Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Năm mới của người Việt trên đất Chùa tháp

Năm mới của người Việt trên đất Chùa tháp
Còn vài ngày nữa là đến Tết, cũng như người Việt khắp nơi trên thế giới, người Việt ở Campuchia cũng rộn ràng chào đón xuân mới, nhưng sau nụ cười mừng năm mới đó là biết bao nhiêu nỗi lo lắng về tương lai của cộng đồng trên đất khách quê người.
Chùa Phước Thiên tại xã Peam Ro, huyện Peam Ro 
tỉnh Prey Veng. Ảnh chụp ngày 7 tháng 2 năm 2015
Người Việt ở thành phố
Năm Ất Mùi sắp đến, tuy không có chợ xuân náo nhiệt, tuy thiếu ánh mai đào rực sắc nhưng mỗi gia đình người Việt ở Campuchia đều cố gắng tạo cho mình một cái Tết theo truyền thống dân tộc.

Ở Campuchia, người Việt có mặt ở khắp 25 tỉnh thành và có mức sống chênh lệnh nhau rất lớn.

Những người sống ở Thủ đô Phnom Penh và các trung tâm tỉnh lỵ thường làm nghề buôn bán và có mức sống khá cao, thậm chí là cao hơn người bản xứ.

Đối với họ, Tết là một giá trị không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt.

Anh Seak Keang, chủ một quán cà phê đông khách ở khu vực Phsar Doeum Kor, quận Toul Kok  cho biết anh sống ở Phnom Penh hơn 30 năm và không năm nào anh bỏ Tết cả.

Anh cũng cho biết, là người Việt Nam, anh không bao giờ quên nguồn cội và anh cũng không để cho các con của anh quên nguồn cội.
Dòng giống Việt Nam mình thì mình phải bảo tồn theo phong tục tập quán của Việt Nam mình nhưng mình ở đất nước Campuchia thì mình vẫn phải ăn Tết theo người ta. Campuchia thì mình cũng ăn Tết, Việt Nam mình cũng ăn Tết Việt Nam vậy - Anh Seak Keang
Anh Seak Keang: "Dòng giống Việt Nam mình thì mình phải bảo tồn theo phong tục tập quán của Việt Nam mình nhưng mình ở đất nước Campuchia thì mình vẫn phải ăn Tết theo người ta. Campuchia thì mình cũng ăn Tết, Việt Nam mình cũng ăn Tết Việt Nam vậy. Tết mình cũng cúng giao thừa, tới mùng một cũng cho con cháu đi chơi, đi chùa lễ Phật".

Cũng không quên truyền thống dân tộc Việt Nam, anh Chan Sophol buôn bán tại chợ Phsar Thmey, thành phố Ta Khmau, tỉnh Kandal là một người Campuchia có cha là người Việt.

Dù anh không nói được tiếng Việt nhưng anh luôn gìn giữ các giá trị văn hóa của người Việt, đặc biệt là phong tục đón Tết.

Anh này cho biết: "Cha tôi mất hồi năm 1975. Tết thì năm nào tôi cũng cúng kiếng hết. Mình làm theo truyền thống ông bà để lại".

Trong những ngày gần Tết này, nhiều nhà ở Phnom Penh trang hoàng lồng đèn, giấy đỏ và hoa mai còn các cửa hàng và trung tâm mua sắp thì ngập sắc hồng và các bài hát mừng năm mới bằng tiếng Hoa.

Người Việt ở nông thôn

Thế nhưng, đối với người Việt ở các vùng nông thôn, nơi mà kinh tế chấp bênh thì không khí xuân có vẻ trầm lắng hơn.

Huyện Peam Ro tỉnh Prey Veng có đường biên giới giáp với tỉnh Đồng Tháp là nơi có cộng đồng người Việt sinh sống đông đúc.

Người Việt ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và mua bán nhỏ, phần lớn có đời sống kinh tế rất khó khăn.

Ông Phạm Văn Hoa, một người Việt sinh ra và lớn lên tại đây cho biết: "Trong xã Peam Ro có khoảng 185 hộ và trên một ngàn người, sống bằng nghề buôn bán nhỏ và nghề thủy sản. 70 – 80% là thiếu ăn".
Không có không khí Tết. Cả tháng nay thì tập múa lân. Nhà thờ có một con lân, trong làng có thêm một con nhỏ nữa. Múa lân chuẩn bị Tết vậy thôi chứ cũng không có gì nữa - Cha Lay Paul
Cũng do điều kiện kinh tế khó khăn mà Tết đối người Việt ở đây đường như cũng không có gì đặc biệt.

Cha Lay Paul, Cha sứ Họ đạo Neak Leoung tại xã Peam Ro cho biết cộng đồng người Việt ở đây không có hoạt động gì đặt biệt đón Tết ngoại trừ hai con lân của nhà thờ và của làng.

 Cha Paul:  "Không có không khí Tết. Cả tháng nay thì tập múa lân. Nhà thờ có một con lân, trong làng có thêm một con nhỏ nữa. Múa lân chuẩn bị Tết vậy thôi chứ cũng không có gì nữa".

Theo chân của đoàn Thiện nguyện Vì Dân đến tặng quà cho các em học sinh nghèo của trường làng Kandal, phường Phsar Chhnang, thành phố Kampong Chhnang, chúng tôi thấy người Việt khắp nơi trên Biển Hồ tập trung về khu nghĩa địa của người Việt làm lễ tảo mộ ông bà.

Trong không khí của tiết trời chuyển giao vào năm mới, người người rộn ràng nhưng những người Việt tay chân chai sạn, nước da nắng cháy này không thể giấu được lo ngại cho kiếp sống nơi đất khách.

Từ tháng 8 năm 2014, chính quyền Campuchia tiến hành cuộc tổng điều tra dân số, đã có hơn 1,000 người Việt bị trục xuất khỏi Campuchia vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp.

Điều này khiến cộng đồng người Việt hết sức lo lắng vì nhiều thế hệ người Việt sống trên Biển Hồ vẫn chưa có quốc tịch.

Ông Bùi Văn Hai là bày tỏ: "Tui ở đây là đời cố tui, đời nội tui, đời ba tui, tới đời tui, tới đời con tui, đời cháu tui, hổng có giấy khai sanh, hổng có vô quốc tịch".

Không có quốc tịch, người Việt không được hưởng các quyền cơ bản như người dân xứ sở tại, đặc biệt là quyền đi học của trẻ em.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết ông phải nhờ người Campuchia đứng tên khai sinh cho con để được học Đại học.

Ông Giàu chia sẽ: "Nếu mình có con, cha mẹ thì mình lấy người Campuchia (đứng tên) làm cha mẹ thì sau khi con mình đại học thì vô được làm việc. Cha mẹ người Việt thì không được. Người Việt chưa nhập tịch thì không có quyền buôn bán phố lầu đất cát được".

Theo Khoản 2 điều 4 của  luật Quốc tịch Campuchia thì người có cha và mẹ là người nước ngoài nhưng được sinh ra và sống hợp pháp tại Campuchia thì được mang quốc tịch Khmer.

Cũng theo luật này thì người nước ngoài có thời hạn cư trú liên tục tại Campuchia từ 7 năm trở lên, có đạo đức tốt, không có tiền án tiền sự và đảm bảo không gây hại đến lợi ích quốc gia thì có thể làm đơn xin nhập quốc tịch.

Năm cũ sắp qua nhưng vẫn còn đó nỗi lo của những con người không quốc tịch.

Sơn Trung, tường trình từ Campuchia.
(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét