Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Ngắm hàng phải trả phí 5 USD

Một cửa hàng ở Australia đã đặt ra loại phí trên để ngăn khách chỉ vào "ngắm nghía" đồ thật, sau đó về tìm mua trên mạng.
Một cửa hàng thực phẩm tại Brisbane (Australia) rất ghét các vị khách cứ đi loanh quanh nhìn ngắm hàng hóa mà chẳng mua gì. Vì thế, họ đặt ra mức phí 5 USD cho mỗi người bước chân vào cửa hàng để ngăn khách chỉ "ngắm nghía" đồ thật, sau đó về tìm mua trên mạng.
Thông báo dán ngoài cửa cho biết: "Kể từ đầu tháng 2, chúng tôi sẽ tính phí 5 USD mỗi người nếu chỉ nhìn ngắm sản phẩm. Phí này sẽ được hoàn trả nếu quý khách mua đồ trong cửa hàng". Theo giải thích của họ thì: "Có rất nhiều người vào đây chỉ để khảo sát và sau đó lại mua đồ chỗ khác. Họ không hề ý thức được rằng giá cả của chúng tôi cũng tương đương những chỗ kia. Thậm chí chúng tôi còn bán những đồ chẳng ở đâu có".

Thông báo tính phí ngắm hàng 5 USD dán bên ngoài cửa. Ảnh: Reddit
Thông báo tính "phí ngắm hàng" 5 USD được dán bên ngoài cửa. Ảnh: Reddit

Chính sách này đã nhận được vô số lời chỉ trích của mọi người. Matt Brownell của tờ Daily Finance cho biết: "Đây là chiến lược sai lầm nhất chúng tôi từng biết để đối phó với việc xem hàng. Mục tiêu của bất kỳ hãng bán lẻ nào cũng là gây ấn tượng với người tiêu dùng bằng giá cả cạnh tranh và dịch vụ hoàn hảo, chứ không phải nghi ngờ và gây phản cảm ngay từ lúc họ bước vào cửa".
Chris Morran ở Consumerist thì nhận định: "Trong trường hợp khách không mua đồ, người bán cần tìm hiểu tại sao và có cách giải quyết. Nếu giá của cửa hàng đúng là tốt nhất, họ nên đánh vào đó. Và nếu đồ ở đây thực sự độc, làm sao khách còn mua được ở chỗ khác chứ".
Cộng đồng mạng cũng chê bai thẳng thừng ý tưởng 5 USD này. Một người cho biết: "Cửa hàng này phá sản đến nơi rồi". Người khác thì nói: "Nếu là tôi, tôi sẽ chửi thẳng vào họ và bỏ đi, không bao giờ quay lại nữa. Họ đang muốn phá sản còn gì".
Thùy Linh (theo BI)
Tính ra thì khách hàng có quyền lựa chọn, nếu cứ nghĩ rằng họ vào xem mà không mua thì nên xem lại cửa hàng của mình. Đổ lỗi cho khách hàng thì chẳng khác nào hàng mình bán toàn là hàng trưng bày.
Tự mình hại mình.
Những chính sách của riêng từng cửa hàng không nhất thiết là hợp pháp và nếu bị khách hàng than phiền đến Bộ Công bằng Mậu dịch (Dept. of Fair Trading) hoặc tòa án dành cho người tiêu thụ/buôn bán thì cửa hàng sẽ bị điều tra ngay. Ví dụ có những cửa hàng ghi:không đổi hàng hoặc hoàn tiền lại (no exchange or refund) nhưng theo luật thì họ chỉ được phép làm vậy khi khách hàng đổi ý (không thích nữa) mà không đưa ra được lý do chính đáng (ví dụ quần áo mua về mặc không vừa hoặc co rút sau khi giặt).


http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quoc-te/2013/03/ngam-hang-phai-tra-phi-5-usd/  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét