Ts Trần Công Trục gửi ông Tập Cận Bình: Hãy nên noi gương Thủ tướng Hun Sen
(GDVN) - Mong ông Tập Cận Bình nên dành thời gian tìm hiểu thấu đáo những vấn đề liên quan đến chủ quyền dưới góc độ pháp lý một cách khoa học, khách quan và cầu thị. Trần Công Trục
Sơ đồ tác chiến của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974. |
LTS: Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc sau cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng đã có phát biểu công khai về cái gọi là "chủ quyền từ thời cổ đại" của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và ông Bình cam kết không "theo đuổi mục tiêu quân sự" trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp.
Xung quanh phát biểu này của Tập Cận Bình, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bình luận của ông và một vài lời gửi đến ông Tập Cận Bình, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
The Wall Street Journal ngày 25/9 đưa tin, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama, ông Tập Cận Bình nhắc lại lập luận của mình trước đó rằng Trung Quốc có cái gọi là "chủ quyền" đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam "từ thời cổ đại".
Để tìm cách trấn an dư luận và qua mặt Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình lại cam kết: "Hoạt động xây dựng có liên quan mà Trung Quốc đang tiến hành ở Trường Sa không nhằm mục tiêu hoặc gây ảnh hưởng đến bất cứ quốcgia nào và Trung Quốc không có ý định theo đuổi (mục đích) quân sự".
Phát biểu của ông Tập Cận Bình không thể qua mặt được Hoa Kỳ
Tuy nhiên do đã quá nhiều lần Trung Quốc dùng xảo thuật ngôn từ hòng qua mắt dư luận nên phát biểu của ông Tập Cận Bình không thể tạo được niềm tin đối với các học giả quốc tế. Học giả M. Taylor Fravel, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc từ Viện Công nghệ Massachusetts bình luận:
"Những gì Tập Cận Bình tuyên bố còn phụ thuộc vào cách người Trung Quốc định nghĩa các thuật ngữ. Thực tế, các thực thể ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) đều đã được quân sự hóa và có lính đồn trú với vũ khí tối thiểu là để phòng thủ."
"Những lời hoa mỹ đó có thể giúp Mỹ và những nước khác tham khảo về tuyên bố của Tập Cận Bình đánh gia hành động của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng làm như vậy muốn có hiệu quả đòi hỏi phải có một định nghĩa rõ ràng và không quá rộng về mặt quân sự", ông Taylor Fravel nhấn mạnh.
Còn theo tường thuật của Reuters ngày 25/9, các nhà phân tích Hoa Kỳ và các quan chức nước này thừa biết, việc quân sự hóa bất hợp pháp các hòn đảo nhân tạo đã bắt đầu và câu hỏi duy nhất đặt ra hiện nay là sẽ có bao nhiêu vũ khí mới Trung Quốc sẽ kéo ra lắp đặt tại đây.
Họ lưu ý rằng, những bức ảnh chụp từ vệ tinh từ đầu tháng 9 cũng cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục nạo vét xung quanh các đảo nhân tạo, một tháng sau khi họ tuyên bố rằng hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ấy đã dừng lại.
Tuần san Quốc phòng của hãng tin quân sự Jane đã công bố ảnh vệ tinh mới nhất trên đá Chữ Thập chụp ngày 20/9 cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành đường băng trên bãi đá này và chuẩn bị bước vào hoạt động. Đường băng hoàn thành có thể cho phép Trung Quốc tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và bắt đầu tuần tra trên quần đảo (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.
Tuần san Quốc phòng của tạp chí Jane phân tích các công trình quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập. Ảnh: The Wall Street Journal. |
Những động thái mới nhất này cùng với những gì đã diễn ra trên Biển Đông thời gian qua đã tố cáo bản chất cam kết của ông Tập Cận Bình chỉ là trò lừa đảo bằng ngôn từ che đậy dã tâm và hành động bành trướng của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.
Động thái này nhằm tìm cách hoãn xung "giảm sóc" các áp lực từ Hoa Kỳ và khu vực về chống chủ nghĩa bành trướng, chà đạp luật pháp quốc tế trên Biển Đông, đe dọa dùng vũ lực, phá hoại hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Với 3 đường băng dài hơn 3000 mét có thể cất hạ cánh các máy bay quân sự hiện đại nhất của Trung Quốc, người ngây thơ nhất cũng không thể tin được lời ông Tập Cận Bình.
Lập luận của ông Tập Cận Bình về cái gọi là chủ quyền lịch sử
Ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc có cái gọi là "chủ quyền" đối với Trường Sa "từ thời cổ đại" và có chủ đích tránh né đề cập đến Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ 1956, 1974 đến nay. Chỉ riêng điều này thôi đã cho thấy sự tùy tiện, ngẫu hứng của một chính khách quốc tế trước các vấn đề pháp lý và lịch sử.
Wikipedia giải thích, thời kỳ cổ đại là lịch sử thế giới từ khi con người xuất hiện lần đầu tiên ở Cựu thế giới đến thời Sơ kì Trung Đại ở châu Âu và nhà Tần (221 TCN - 206 TCN) ở Trung Hoa. Lập luận của Trung Quốc về cái gọi là "chủ quyền" với hầu như toàn bộ Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là gì?
Để làm rõ cái "chủ quyền từ thời cổ đại của Trung Quốc", xin ông Tập Cận Bình và thuộc cấp vui lòng bỏ chút thời gian đọc kết quả nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang từ Đại học Quốc gia Hà Nội đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam số 21 năm 2013:
"Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường nói họ có đầy đủ chứng cứ để chứng minh người Trung Quốc đã phát hiện và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và làm chủ Biển Đông (trong vùng lưỡi bò) từ cách đây hơn 2.000 năm.
Tuy nhiên, trên thực tế họ không đưa ra được một bằng chứng xác thực nào mà chỉ dựa vào những trích dẫn từ các sách cổ của các tác giả Trung Quốc rồi giải thích một cách tùy tiện theo ý mình rằng đó là bằng chứng về việc họ phát hiện và khai thác hai quần đảo này.
Với cách thức tập hợp rất nhiều đoạn trích dẫn có dụng ý chủ quan, cắt xén, lắp ghép tùy tiện là một cách tung hỏa mù, khiến những người không có điều kiện tìm hiểu sâu dễ bị đánh lừa là tư liệu của Trung Quốc rất dày dặn. Tuy nhiên, những đoạn trích như vậy hoàn toàn không có giá trị chứng minh việc thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Điều nguy hiểm là trong lập luận, Trung Quốc thường đề cao cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, theo đó, từ thế kỷ II trước công nguyên, vùng đất nay là Trung Trung Bộ của Việt Nam, từng là một quận của nhà Hán (quận Nhật Nam) và như vậy, vùng biển, các đảo thuộc quận này đương nhiên là của Trung Quốc. Kiểu lý sự này hết sức phi lý và phản khoa học, nếu không nói là rất phản động và đậm chất thực dân.
Khi lập luận như vậy họ cũng đã cố tình quên rằng cả nước Trung Hoa đã từng nằm dưới ách cai trị của người Mông Cổ từ năm 1271 đến năm 1368. Theo cách lý sự đó, người Mông Cổ hoàn toàn có thể đòi chủ quyền lịch sử đối với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.
Để “gò theo” một nguyên tắc rất cơ bản của luật pháp quốc tế là chủ quyền phải được thực thi liên tục (khác với cái gọi là chủ quyền lịch sử), phía Trung Quốc đã cố tìm ra mỗi thời dăm ba sự kiện để chứng minh họ liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.
Trung Quốc thừa hiểu rằng lập luận về “chủ quyền lịch sử” của họ (dù chẳng ai thừa nhận) thì cũng không thể kéo dài sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, khi người Việt đã giành lại độc lập chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, nên họ ra sức tìm kiếm chứng cớ từ đời Tống (thành lập năm 960).
Họ viện dẫn các sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi, Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát những đoạn nói về hai quần đảo Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường (mà sau này Trung Quốc nói là tên kác của Tây Sa/Hoàng Sa và Nam Sa/Trường Sa). Nhưng như tên gọi của những sách này, “Lĩnh ngoại” là ngoài biên giới Trung Quốc, nói về những chuyện bên ngoài.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang. |
“Chư phiên” là các nước Trung Quốc cho là chư hầu của mình, chuyện chép về các nước xung quanh mình. Do vậy, những mô tả về biển, đảo hoặc hải trình đi tới các nước, như Giao Chỉ, Chiêm Thành, Chân Lạp thì tên các quần đảo Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường (mà Trung Quốc cho là Tây Sa và Nam Sa) được nhắc đến để chỉ vị trí hoàn toàn không có ý nghĩa nào trong việc xác định chủ quyền của Trung Quốc.
Đấy là chưa kể từ ngữ dùng trong các sách này cho thấy tác giả cũng chỉ nghe truyền lại (truyền văn), chứ không biết đích xác ra sao.
Sang đến thời kỳ Trung Quốc bị người Mông Cổ chinh phục, lập ra triều Nguyên (nay Trung Quốc nhận là của Trung Quốc), họ dẫn một vài sự kiện chép trong Nguyên Sử như việc thủy quân nhà Nguyên đi qua “Thất Châu Dương, Thiên Lý Thạch Đường” để nói họ thực thi chủ quyền trên hai quần đảo.
Thực ra đây là sự kiện quân Nguyên trên đường đi đánh Giava năm 1293. Hay việc năm 1279 Quách Thủ Kính theo lệnh vua Nguyên tiến hành đo đạc thiên văn ở 27 nơi, trong đó có một điểm tương đương với Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng sự kiện này góp phần khẳng chủ quyền của họ vào thời Nguyên trên quần đảo Hoàng Sa.
Khi lập luận, họ không dẫn giải hết rằng cùng thời điểm đó, Quách Thủ Kính đã tiến hành đo đạc trên một phạm vi rất rộng, phía Đông đến Cao Ly, phía Tây đến Điền Trì, phía Nam qua Chu Nhai, phía Bắc đến Thiết Lặc (Xibêri), đúng như chỉ dụ của vua Nguyên là đo đạc thiên văn “bốn biển”.
Cần nhớ rằng đế chế Đại Nguyên dưới thời Đại Hãn Khubilai/ Hốt Tất Liệt (1271 - 1294) là thời kỳ hùng mạnh nhất và năm 1279 chính là năm lãnh thổ đế chế mở rộng đến cực đại, với diện tích lên tới 24 triệu km2, nối liền từ Thái Bình Dương sang đến Địa Trung Hải.
Nhưng cũng trong giai đoạn lịch sử này quân và dân Đại Việt đại thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng. Với đà lập luận như vậy, đến một lúc nào đó, khi có điều kiện Trung Quốc có thể chứng minh chủ quyền của họ trên lãnh thổ Hàn Quốc và Liên bang Nga.
Trung Quốc đặc biệt đề cao cái gọi là “phát kiến hàng hải” của Trịnh Hòa vào thế kỷ XV. Dưới thời Minh, trong khoảng thời gian gần 30 năm, từ năm 1405 đến năm 1433, một quan thái giám là Trịnh Hòa trước sau đã có bảy lần vượt biển xuống Đông Nam Á, sang đến Ấn Độ Dương, qua Hồng Hải tới các nước Ả Rập và thậm chí xuống đến tận bờ biển Đông Phi.
Phía Trung Quốc đề cao sự kiện này và đối với Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì họ cho đây là bằng chứng hùng hồn của việc thực thi chủ quyền. Chưa nói đến sự phi lý của việc đồng nhất một chuyến du hành biển xa với việc khẳng định chủ quyền, những người muốn lợi dụng sự kiện này để nói về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã cố tình hay vô ý quên rằng Trịnh Hòa đã công phu vẽ lại cuộc hành trình của mình thành hàng trăm tấm hải đồ.
Trên hải đồ vẽ đoạn đi ngang qua Việt Nam, chú thích ở dưới ghi một hàng chữ nhỏ Giao Chỉ dương /Biển Giao Chỉ (交阯洋). Giao Chỉ là tên gọi Việt Nam theo cách của Trung Quốc. Như vậy là ở thế kỷ XV, Đô đốc Trịnh Hòa chắc chắn am tường chủ quyền các vùng biển, hải đảo mà ông đi qua hơn những người Trung Quốc hiện nay.
Nếu đúng là đã thuộc về Trung Quốc sau chuyến đi của ông, hay đã là của Trung Quốc từ trước đó như chính quyền Trung Quốc hiện đang tuyên truyền thì trên hải đồ vùng này chắc hẳn phải ghi Đại Minh nam hải, hay chữ gì đó để ghi nhận chủ quyền của Trung Quốc mới đúng."
Trung Quốc sử dụng hình ảnh Trịnh Hòa để tuyên truyền quảng cáo cho chiến lược Con đường Tơ lụa mới trên biển thế kỷ 21. |
Sự thật lịch sử không thể dấu diếm được là từ thế kỷ XIX trở về trước, người Trung Hoa luôn coi biển và đại dương là hiểm họa cho sự tồn tại của họ, một phần vì họ không kiểm soát được, phần nữa vì hoạt động cướp biển luôn luôn đe dọa trong nhiều thế kỷ, tạo thành một mối lo canh cánh cho triều đình phong kiến Trung Quốc.
Nhiều chính sách ngăn cấm rất nghiệt ngã được đề ra làm kim chỉ nam cho việc giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa... Đã có những thời kỳ ai đặt chân xuống biển đã bị coi là đại tội, dân chúng bị bắt buộc di cư vào trong đất liền 40 dặm, dọc theo duyên hải từ nam chí bắc không một bóng người.
Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa và xác lập chủ quyền phi pháp bằng vũ lực
Mãi tới cuối triều nhà Mãn Thanh, trên thực tế là kể từ sau cuộc chiến tranh Nha Phiến, mối đe dọa đến từ vùng ven biển mới làm thức tỉnh ý thức về biển của người Trung Quốc, hình thành một loạt ý tưởng về chiến lược biển. Chính vì vậy, vào đầu thế kỷ thứ XX Trung Quốc mới bắt đầu thực hiện các bước tiến ra phía biển.
Mở đầu là sự kiện năm 1909, Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó đã vội vã rút lui.
Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa. Tuy nhiên, với Hiệp định Sơ bộ Hồ Chủ tịch ký với Cộng hòa Pháp ngày 6/3/1946, Việt Nam vẫn nằm trong khối Liên hiệp Pháp nên Pháp vẫn thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống xâm phạm chủ quyền ở Hoàng Sa.
Khi đó, những phản ứng mạnh mẽ của Pháp đối với sự chiếm đóng trái phép của quân đội Tưởng Giới Thạch ở Hoàng Sa và sự suy yếu trước các cuộc tấn công như vũ bão của quân đội Mao Trạch Đông ở trong nước, quân Trung Hoa Dân quốc buộc phải rút khỏi đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, kết thúc khoảng thời gian ngắn chiếm đóng trái phép ở quần đảo này.
Đến ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho Chính phủ Bảo Đại việc quản lý và bảo vệ Hoàng Sa. Lợi dụng thời khắc lịch sử rối ren của Việt Nam khi quân viễn chinh pháp buộc phải rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo Hiệp định Geneva, Trung Quốc đã lén lút đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956.
Ngày 21/2/1959, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa nhằm đánh chiếm nhóm đảo còn lại của quần đảo Hoàng Sa nhưng đã bị lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa phát hiện. 82 binh lính Trung Quốc đóng giả ngư dân cùng với 5 tàu đánh cá vũ trang đã bị bắt giữ và áp giải về giam tại Đà Nẵng, sau đó đã được trao trả cho Trung Quốc.
Năm 1970, vào lúc công cuộc thống nhất đất nước của Việt Nam đến giai đoạn sắp kết thúc, Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã tiến hành một số hoạt động “ít kín đáo” trên nhóm đảo An Vĩnh - bộ phận phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Nhiều công trình hạ tầng quân sự đã được xây dựng vào năm 1971.
Từ ngày 17 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc mở cuộc tấn công vào lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng Hòa với lực lượng hùng hậu gồm: một hạm đội gồm 8 tàu chiến, lính thủy đánh bộ… Trước sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lực lượng đông và mạnh của Hải quân Trung Quốc, quân đội của Việt Nam Cộng Hòa đã không bảo vệ được phần còn lại là nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Đầu tháng 3.1988, Trung Quốc sau khi chiếm giữ trái phép 5 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (bao gồm các đá Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi) Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 9 đến 12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc và một pôngtông lớn để hỗ trợ nhằm chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Trong đó, Gạc Ma là bãi đá san hô nằm ở phía nam đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông mà Hải quân thuộc lực lượng Quân giải phóng nhân dân miền Nam Việt Nam đã tiếp quản vào hạ tuần tháng 4 năm 1975.
Như vậy, Trung Quốc dùng vũ lực để xác lập chủ quyền là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Cụ thể, điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định: “Nghiêm cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác”.
Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc phải tuân thủ. Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định:
“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia…
Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Qua việc xem xét kỹ các tư liệu do người Trung Quốc đưa ra, bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác nhưng chúng không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này.
Ông Tập Cận Bình, ảnh: Reuters. |
Rõ ràng, Trung Quốc đã “biến không thành có” từ đầu thế kỷ XX, bằng thủ đoạn lợi dụng những thời điểm lịch sử để tổ chức đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa vào những năm 1956, 1974, 1988, 1995 và chiếm đóng trái phép đến ngày nay.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn thực hiện hàng loạt các hoạt động sai trái khác và tổ chức các bước đi tiếp theo nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, biến “vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp”, tìm mọi cách hiện thực hóa yêu sách đường “lưỡi bò”bao lấy trên 90% diện tích Biển Đông như hàng loạt hành động leo thang gây hấn những năm qua.
Đó chỉ là vài nét về lịch sử nêu ra để ông Tập Cận Bình và thuộc cấp tham khảo vì ông nhắc đến cái gọi là "chủ quyền lịch sử". Còn trong thực tiễn Công pháp quốc tế không ai chấp nhận lập luận ấy của các ông, bởi cứ theo logic Trung Quốc đưa ra thì đúng như Giáo sư Vũ Minh Giang nói, Mông Cổ có quyền đòi chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa vì họ từng có "chủ quyền lịch sử".
Nếu ông Tập Cận Bình và các thuộc cấp quan tâm muốn tìm hiểu thêm về Công pháp quốc tế quy định như thế nào về vấn đề chủ quyền, nguyên tắc xác lập chủ quyền xin vui lòng đọc thêm bài phân tích của tôi về chủ đề này TẠI ĐÂY.
Là người đứng đầu một quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là cái nôi của nền văn minh phương Đông coi trọng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, mong ông Tập Cận Bình nên dành thời gian tìm hiểu thấu đáo những vấn đề liên quan đến chủ quyền dưới góc độ pháp lý một cách khoa học, khách quan và cầu thị.
Là người đứng đầu một quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là cái nôi của nền văn minh phương Đông coi trọng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, mong ông Tập Cận Bình nên dành thời gian tìm hiểu thấu đáo những vấn đề liên quan đến chủ quyền dưới góc độ pháp lý một cách khoa học, khách quan và cầu thị.
Chỉ có cách đó mới có thể giúp Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông trở thành một cường quốc thực sự được nể trọng, chứ không phải thực dân kiểu mới khiến ai ai cũng phải đề phòng.
Nay ông đã công khai nói trước thiên hạ rằng Trung Quốc có "chủ quyền từ thời cổ đại" đối với quần đảo Trường Sa, thì xin ông hãy noi gương Thủ tướng Campuchia Hun Sen, chứng minh lập luận của mình bằng hành động, hoặc đưa ra bằng chứng, hoặc đối chất trước cơ quan tài phán quốc tế.
Và cũng xin ông Tập Cận Bình vui lòng đừng né tránh quần đảo Hoàng Sa và đường lưỡi bò đầy tham vọng. Biết ông sắp sang thăm chính thức Việt Nam, với tư cách một người dân Việt Nam và từng nghiên cứu về luật pháp quốc tế cũng như biên giới lãnh thổ, tôi xin gửi tới ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc vài lời như trên. Trần Công Trục.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ts-Tran-Cong-Truc-gui-ong-Tap-Can-Binh-Hay-nen-noi-guong-Thu-tuong-Hun-Sen-post162050.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét