Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Nhìn lại 1 năm hoạt động tại Việt Nam của McDonald's

Nhìn lại 1 năm hoạt động tại Việt Nam của McDonald's
TP HCM—McDonald’s đánh dấu tròn năm làm ăn ở Việt Nam bằng một cửa hàng thứ tư mở hồi đầu tháng này, phản ánh một năm thành tích lẫn lộn ở Châu Á, mặc dù công ty này đang chật vật cạnh tranh ở Hoa Kỳ.
McDonald's ăn mừng một năm hoạt động ở Việt Nam
 trong lúc thương vụ trên thế giới chậm lại
Khi những vòm màu vàng mọc lên ở Việt Nam lần đầu tiên năm ngoái, đã có tiếng vang về thị trường mới đã được chờ đợi từ lâu, nhưng sự phấn khích đã lắng xuống vì những thách thức văn hoá và dân số. Liệu khách hàng có đủ phương tiện để mua một bữa ăn với giá bằng 4 tô phở? Liệu khẩu vị của người Việt có hợp thịt bò bằm miếng và khoai chiên?

Ông Sean Ngô, tổng giám đốc Công ty Tham vấn VF Franchise cho biết các công ty tập trung vào những nước đang trỗi dậy như Việt Nam trong sách lược ‘đối trọng’ với số bán yếu đi ở các nước công nghiệp hoá.

Ông Ngô nói: “Nhiều hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh đã phát triển các thị trường ở châu Á trong 2 thập niên qua như một cách để tăng trưởng trong tương lai cho các nhãn hiệu ở Hoa Kỳ.” Ông Ngô làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh và có các văn phòng ở Thái Lan và Singapore.

Vụ tai tiếng thức ăn bị nhiễm độc

Mùa hè năm ngoái cửa hàng bán Big Mac đã bị một vụ tai tiếng về thịt nhiễm độc ở Trung Quốc và Nhật Bản, khiến lợi nhuận ở Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi sụt mất 55%. Khi được hỏi liệu vụ này có ảnh hưởng đến khách hàng ở Việt Nam hay không, giám đốc tiếp thị Thái Nguyên nói, “Có một chút.”

Nhưng ông Nguyên cũng nói ông rất lấy làm ngạc nhiên một cách thích thú về thành tích của 3 cửa hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã bán hơn 1 triệu cái hamburger từ tháng 2 cho đến tháng 12 năm 2014.

Giám đốc thông tin liên lạc Trâm Lê cho biết “Chúng tôi đã đạt được chỉ tiêu.”

Nhưng một nhà cung cấp McDonald’s nói mặc dù công ty tin tưởng vào tương lai của McDonald’s, thành tích đạt được trong năm đầu không như mong đợi. Người này, yêu cầu không nêu danh tính, nói “Tôi nghĩ họ đã hy vọng đạt được kết quả tốt hơn. Chúng tôi có những dự kiến về khối lượng đã không đạt được trong năm nay.”

Các nhà quan sát cho rằng đây có thể có liên quan đến thực chế và thu nhập của dân địa phương. McDonald’s có liên hệ với thịt bò làm nhân bánh, trong khi người Việt Nam thường ăn thịt heo và thịt gà nhiều hơn, khiến người ta thích KFC cũng là nhãn hiệu của Mỹ, hay Lotteria của Nhật hơn.

Dựng chiếc xe gắn máy bên ngoài cửa hàng McDonald’s thứ tư, anh Trần Quốc Định cho biết anh kiếm được từ 5 đôla đến 10 đôla mỗi ngày bằng nghề lái xe ôm.

Anh nói, “Trời ơi, tôi lái xe ôm, tiền đâu ra mà ăn McDonald’s? Tôi cần tiền để nuôi các cháu nhỏ.” Vừa nói, anh vừa xới chiếc hộp xốp dựng cơm và đậu hủ.

Nhưng anh Định, 57 tuổi, nói rằng nhiều người đã tản bộ qua cửa hàng mấy ngày vừa qua và hỏi khi nào thì cửa hàng McDonald’s mới mở cửa. Anh cũng chỉ qua bên kia đường vào một cửa hàng KFC, và nói các con anh thường đến đó vào cuối tuần và sau đó sẽ thử ăn McDonald’s.

Thị trường nhắm mục tiêu

Thực vậy, gia đình là yếu tố nhân khẩu chính cho chuỗi cửa hàng, vì 65% khối dân 90 triệu của Việt Nam ở độ tuổi dưới 35. Ông Nguyên nói McDonald’s nhắm mục đích tạo ra một kinh nghiệm “kỳ diệu” và nơi đến cuối tuần cho các gia đình Việt Nam, là điều đi đôi với sách lược của công ty ở những nơi khác. Tại Hoa Kỳ, các sân chơi và bữa dành cho trẻ em đã mau chóng câu được khách hàng và nuôi dưỡng hoài niệm mang theo khi lớn lên.

Ông Nguyễn nói, “Chúng tôi làm điều đó rất tốt, trẻ em yêu chúng tôi.”

Cửa hàng McDonald;s thứ tư cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 30 phút, nơi những cửa hàng thức ăn nhanh cạnh tranh đã tràn ngập thị trường và địa ốc vẫn còn đắt đỏ. Thu nhập thấp hơn ở vùng ngoại thành, nhưng ông Nguyễn nói cách xa khu vực đông đúc, có tiềm năng để phát triển. Dù gì McDonald’s cũng đã khởi đầu ở vùng ngoại ô tại Hoa Kỳ.

Ông nói, “Thực thế, sách lược của chúng tôi vẫn y nguyên, có cơ hội to lớn khi đi về những vùng ở ngoài thành phố.”

Bất cứ hệ thống cửa hàng nào cũng sẽ mất đi vẻ hào nhoáng sau khi tưng bừng khai trương, vì dân địa phương quen đi với một nhãn hàng, nhưng ông Ngô nói điều ấy không có nghĩa là ảnh hưởng của McDonald’s sẽ sụt giảm. Ông Ngô cho biết công ty đang tính nước cờ về lâu về dài ở Việt Nam, với dự tính mở thêm 100 cửa hàng trong 1 thập niên.

Ông nói tiếp, “Trong khi thu nhập của McDonald’s ở Việt Nam dự kiến sẽ sụt giảm so với lúc mới mở cửa, họ vẫn bán nhiều hơn một cách đáng kể so với các cửa hàng cạnh tranh dựa vào đơn vị, và sẽ tiếp tục góp phần hình thành thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam.”

Xuống dốc ở Mỹ

Tăng trưởng ở quốc gia Đông Nam Á này nằm trong khuôn khổ các kế hoạch bành trướng khắp các thị trường đang trỗi dậy. McDonald’s cho biết trong báo cáo thường niên năm 2013 họ dự định mở 800 của hàng ở Châu Á, Châu Phi và Trung Đông trong năm 2014, so với 300 cửa hàng ở Châu Âu và 250 cửa hàng ở Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn nói ở các thị trường non trẻ như Việt Nam, công ty của ông có cơ hội đem lại cho người tiêu thụ một cái gì mới mẻ, từ những luồng dành cho xe máy vào mua cho đến dịch vụ 24 giờ. Nhưng ở ngay đất nhà, thì McDonald’s có thể cảm nhận sức nặng của một đế chế đã già cỗi.

Tổng giám đốc McDonald's Don Thompson đã từ chức hồi tháng 1, sau 1 năm trong đó công nhân của ngành thức ăn nhanh biểu tình và những đối thủ đắt tiền hơn như Chipotle và Shake Shack cướp mất thị phần. Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ hồi phục, các cửa hàng ăn thường thích bán những loại bánh burger cao cấp hơn. Đó không phải cách làm ở Châu Á đang phát triển, nơi dân chúng bắt đầu ăn McDonald’s khi thu nhập tăng.

Ông Ngô nói, “Chúng ta nên trông đợi sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm Tây phương, cụ thể là Mỹ, ở Châu Á sẽ tiếp tục trong những thập niên sắp tới, và sẽ đem lại một đối trọng cho số bán có phần chắc sẽ sụt giảm ở các thị trường trưởng thành như Hoa Kỳ.”

Lien Hoang
18.02.2015
(VOA)
http://www.voatiengviet.com/content/tron-mot-nam-hoat-dong-tai-vn-thanh-tich-cua-mcdonalds-o-chau-a-ra-sao/2647675.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét