Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Doanh nghiệp Việt kiều ngại động tác... phong bì

Muốn đầu tư nhưng doanh nghiệp Việt kiều ngại động tác... phong bì
(GDVN) - "Cũng là kinh doanh nhưng bên kia không phải động tác phong bì... còn bên mình thì doanh nghiệp phải lo quá nhiều thứ...", doanh nhân Phạm Văn Thắng chia sẻ.

Ông Phạm Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH 
Hoàng Đức (ảnh do nhân vật cung cấp).
Thu hút và phát huy nguồn kiều hối song song với thu hút nguồn vốn đầu tư FDI sẽ bổ sung tốt về mặt kinh nghiệm quản lý, công nghệ, góp phần nâng cao lợi thế về năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. "Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn rườm rà cùng những khó khăn trong việc tiếp cận môi trường kinh doanh đang là những rào cản trong việc huy động nguồn đầu tư này", doanh nhân Phạm Văn Thắng - Việt kiều Đức từng 12 năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chia sẻ trong bài viết gửi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

"Doanh nghiệp phải lo động tác phong bì"


Cách đây 12 năm khi trở về Việt Nam đầu tư, tôi ấp ủ nhiều dự định triển khai các công trình về công nghệ. Trong đó có công nghệ gia cố đất làm đường bằng phụ gia của Đức, công nghệ làm sạch, công nghệ làm vật liệu không nung của Đức... nhưng tất cả đều thất bại.

Thất bại vì nhiều lý do, trước hết phải khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước rất khuyến khích, rất mở. Tuy nhiên cơ chế tổ chức vận hành của toàn bộ cơ sở hạ tầng này vẫn ì ạch, trì trệ, không đáp ứng được với những yêu cầu của những doanh nhân Việt kiều. Chúng tôi quen cách làm việc hiện đại thông thoáng của những nước tiên tiến.

Nó giống như chuyện đường tàu chỉ có 0,9m với con tàu 1,4m rất khó trong làm việc. Đảng Nhà nước thì mong muốn, tạo điều kiện nhưng cơ chế tổ chức của cả nền tảng hoạt động điều hành theo cách hiện nay đã tồn tại từ lâu, rất khó để thay đổi. mà không thay đổi thì không khớp nhau được.

Chính vì điều này nên doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại Việt Nam thường mang cả bộ máy điều hành và dựa vào chính sách điều hành của nhà nước Việt Nam. Nói các khác, họ làm độc lập và họ thuê người Việt Nam làm.

Trong khi đó với Việt kiều, khi đầu tư trong nước chúng tôi mong muốn chuyển giao công nghệ cùng làm với đồng bào mình. Nhưng công nghệ về cũng không ổn vì những cản trở, tiền về cũng không ổn vì tác phong làm việc của hai bên lệch nhau.

Đảng Nhà nước có chính sách tốt, cởi mở rõ ràng nhưng cũng như một gia đình, bố mẹ rất cởi mở nhưng con cái ở dưới mỗi đứa một phách. Cũng là kinh doanh nhưng bên kia không phải động tác phong bì... còn bên mình thì doanh nghiệp phải lo quá nhiều cái, mà không thế không được.

Về đầu tư, văn bản pháp luật, chính sách thay đổi liên tục doanh nghiệp khó chạy theo, muốn làm cũng khó. Ví dụ khi đưa công nghệ gia cố đất làm đường theo công nghệ Đức về Việt Nam, mình muốn đi trước đón đầu cái mới, tân tiến nhưng thị trường trong nước chưa có nhu cầu như vậy nên không ứng dụng được. Thực tế là do cơ chế quản lý của hệ thống giao thông Việt Nam khác ở Đức. Ví dụ ở Đức hệ thống giao thông trong làng do làng quyết định, giao thông xã, huyện, tỉnh do địa phương quyết định còn ở mình đâu cũng phải Bộ Giao thông Vận tải quyết định. Vì vậy từ khi đưa về Việt Nam công nghệ gia cố đất làm đường giao thông tốt, rẻ nhưng không ứng dụng được, tôi về chỉ áp dụng được ở một số khu nghỉ dưỡng của tư nhân.

Để kiều hối "không nằm yên"


Hiện nay, kiều hối vẫn đang được gửi về qua kênh chính là cho các gia đình người thân của kiều bào, để họ tự đầu tư. Cách này tốt hơn rất nhiều so với kêu gọi trở về đầu tư. Vì một thực tiễn giữa hai người hai ở hai tầng khác nhau về hạch toán kinh tế không chạm nhau được, tư duy khác nhau.

Kênh đầu tư hợp lý doanh nhân Việt kiều nên đầu tư vốn khoa học công nghệ hướng dẫn cho người thân trong gia đình học tập để có thể làm kinh tế ngay tại chính địa phương. Cơ quan chức năng tạo điều kiện cho người dân có nguồn tiền kiều hối tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, hướng dẫn họ cách làm, đưa ra gợi ý đầu tư, ngành đầu tư…

Việc đầu tư có bài bản, quy mô không phải ai cũng có thể làm được, mình cũng không thể khuyến khích và mong mọi người trở về đầu tư theo phong trào. Cần phải chỉ ra đầu tư cái gì, ngành nào, muốn đầu tư thắng lợi đòi hỏi phải có tư duy kinh tế tốt, có trình độ. Cần có dự án phương án đầu tư, hiệu quả kinh tế như thế nào…

Mình cần biết ngay cả Việt kiều khi trở về nước đầu tư không phải ai cũng có thể bắt tay đầu tư được ngay vì họ chưa quen cách làm việc trong nước, chưa có thông tin, kênh hướng dẫn đầu tư. Thậm chí chính Việt kiều cũng chưa có kinh nghiệm đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vì vậy nguy cơ thất bại rất dễ xảy ra.

Cách tốt nhất của mình nên kêu gọi đầu tư kiều hối nhiều hơn và có kế hoạch để phát huy nguồn kiều hối này.

http://www.giaoducvietnam.vn/Kinh-te/Muon-dau-tu-nhung-doanh-nghiep-Viet-kieu-ngai-dong-tac-phong-bi-post154772.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét