Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Thách thức cho Việt Nam ở Hoàng Sa

Thách thức cho Việt Nam ở Hoàng Sa
Trung Quốc ngang nhiên xây dựng thành phố Tam Sa trên một hòn đảo trong chuỗi đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Ảnh chụp hôm 27/7/2012. AFP photo
Từ ngày 17 đến 19 tháng giêng năm 1974, Trung Quốc ngang nhiên tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam kiểm soát. 40 năm đã trôi qua kể từ cuộc hải chiến đẫm máu khiến 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa tử trận, quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc dù Việt nam không ngừng lên tiếng đòi chủ quyền. Không những thế những ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển truyền thống cũng không ngừng bị đe dọa, tấn công. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về những thách thức mà Việt Nam đang phải đương đầu trong vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa và điều hòa căng thẳng tại đây.

Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn



∇ Nghe tường trình
Theo các nhà nghiên cứu về biển Đông của Việt Nam, các nhà nước Việt Nam trong lịch sử từ thế kỷ thứ 17 đã thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên kể từ năm 1909, Trung Quốc đã nhiều lần đánh chiếm quần đảo này từ phía Việt Nam, lần cuối cùng là vào tháng giêng năm 1974 khi quần đảo đang nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa. Kể từ đó, cuộc chiến không tiếng súng, tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đã bắt đầu. Theo các chuyên gia quốc tế, tình hình ở đây còn khó khăn hơn cả tranh chấp đang diễn ra giữa Trung Quốc với các nước ASEAN trong đó có Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Tiến sĩ Jonathan London thuộc trường đại học Hong Kong, người đã có nhiều nghiên cứu về Việt Nam, nhận xét:



Đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về lịch sử chủ quyền của Việt Nam. Chính vì vậy Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án công lý quốc tế (ICJ).

- Ông Đinh Kim Phúc
Tình trạng của Việt Nam khó xử hơn, ít khả năng hơn để xử lý một cách có thể làm được mọi người dân Việt Nam hài lòng vì Trung Quốc đã kiểm soát các hòn đảo rồi. 

Cũng chính bởi Trung Quốc đã kiểm soát hoàn toàn vùng quần đảo này, từ năm 1999, nước này bắt đầu áp đặt lệnh đánh bắt cá đơn phương trên một vùng rộng thuộc biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, bất chấp những phản đối từ Bộ Ngoại giao Việt Nam. Lệnh cấm đánh bắt cá này được Trung Quốc đưa ra là nhằm để bảo vệ nguồn cá. Nhưng đồng nghĩa với nó là những vụ tấn công của các tàu kiểm ngư Trung Quốc đối với các tàu cá Việt Nam. Ngoài thời gian hiệu lực của lệnh cấm đánh bắt cá, các tàu cá của Việt nam cũng liên tục bị lực lượng kiểm ngư và hải giám của Trung Quốc tấn công, đập phá và tịch thu đồ đạc, mà gần đây nhất là vụ tàu QNg 95739-TS ở Quảng Ngãi hôm 3 tháng 1 vừa qua. Chưa hết, vào hồi đầu năm ngoái, Trung Quốc còn tuyên bố cho du khách đến thăm quần đảo Hoàng Sa. Đây được coi là một hành động khiêu khích của nước này nhắm vào Việt Nam. Từ đầu tháng này Trung Quốc cũng có lệnh mới bắt buộc các tàu cá nước ngoài phải xin phép Trung Quốc  khi hoạt động trong vùng biển do nước này kiểm soát.

Cần tiếp tục đấu tranh pháp lý

Theo Tiến sĩ Jonathan London, bất chấp những khó khăn như vậy, chính phủ Việt Nam vẫn cần phải kiên quyết theo đuổi lập trường của mình trong việc đòi chủ quyền tại đây và tìm cách điều hòa căng thẳng. Ông nói tiếp:

Việt Nam vẫn phải tiếp tục, vì nếu tất cả các nước đều đầu hàng tình trạng như vậy thì nó có nghĩa là chúng ta có chấp nhận luật rừng giữa biên hải. Tôi không nghĩ có ai ở Việt Nam hay nước nào khác chấp nhận luật rừng trên biên hải. Chính vì thế dù tình trạng có hứa hẹn hay không, nhưng vì có những quyền chính đáng thì việt Nam vẫn phải nỗ lực để có được trật tự quốc tế, thực sự đưa vào các biện pháp về pháp luật quốc tế.

Tàu tuần tra Trung Quốc neo đậu tại bến tàu ở thành phố Tam Sa, theo cách gọi của TQ, hôm 27/7/2012. AFP photo
Theo nhà nghiên cứu biển Đông, Đinh Kim Phúc, Việt Nam có thể xem xét việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để duy trì tính liên tục trong việc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Ông giải thích

Đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về lịch sử chủ quyền của Việt Nam. Chính vì vậy Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án công lý quốc tế (ICJ). Nhưng nhiều lần Trung Quốc lên tiếng cho rằng vấn đề Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Họ phản đối bất cứ phân xử nào của các tổ chức quốc tế. Cho dù Trung Quốc không đồng ý, nhưng Việt Nam vẫn phải kiện Trung Quốc để duy tì tính liên tục trong việc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Mặt khác, hồ sơ pháp lý của Việt Nam sẽ đánh động dư luận quốc tế về tính phi nghĩa của Trung Quốc trong chính sách bành trướng của họ.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ luật Hoàng Việt, một chuyên gia về biển Đông, của Việt Nam, vụ kiện này có những khó khăn nhất định, khác xa với vụ kiện của Philippine với Trung Quốc được bắt đầu vào tháng 1 năm ngoái. Ông giải thích:

Hoàng Sa khó kiện vì nếu kiện đã kiện rồi. Thứ nhất Hoàng Sa là một tranh chấp về lãnh thổ. Tranh chấp lãnh thổ thì có một số tòa để giải quyết. Thứ nhất là có thể đưa ra tòa án công lý quốc tế hoặc tòa án trọng tài thường trực quốc tế. Những tòa này đều có tiêu chuẩn đầu tiên là các quốc gia đang tranh chấp phải cùng đồng thuận để đưa vấn đề ra tòa thì tòa mới có thẩm quyền. Trung quốc luôn từ chối và họ đâu có sợ biện pháp ra tòa. Cho nên biện pháp ra tòa là biện pháp cho đến giờ là chưa thể. Trong trường hợp của Philippines vừa liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, vừa liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều khoản các công ước về luật biển, nên Philippines đã dùng cách đó. Trong công ước về luật biển quy định là nếu các bên giải quyết rồi mà không được, thì sẽ được tự động đưa ra các tòa mà theo phụ lục bảy là tòa được thành lập theo phụ lục 7, tức là thủ tục tự động dẫn tới đó mà không cần phải có sự đồng ý của bên kia. 

Điều hòa căng thẳng tại Hoàng Sa

Trong khi vấn đề tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa còn nhiều khó khăn như vậy, người ta cũng có thể đặt câu hỏi về khả năng điều hòa căng thẳng để ít nhất duy trì ổn định tại khu vực này, giảm thiểu những rủi ro cho các ngư dân Việt Nam.

Thời gian qua, Trung Quốc và Việt Nam đã thiết lập những đường dây nóng với mục đích giải quyết nhanh chóng và ngay tức khắc các sự việc nảy sinh trên biển. Nhưng trên thực tế, những vụ tấn công, trấn áp tàu cá Việt Nam vẫn tiếp tục. Theo Tiến sĩ Jonathan London, đây là một trong các biện pháp mà Trung Quốc thực hiện để tránh đạt được một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), nhằm giúp điều hòa căng thẳng giữa các bên.

Trung Quốc từ trước đến nay và trong tương lai sẽ tiếp tục chỉ muốn đàm phán song phương thôi, vì thế mà họ đề nghị các biện pháp như đường dây nóng hay thảo luận song phương. Mục tiêu cơ bản là tránh một COC ở biển Đông.



Trung Quốc từ trước đến nay và trong tương lai sẽ tiếp tục chỉ muốn đàm phán song phương thôi, vì thế mà họ đề nghị các biện pháp như đường dây nóng hay thảo luận song phương. Mục tiêu cơ bản là tránh một COC ở biển Đông.

- TS. Jonathan London
COC hiện tại là một bế tắc giữa ASEAN và Trung Quốc trong suốt 10 năm qua. Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng, Hoàng Sa là một trong những trở ngại có liên quan

Chắc chắn nó là một thách thức lớn, COC có liên quan đến Hoàng  Sa, nên một trong những lý do mà COC dậm chân cũng là vì nó có liên quan đến Hoàng Sa. Các nước ASEAN đưa ra COC là toàn bộ biển Đông còn Trung Quốc thì cho rằng Hoàng Sa là một lãnh thổ của Trung quốc và không có gì phải đàm phán cả, chỉ có thể đưa ra COC cho vùng Trường Sa thôi. Cho nên nếu nói đó là một trở ngại thì đúng, nó là một thách thức rất lớn.

Đã có những học giả quốc tế thậm chí còn cho rằng Việt Nam nên bỏ vấn đề Hoàng Sa ra ngoài COC để đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên theo Thạc sĩ Hoàng Việt thì điều này là không thể vì nó liên quan đến vấn đề lịch sử, truyền thống của Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hơn chính là nếu Việt Nam chấp nhận điều này, nó sẽ là tiền lệ cho những vùng tranh chấp khác.

Người ta cũng có thể đặt câu hỏi về lập trường gác tranh chấp cùng khai thác mà Trung Quốc đã đề ra, có thể được thực hiện ở Hoàng Sa hay không? Theo Thạc sĩ luật Hoàng Việt, thì điều này cũng không thể bởi chủ trương của Trung Quốc là chỉ gác tranh chấp tại các vùng thuộc chủ quyền của nước khác và nằm trong đường lưỡi bò của Trung Quốc, mà không áp dụng với những vùng do Trung Quốc kiểm soát, bao gồm quần đảo Hoàng Sa.

Cho đến lúc này tranh chấp về chủ quyền tại Hoàng Sa và điều hòa căng thẳng tại đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn bởi quan điểm giữa Trung Quốc và Việt nam cùng các nước ASEAN là quá khác xa nhau. Hy vọng về việc lấy lại Hoàng Sa của Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, cũng không phải là lớn. Nhưng nói như thạc sĩ Hoàng Việt thì người ta vẫn phải tiếp tục hy vọng.

Việt Hà
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét