Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Vì sao Táo quân 2015 'thất bại'?

Vì sao Táo quân 2015 'thất bại'?

Trần Công HưngGửi tới BBC từ Hà Nội
Chương trình được chờ đón nhất trong năm đã kết thúc trong sự thất vọng của nhiều khán giả. Có nhiều ý kiến chê bai nhưng có nhiều người lại im lặng vì không muốn quay lưng lại với tiết mục mà họ yêu quý bấy lâu nay. Chúng ta không nên chỉ trích, chỉ nên góp ý một cách xây dựng để các nghệ sỹ có thể tiếp tục công việc vất vả này trong năm tới. Hãy cùng thử đi tìm nguyên nhân “thất bại” của chương trình năm nay.

Quá bí mật?

Chưa bao giờ Táo quân được giữ bí mật gần như tuyệt đối như năm nay. VFC đã chuyển địa điểm biểu diễn từ Cung Việt Xô Hà Nội về trường quay của VTV để tránh sự can thiệp của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, khi ghi hình cũng không bán vé cho khán giả.
Tất cả tạo nên một bức màn bí ẩn khiến cho người hâm mộ nghĩ rằng chắc hẳn Táo quân năm nay hẳn phải có gì ghê gớm lắm, không ai được phép can thiệp vào và nội dung được giữ kín cho đến phút chót là để không bị cấm cản hay cắt xén trước giờ lên sóng.


Nhưng cuối cùng là không có vấn đề nhạy cảm, không có bất ngờ nào cả, nội dung thậm chí còn ít “động chạm” hơn các năm trước.
Nhiều người thắc mắc: Thế thì làm gì phải giữ bí mật nhỉ?
Liệu pháp tâm lý nhiều khi rất quan trọng. Ví dụ như gặp năm kinh tế khó khăn, công ty bóng gió đến khả năng không có thưởng cho nhân viên nhưng đến phút chót những người làm công ăn lương lại bất ngờ được một khoản tiền nho nhỏ về quê ăn Tết, món tiền ấy từ bé bỗng biến thành to, vì có chắc chắn là hơn không.
Ngược lại, nếu công ty cứ úp mở về khoản thưởng nghe chừng hoành tráng lắm để người ta hí hửng rồi cuối cùng chả có gì đặc biệt, thậm chí kém hơn mọi năm thì chắc chắn sẽ gây thất vọng.
Bài học rút ra ở đây: Nếu không có gì bí mật thì đừng giữ bí mật!

Thay đổi không phù hợp

Sự khác biệt lớn nhất của chương trình năm nay là không có sự xuất hiện của các Táo theo từng ngành nữa mà phân chia ra làm các lĩnh vực lớn là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Sự thay đổi này tiếc rằng không đem lại sự tươi mới mà chỉ làm chương trình “cùn” đi trong vai trò của những nhà phản biện.
Rõ ràng là việc không nhắc tên các ngành cụ thể làm cho khán giả cảm thấy Táo quân như tránh né đến các nhân vật quan trọng dù chủ đích của chương trình không phải vậy.
Việc cả 5 Táo đồng loạt xuất hiện cùng lúc ngay từ đầu cũng làm mất tính bất ngờ, giảm đi sự hồi hộp chờ đợi xem có điều gì mới mẻ thú vị trong năm nay hay không.
Điều nên rút ra ở đây: Nếu sự đổi thay không làm ta tốt lên thì đừng nên thay đổi!

Các vai diễn đã cũ

Đúng là những vai như Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và các Táo khác đã được các nghệ sỹ Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Quang Thắng, Vân Dung… thể hiện quá tuyệt vời, nhưng dù có tài cách mấy mà cứ phải diễn đi diễn lại một vai thì cũng khó mà giữ được cảm hứng như những ngày đầu.
Có lẽ đã đến lúc những vị trí không thể thay thế là Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu nên luân chuyển cho các diễn viên khác.
Có thể sẽ không xuất sắc bằng, nhưng tự dưng Quang Thắng hay thậm chí Vân Dung xuất hiện ở ghế Ngọc Hoàng với phong cách mới thì sẽ gây cho khán giả không ít thú vị, và chắc chắn cũng là thú vị ngay đối với chính người diễn.


Kịch bản

Có lẽ không nên cố nhồi nhét thông tin vào chương trình mà nên tập trung vào những sự kiện “đắt” nhất, những sự kiện có thể thực sự làm thành một tiết mục hoàn chỉnh.
Ví dụ như việc chỉ nêu ra một cách đơn thuần diễn viên Công Lý được đưa lên bìa sách Pháp luật thì thật khó có thể gây cười. Khán giả nhiều lúc cảm thấy Táo năm nay giống chương trình Thời sự tổng kết các sự việc của năm hơn là tiết mục hài.
Người xem thích được nhắc đến những việc mà tất cả mọi người cùng biết, nhưng khó ở chỗ nó lại cần phải được “cách điệu” đi, nói bóng nói gió bằng một việc tương đương để ngầm hiểu ra sự việc đang được nhắc tới.
Tiêu biểu là Táo Thể thao 2005, thất bại của đội tuyển Việt Nam trong giải Tiger Cup được hình tượng hóa bằng cuộc thi “Tiger Food” của “Nàng Đê Chang Kưm”. Trận thua của “Đội tuyển nấu ăn” được quy cho Bếp trưởng, trợ lý bếp trưởng, bếp phó, người nấu, người rán, người xào, người luộc…
Rõ ràng không có một từ “bóng đá” nào được nhắc tới nhưng người xem vẫn biết đó là “bóng đá”. Có thể coi đó là đỉnh cao của nghệ thuật viết kịch bản cho hài kịch.


Vấn đề chế các bài hát cũng gặp khó khăn vì những bài hay thì gần như đã hát hết cả, cho nên chương trình phải lấy những bài hát nóng nhất trên mạng mà trong số này nhiều bài có thể xếp vào loại rẻ tiền.
Nếu không có sự đánh giá của Ngọc Hoàng hay Táo nào đó trong chương trình, người xem thật khó để biết chương trình đang khen hay chê.
Ví dụ như việc chế lại “Da nâu” - bài hát chỉ có 4 câu của Phi Thanh Vân năm 2011 chẳng hạn, nếu không bày tỏ thái độ rõ ràng, ai đó sẽ tưởng rằng chương trình “a dua” theo phong cách này. Đây là lỗi Táo quân năm nay cũng mắc phải.
Việc cố gắng nhắc đến Lệ Rơi cũng không hay, vì cái đáng cười, đáng chê trong việc này là sự a dua theo đám đông của khán giả, của cư dân mạng chứ không phải anh chàng nông dân trồng ổi vốn hát để giải khuây chứ tự biết mình không hề có tài. Khi xem tiết mục này thì cũng có buồn cười đấy, nhưng mà cười tương đối nhạt, nó khiến người ta nghĩ chương trình cố gắng lôi tiết mục này vào để thu hút chứ không có ý nghĩa hay mang một thông điệp nào cả.

Quá nhiều khó khăn

Người xem thì lúc nào cũng “đòi” Táo quân phải có gì mới, năm sau phải hay hơn năm trước nhưng những vấn đề nổi cộm của đất nước như Giáo dục, Y tế, Giao thông, Thể thao… thì những tiết mục thuộc hàng “kinh điển” của các năm 2005, 2007, 2009 nói hết rồi.
“Giáo dục” là bệnh thành tích, “Giao thông” là tắc đường, “Y tế” thì mổ nhầm mổ sót, “Kinh tế” thì tham nhũng, “Quan chức” thì cửa quyền, bắt hối lộ phong bì… Vấn đề của các ngành chung quy chỉ có thế thì làm sao “bôi thêm” ra được nữa.
Còn nếu muốn hay, muốn mới, muốn thỏa mãn những bức xúc của người dân thì phải động chạm đến những vấn đề nhạy cảm hơn mà nếu thế thì “ở trên” lại không cho phép. Đúng là trên đe dưới búa.
Chính vì thế mà người hâm mộ đừng quá kỳ vọng Táo quân sang năm sẽ hay hơn, hay nói chính xác hơn là đừng xem vì nghĩ rằng nó hay hơn năm ngoái, hãy xem vì những người ngày đêm luyện tập để làm ra nó.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của người viết, một độc giả BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/02/150220_tao_quan_vtv_comments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét