Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Chém lợn, nền văn hóa khỏa thân

Chém lợn, nền văn hóa khỏa thân
Mùng sáu Tết, tin tức cho biết làng Ném Thượng vẫn tổ chức lễ hội chém lợn giữa làng và cho phép trẻ con tham gia không giới hạn. Người làng Ném Thượng đa số không đồng ý chấm dứt lễ hội chém lợn vì cho rằng đó là truyền thống, là tinh thần gìn giữ cội nguồn của một nền văn hóa lúa nước mà Thành hoàng là biểu tượng của làng xã. Sự tích Thành hoàng làng Ném Thượng phải được nhắc tới mỗi năm để con cháu không mất gốc do lúc nào cũng nghĩ về nguồn cội.
Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng
Cũng người làng Ném Thượng, có người không cho lễ hội chém lợn là văn hóa truyền thống nhưng vẫn ủng hộ nó vì dù sao cũng vui được một chốc một lát, khi lo cơm ăn áo mặc rối tăm cả đầu, sức đâu theo dõi sự tranh cãi giết lợn mổ gà. Chúng chết hàng ngày cho con người được sống thì chặt đầu phanh thây một con lợn cũng chỉ còn lại tiếng kêu eng éc là cùng. Việc nỡm này để cho mấy ông giáo sư tiến sĩ hay chữ rảnh hơi bàn luận. Dân tình tới xem, hò hét cho vơi chuyện bực mình cũng được vài giờ xét ra có ích đấy chứ. Máu me vấy bẩn cũng chả có gì to tát, một gáo nước là xong ấy mà.

Nhưng người ngoài làng lại không nghĩ đơn giản như thế. Lời ra tiếng vào đầy trên mặt báo. Bậc thức giả như giáo sư, viện sĩ hết lòng bênh vực. Kẻ lấy thước văn hóa ra đo để chứng minh rằng lễ hội có hình thức rất…tâm linh, và vì vậy lại càng phải gìn giữ vì tín ngưỡng của dân làng. Người ví von lễ hội ẩn chứa nhiều tình tiết cần phải là dân trong làng mới hiểu hết giá trị của nó, các ông bà bên ngoài cái lũy tre ấy không biết thì đừng bàn, đừng tới xem rồi ầm ĩ.


Nhất là mấy ông bà trong cái gọi là Animal Asia, tiếng Việt không thông, văn hóa Việt thì ú ớ, biết gì mà lên mặt dạy đời dân làng Ném Thượng. Lại còn cho rằng “Chém lợn ở Việt Nam là lễ hội tàn bạo nhất, việc chém những con lợn đang sống khỏe mạnh là lối đối xử tàn ác với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người, đặc biệt là trẻ em”.

Không biết cả hai ông đã bao giờ chứng kiến tận mắt cái lễ hội này hay chưa? Người ở xa chỉ cần nhìn thấy tấm ảnh đăng lên báo đã giật thót mình. Chú lợn trăm ký được kiệu rước ra giữa làng, bốn người căng bốn chân lợn bằng giây trói tử tội. Một “bô lão” mạnh mẽ, uy tín được vinh dự cầm thanh đao bén ngót chặt ngang lưng con vật (giống với cách tử hình mà nhà Nguyễn thường dành cho tướng tá Tây Sơn) Sau khi bị đứt rời dân chúng tràn vào lấy tiền nhúng máu mang về nhà như một thứ bùa chú khiến họ có thể giàu có, ít ra là may mắn.

Hai ông, một giáo sư một viện sĩ, đã cùng quan điểm: Việc nhúng tiền vào máu con vật là chi tiết tín ngưỡng cần xem trọng và phải hiểu biết thấu đáo nó để bảo tồn và phát triển.

Nhúng tiền vào máu đối với những người có chút kiến thức về hai chữ văn hóa họ chỉ thấy là một hủ tục. Hủ tục sản sinh từ nếp nghĩ thấp kém của một cộng đồng dân cư sống cô lập với thế giới bên ngoài nên không nhận ra được sự lạc hậu tối tăm từ văn minh ở những vùng miền khác.

Cách chặt lợn như vậy có dã man không nhỉ?

Ông viện sĩ nói rằng: “Khái niệm “dã man” vốn là sản phẩm của phương Tây từ thời thực dân. Họ từng biện bạch khi đi xâm lược các dân tộc Châu Á và Châu Phi rằng đó là họ đi “khai hóa văn minh” cho các dân tộc còn sống trong cảnh man di mọi rợ.

Khái niệm “văn minh” vốn hoàn toàn đúng khi được dùng để chỉ sự phát triển cao về khoa học công nghệ. Nhưng từ chỗ phương Tây là nơi có nền khoa học công nghệ phát triển để suy ra rằng văn hóa của họ cũng cao luôn, rằng mọi cái gì khác biệt với Châu Âu đều là dã man, lạc hậu lại là một sự nhầm lẫn lớn ở lĩnh vực văn hóa.”

Chính ông Giáo sư viện sĩ mới là người nhầm lẫn. Văn minh không phải chỉ là “khái niệm dùng trong khoa học công nghệ” mà nó diễn ra hàng ngày trong bất cứ nền văn hóa nào. Khi người thổ dân bắt đầu được nền văn minh bên ngoài thuyết phục nên mặc quần áo thì trước tiên họ cảm nhận được da thịt mình sẽ được bảo vệ trước mưa nắng. Trần truồng và mặc quần áo là sự phát triển của một nền văn hóa được biến đổi khi tiếp cận với văn minh. Ở đây khái niệm mà ông đưa ra hoàn toàn sai lệch nếu không muốn nói là ngụy biện.

Có lẽ do không hiểu biết cặn kẽ về nguồn gốc lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng nên ông Viện sĩ nói rằng “Nếu chịu khó đặt mình vào vị trí của người làng Ném Thượng thì có thể chúng ta sẽ hiểu được rằng lễ hội này có truyền thống từ rất lâu đời. Nó được tổ chức để tưởng nhớ công lao của một vị tướng cuối đời Lý, khi đến vùng núi này đã chém lợn rừng nuôi quân đánh giặc.

Con lợn trong lễ chém lợn rất được coi trọng và mang tính linh thiêng. Người dân gọi một cách tôn kính là "Ông ỉn", vào ngày lễ được nhốt trong cũi hồng rước với cờ trống, lọng, kèn, đưa đi khắp làng. Đi đến đâu, người dân trong làng bày mâm cúng, góp tiền công đức đến đấy.”

Dám cược với ông mang ra được bằng chứng nào nói rằng lễ hội phát xuất từ ý nghĩa như ông tưởng tượng ra. Mạo muội lắm tôi xin trích lại bài viết từ báo Văn Hóa Thể Thao cho ông thấy lễ hội này chẳng qua người dân đang nhớ lại một tên cướp chứ chả có tướng tá đời Lý nào cả. Đây, thưa ông: trong “Hội hè đình đám” in năm 1974 tác giả Toan Ánh viết:

“Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng. Lý Công quê ở làng Châm Khê cùng huyện, thường kiếm ăn ở các làng quanh vùng. Một hôm Lý Công đi ăn cướp, bị dân chúng và khổ chủ đuổi đánh ráo riết chạy bán sống bán chết, chạy đến núi Nghè gần làng Niệm Thượng. Tới núi, Lý Công tìm chỗ ẩn núp, dân chúng kiếm không ra. Tuy kiếm không ra, nhưng mọi người đều biết họ Lý ẩn ở trên núi, nên cùng nhau vây quanh ngọn núi canh chừng.

Bị vây, ẩn mãi trên núi, tên cướp họ Lý không có gì ăn đang lo chết đói. May thay giữa lúc đói lòng, một con lợn lớn không hiểu từ đâu đi tới, đi từ trong bụi rậm ra. Chàng cướp ta không để lỡ cơ hội, lập tức, sẵn dao dài trong tay, chém một nhát ngang mình lợn, con lợn bị chặt làm đôi, đầu với hai chân trước rời khỏi mình. Chém xong chàng lột bì lợn bỏ đi lấy thịt ăn sống.

Không thấy thần tích nhắc tới, sau này Lý công bị chết ra sao, chỉ biết khi chết gặp giờ linh nên được dân làng Niệm Thượng thờ làm Thành Hoàng”.

Cũng theo VHTT, Toan Ánh là một tác giả uy tín tên thật là Nguyễn Văn Toán (1916 - 2009), là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông đã để lại khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật, như: Nếp cũ (11 cuốn); Việt Nam chí lược (5 cuốn gồm: Người Việt Đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, Miền Trung kiên dũng, Miền Nam phú cường, và Cao nguyên miền Thượng); Phong lưu đồng ruộng (1958)...

Không bàn tới việc chém lợn có làm cho con người, đặc biệt là trẻ con, trở nên chai lỳ cảm xúc hay không vì nó cần một nghiên cứu khoa học tại từng vùng miền văn hóa. Tuy nhiên khó chối cãi được rằng xã hội hôm nay sẽ khác với cách nghĩ, cách làm của ngày hôm qua và vì vậy thời gian cùng với ảnh hưởng văn hóa các vùng miền khác sẽ mài dũa văn hóa các tiểu vùng văn hóa cho thích hợp hơn với tính phổ cập của thế giới.

Nếu cách đây đúng 70 năm, hình tượng (nếu có thật) của người hùng Lê Văn Tám lúc ấy mới 13 tuổi tự tẩm xăng vào mình rồi lăn vào đồn địch được chính quyền tôn vinh hết mực thì việc ấy không thể diễn ra vào hôm nay. Tuy cùng một sự việc, một tính cách giống nhau nhưng ngay bản thân dư luận Việt Nam sẽ cho đó là hành vi khủng bố, không khác gì câu chuyện xảy ra hai ngày trước đây khi một bé gái 8 tuổi đánh bom tự sát tại Nigeria.

Ai là người tôn vinh hành động này của em ngoại trừ bọn khủng bố?

Anh hùng vị thành niên thời nay không còn được nhìn nhận như thời xưa nữa. Văn hóa chém lợn cũng vậy, nếu cương quyết cho rằng máu của con vật giữa đình là văn hóa, là truyền thống thì khác gì cho rằng một em bé như Lê Văn Tám ôm bom tự sát là anh hùng cần giữ gìn và nhân rộng?

Văn hóa không chứa chấp hủ tục. Bản sắc văn hóa chỉ có thể duy trì cùng thời gian khi nó thuyết phục được những nền văn hóa khác. Đừng hô hào dân Ném Thượng hãy từ chối mặc quần vì cho rằng quần áo là văn hóa ngoại lai không thích hợp với Việt Nam. Với cái nhìn của cộng đồng thế giới việc chém ngang thân một con vật nuôi giữa làng rồi reo hò ầm ỉ là hành vi của thời kỳ bộ lạc, thời kỳ “khỏa thân” tập thể không hơn không kém.

Hủ tục luôn dẫn tới lạc hậu và ngu độn. Văn hóa không đồng hành với những thứ ngụy biện bằng các dẫn dắt mang tên dân tộc tính đầy kiêu ngạo và ngụy trá.

Cánh Cò
(Blog RFA)

2 nhận xét:

  1. Con người ngày càng độc ác vô cảm, sắp tận thế cũng nên. Nhân danh chém lợn để đem lại sự giàu có,nhân danh khủng bố nên chặt đầu con tin, nhân danh yêu nước Lê Văn Tám chết non v.v. Thành Hoàng độc ác thích ăn thịt chó, chém lợn, chém trâu ..thì nhân dân làm sao lương thiện được.

    Trả lờiXóa
  2. Một đất nước chiến tranh liên miên suốt chiều dài lịch sử có biết bao danh tướng, vô số tướng vô danh. Tại sao chỉ có tướng Đoàn Thượng chém lợn nhỉ. Ông ấy không có bộ hạ, lính hầu chăng? Thật là vô lý. Đáp án phải là người chém lợn chỉ có một mình, như vậy rất phù hợp sự tích Lý Công của học giả Toan Ánh đưa ra.

    Trả lờiXóa