Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Về tổng kết các mối quan hệ lớn liên hệ đến hội nhập quốc tế

Về tổng kết các mối quan hệ lớn liên hệ đến hội nhập quốc tế
Chúng ta bước vào năm 2015, năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng Khóa XI. Việc tổng kết các mặt công tác có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc chuẩn bị và cho sự thành công của Đại hội lần thứ XII. Xin góp ý vào việc tổng kết các mối quan hệ lớn và liên hệ đến hội nhập quốc tế.
Minh họa của Thúy Hằng
Về tổng kết các mối quan hệ
Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

(...) Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, toàn Đảng, toàn dân ta cần quán triệt và thực hiện tốt tám phương hướng cơ bản.
Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn (...). Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí ” (1).
 Cụm từ “phải đặc biệt chú trọng và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn” nói lên tầm quan trọng của các mối quan hệ này trong quá trình thực hiệm tám phương hướng cơ bản, bởi lẽtrong mỗi mối quan hệ và giữa các mối quan hệ lớn không phải chỉ có thuận chiều.
Như vậy, tổng kết việc nhận thức và việc giải quyết tốt các mối quan hệ có ý nghĩa vô cùng hệ trọng, có thể nói là một thước đo, đối với việc thực hiện Cương lĩnh Đại hội XI.
Theo tôi, có ba phần việc không thể thiếu trong tổng kết.
Cương lĩnh nêu lên tám mối quan hệ, được sơ đồ hóa trong hình dưới(2), mỗi mối quan hệ trong một khung.
Phần việc đầu tiên là tổng kết việc nhận thức và giải quyết trong từng mối quan hệ.

 Sơ đồ tám mối quan hệ và các tác động giữa các quan hệ
Phần việc này, tuy hết sức quan trọng nhưng chưa đủ bởi lẽ giải quyết tốt (hay không tốt) một mối quan hệ có ảnh hưởng tốt (hay không tốt) đến các mối quan hệ khác, và từ đó đến việc thực hiện tám phương hướng cơ bản.
Điều này rất rõ qua ví dụ về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Thông suốt, mối quan hệ sẽ tác động tích cực đến tất cả các mối quan hệ khác và đến việc thực hiện tám phương hướng cơ bản. Ngược lại, nó sẽ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ khác cũng như đến việc thực hiện các phương hướng cơ bản.
Do vậy phần việc thứ hai là đánh giá các tác động giữa các mối quan hệ.
Phần việc cuối cùng là làm rõ bức tranh toàn cảnh các tác động giữa các mối quan hệ cùng với nội hàm của chúng. 
Cần dẫn ra những ví dụ cụ thể về tác động của việc giải quyết tốt (và không tốt) trong một mối quan hệ và tác động của việc giải quyết đó lên các mối quan hệ khác, từ đó đến việc thực hiện các phương hướng cơ bản.
Mức độ hoàn chỉnh về nội hàm của các mối quan hệ và các tác động trong sơ đồ thể hiện mức độ sâu sắc và toàn diện của tổng kết.
Liên hệ đến mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế
Chủ trương hội nhập quốc tế đã đi từ “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” (Đại hội IX), đến“chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác” (Đại hội X), rồi “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng” (Đại hội XI). Gần đây chủ trương hội nhập còn là hội nhập sâu rộng và toàn diện.
Sự chuyển biến là rất rõ, đồng thời đặt ra mấy câu hỏi: nội hàm của hội nhập quốc tế là gì, hội nhập trong những lĩnh vực do ta lựa chọn, hay trong mọi lĩnh vực, và có trên cơ sở nào hay không?
Điều 12 của Hiến pháp 2013 chỉ rõ: “(...) chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”.
Để có nhận thức đúng, và để tránh “phiến diện, cực đoan, duy ý chí”, thiết nghĩ cần làm rõnội hàm, phạm vi và cơ sở của hội nhập.
Trong một thế giới đầy biến động, phải biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chính vì vậy, cần hiểu như thế nào hai khái niệm chủ động hội nhập và tích cực hội nhập.  
Chủ động hội nhập phải chăng bao hàm: (a) Sự lựa chọn các định hướng cụ thể trong từng lĩnh vực trong quá trình hội nhập bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước; (b)Có lộ trình và bước đi thích hợp cho quá trình hội nhập; (c) Quy tụ được những nguồn lực cần thiết (hiện hữu và tiềm năng), và quy hoạch phân bổ nguồn lực bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước; (d) Là một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh qua đối thoại trong các cơ chế và thể chế song phương, đa phương và quốc tế; (đ) Chủ động ứng phó vàlường trước các tác động tiêu cực; (e) Dự báo tốt và kịp thời tình hình thế giới, khu vực và trong nước; có những điều chỉnh kịp thời trong sự lựa chọn các định hướng, lộ trình và bước đi.
 Tích cực hội nhập bao hàm việc tính toán và hội tụ các nguồn lực (nội và ngoại, cứng và mềm) và điều kiện để thực hiện việc chủ động hội nhập đạt được mục tiêu đề ra sớm nhấtvà có hiệu quả tốt nhất có thể.
Tích cực hội nhập còn bao gồm các công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, phối hợp các hoạt động hội nhập quốc tế. 
Chủ động và tích cực hội nhập đòi hỏi phải làm tốt hai khâu tổng kết và dự báo (kể cả dự báo các tình huống) nhất là trong bối cảnh chúng ta sắp ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế vào cuối năm 2015.
Bối cảnh trên và tổng kết 30 năm đổi mới trong lĩnh vực hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu phải tổng kết sâu sắc, càng toàn diện càng tốt, Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (đã 13 năm), việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) (hơn 7 năm), và các hiệp định song phương khác, không chỉ về kinh tế mà còn trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa, xã hội.
Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là nội dung tổng kết cơ bản.
“Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.” (Cương lĩnh chính trị, Đại hội XI, trang 75);
“Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.” (Nghị quyết Đại hội XI,tài liệu đã dẫn, trang 315).
Chúng ta đã thực hiện được đến đâu? Bài học gì đã rút ra được để “tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”? Xin liên hệ đến một số lĩnh vực cụ thể dưới đây.
+ Trong nền kinh tế Việt Nam, nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao. Xuất khẩu nông sản, thủy sản tăng trưởng rất nhanh nhờ hội nhập kinh tế. Nhưng mức độ phụ thuộc vào bên ngoài, từ đầu vào đến đầu ra, của một số mặt hàng chủ lực là một mối quan ngại lớn. Mặt khác, hội nhập đã mang lại được gì cho người nông dân? và đã tác động như thế nào lên quy hoạch sử dụng đất đai, lên môi trường, đến sự phát triển bền vững?
Có phải kim ngạch xuất khẩu nông sản đã tận hưởng công sức của nông dân và độ màu mỡ của đất đai mà chưa trả lại bằng công nghiệp hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp, bằng những thiết chế phù hợp cho phép người nông dân làm giàu lên từ sản phẩm họ làm ra? Nguyên nhân từ đâu?
+ Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử, công nghệ thông tin tăng nhanh qua các năm. Nhưng, ngoại trừ công nghệ phần mềm, phần thu được chủ yếu từ gia công lắp ráp, phần tiếp thu công nghệ không tương xứng. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhưng vì nền công nghiệp phụ trợ yếu kém nên giá trị gia tăng làm ra chưa cao. Nguyên nhân từ đâu?
Thiết nghĩ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, để tái cơ cấu thành công nền kinh tế cần phải đặt nó trong mối quan hệ với hội nhập quốc tế, với những bài học cần thiết về quản lý nhà nước đặc biệt về cơ chế chính sách. 
+ Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ 2007 đến nay, các nước kêu gọi tự do hóa thương mại mạnh mẽ nhất lại bảo hộ thị trường của họ trước tiên. Còn ở Việt Nam, số thương lái nước ngoài tự do lùng sục, lừa gạt và gây rất nhiều tổn thất cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vẫn hoạt động vô tư.
Trong xuất khẩu, chúng ta liên tục bị kiện (quản lý nhà nước làm gì là câu hỏi cần được đặt ra) và khả năng tự vệ của ta, về kinh tế, về văn hóa, đặc biệt là khung pháp lý, ra sao 13 năm sau khi ký kết BTA với Hoa Kỳ?
Chủ động hội nhập còn bao hàm sự đóng góp những gì đặc sắc, tinh túy của văn hóa, con người Việt Nam với thế giới, như chúng ta đang triển khai.
Tổng kết mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế là để tích cực hội nhập đúng hướng, cho hôm nay và cho ngày mai, để chủ động và tích cực tham gia và cùng với cộng đồng các quốc gia xây dựng một công cuộc hội nhập quốc tế trong đó các quốc gia có cơ hội để hợp tác cùng phát triển trong hòa bình, các dân tộc và mỗi người có điều kiện để vươn tới ấm no, hạnh phúc.
________________
1. Cương lĩnh chính trị Đại hội XI, Văn kiện Đại hội XI, trang 72-73, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011.
 2. Tôi đã bổ sung “Bảo vệ môi trường” trong mối quan hệ thứ 5, quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, công bằng và tiến bộ xã hội, bởi lẽ ba chân kiềng của phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, công bằng và tiến bộ xã hội,  bảo vệ môi trường (Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Phát triển bền vững, Johannesburg, 08.2002).
Gs.Tskh Nguyễn Ngọc Trân
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=341829

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét