Lê Phước Hoài Bảo ở Quảng Nam mới 30 tuổi đã làm “giám đốc sở” như bây giờ. Còn cụ Nguyễn Ái Quốc và một số cụ khác khi cướp được chính quyền thì cũng đâu còn trẻ nữa. Khi ấy, cụ Quốc cũng đã gần 60 tuổi rồi!

Còn lấy chính khách phương Tây ra để so thì đó là một sự so sánh khập khiễng vì môi trường chính trị của phương Tây là cạnh tranh dân chủ để giành chính quyền. Muốn có được một vị trí trong hệ thống công quyền thì phải giành phiếu bầu thông qua các cuộc vận động tranh cử không hề dễ dàng hay qua các cuộc thi cử công chức một cách minh bạch, có những vị trí như “giám đốc sở” thì các ứng cử viên không nhất thiết phải là thành viên của bất kỳ một đảng phái nào (kể cả cả đảng cầm quyền) đều có thể tham gia cạnh tranh bình đẳng.

Đó là một cuộc đấu tranh hợp pháp

Tóm lại, chức quyền có được từ một quá trình đấu tranh đã được kiểm chứng và thử thách thì chẳng ai có lý do gì để mà nói ra nói vào. Cuộc đấu tranh ấy có thể là bất hợp pháp như ngày xưa các cụ đề cập ở trên đã thực hiện (đấy là tôi nói ví dụ chuyện các cụ ngày xưa chứ không có ý xui ai bây giờ “học tập và làm theo” các cụ cái chuyện này đâu nhé), hoặc là đấu tranh hợp pháp trong một môi trường chính trị minh bạch, cạnh tranh dân chủ một cách công bằng.

Người trẻ có thể là một cậu ấm con quan, dù cho đó là một cậu ấm thông minh, được học hành đỗ đạt cao, mà chẳng phải “đấu tranh” gì, chỉ vì có lợi thế “con ông cháu cha” mà được trao những vị trí béo bở một cách dễ dàng như “cơm bưng tận miệng”, mà người trẻ cũng có thể là một thanh niên đã được trui rèn trong những cuộc đấu tranh khốc liệt mới giành được một vị trí chính trị (dù là đấu tranh kiểu bất hợp pháp như cụ Trần Phú ở thế kỷ 20 hay kiểu hợp pháp như ông Obama khi tranh cử tổng thống ở thế kỷ 21).

Loại người trẻ nào trong số 2 loại trên làm lãnh đạo, thậm chí là lãnh tụ thì chẳng ai có lý do gì mà thắc mắc? Ai có thể tự hào, ai nên thấy xấu hổ khi được làm lãnh đạo? Hẳn các bạn đã có câu trả lời thỏa đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét