Ăn để…làm gì?
Nếu hỏi người bình thường, câu trả lời là “ăn để sống”, không ăn sẽ chết. Tùy thể lực, cân nặng, điều kiện bên ngoài, có người nhịn ăn được rất lâu, có người ít hơn, các nhà khoa học ước khoảng một người có thể nhịn ăn từ 28 đến 40 ngày.
Rượu ngâm khỉ nguyên con. Ảnh: Internet
Năm 1981, những tù nhân Bắc Ireland đã nhịn ăn để phản đối chế độ Vương quốc Anh, có 10 người đã chết sau khi nhịn đói trong khoảng 46 đến 73 ngày. Vào tuổi 74, gầy gò da bọc xương, nhưng vị thánh hiền Matma Gandhi nhịn 21 ngày, không ăn gì, chỉ uống nước mà ông vẫn minh mẫn.Không ăn dài ngày chưa chết ngay, nhưng ăn nhiều thứ bổ béo cùng một lúc, thì dễ đi sớm hơn dự định.
Người Mỹ ăn…để chết
Thỉnh thoảng VP có liên hoan. Nhìn nhiều bà, nhiều cô, có cả các ông, đen có, trắng có, nhờ nhờ cũng đông, lấy một đĩa tú hụ thức ăn, rồi socola ngọt lừ, bánh ga tô toàn đường, một cốc coca khoảng nửa lít, thế mà chơi sạch bách. Làm gì mà không béo.
Người Mỹ bị bệnh béo phì cao nhất thế giới, có tới 21 triệu người mắc bệnh này, và khoảng 6 triệu chưa biết mình sẽ bị. Bệnh này đứng hàng thứ 6 gây ra tử vong, làm hại cho nền kinh tế tới 92 tỷ đô la, tương đương với ½ GDP của Việt Nam. Ung thư, trụy mạch, đái đường, tim phổi… tất cả do đường ăn uống mà ra.
Năm 2004, tôi dự lớp học leadership của Carnegie khoảng 12 tuần, mỗi tuần học nửa ngày. Buổi học đầu tiên, mỗi người viết vào mảnh giấy, sau 12 tuần thì bạn muốn đạt được điều gì. 75% trong lớp muốn giảm hoặc giữ được số cân nặng của thân thể. 25% còn lại không nói về ăn uống là do họ đến từ các nước nghèo như anh Cua.
Ăn uống, thực phẩm của Mỹ có nhiều vấn đề. Người da trắng tỏ ra cẩn thận hơn trong lựa chọn ăn uống nên ít bị béo phì hơn dân da mầu.
Người Việt ăn như thùng nước gạo
Thời đói nghèo, thiếu ăn nên lúc nào cũng thèm cái gì đó. Năm 1984-1985, cơ quan cũ của tôi ở làng Liễu Giai, nhớ lần anh bạn đi Pháp tặng cả phòng 2 tút thuốc lá 555, thời đó là vàng. Lấy ra hai bao để mỗi người một điếu, hút thử xem mùi tây đầm có thơm từ trong ra ngoài không, còn lại mang ra dốc Tam Đa (Ba Đình, Hà Nội) đổi lấy…phở.
Đói dài nhiều ngày, cơm cặp lồng có rau muống luộc, vài quả cà, ai sang có thêm chút trứng tráng, nên vụ liên hoan này cần ăn cho lại sức. Cả phòng gần 20 người thi nhau xì xụp ở cái dốc bụi mù, nhưng phở vẫn bốc khói tuyệt vời.
Chị giữ tiền bảo, các cậu cứ thoải mái. Tới một nửa các anh chọn thực đơn: 2 tô phở gà pha bò, thêm mỗi bát hai trứng gà, hai đĩa xôi, 4 trứng vịt lộn, có anh chơi 6 quả. Bánh mỳ, quẩy tháo khoán.
Ăn xong, mỗi anh làm hai cốc cà phê sữa đá, tráng miệng hai cốc chè đỗ đen và kết thúc là một điếu 3 số và chè Thái lai rai đến hết chiều. Lúc đó mới chợt nhớ ra phải cảm ơn người tặng hai tút 3 số 5.
Ăn nhiều thế mà không ai bội thực, chẳng ai chết vì ăn, vì lâu lắm có một bữa nên dạ dày vẫn tải được.
Thời mở cửa càng chén tợn
Thời bao cấp và đói khát đã ngự trị miền Bắc trong một thời gian rất dài. Đổi mới, của ăn của để bỗng ê hề, từ một anh có thu nhập 100$/người/năm lên 1500$/người/năm, bỗng tiền như nước. Xe hơi, tủ lạnh, tivi, nhà lầu, bồ nhớn, bồ bé, tiêu không hết tiền nên dồn vào cái miệng.
Nhà hàng ăn uống, đặc sản mọc ra như nấm. Sáng, trưa, chiều, tối, gặp dịp là ăn uống triền miên. Mình đi công tác Trà Vinh (1997), dạy vài lệnh DOS, mấy bảng biểu Excel, Word Perfect… được học viên quí như vàng.
Bên UB ngày nào cũng mời ăn trưa ở mấy nhà hàng sang trọng. Bia bọt mở mệt nghỉ, chủ đếm vỏ tính tiền nên tiếp viên cứ bật tràn cung mây. Tối tối đưa vào những nơi gọi là No Hand Restaurant – không dùng tay. Có các em váy cộc đút từng thìa. Ăn, uống, uống và ăn triền miên.
Tôi đi vài vụ như thế nên rất sợ vào nhà hàng. Ai mời cũng tìm cách từ chối vì biết mình không thể uống rượu bia, ăn tràn lan.
Sau này đi Mỹ, mỗi lần về Hà Nội hay Sài Gòn vẫn thấy bài “ăn uống” đó của bạn bè người thân, tần suất nhiều gấp bội. Gặp là hẹn đi ăn, vừa ăn xong, lại bạn khác rủ đi…ăn. Ăn rồi hả, làm vài ly rượu chứ. Rượu rồi hả, đi pub thôi. Hẹn họp hành, hẹn công việc ở quán ăn là tốt nhất.
Đặc sản thú rừng, uống rượu ngâm mật gấu, cao xương hổ, dái dê ngâm thuốc bắc. Nhìn những hũ thủy tinh đựng cái chân gấu nhờ nhờ, đầu khỉ, sơn dương, rồi rắn hổ mang còn mở miệng, rượu đục ngầu, có lần tôi thử cho vào miệng thấy tanh lòm, suýt “lôn”.
Rượu rắn hổ mang. Ảnh: Internet
Tôi tế nhị hỏi, cái tay khỉ ngâm rượu kia có khác gì ra bãi tha ma, tìm mộ mới chôn, chặt lấy một cánh tay người, mang về ngâm mà uống. Hay mấy cái xương khỉ có khác việc bốc mộ rồi lấy xương cho vào hũ rượu. Đầu khỉ với đầu người có cấu tạo đâu có khác nhau, uống rượu này ngang bằng cho vào miệng loại nước bốc mộ.
Xương nhai rau ráu, cứ nghĩ răng khỏe, nhai thép cũng OK, sau này chưa đến 60 răng đã đi cùng với tóc. Quả tim rắn hổ mang còn đang đập đập, mật đắng ngắt, thế mà tay chủ xị cho cả vào mồm nuốt chửng, chả khác gì người da đỏ hay Mường Mán ẩm thực ở hai thế kỷ trước.
Tới nhà bạn khoe có hũ rượu ngâm cao hổ cốt chính hiệu, lấy từ Mường Điện Biên về, bảo mình thử. Ngửi đã thấy như nước cống, thế mà anh uống ngon lành. Bảo cái này tốt lắm, đêm làm mấy nháy không mệt.
Khoảng chục năm trở lại gặp bạn cũ, nhiều người giầu có, xe hơi, nhà lầu, có anh lấy thêm vợ nữa, 60 tuổi vẫn bế con mới đẻ, hạnh phúc tràn trề. Nhưng có vài bệnh phổ biến của những người ăn nhiều: gout, đường trong máu, tim mạch lung tung, viêm gan, phù nề, chân chậm, mắt mờ.
Theo thống kê của viện Gout từ năm 2007 đến 2014, cả nước có tới 22 ngàn người mắc bệnh này, Sài Gòn ăn nhậu nhiều nhất nên chiếm 1/3.
Mình có vài anh bạn uống nhiều rượu bia trong thời gian dài nên bây giờ trông như cụ 80, tóc rụng gần hết, móm mém, ngồi cạnh anh Cua như hai bố con, dù cùng tuổi.
Pha cắt tiểt rắn cho vào rượu. Ảnh: Internet
Anh bạn thích cao hổ cốt đi lúc 60 tuổi dù bỏ vài trăm ngàn mua bột sừng tê giác cũng bó tay. Còn vài anh đang lo ngày đêm vì trong nhiều năm từng uống loại “rượu quí”, gan không thể tải nổi loại nước cống.
Xem cách đánh chén thì có lẽ một số người Việt cũng ăn để…chết sớm như dân Mỹ.
Sắp đến Tết, các bác nhớ đọc entry này trước khi đi ăn cỗ hay liên hoan.
Chúc các bạn vui xuân lành mạnh, ăn uống điều độ.
HM 14-2-2015
http://hieuminh.org/2015/02/15/an-delam-gi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét