Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Người Nhật tiết kiệm từ chai nước uống... thừa

Người Nhật tiết kiệm từ chai nước uống... thừa
Lịch sự, tự trọng, thật thà, tự lập, tiết kiệm, giữ lời, đúng giờ... những tích cách của người Nhật khiến cả thế giới phải nể phục.

Người Nhật tiết kiệm từ chai nước uống thừa (Ảnh minh họa)
Tiết kiệm từ chai nước uống thừa
Câu chuyện này được khơi gợi từ 1 buổi hội thảo tăng cường quan hệ đối tác giữa 1 số doanh nghiệp Nhật Bản và 1 số cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam. Khi các đại biểu chào nhau ra về, báo Bizlive nhận ra, trên bàn của những người Nhật không còn chai nước suối nào cả; trong khi bàn đối tác Việt Nam vẫn đầy các chai nước, có chai chỉ mới mở nắp. Một cán bộ phiên dịch cho biết: “Người Nhật sẽ mang theo chai nước uống dở của họ, vì họ sẽ tự buộc mình phải uống cạn chai nước ấy”.

Hầu như bất cứ cái gì sử dụng được, người Nhật đều tận dụng tối đa; còn cái gì vứt đi của họ, cũng được chắt lọc rất kỹ lưỡng. Họ chỉ ăn vừa đủ miệng ăn, uống vừa đủ mức uống, có thể nói là tằn tiện chi ly đến đáng ngạc nhiên.

Thực tế, trong đời sống, người Nhật có nhiều đức tính khiến cả thế giới phải nể phục.

Nổi tiếng về tính tự giác, trung thực

Chị Nguyễn Minh Nguyệt, một du học sinh tại Nhật Bản đã có một bài viết về tính tự giác và không có thói quen trộm cắp tại "xứ sở hoa anh đào".

Theo đó, người Nhật luôn luôn đặt tính tự giác và lòng trung thực lên hàng đầu. Tự giác qua cách cho trẻ đi học, đi tàu điện một mình từ khi còn lên 4, lên 5. Trong khi ở độ tuổi ấy ở Việt Nam, ông bà, bố mẹ vẫn còn bế ẵm hay nựng từng thìa để con “ăn giúp mẹ 1 ít”. Thay vì xe đưa, xe đón mũ áo cẩn thận như mẹ Việt, mẹ Nhật Bản trang bị và dạy con cách sắp xếp đồ từ khi còn nhỏ. Sáng dậy, con tự chuẩn bị đồ đạc và đến bến tàu xe để đi học một mình.

Những thùng hàng đặt ở đường, khách mua và tự động 
trả tiền vào thùng. Không có chuyện khách "quỵt tiền"

Ngoài đường phố, sự tự giác, tính trung thực còn đáng hoan nghênh hơn nữa. Tất cả khách hàng hoàn toàn tự giác và không bao giờ có tình trạng lấy cắp hoặc ăn xong không trả tiền. Thêm nữa, khi đến những ga tàu không bao giờ có tình trạng chen lấn, xô đẩy. Họ tự giác xếp hàng theo thứ tự mà không phải mất công nhắc nhở.


Dù trời mưa hay lạnh buốt, người Nhật cứ nối đuôi nhau xếp hàng không hề thấy sự xô đẩy chen lấn

Luôn đền đáp

Ở Nhật, bạn sẽ học được rằng khi được giúp đỡ, bạn cần trả ơn, càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, người Nhật không câu nệ cách bạn đền đáp họ. Ví dụ ai đó giúp bạn một tay, như chuyển chiếc ghế mới vào trong nhà, bạn chỉ cần mua một lon nước để thể hiện sự cảm kích là đủ. Mỗi lần bạn giúp đỡ người khác, bạn sẽ nhận được cử chỉ tốt đẹp nào đó đáp lại, không cần thể hiện bằng lời nói.

Thói quen lịch sự

Văn hóa Nhật rất coi trọng sự lịch lãm, từ cách dùng kính ngữ, tới cách nhân viên bán hàng xách đồ tiễn bạn ra cửa, cách bạn được chào đón khi bước vào một nhà hàng. Nếu dừng lại hỏi đường, bạn sẽ nhận được bản đồ vẽ tay chi tiết, thậm chí còn được dẫn tới tận nơi. Với người Nhật, lịch sự nghĩa là bớt ích kỷ, vì người khác mà không nghĩ đến chuyện mình sẽ được gì.

Đặt người khác lên trước

Những cử chỉ như nhường bạn bè miếng bánh to hơn, dành chỗ tốt nhất cho mẹ khi vào nhà hàng, hay để khách đứng giữa khi chụp ảnh... là một phần cuộc sống thường nhật ở xứ mặt trời mọc. Các ngôi nhà truyền thống của Nhật còn có ghế dành riêng cho khách - trước hốc tường tokonoma để khách nổi bật giữa phông nền là các bức thư pháp, lọ hoa, đồ gốm của chủ nhà... Người Nhật có nhiều cách để thắt chặt các mối quan hệ trong cuộc sống.

Tôn trọng tài sản của người khác

Tại quốc gia này, việc nhặt được của rơi trả lại người bị mất trở thành nguyên tắc sống. Khi ai đó đánh rơi khăn tay trên phố, người tìm thấy sẽ đặt nó lên thùng thư ở chỗ gần nhất, để người mất có thể dễ dàng nhìn thấy lúc quay lại tìm.

Luôn có ý thức bảo vệ môi trường
Người dân xứ hoa anh đào luôn dọn dẹp sạch sẽ nơi mình tổ chức các hoạt động. Bạn hầu như không thấy một chiếc cốc giấy hay một túi nilon bị vứt bừa bãi. Người bán hàng thường quét dọn trước cửa hiệu mỗi ngày. Người dân trong cùng một khu phố thường xuyên có các buổi tổng vệ sinh.


Cổ động viên Nhật Bản dọn rác ở sân vận động sau khi xem. Ảnh: Daily Mail.

Biết lắng nghe

Người Nhật thường để người khác nói xong trước khi tiếp chuyện. Việc cho người khác cơ hội bày tỏ ý kiến mà không chen ngang rất quan trọng. Chúng ta sẽ bớt phán xét hơn khi tiếp nhận quan điểm của người khác, không còn tranh cãi mà trở thành bàn luận. Chúng ta sẽ tự động hạ giọng xuống và không chiếm hữu cuộc trò chuyện.

Giữ lời

Khi người Nhật nói điều gì đó, họ sẽ thực hiện. Nếu được mời tới dự sự kiện, người ta thường không từ chối. Và nếu họ nói sẽ tham dự thì nhất định tới, dù mưa to gió lớn. Việc nhận lời rồi không đến bị coi là bất lịch sự. Nếu có thay đổi bạn phải gọi điện báo trước hoặc cử người đi thay.

Đúng giờ

Một trong những điều quan trọng nhất người ta học được khi sống ở Nhật Bản là luôn đúng giờ. Điều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng người khác mà còn khiến mọi việc tiến triển suôn sẻ và hiệu quả hơn.

Thu An(Tổng hợp)
http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/262094/nguoi-nhat-tiet-kiem-tu-chai-nuoc-uong----thua.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét