Báo Mỹ: Phương Tây "run rẩy" trước Nga
Ông Obama đang “mê sảng” còn châu Âu đang run rẩy trước Tổng thống Nga Putin. Run rẩy trước Putin. Lưu ý, đây không phải là nhận định của các chuyên gia Nga, cũng không phải là đánh giá của báo chí vốn được gọi là “thân” Nga. Đây là phát biểu công khai trên kênh truyền hình Fox News ở Mỹ của một nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ.
Nhà báo Charles Krauthammer
Trong chương trình “Special Report with Bret Baier”, nhà báo Charles Krauthammer, người từng đoạt giải Pulitzer, sau khi phân tích các bước đi của Tổng thống Mỹ đã thẳng thừng rằng chính quyền của ông Obama đang bị “mê sảng” còn châu Âu đang “sợ chết khiếp” Tổng thống Nga Putin. Theo nhà báo kỳ cựu người Mỹ này thì một phương Tây “nhát gan” và “bị chia rẽ” chỉ làm được đúng hai việc là “ba hoa” và “diễn kịch vui”. Ông còn đùa rằng “kịch vui” vẫn đang tiếp tục khi có một trăm tân binh nói tiếng Ukraine gia nhập quân đội Mỹ!Theo đánh giá của Krauthammer, phương Tây dường như đoàn kết để chống lại Nga nhưng thực ra lại đang chia rẽ sâu sắc. Người châu Âu đang sợ đến chết trước Putin, họ “run rẩy” trước vị Tổng thống của nước Nga. Ông này nói: “Họ sợ Putin cả về mặt quân sự. Họ lo ông Putin sẽ làm điều bất ngờ ở các nước Baltich và cả Ba Lan…”.
Nhận xét về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Obama với nữ Thủ tướng Đức Merkel tại Washington mới đây, Krauthammer cho rằng khi nói về một “liên minh thành công”, ông Obama đang “mê sảng” bởi cái liên minh đó chỉ biết “ba hoa” bằng lời nói.
Thủ tướng Đức Merkel đến Washington gặp Tổng thống Mỹ hôm 9/2
Ở góc nhìn này, vấn đề Ukraine cũng tương tự như việc chống tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng. Có tới 58 trong số 60 nước tham gia “liên minh quốc tế” chống IS không làm gì cho xứng đáng cả. Trong khi đó, kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu, IS đã chiếm được vùng lãnh thổ có diện tích gấp đôi.
Tương tự, khi ông Obama tuyên bố “chúng ta đang vai kề vai”, còn nước Nga đang bị “cô lập” thì nhà báo Krauthammer đặt ra câu hỏi “cô lập” như thế nào? Tổng thống Nga vẫn ngồi ở Moskva trong khi Tổng thống Pháp Holland và Thủ tướng Đức Merkel phải bay tới đó. Nhà báo Mỹ coi đây là hành động “quỳ gối” để nài nỉ nhà lãnh đạo Nga và kết luận rằng ông Putin không hề bị cô lập, mà hoàn toàn nắm được tình hình.
Nhà bình luận từng đoạt giải Pulitzer này phân tích: “Có một quy luật ngoại giao không bao giờ thay đổi đó là khi bạn được nghe người ta nói nhiều về sự đoàn kết, bạn cần hiểu rằng, họ đang có bất đồng sâu sắc”.
Ngoài ra, “vở kịch vui” được Krauthammer kể ra khi nhắc tới thông tin quân đội Mỹ bố trí việc làm cho 100 người ở Texas nói tiếng Ukraine. Lầu Năm Góc giải thích rằng việc này nằm trong chương trình “Tuyển quân có tầm quan trọng sống còn đối với lợi ích quốc gia” (MAVNI). Đặc biệt, chương trình này không đả động tới những yêu cầu về việc cư trú thường xuyên hay phải là công dân Mỹ!
Có lẽ, do không tin tưởng rằng 100 người này sau khi được điều đến miền Đông Ukraine có thể thay đổi được tình hình, Mỹ mới cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine?
Trên cơ phương Tây
Không chỉ nhà báo Krauthammer mà rất nhiều chuyên gia, chính trị gia và quan chức phương Tây đều thừa nhận sự “trên cơ” của Tổng thống Nga Putin.
Tờ “Thư tín địa cầu” của Canada nhận định thỏa thuận Minsk-2 là một thắng lợi nữa của Tổng thống Nga, một thành tựu ngoại giao thích hợp với những chiến thắng mà phe li khai do Điện Kremlin hỗ trợ đã đạt được tại Đông Ukraine trong những tuần gần đây. Theo tờ báo này, Nga đang chao đảo trên lĩnh vực kinh tế, nhưng ông Putin lại đánh cuộc rằng sự sụp đổ của Ukraine diễn ra nhanh hơn nền kinh tế Nga.
Bộ tứ Normandy tại Minsk hôm 12/2
Sự “thắng lợi” của ông Putin được thể hiện ở nhiều mặt trong thỏa thuận Minsk. Trước hết, theo thỏa thuận ngừng bắn, đến nửa đêm ngày 14/2, quân đội Ukraine sẽ phải rút vũ khí hạng nặng của họ khỏi mặt trận hiện nay.
Bên cạnh đó, thỏa thuận Misk lần này cũng quy định rằng Donetsk và Lugansk sẽ được trao quy chế tự trị đặc biệt, và nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ tại Kiev, nhưng chính phủ Ukraine vẫn phải trả cho các dịch vụ xã hội tại các khu vực này. Thủ lĩnh phiến quân Alexander Zakhachenko đã tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn trên là "thắng lợi lớn của nhân dân các nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk.
Còn phần lớn những điều mà hai bên đã nhất trí vẫn được để một cách mập mờ như trong thỏa thuận trước. Thỏa thuận mới kêu gọi giải giáp tất cả "các nhóm vũ trang bất hợp pháp" mà không nêu tên các nhóm này. Đối với phía Ukraine, điều khoản này rõ ràng có nghĩa là các nhóm phiến quân ủng hộ Nga phải giải giáp. Nhưng Kremlin có thể nói rằng điều đó có nghĩa rằng các tiểu đoàn tình nguyện, những chiến binh thiện chiến nhất của Ukraine, mới là lực lượng phải giải tán.
Điều khoản quan trọng nhất, nhưng hầu như chưa có chi tiết trong thỏa thuận Minsk là yêu cầu "một hiến pháp mới có hiệu lực trước cuối năm 2015, trong đó thành tố chính là phi tập trung hóa". Nga đang thúc giục Ukraine trở thành một nhà nước liên bang, giống như Bosnia-Herzegovina, với việc Donetsk và Lugansk được trao quyền phủ quyết các quyết định chính sách đối ngoại tại Kiev. Giới phân tích cho rằng Kremlin đang tìm một công cụ để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực tương lai nào của Ukraine nhằm gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hoặc NATO.
Thêm lời chuyên gia
Tờ “New York Times” ngày 12/2 cũng cho đăng bài bình luận trích dẫn ý kiến nhiều chuyên gia thừa nhận sự “trên cơ” của Tổng thống Nga.
Bà Fiona Hill, một quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ theo dõi về Nga trong giai đoạn 2006-2009, nhận định: "Ông Putin đã khiến tất cả mọi người phải xoay tít về những ý đồ của ông tại Minsk, nhưng ông ấy đang chơi một trò chơi dài. Ông Putin chơi trên một loạt mặt trận. Khi chúng ta nói về phản ứng quân sự, thì ông Putin bắt đầu nói về ngoại giao".
Bà Fiona Hill hiện cũng là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ và châu Âu tại Viện Brookings. Bà dự đoán rằng "bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn mới nào cũng sẽ chỉ tạm thời như thỏa thuận trước đó" bởi ông Putin liên tục đảo từ lá bài quân sự sang lá bài ngoại giao và ngược lại, tùy thuộc lá bài nào sẽ mang lại lợi thế nhiều nhất cho Nga.
Theo bà Fiona Hill, phương Tây đã hỗ trợ cho các bước đi chiến thuật của Nga khi thể hiện rõ họ muốn gì, trong khi ông Putin liên tục khiến phương Tây phải suy đoán. "Bạn có thể thắng ở thế dưới cơ nếu như đối thủ của bạn luôn chìa lá bài cho bạn xem", bà Fiona Hill nói.
Chiến sự tại Slavyansk, miền Đông Ukraine
Còn chuyên gia Amanda Paul, chuyên nghiên cứu về Nga thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu, trụ sở tại Brussels, nhận định: "Hố ngăn cách giữa chính sách ngoại giao bền bỉ của châu Âu và cách tiếp cận của ông Putin về vấn đề Ukraine - cách tiếp cận pha trộn giữa kêu gọi hòa bình với âm thầm cung cấp vũ khí cho lực lượng li khai - đã khiến Moskva và Brussels 'chơi hai ván bài hoàn toàn khác nhau'".
Putin giỏi chiến thuật hơn châu Âu vì ông ấy biết những giới hạn của châu Âu. Ông biết châu Âu sẽ không triển khai quân đội, biết dù Mỹ có hỗ trợ vũ khí cho Ukraine thì Nga vẫn đủ mạnh để đánh bại Ukraine. Thế nhưng, phương Tây lại không biết những hạn chế của ông Putin là gì. Ông Putin không để lộ lá bài, trong khi đó phương Tây lại để lộ.
Cũng chính trên tờ báo Mỹ, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni hôm 11/2 cho rằng lĩnh vực mà ông Putin không có gì để sợ chính là vũ khí. Ông Putin có thể yếu trong nhiều lĩnh vực khác, nhưng rất mạnh về lĩnh vực vũ khí. Bất kỳ vũ khí nào mà Mỹ gửi tới Ukraine cũng sẽ mang lại lợi ích cho ông Putin vì nó sẽ giúp củng cố lập luận của ông ấy rằng Nga có những lý do chính đáng để lo ngại về sự xâm lấn quân sự của phương Tây vào đường biên giới Nga.
Đông Triều
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-my-phuong-tay-run-ray-truoc-nga-3232719/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét