Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Chúng ta không thể lánh mình khỏi nỗi đau của đồng loại

Angelina Jolie: Chúng ta không thể lánh mình khỏi nỗi đau của đồng loại 
Đây là lần thứ năm tôi đến Iraq kể từ năm 2007, và chưa bao giờ tôi nhìn thấy điều gì như nỗi thống khổ mà tôi đang chứng kiến ở đây, ngay lúc này. Tôi đã đến thăm các trại tị nạn và trại định cư không chính thức, nơi những người tị nạn Iraq và Syria mất nhà cửa tìm kiếm trong tuyệt vọng một chỗ trú ẩn để lánh khỏi cuộc chiến đang làm rung chuyển cả khu vực.

Angelina Jolie đang nói chuyện với những người tị nạn Syria ở 
biên giới Syria-Jordan. Ảnh: Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR)

Suốt gần bốn năm chiến tranh, gần một nửa dân số 23 triệu người của Syria bị đẩy vào cảnh lưu lạc tứ tán. Ở riêng Iraq đã có hơn 2 triệu người tháo chạy khỏi cuộc xung đột và khủng bố mà các nhóm cực đoan gây ra. Những người tị nạn và mất nhà cửa này đã chứng kiến sự tàn bạo khó có thể nói hết thành lời. Con cái họ không được đi học, họ phải vật lộn để sinh tồn và bị tình trạng bạo lực bao vây tứ phía.

Nhiều năm qua, tôi đã đến thăm các trại tị nạn, và mỗi lần như vậy tôi đều ngồi lại các lán trại, lắng nghe câu chuyện của họ. Tôi cố gắng giúp họ bằng tất cả sức mình, nói điều gì đó với họ để thể hiện tình đoàn kết và hướng dẫn họ một cách chu đáo. Nhưng trong chuyến đi này, tôi đã câm lặng, không thể nói được điều gì.

Bạn sẽ nói gì với một bà mẹ nước mắt lăn dài trên má khi kể về đứa con gái của mình đang nằm trong tay Nhà nước Hồi giáo (ISIS)? Chị ước gì chị cũng ở đó, dù có bị hãm hiếp và tra tấn thì vẫn còn tốt hơn là không được ở cạnh con vào lúc này. Chị đã nói như thế.

Bạn sẽ nói gì với một cô bé 13 tuổi kể về những nhà kho nơi em và các bé gái khác sống và bị những gã đàn ông ở đó lôi ra ngoài, mỗi lần ba người, để hãm hiếp? Khi anh trai em phát hiện ra điều này, cậu ấy đã tìm đến cái chết.

Bạn có thể nói gì khi một người phụ nữ bằng tuổi bạn nhìn vào mắt bạn và kể cho bạn nghe chị đã chứng kiến cả gia đình mình bị giết hại, và bây giờ chị sống một mình trong lán, với khẩu phần ăn ít ỏi?

Ở lán tiếp theo, tôi gặp một gia đình có 8 đứa trẻ. Không cha mẹ. Người cha đã bị giết. Người mẹ thì mất tích, và rất có thể đã chết. Cậu con trai 19 tuổi là trụ cột duy nhất của gia đình. Khi tôi nói trách nhiệm này quá nặng nề ở độ tuổi của cậu, cậu chỉ cười và vòng tay ôm em gái. Cậu nói với tôi một cách thành thực rằng cậu biết ơn vì mình vẫn có cơ hội được làm việc và nuôi nấng các em. Cậu và gia đình cậu là hi vọng cho tương lai của vùng đất này. Họ đang kiên cường chống lại những điều bất khả.

Không điều gì chuẩn bị cho ta đối mặt với thực tại khốn cùng như vậy: những câu chuyện về nỗi đau và cái chết, và cái nhìn chằm chằm của những đứa trẻ đói khát, chịu không biết bao sang chấn.

Ai có thể trách họ khi họ nghĩ rằng chúng ta đã bỏ mặc họ? Chỉ một phần rất nhỏ số viện trợ nhân đạo được triển khai. Việc chấm dứt cuộc chiến ở Syria vẫn chưa đạt được tiến triển nào kể từ khi tiến trình Geneva đi vào bế tắc một năm trước. Syria tiếp tục chìm trong biển lửa, và nhiều vùng đất ở Iraq bị vây hãm trong các cuộc giao tranh. Cánh cửa của nhiều quốc gia đang khép lại trước mắt họ. Họ chẳng có nơi nào để quay sang cầu cứu.

Các nước láng giềng đã tiếp nhận gần 4 triệu người tị nạn Syria, và mọi thứ cũng đã đi đến giới hạn của nó. Người tị nạn Syria hiện đã chiếm 10% dân số Jordan. Ở Lebanon, cứ bốn người thì có một người Syria. Họ cần thức ăn, chỗ ở, cần được học hành, được chăm sóc y tế và cần việc làm. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn lực dành cho người dân địa phương sẽ theo đó mà giảm đi. Với những áp lực như thế, ngay cả những nước giàu có hơn cũng khó lòng mà chống chịu nổi.



Trại tị nạn Za’atari ở Jordan dành riêng cho người tị nạn Syria hồi tháng 12/2012 (ảnh vệ tinh). Đây là trại tị nạn lớn thứ hai trên thế giới vào thời điểm đó với dân số có lúc lên tới 120.000 người, tương đương một thành phố nhỏ.

Các câu chuyện về khủng bố, về bom thùng và các cuộc thảm sát dần trở nên quen tai. Người ta bị cuốn trở lại vào những vấn đề của bản thân, tập trung giải quyết những khó khăn của riêng mình.

Nhưng thực tế trần trụi là chúng ta không thể tách mình ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Sự lan tràn của chủ nghĩa cực đoạn, sự nổi lên của những tay chiến binh ở nước ngoài, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố mới – chỉ có đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến ở Syria thì chúng ta mới bắt đầu giải quyết được những vấn đề này. Không làm được như thế, thì tất cả những việc mà chúng ta làm đều chỉ là sự chắp vá bên ngoài mà thôi.

Điều đáng quan tâm ở đây không chỉ là cuộc sống của hàng triệu người và tương lai của Trung Đông, mà còn là độ tin cậy của hệ thống quốc tế. Nó cho thấy điều gì về cam kết và trách nhiệm của chúng ta đối với vấn đề nhân quyền, khi mà có vẻ như chúng ta đang dung thứ cho những tội ác chống lại loài người đang diễn ra hàng ngày ở Syria và Iraq?

Khi cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp Quốc được thành lập sau Chiến tranh Thế giới II, mục đích của cơ quan này là giúp mọi người trở về quê nhà sau cuộc xung đột. Cơ quan này không được thành lập để lo cái ăn, hết năm này qua năm khác, cho những người có lẽ chẳng bao giờ có thể quay về nhà, những người mà con cái họ sinh ra không quốc gia, quốc tịch, những người mà đất nước của họ có thể chẳng bao giờ biết đến hòa bình. Nhưng đó là hiện trạng mà chúng ta đang phải đối mặt ngày hôm nay, với 51 triệu người tị nạn, hay đang tìm chỗ trú ẩn, hay mất nhà cửa trên khắp thế giới – con số lớn chưa từng có trong lịch sử hoạt động của tổ chức này.

Các nước láng giềng của Syria cần nhiều trợ giúp hơn nữa để có thể đảm đương được gánh nặng từ hàng triệu người tị nạn. Các hoạt động thỉnh nguyện nhân đạo của Liên Hợp Quốc hiện đang thiếu ngân sách trầm trọng. Các nước khác ngoài khu vực cần giúp những người tị nạn yếu ớt nhất, cần một nơi để bắt đầu cuộc sống mới – chẳng hạn những người bị cưỡng hiếp, tra tấn. Và trên tất cả, cộng đồng quốc tế cần tìm ra một lộ trình thiết lập hòa bình cho vùng đất này. Bảo vệ các giá trị của chúng ta trên đất nước riêng của chúng ta, với nền báo chí và các thể chế của chúng ta không thôi là chưa đủ. Chúng ta cũng cần bảo vệ những giá trị đó tại chính các trại tị nạn ở Trung Đông và những thành phố hoang phế ở Syria.

Angelina Jolie / Nguyễn Hoài Anh dịch
Nguồn: Tạp Chí Luật Khoa

http://luatkhoa.org/2015/01/angelina-jolie-chung-ta-khong-the-lanh-minh-khoi-noi-dau-cua-dong-loai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét