Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Mùi hương "đỏ mặt" nhưng ai cũng thích ngửi

Những mùi hương nhắc đến thì "đỏ mặt" nhưng ai cũng thích ngửi
Cuộc sống xung quanh có muôn vàn những mùi hương kỳ lạ. Có nhiều mùi trong số đó đã gằn liền với cuộc sống mỗi người mà ta đôi khi không để ý. Chẳng hạn khi đi đổ xăng xe máy, ai chả từng vài lần hít hít ngửi ngửi mùi thơm từ đâu xuất hiện. Hay khi không tắm vài ngày vì quá lạnh, ai chả từng chui vào một góc để ngửi quần áo của chính mình rồi tự an ủi rằng nó vẫn còn thơm. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao ta lại có những sở thích quái dị như vậy không? Hãy cùng khám phá qua bài viết dưới đây.
1. Ngửi mùi “xì hơi” của chính mình
Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao mình luôn cảm thấy khó chịu bởi mùi “xì hơi” của người khác, nhưng lại thích ngửi mùi của chính mình? Đừng xấu hổ và đổ lỗi cho chiếc mũi của mình, bởi đơn giản ai cũng bị như vậy.

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do những vi khuẩn “đặc chủng” bên trong cơ thể. Chúng là những vi khuẩn chỉ có riêng ở từng người và lớn lên với chúng ta từ khi còn trong nôi. Vì vậy, mũi người có thể nhận biết được những vi khuẩn quen thuộc đó, khiến mùi “xì hơi” trở nên rất thơm.

Mặt khác, vùng vỏ não vành trước cũng giúp chúng ta biết lúc nào sẽ “thả bom” và dự đoán được mùi, giúp ta chuẩn bị trước tâm lý sẵn sàng hít ngửi. Trong khi đó, lúc người khác “thả bom”, não ta sẽ không kịp phản ứng trước nên sẽ thấy mùi khó chịu hơn.


2. Ngửi mùi quần/áo lót khi không tắm vài ngày mà vẫn thấy bình thường

Có một thực tế cần thừa nhận, đó là chúng ta thường có cảm giác rất khó chịu khi đứng gần những người ở dơ (bẩn) nhiều ngày không tắm. Nhưng không hiểu sao, khi chúng ta cũng lười tắm thì ta vẫn thấy không sao.

Bằng chứng là mỗi lần thay quần áo, có rất nhiều người “hồn nhiên” ngửi đồ lót của chính mình.


Sở thích này đã được nhà sinh vật học người Đức - Malfred Milinski và các đồng nghiệp cùng nghiên cứu. Nhóm chuyên gia khám phá ra rằng, nguyên nhân chính của hành động này là do sự tương quan của não bộ với các liên kết peptit đặc biệt. Chúng kích thích các tế bào thần kinh liên quan đến khứu giác.

Khi bạn ngửi quần/áo lót của mình, các liên kết peptit sẽ truyền thông tin tới não, giúp bạn nhận ra một mùi quen thuộc và không bị cảm thấy khó chịu, thậm chí còn bị mê hoặc. Cơ chế hoạt động này cũng giống như khi bạn ngửi thấy mùi đồ ăn ưa thích, dạ dày của bạn sẽ có những phản ứng và “biểu tình”.

3. Ngửi mùi xăng xe máy, ô tô

Chắc chắn rất nhiều người đã trải qua cảm giác: đi đổ xăng và hít lấy hít để mùi xăng xe máy bốc lên. Vì sao lại thế nhỉ? Điều gì đã khiến cho mùi xăng có sự hấp dẫn như vậy?



Không giống như mùi quần lót hay mùi “bom thối” của bản thân, mùi xăng thực sự rất thơm. Thành phần chính của sản phẩm này có chứa một lượng nhỏ benzen. Đây là một hydrocacbon ở dạng vòng nên có mùi thơm nhẹ nên rất kích thích và quyến rũ khứu giác của con người.

Tuy nhiên, dù rất thơm nhưng benzen lại là một chất vô cùng nguy hiểm và độc hại với cơ thể. Vì vậy, nếu một người cố tình hít một lượng lớn mùi xăng sẽ làm nhiễm độc và tổn thương hệ thần kinh. Ngoài ra việc tiếp xúc với chất benzen nhiều có thể khiến bạn gặp nhiều rắc rối về sức khỏe, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

4. Ngửi mùi lửa từ que diêm vừa được đốt cháy

Khi quẹt một que diêm, chắc hẳn bạn cũng sẽ để ý đến mùi hương kỳ lạ và hấp dẫn tỏa ra từ ngọn lửa. Giống như mùi xăng, mùi diêm cháy cũng có một sức hút đặc biệt với con người.



Khi diêm cháy, lưu huỳnh trên đầu que diêm sẽ tác dụng với oxi trong không khí để tạo ra hợp chất lưu huỳnh dioxit (SO2). Mùi hương chúng ta ngửi thấy chính là mùi của hợp chất này. Lưu huỳnh dioxit là chất khí vô cơ không màu và nặng hơn không khí.



Lưu huỳnh dioxit kích thích rất mạnh khứu giác của chúng ta. Tuy nhiên, nếu hít chúng quá nhiều và lâu, mũi bạn sẽ bị mất cảm giác. Nguy hiểm hơn nữa, lưu huỳnh dioxit nếu thâm nhập cơ thể còn gây ra các bệnh lý về phổi và mắt.
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét