Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Vì sao người ăn xin tăng đột biến?

Vì sao người ăn xin tăng đột biến?
Những ngày cận tết vừa qua, tại TP.HCM, trong khi nhiều tệ nạn giảm đáng kể thì số người ăn xin lại gia tăng. Bổ sung vào đội ngũ 'cái bang' hùng hậu là rất nhiều trẻ em, có khi cùng cha mẹ. Điểm khác biệt dễ nhận thấy là các em đều lem luốc, chỉ ngửa tay, nói lí nhí trong miệng, không nghe rõ lời.
Trẻ ăn xin người Campuchia tại Sài Gòn - Ảnh: Hoàng Việt
Không phải chỉ năm nay mà mấy năm trước cũng vậy. Chu kỳ tăng quân số ăn xin luôn rơi vào cận tết, qua hết mồng là giảm trở lại. Tôi nhận ra ngay, các em là người Khmer vì màu da nâu sẫm, vì đôi mắt to nhưng lòng trắng lớn và lông mi cong vút và vì cách ăn xin.

Ăn xin Việt, thường đeo bám quyết liệt và nói rõ thành lời. Hoặc đóng kịch thương đau, tàn tật hơn cả diễn viên nhà nghề. Thường là “Cho con xin vài ngàn tiền lẻ đi chú (hoặc cô) ơi!”. Có lúc bực mình, nói lại “Tôi không có tiền lẻ” thì "cái bang" nhanh nhẩu “Chú cứ đưa tiền chẵn đây, con thối lại”. Cho ít, có khi còn bị dè bỉu “Mặt mày sáng sủa mà keo kiệt, cho có 2.000”. Dù chê nhưng vẫn lấy.

Năm kìa, tối mồng 1 tết, có mấy em ăn xin trước cửa công ty tôi (ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu). Thấy các em người Campuchia và tội nghiệp, tôi lân la làm quen, hỏi thăm quê quán, hoàn cảnh. Biết các em chưa ăn tối, tôi mời mỗi em một chiếc bánh bao. Cứ nghĩ là chỉ 7 - 8 em, ai ngờ, như có hiệu lệnh, từ chung quanh kéo đến đúng 26 người, cả lớn lẫn nhỏ. Có 3 gia đình đi với các con. Tất cả đều làm nông ở tỉnh Svay Rieng, giáp ranh với Long An và Tây Ninh. Svay Rieng có cửa khẩu quốc tế Bavet, luôn nhộn nhịp với hàng chục casino bề thế. Mỗi ngày có 78 xe buýt liên vận quốc tế loại 45 - 50 chỗ đi qua cửa khẩu, chưa kể xe của các công ty lữ hành, xe đưa khách đi đánh bài...

Ban đầu các em chỉ đi theo nhóm. Thấy làm ăn được, năm sau đi luôn cả nhà từ 10 - 20 ngày mới về lại cố hương. Mùa tết là mùa kiếm ăn của "cái bang" người Khmer. Họ không thuê nhà trọ như "cái bang" Việt mà ngủ vật vờ công viên, hiên nhà, nhiều nhất là gầm cầu. Việc tắm rửa rất đơn giản, nếu cần, đã có nước sông hoặc mấy vòi công cộng. Vệ sinh, cứ tìm chỗ khuất hoặc quay lưng.

Lạ là họ chỉ ăn xin ở Việt Nam, về nước là giải nghệ. Giản đơn vì ăn xin ở Campuchia rất cực, bị cảnh sát du lịch bắt phạt, ít ai cho tiền dù người Khmer theo đạo Phật, rất hay làm việc phước. Ăn xin ở Campuchia chỉ ngồi một chỗ, thường đàn hát nếu là phế binh hoặc nạn nhân bom mìn. Trẻ con hoặc người già thì cũng khiêm tốn xin “Xum mờ ruoi tâu” (cho 100 đi).

Ở Việt Nam, vấn nạn ăn xin thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nên "cái bang" không sợ cảnh sát. Lâu lâu, gặp thu gom thì chạy, vào trại lại trốn về, như bắt cóc bỏ dĩa. Phía Việt Nam cũng thu gom "cái bang" Khmer, tập trung rồi trao trả cho bạn. Trả xong, đâu lại vào đấy. Vì việc qua lại giữa công dân 2 tỉnh giáp biên quá dễ dãi. Vì việc xử lý vấn nạn thiếu kiên quyết và hay đùn đẩy trách nhiệm. Vì thói quen hay cho tiền người ăn xin, nhất là dịp tết lễ… Vì thế ăn xin cứ ngày càng phát triển, có cả người nước ngoài.
Cứ đà này, không khéo sẽ có thêm nhiều "cái bang" các nước, theo chân người Campuchia, bổ sung vào "lực lượng" ăn xin hùng hậu hiện có của Việt Nam.

Nguyễn Văn Mỹ (*)
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân ngành du lịch sống và làm việc tại TP.HCM
http://www.thanhnien.com.vn/toi-viet/vi-sao-nguoi-an-xin-tang-dot-bien-535857.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét