Mua like, bán khán giả: Tính háo danh thời nay
MINH THI LĐO - Cả rừng cánh tay đưa lên đưa xuống nhịp nhàng để hưởng ứng từng câu hát của thần tượng. Ca sĩ cũng mụ đi trong vinh quang, sự tung hô. Nhưng hóa ra, phần đông khán giả là sinh viên được… thuê để trình diễn màn hâm mộ oái ăm trên. Fan giả, fan “đóng thế” là trào lưu hiện nay, và là nỗi băn khoăn về nhiều ca sĩ thế hệ mới.Fan ảo và giá trị thực
Còn fan là còn “hot”, hết fan thì coi như đã hết thời. Đặc biệt, lượng fan “khủng” có thể giúp ca sĩ có những hợp đồng mới, cả biểu diễn lẫn quảng cáo. Thế nên, bất chấp lòng tự ái bản thân, nhiều ca sĩ đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua like trên Facebook, mua “cánh tay fan” qua những màn trình diễn của mình. Thậm chí, cả những ca sĩ ăn khách cũng phải dùng nhiều chiêu trò bên cạnh việc tạo scandal để còn tiếp tục được truyền thông chú ý.
Nhiều người chép miệng: Tội nghiệp cho con cái nhà ai, suốt ngày đi vẫy tay, vẫy gấu bông và băng rôn. Thế nhưng, nhiều sinh viên nghèo đã qua được những ngày tháng khó khăn nhờ đi làm fan giả như vậy. Họ được nhận món tiền nhỏ, thậm chí cả bánh mì, tiền xăng xe, sang thì cả áo phông có quảng cáo…, chỉ cái mất thời gian chờ đợi, rồi diễn sao cho khớp. Có sinh viên đưa nhầm băng rôn của một ca sĩ đối thủ khi ca sĩ “thần tượng” ra hát, chỉ vì phía kia cũng mời làm “fan giả”. Cũng có fan đi cổ vũ mà chẳng biết mô tê gì về ca sĩ của mình cả. Có fan chê thần tượng hát dở, nhưng đã trót nhận tiền rồi thì cứ phải tung hô thôi.
Fan cũng nhiều dạng: Fan “thực tế” diễn ở các gameshow, truyền hình thực tế, các sự kiện, và fan nhắn tin bình chọn. Cả hai loại fan đều tốn kém, khiến ca sĩ cắt giảm chi phí làm MV, cắt giảm cả phần đầu tư vào chuyên môn, thay vào đó là dốc hầu bao nuôi fan, mau chóng thấy kết quả hơn.
Cuộc tranh giành fan ảo cười ra nước mắt. Có người còn thuê fan đứng ra chửi đối thủ của mình. Tất cả chỉ thu vào túi của những ông chủ công ty chuyên bán “vote”, hay cung cấp đầu số để trực tiếp giúp nghệ sĩ chiến thắng trong các chương trình truyền hình thực tế. Họ ngồi ký hợp đồng với ca sĩ, rồi “tuyển dụng nhân viên phục vụ”, theo kiểu tuyển khán giả game show, với mức giá 10.000 đồng/giờ, bao ăn trưa, chỉ cần ăn mặc đẹp, mang giày, giấy chứng minh và 1 cái áo để… thay đổi. Có ca sĩ sộp hơn thì trả 100.000 đồng/người cho những sự kiện họ cho là quan trọng.
“Thẻ tín dụng” nổi tiếng đến hạn…
Có những món nợ thế nào rồi cũng phải có ngày đối mặt. Nhất là món nợ nổi tiếng. Nổi tiếng nhờ fan giả, nhờ vay mượn công nghệ, thực chất là “mông má” tên tuổi, chấp nhận trả giá. Và cái giá đó đôi khi không nhỏ. Nhiều fan cuồng đã thóa mạ ca sĩ đối thủ, khiến các ca sĩ thượng thặng ngồi trên cùng ghế nóng phải muối mặt vì chính mình bị mất uy tín. Lẽ dĩ nhiên, không ai muốn mình là chủ nhân của đội quân fan thiếu văn hóa, hễ không thích là la hét phản đối, hễ nghe nhận xét không hay (nhưng chính xác) về “thân chủ”của mình thì quay lại “quăng gạch”.
Ngày nay, các sao trẻ có lượng fan “khủng” càng dễ khiến người ta nghi ngờ độ nổi tiếng của họ. Những đội quân đó như những cái máy tung hô không mệt mỏi, không cảm xúc. Có những cuộc họp báo bị biến thành cuộc họp fan, lâu lâu lại bị ngắt quãng vì tiếng hét của trưởng nhóm, sau đó là các màn hô tên thần tượng sống sượng. Không chỉ sao nội, mà sao ngoại đến Việt Nam cũng được fan giả bao vây, khiến họ ngạc nhiên thực sự. Nhưng càng về sau, càng hoang mang vì thật giả khó lường.
Cũng nên phân biệt sao ảo và sao thật. Là bởi, sao ảo nổi lên rất nhanh, mà bị lãng quên cũng nhanh. Nhiều sao giành các giải thưởng trực tuyến mà đóng góp thực của họ thì là con số không. Có sao chiếm lĩnh vị trí cả thế giới ảo lẫn thật là Hoài Linh, nhưng cũng có sao thật, ở ngoài có đội fan áp đảo, nhưng có lượt fanpage ít ỏi trên mạng, như Mỹ Tâm.
Thời buổi háo danh lên ngôi, nổi tiếng cũng chỉ là món hàng mua và bán, không ít nghệ sĩ chạnh lòng vì con người ta mải miết chạy theo những trò lố mà không giữ được giá trị của riêng mình nữa. “Thẻ tín dụng” nổi tiếng sau khi đã tiêu xài chán thì đến lúc phải trả. Lúc đó, ca sĩ phải đối mặt với sự tụt hạng thảm hại, cũng như hết tiền thì hết fan. Khi còn trơ lại trên sân khấu với đúng vị trí của mình, có lẽ, đó là giây phút kinh khủng nhất mà những ai háo danh quen được tung hô phải trải qua, và họ vẫn chẳng là gì trong thế giới của sự hào nhoáng chóng qua. Sự tuột dốc này khiến họ không chịu nổi, và kết cục là tung hàng loạt ảnh nóng, scandal, nỗi hậm hực, rồi đem nhau ra chửi mắng trên Facebook, nghe rất hạ sách.
Cách để trở thành nghệ sĩ đích thực
Một hiện tượng cả trong thế giới ảo lẫn thực, là Sơn Tùng M-TP, mới đây bị đàn anh - ca sĩ Tùng Dương lên tiếng chê ca từ của anh thể hiện thái độ tiêu cực. Trong đêm diễn trực tiếp trên sóng truyền hình Giọng hát Việt, anh đã “giật mình vì những ca từ rất phản cảm của Tùng trong bài hát của cậu ấy”. Bài hát có đoạn rap: “Lãng tử hào hoa/ It’s me, Sơn Tùng/ Cái tên được săn lùng với phong cách điên khùng/ Lấy bút làm khẩu súng/ Nét mực và nòng súng khai hỏa cất cánh dứt bỏ mọi xiềng xích không nao núng/ Xoáy vào trong tâm anh tỏa sáng như sao trời/ Ở trên đây cười nhếch mép luôn rạng ngời/ Đừng bám đuôi không thôi sẽ bị đánh tơi bời”.
“Việc tuyên ngôn của một cá nhân giữa đám đông là điều sẽ diễn ra hết sức bình thường nếu chúng ta biết thế hiện đúng mực cái tôi của mình. Điều đó rất quan trọng khi nó thể hiện nhân cách, phông văn hoá. Tôi cho rằng, cách tuyên ngôn đặt mình cao hơn người khác là sự kiêu ngạo sai lầm. Nhưng tôi sợ rằng tất cả những yếu tố đó lại là chiến lược của một êkíp để gây dư luận. Một thứ mốt cũng là một căn bệnh khó chữa của showbiz” - Tùng Dương nhận xét chính xác.
Theo Tùng Dương, để thực sự có một tầm vóc trong nghệ thuật vẫn phải là sự công nhận của đồng nghiệp, nhà chuyên môn và công chúng, chứ không phải tự vỗ ngực mình lớn. Các bạn trẻ đừng dung dưỡng cho mình những giá trị sai lệch và buông thả. Hãy sống với khát vọng, hoài bão của mình và giữ cho mình hình ảnh sạch. Đó là cách để trở thành một nghệ sĩ đích thực.
***
HOÀNG TUẤN, ÔNG BẦU ĐAN TRƯỜNG: CA SĨ CÀNG HOT, FAN CÀNG CẦN VĂN MINH
Thời gian gần đây, tôi có nghe khán giả nói về việc ca sĩ này hoặc nghệ sĩ kia bị fan của người khác "ném đá", chỉ trích trên mạng xã hội. Đây chẳng phải chuyện lạ giữa fan club của các nghệ sĩ trong làng giải trí. Người ta vẫn bảo, nhìn con thì biết cha mẹ. Nhìn vào fan, bạn sẽ phần nào hiểu tính cách của người ca sĩ, nghệ sĩ đó, từ cách ứng xử với người hâm mộ, với đồng nghiệp, cộng sự hay việc đối phó với mọi ồn ào, sóng gió... Người ca sĩ bản tính hiền lành, nhẹ nhàng thì fan club cũng vậy. Nhưng nếu người ta “hăng”, FC khó mà “lành” được.
Trong cách hành xử của thành viên FC này với người của fan club khác, người cầm trịch là ca sĩ hoặc quản lý của họ có tiếng nói rất quan trọng. Nếu người này biết cách lèo lái, quản lý thì cộng đồng nhỏ đó sẽ đi đúng hướng mà nghệ sĩ cũng như êkíp mong muốn. Còn nếu không biết cách chỉ bảo, nâng đỡ nhau, chuyện vỡ trận là điều dễ hiểu. Khi đó, chuyện gì xảy ra trong FC, chẳng ai có thể nói trước!
Tôi xin lấy ví dụ ở người mà tôi quen thuộc, gắn bó nhất là Đan Trường. Cách đây nhiều năm, fan của “song Trường” là Lam Trường và Đan Trường cũng có xích mích. Nhưng sự việc chưa bao giờ bị đẩy xa hay chuyện bé xé ra to bởi cả hai ca sĩ cũng như ê-kíp đứng sau họ đều có cách hành xử văn minh. Ở bề nổi, đó là cách “song Trường” thể hiện tình cảm với nhau trên sân khấu, trong hoạt động chung. Còn phía sau, chúng tôi đều nói chuyện rõ ràng, tỉ mỉ để fan của mình hiểu và thậm chí là còn yêu mến, ủng hộ cho người kia…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét