Không tham nhũng, kinh tế Trung Quốc có khựng lại ?
Đức Tâm - Báo Washington Post trên mạng, ngày 11/02/2015 đăng bài : "Có người thắc mắc : Không có tham nhũng, liệu hệ thống kinh tế của Trung Quốc hoạt động được không ?" của nhà báo Simon Denyer (*), Trưởng Văn phòng của báo này tại Trung Quốc. RFI xin giới thiệu.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, trong một nghi thức tại
Đại lễ đường nhân dân, Bắc Kinh, ngày 26/08/2013 REUTERS
Vào lúc Trung Quốc bước sang năm thứ ba của chiến dịch chống tham nhũng một cách sâu rộng, giới chuyên gia và các quan chức lo ngại là nếu không có các hối lộ làm mỡ bôi trơn, thì các dự án bị đình trệ và nền kinh tế bị khựng lại.Trên toàn Trung Quốc, hơn 100 000 quan chức đã bị kỷ luật kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo, theo các số liệu của chính phủ Trung Quốc. Kết quả là, nhiều người khác đang ngồi khoanh tay, chậm ra các quyết định và không cấp giấy phép cho các dự án đầu tư, bởi vì họ lo ngại sẽ bị bắt trong tương lai về tội tham nhũng, hoặc đơn giản là không có hối lộ, họ không còn hăng hái làm việc nữa.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức chuông báo động vang lên ở các cấp cao nhất của chính phủ.
Báo chí Nhà nước cho biết, ngày 09/02/2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã yêu cầu các quan chức địa phương viết cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách kinh tế và xã hội chủ chốt và ông nói rằng việc họ lơ là trách nhiệm đã làm cho hoạt động kinh tế bị chậm lại. Theo tờ China Daily, Thủ tướng Trung Quốc nói rằng một số quan chức đã « có thái độ chờ xem, lưỡng lự trong việc triển khai các chính sách quan trọng của chính quyền trung ương».
Ông Nhậm Kiến Minh (Ren Jianming), giáo sư chuyên về lãnh đạo quản lý trong sạch tại Đại học hàng không không gian Bắc Kinh (Beihang University) nói là các quan chức đã không quen làm việc trong một hệ thống vận hành không có hối lộ.
Ông nói : « Những người làm công tác phát triển không tin rằng họ có thể thực hiện được một dự án mà không cần hối lộ và các quan chức cũng không tin rằng họ sẽ được thăng tiến mà không cần hối lộ. Họ không tin là có một hệ thống trong sạch ».
« Các quan chức đã ngừng hoặc chậm ra các quyết định để tránh rủi ro. Giờ đây, ngay cả khi họ không nhận hối lộ nữa thì họ vẫn bị nghi ngờ hoặc bị lời ra tiếng vào. Họ lo ngại là các vụ tham nhũng trước đây có thể bị phát hiện ra ».
Đương nhiên, việc tặng quà cáp không biến mất, nhưng chiến dịch chống tham nhũng đã tác động đến việc bán các sản phẩm xa xỉ và đối với hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Một vài quán giải khát hát karaoke, nơi mà các quan chức thường mềm lòng vì rượu và gái, đã đóng cửa ; Macao, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha đã bị ảnh hưởng nặng nề do thu nhập từ sòng bạc giảm mạnh mà đây là trụ cột kinh tế của lãnh thổ này.
Như Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nói, thái độ lưỡng lự trong số các quan chức Trung Quốc dường như đã thúc đẩy nhanh tiến trình đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc, cho dù khó có thể đo lường được tác động chính xác của nó – nhất là bởi vì các số liệu thống kê lại đặc biệt không khả tín.
Ông Arthur Kroeber, đứng đầu nhóm nghiên cứu công ty tư vấn Gavekal Dragonomics, đã viết trong thư điện tử, miêu tả việc chống tham nhũng như sau : « Theo giai thoại, chiến dịch này tác động thực sự đối với các dự án đầu tư (của người Trung Quốc hoặc người nước ngoài) do không có các giấy phép, nhưng đây chỉ là một trong số các chính sách được đề ra, nhằm giảm tăng trưởng GDP xuống tới mức có thể duy trì lâu bền ».
Ông Lu Tinh, kinh tế gia thuộc Bank of America Merrill Lynch, làm việc tại Hồng Kông, trong một báo cáo hồi năm ngoái, đã cảnh báo là chiến dịch chống tham nhũng đã gây ra « những tê liệt chính trị » tác động tiêu cực đến đầu tư. Vào lúc đó, ông đã đánh giá là chiến dịch này có thể làm cho tăng trưởng kinh tế của năm 2014 bị mất đi khoảng 1%, cho dù các số liệu do các quan chức đưa ra dường như được thổi phồng vì các lý do chính trị.
Theo một quan chức tại Bắc Kinh, xin giấu tên vì nói đến một chủ đề nhậy cảm thì « chẳng ai muốn làm gì cả. Vì nếu làm, chúng tôi có thể hứng chịu mọi rủi ro, kể cả rủi ro về chính trị. Và chúng tôi không có những khuyến khích về tài chính ».
Ông Nhậm nói là một vài bệnh viện dường như đã dừng mua các thiết bị y tế mới vì những người chịu trách nhiệm ra quyết định đã lo ngại bị điều tra về tham nhũng, trong lúc đó, một doanh nhân tại Bắc Kinh cho biết chiến dịch chống tham nhũng không chỉ làm cho nhu cầu giảm và còn gây ra một số bất trắc mới.
Doanh nhân này nói : « Trước đây, khi muốn làm một việc gì đó, chúng tôi mời các quan chức ăn tối. Nếu họ tới, chúng tôi biết là mọi việc sẽ trôi chảy. Nếu họ không xuất hiện, chúng tôi không biết điều gì sẽ xẩy ra ».
Ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế Keck thuộc đại học Claremont Mc Kenna, nói rằng các quan chức Trung Quốc đang thực hiện một kiểu « bất hợp tác », « kháng cự thụ động », đối với các nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình muốn cải cách Đảng.
Ông giải thích : « Vì Tập Cận Bình đã làm mất đi phần kem màu mỡ của họ mà không đưa ra bù đắp gì, họ nói : Nếu anh không cho phép chúng tôi có một cuộc sống sung túc, tham nhũng, chúng tôi sẽ không làm việc với anh nữa ».
Theo ông Bùi, các quan chức biết rằng sự sống còn của Đảng có thể bị đe dọa nếu họ ngừng làm việc hẳn và nền kinh tế sẽ lụn bại và họ đòi phải được phép tiếp tục tham nhũng. Họ tiến hành một trắc nghiệm về quyết tâm với ông Tập Cận Bình
Một vài kinh tế gia cho rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ làm cho kinh tế Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn và chi phí kinh doanh giảm, giống như các chiến dịch chống tham nhũng ở Hồng Kông và Singapore đã thực hiện trong những năm 1970. Còn theo các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, thì chiến dịch chống tham nhũng có thể giúp tăng cường, đồng nhất luật lệ kinh doanh làm ăn.
Năm ngoái, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, nói với hãng tin Bloomberg rằng « chiến dịch chống tham nhũng đẩy lùi mọi lo lắng ra xa. Anh không lo ngại bị nghi ngờ là khi có người đặt hàng chỉ vì anh thấy có rượu săm-pa ngon hay một cái gì đó tương tự. Đó không phải là trường hợp Singapore, nhưng đây là một sự phát triển rất tích cực ».
Trong khi đó, ông Lu thuộc Ngân hàng Mỹ (Bank of America), thì hy vọng chiến dịch chống tham nhũng ít tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế trong năm nay, một phần bởi vì chính quyền đã được củng cố, « chính phủ giành thêm được quyền lực hoặc khuyến khích các quan chức chính phủ làm việc tốt hơn ».
Ngoài ra, trong một tài liệu nghiên cứu công bố vào tháng trước, ông Lu có viết « các quan chức trẻ được bổ nhiệm trong hai năm qua trong sạch hơn hoặc trung thành hơn với chính phủ hiện nay. Các quan chức này có xu hướng năng động hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ».
Thế nhưng, những người khác lại không chắc rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ có những tác động lâu bền.
Ông Lý Vĩnh Trung (Li Yongzhong), một chuyên gia cao cấp, nghiên cứu về hệ thống chống tham nhũng nói rằng « Đảng biết là không thể làm trong sạch toàn bộ hệ thống bởi vì vấn đề tham nhũng đã phát triển và tồn tại từ nhiều năm qua ».
« Đây là hậu quả của việc thiết lập tại Trung Quốc một kiểu hệ thống Xô Viết, tập trung quyền lực và các quan chức được chỉ định bởi những quan chức cấp cao hơn thay vì họ được bầu ra. Không tiến hành cải cách hệ thống, việc chỉ định các quan chức mới chỉ có thể xử lý được triệu chứng và không có gì khác biệt cơ bản cả ».
(*) Simon Denyer là Trưởng Văn phòng của báo Washington Post tại Trung Quốc. Trước đây, ông từng là Trưởng Văn phòng tại Ấn Độ và Trưởng Văn phòng của Reuters tại Washington, Ấn Độ và Pakistan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét