Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Bà chủ TH True Milk: Tôi không có đối thủ !

Chưa hết tranh cãi với tuyên bố “sữa sạch”, bà Thái Hương, chủ của thương hiệu sữa TH True Milk lại gây sốc trên thị trường sữa với tuyên bố xanh rờn: “tôi không có đối thủ”.
Trang trại bò sữa của TH true milk. Ảnh: IE
Bà Thái Hương cũng khẳng định, TH True Milk sẽ đạt doanh thu 23.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) chỉ sau 7 năm hoạt động.

Tôi không có đối thủ
Cách đây vài tuần, một tờ báo khi trích phát biểu của bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH Group đã cho rằng, thông tin TH True Milk đạt 3.700 tỷ đồng vào năm 2015 và có ý định cạnh tranh ngang ngửa với Vinamilk (có doanh thu hơn 1 tỷ USD năm 2011) là “gây sốc”.
Thế nhưng, sẽ còn “sốc” hơn, khi bà Hương cải chính, con số 3.700 không phải là mục tiêu TH True Milk đặt ra trong năm 2015, mà là con số dự kiến đạt được trong năm 2013. 

Đến năm 2017, tức chỉ sau 7 năm hoạt động, doanh số mà công ty này dự kiến đạt được là 23.000 tỷ đồng, vượt cả doanh thu của Vinamilk đạt được trong năm 2011. Và còn sốc hơn nữa, khi nghe bà Hương tuyên bố: Tôi không có đối thủ.
Cần phải nói thêm rằng, khi TH True Milk ra đời, Vinamilk đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với hơn 40% thị phần sữa nước và doanh thu hơn 1 tỷ USD vào năm 2011. Vì vậy, tuyên bố của bà Thái Hương về việc “không có đối thủ” khiến nhiều người cho là ngạo mạn.
Tuy nhiên, nếu tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất và trang trại bò sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn tại vùng tây Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn, Nghệ An, có thể thấy những gì mà Thái Hương nói, không phải là không có cơ sở. 
Với hơn 22.000 con bò, được quản lý hoàn toàn bằng máy móc, TH True Milk đã hình thành được một trang trại bò sữa hiện đại nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 350 triệu USD (trong tổng vốn đầu tư dự án là 1,2 tỷ USD). 
Theo kế hoạch, cuối năm 2012 này, tổng đàn bò của công ty đạt 45.000 con, song do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, vốn giải ngân chậm, nên kéo dài đến giữa năm 2013, TH True Milk mới đạt được số bò này. Theo lộ trình, TH True Milk sẽ đạt 137.000 con bò vào năm 2017.
“Khi bắt tay vào làm thương hiệu cho TH True Milk, có người nói với tôi rằng: chị có hai đối thủ lớn nhất trên thị trường. Nhưng tôi khẳng định: tôi không có đối thủ. Tôi cảm ơn Vinamilk và các hãng sữa khác đã tạo cho người dân Việt Nam thói quen uống sữa. Tôi muốn làm bạn với họ, song tôi không đi chung con đường với họ, tôi chọn con đường hoàn toàn khác cho mình. 
Bởi khi bắt tay vào nghiên cứu ngành sữa, tôi thấy, 92% nguồn nguyên liệu sữa tại Việt Nam được nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài (năm 2008), sữa nước trên thị trường chủ yếu là sữa hoàn nguyên, tức doanh nghiệp nhập sữa bột về, pha chế thành sữa nước chứ không phải sữa tươi. Tôi chọn cho mình một con đường hoàn toàn riêng biệt: sản xuất sữa tươi sạch. 
Tôi có thể tự hào khẳng định mình là người đặt viên gạch đầu tiên về sản xuất sữa tươi sạch trên thị trường. Tôi không cần lấy thị trường của người khác, tôi tự tạo ra một lớp khách hàng mới. Hiện chỉ có 20-25% người dân Việt Nam uống sữa, dư địa để tăng thị phần còn nhiều lắm, không phải tranh giành của ai”, bà Hương bộc bạch.
Làm sữa sạch, tôi được 230 điểm
Câu chuyện một đại gia ngân hàng chuyển sang đầu tư nuôi bò, kinh doanh sữa từng khiến không ít người hoài nghi, nhất là khi đại gia đó thẳng thắn tuyên bố “sữa sạch” – một khái niệm hoàn toàn chưa được “chuẩn hóa” trên thị trường. Lý do gì mà một người mới chân ướt, chân ráo vào ngành sữa lại dám tuyên bố như vậy?
Bà Thái Hương lý giải: “Đã xác định sản xuất sữa tươi, không có cách gì khác là phải nuôi bò. Tôi đã đặt ra câu hỏi: nước nào nuôi bò tốt nhất thế giới hiện nay? Câu trả lời là Israel. Đây là đất nước bán sa mạc, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt hơn Việt Nam rất nhiều song Israel lại là nước xuất khẩu nhiều nông sản, thực phẩm và sữa sang châu Âu, Mỹ - là những nước đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩn. 
Bí quyết của quốc gia này chính là công nghệ. Từ những phân tích đó, tôi cho điểm, xét về đất đai, khí hậu, chúng ta được 100 điểm thì Israel chỉ đạt 50 điểm. Thế nhưng, về công nghệ, Việt Nam chỉ được 30 điểm nhưng Israel đạt tới 100 điểm. Israel chỉ 150 điểm mà họ đã rất thành công trong chăn nuôi bò sữa, tôi mua công nghệ của Israel, được những 230 điểm, vậy chắc chắn sẽ thành công”.
Nghĩ là làm, bà chủ TH True Milk ngay lập tức ký hợp đồng tư vấn chăn nuôi bò sữa với một công ty của Israel với số tiền lên tới 50 triệu USD - số tiền không hề nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam khi đó. Khâu tư vấn đã xong, nhưng khâu tìm đất mới thực sự gian nan. 
Lăn lóc nửa năm ở Hòa Bình nhưng vẫn chưa được cấp đất, bà Thái Hương như cá gặp nước khi lãnh đạo Nghệ An mời gọi đầu tư về quê hương, cụ thể là vùng đất Nghĩa Đàn với điều kiện cực kỳ lý tưởng cho chăn nuôi bò sữa. 
" Cao tay" mua lại nhà máy đường
Khi công ty Tate & Lyle (có trụ sở tại Nghĩa Đàn, Nghệ An) quyết định bán nhà máy đường, tỉnh Nghệ An đã đề nghị doanh nghiệp này bán lại cho một doanh nghiệp trong tỉnh, vì trước đó, Nghệ An đã góp vốn cổ phần bằng đất đai cho doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, do vào thời điểm ký hơp đồng góp vốn, Nghệ An thiếu kinh nghiệm đàm phán với đối tác ngoại nên không đưa ra điều kiện ràng buộc gì. 
Vì vậy, Tate &Lyle đã “phớt lờ” đề nghị của Nghệ An và chào đấu giá công khai với 20 nhà thầu quốc tế. Thế nhưng, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, TH True Milk đã nhanh tay đăng ký quy hoạch toàn bộ vùng nguyên liệu của Nghĩa Đàn, trong đó có vùng mía. Điều này có nghĩa, bất kỳ đối tác nào mua Tate & Lyle cũng phải “qua tay” TH True Milk mới có vùng nguyên liệu sản xuất. 
Nước cờ cao tay này đã khiến TH chiến thắng 20 nhà thầu quốc tế, chính thức sở hữu Tate & Lyle. Thương vụ này đã được bình bầu là thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài “khủng” nhất trên thị trường trong năm 2011.
Dù đã nắm trong tay nhà máy đường hiện đại bậc nhất nước, song bà Thái Hương cho biết, TH hoàn toàn không có ý định “lấn sân” sang ngành đường mà mua nhà máy này với mục đích phục vụ sản xuất sữa của TH True Milk.
Riêng với bà chủ TH Group, sau khi đã hoàn thành tương đối vai trò của mình với thương hiệu TH True Milk, bà Thái Hương đang chuẩn bị “tấn công” sang thị trường hương liệu, dược liệu.
Theo đó, một chuỗi dự án chăm sóc sức khỏe đang được TH Group hình thành với nhiều dự án như trồng rừng kết hợp phát triển nguồn dược liệu sạch, chất lược cao, chiết xuất và bào chế dược liệu bằng công nghệ của Đức để cung cấp cho lĩnh vực thực phẩm chức năng (60%), tân dược (30%) và Spa (10%). 
Hiện chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên biệt (TH True Mart) đã có 100 cửa hàng, dự kiến đạt 1.000 cửa hàng vào năm 2015-2016. Từ 30/8/2012, TH True Mart bắt đầu bán rau sạch, mở màn cho một loạt thực phẩm sạch.
Theo Đầu tư

 Bình luận trên mạng:

Một công ty chưa chấm dứt giai đoạn đầu tư để chuyển sang giai đoạn sản xuất như TH Milk mà đã tuyên bố “tôi không có đối thủ”, như vậy là quá ngạo mạn – ông Trịnh Quý Phổ phản bác.
Bà chủ TH True Milk: Tôi không có đối thủ !
 
Bà chủ TH True Milk: Tôi không có đối thủ !

Khi câu chuyện xoay quanh quảng cáo “sữa sạch” vẫn chưa hết tranh cãi, bàn luận, mới đây tuyên bố của bà Thái Hương, chủ của thương hiệu sữa TH True Milk lại gây “sốc” trên thị trường sữa.

Câu nói: “Tôi không có đối thủ” của bà Thái Hương khiến ông Trịnh Quý Phổ, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam cho là quá ngạo mạn.

Ông Phổ đưa ra quan điểm: “Một công ty sữa như Vinamilk (doanh nghiệp đang chiếm thị phần rất lớn trên thị trường sữa trong nước hiện nay) đã thành lập 35 – 36 năm nay, với sản lượng sản xuất chiếm tới 65% thị trường. Đồng thời cũng là hãng duy nhất của Việt Nam có sữa xuất khẩu. Trong khi đó, anh (TH milk – pv) còn đang đầu tư, chưa quyết toán để chuyển sang giai đoạn sản xuất. Thử hỏi không ngạo mạn thì là cái gì?”.

Ông Trịnh Quý Phổ, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng: Tuyên bố của bà Thái Hương, chủ của nhãn hiệu sữa TH Milk "tôi không có đối thủ" là quá ngạo mạn.

Với tổng vốn đầu tư dự án là 1,2 tỷ USD cùng hơn 22.000 con bò (giai đoạn 1), được quản lý hoàn toàn bằng máy móc, TH True Milk đã hình thành được một trang trại bò sữa hiện đại nhất Đông Nam Á, bà Thái Hương tự hào là người đặt viên gạch đầu tiên về sản xuất sữa tươi sạch trên thị trường và khó ai có thể theo kịp bà trong thị phần sữa tươi này.

Tuy nhiên, nếu xét đến quy mô nhà máy, Vinamilk không chỉ tập trung vào sữa tươi mà còn làm nhiều mặt hàng khác như phô-mai, sữa chua, nước giải khát. Hầu hết các dây chuyền sản xuất sữa tươi của Vinamilk đều hoạt động ổn định với công suất tối đa.

“Hiện nay, Vinamilk hàng ngày thu mua 500.000 tấn sữa tươi để đưa vào sản xuất. TH True Milk có thể là đơn vị chế biến sữa tươi 100% thật, nhưng Vinamilk ngoài bản thân sữa tươi thu mua còn có cả một sản lượng lớn tạo ra do dân sản xuất nữa”. Do vậy, theo ông Phổ, ý kiến của bà Hương “tôi cho là hơi lộn xộn”.

Trước đó, TH True Milk dự kiến doanh số đạt 3.700 tỷ đồng vào năm 2015, tuy nhiên, để khẳng định cho việc vị thế số 1 của TH True Milk, mới đây, bà Hương đã khẳng định con số 3.700 phấn đấu sẽ đạt được trong năm 2013, chứ không phải năm 2015 như đã tuyên bố.

Bà Hương cũng kỳ vọng tới năm 2017, tức chỉ sau 7 năm hoạt động, con số này sẽ tăng lên 23.000 tỷ đồng, tức là vượt cả doanh thu của Vinamilk đạt được trong năm 2011.

Mặc dù vậy, trên thực tế, cần phải thấy một điều rằng: Vinamilk không đứng yên mà vẫn đang tiếp tục phát triển, đi lên, tăng trưởng một cách vượt bậc.

3 tháng đầu năm 2012, công ty này đã đạt tổng doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011, đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến đến hết năm 2012, Vinamilk sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 26.500 tỷ đồng.

Chiến lược của Vinamilk trong thời gian tới là phấn đấu trở thành 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017, nhảy khá nhiều bậc so với vị trí thứ 68 hiện nay.

Đặc biệt, Vinamilk dự kiến sẽ cho vận hành một nhà máy có công suất 400 triệu lít sữa tươi/năm tại Bình Dương, tương đương tổng công suất của gần 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk cộng lại. Trong rất nhiều phát biểu và báo cáo của mình, lãnh đạo Vinamilk vẫn luôn khẳng định mục tiêu dẫn đầu thị trường sữa Việt Nam.

“Tôi sẽ không so sánh TH True Milk đứng thứ bao nhiêu trên thị trường sữa Việt Nam nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng: Bây giờ anh (TH Milk – pv) chưa hết giai đoạn đầu tư, chưa đi vào sản xuất… Người ta mua nguyên liệu của sữa về để chế biến thì lại khác, còn anh mới xây xong khu chăn nuôi, nhà máy còn chưa có mà phải thuê của công ty sữa Việt Mỹ ở Hưng Yên để sản xuất gia công. Như vậy thử hỏi đẻ đâu ra lãi lớn như thế?” – Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam đặt ra nghi vấn.
Theo T.P
Giáo dục Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét