Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

“Phái tăng trưởng” đang thắng thế

(Tamnhin.net) - Để giải quyết khủng hoảng và suy thoái, hầu hết các nước đều áp dụng phương châm “Thắt chặt”, kể cả các nước trong Nhóm BRICS cũng theo gương Phương Tây tiến hành “quản lý vĩ mô”. Trong khi đó lãnh đạo và một số nhà kinh tế Phương Tây có chủ trương ngược lại, cho rằng “Tăng trưởng mới là lối thoát”. Thế giới thời gian qua đã hình thành hai phái là “Thắt chặt” và “Tăng trưởng”. Kết quả, “Phái tăng trưởng” hiện đang chiếm ưu thế.


Francois Hollande - Phái tăng trưởng

Để giải quyết khủng hoảng nợ công và khủng hoảng tiền tệ tài chính, các nước hai bờ Đại Tây Dương đều áp dụng phương châm “Thắt chặt”, thậm chí chính phủ các nước Châu Âu cho rằng: “Chính sách kinh tế thắt chặt và khắc khổ” là viên linh đan thần kỳ giải quyết nợ công. Tại Châu Âu, đại biểu cho “Phái thắt chặt” là bà Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Rốt cuộc, ông Sarkozy bị hạ bệ và Người đại diện cho “Phái tăng trưởng” ở Châu Âu là Francois Hollande đã thắng thế và trở thành đương kim Tổng thống Pháp. Kể từ năm 2011 tới nay, 10 nước trong Khu vực eurozone đã phải thay đổi Chính phủ, các khuôn mặt đại diện cho “Phái tăng trưởng” lần lượt lên nắm quyền thay thế “Phái thắt chặt”. “Phái tăng trưởng” hiện đang chiếm ưu thế.

Các nhà kinh tế cho rằng trong tình hình kinh tế khó khăn, biện pháp tìm cách tháo gỡ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, chứ không phải chỉ đơn thuần thắt chặt. Bởi lẽ, bài toán tìm cách đẩy mạnh kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong tình hình suy thoái và khủng hoảng khó hơn nhiều so với biện pháp hành chính ra lệnh “Thắt chặt” hay “Kiểm soát vĩ mô”.
Thực tế hai năm qua cho thấy, hậu quả của chính sách thắt chặt đã không thể bù đắp được phần thiếu hụt nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, làm cho các doanh nghiệp không muỗn đầu tư, kể cả các doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào, mà còn đẩy nền kinh tế các nước nói riêng và toàn cầu nói chung lâm vào tình trạng khốn khó mà chưa thể thoát ra được. Tốc độ tăng trưởng GDP của các nước bị chững lại, tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao, xã hội không ổn định, biểu tình đình công lien tiếp xảy ra, tình trạng tiêu cực xã hội nảy sinh phức tạp đã càng làm cho kinh tế đã khó lại càng khó, thậm chí rơi vào ngõ cụt. Suy thoái vãn suy thoái, khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 12/7/2012 cho biết, GDP năm 2012 của các nước Eurozone tăng trưởng âm là 0,7%, cao hơn mức dự đoán 0,5% trước đây, năm 2013 có thể vươn lên được 0,8%. Trong khi đó Viện nghiên cứu kinh tế Đức, Cục thống kê nhà nước và Viện nghiên cứu kinh tế nhà nước Pháp, Cục thống kê nhà nước Italia vừa lần lượt công bố Kinh tế Eurozone Quí 3/2012 sẽ đồng loạt rơi vào suy thoái. Trên thực tế, trong số 17 nước thành viên eurozone, một số nước đã suy thoái như Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Ireland, Italia, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovennia. Những nước ngoài Khối eurozone là Anh, Đan Mạch, Cộng hòa Séc đã bắt đầu suy thoái từ Quí 1/2012. Ngày 17/6/2012, Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne cho biết liên tục hai Quí là Quí 4/2011 và Quí 1/2012 kinh tế Anh đều tăng trưởng âm 0,3%, dự kiến năm 2012 tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,8%.
Theo ADB, Kinh tế Mỹ tăng trưởng GDP Quí 1/2012 đạt 1,9% thấp hơn mức dự đoán 3%, cả năm 2012 từ mức 2% theo dự đoán trước đây, sẽ chỉ còn 1,9%, năm 2013 từ 2,3% xuống còn 2,2%. Tính tới cuối tháng 5/2012, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ liên tục trong 40 tháng qua đều cao ở mức trên 8%.
Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2012, GDP duy trì mức tăng trưởng “ôn hòa” không cao không thấp. Là nước dựa vào xuất khẩu để duy trì tăng trưởng GDP, giờ đây lần đầu tiên Nhật Bản đưa ra phương châm chuyển sang “lấy nội nhu làm động lực chủ yếu”  tăng trưởng GDP.
Các nước Đông Á nơi được mệnh danh là năng động nhất thì tốc độ tăng trưởng GDP cũng chững lại. Năm 2012 mức tăng trưởng GDP đạt 6,6% thấp hơn mức dự kiến 6,9%, năm 2013 đạt 7,1% thấp hơn mức dự kiến 7,3%. Tăng trưởng GDP của các nước kinh tế mới trỗi dậy, nhất là Nhóm BRICS cũng chững lại. Trung Quốc, nhiều năm nay được mệnh danh có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng Quí 1/2012 chỉ tăng trưởng 8,1%, sang  Quý 2/2012 tụt xuống còn 7,6%, dự kiến cả năm có thể dưới mức 8%, mức thấp trong ba năm trở lại đây. Nga có hai lợi thế: Một là, giá dầu lửa thế giới tăng cao. Hai là, đã chính thức trở thành thành viên WTO, nhưng không vì thế mà trở thành ngoại lệ có tốc độ tăng trưởng cao, trái lại tăng trưởng GDP đã chững lại, dự kiến năm 2012 chỉ ở mức 4,5%. Mức tăng trưởng GDP của Ấn Độ Quí 1/2012 chỉ đạt 5,3%, mức thấp nhất trong 9 năm qua. GDP Quí 1/2012 của Braxin chỉ đạt 0,2%, như vậy liên tục trong 5 Quí liền mức tăng trưởng không đạt 1%. GDP Quí 1/2012 của Cộng hòa Nam Phi chỉ đạt 2,7%, đây là lần đầu tiên trong hai năm qua GDP tăng trưởng chỉ đạt dưới 3%.
Angela Merkel - Phái thắt chặt
Số liệu trên cho thấy ngoài tác động của khủng hoảng thì chủ trương “thắt chặt” cũng là nhân tố làm kinh tế các nước chững lại. Giáo sư Joseph E. Stiglitz, người được giải thưởng Nobel kinh tế năm 2001, hiện là giảng viên Trường đại học Columbia (Mỹ) cho rằng: “Do các nước Châu Âu và một số nước coi Chính sách kinh tế thắt chặt và khắc khổ là viên linh đan thần kỳ giải quyết nợ công, nhưng gần đây họ mới nhận ra rằng vấn đề là ở chỗ phải tìm cách đẩy kinh tế tăng trưởng, chứ không chỉ đơn thuần là thắt chặt. Nếu như họ sớm nhận thức được điều này thì kinh tế các nước Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha không trầm trọng như hiện nay.”
Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa qua kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên Eurozone cần “phá bỏ tư duy thắt chặt lỗi thời” do Đức chủ trương. Thực tế chứng minh chính sách này chẳng những không làm cho kinh tế EU khá hơn, trái lại đẩy kinh tế nhiều nước tới bờ vực thẳm, điển hình là Hy lạp, Tây Ban Nha, Italia. Dư luận Đức cho rằng với chủ trương sai lầm, nên bà Merkel khó có thề giữ nổi chiếc ghế Thủ tướng thời gian tới.
“Thắt chặt” đã không mang lại hiệu quả cho giải quyết khủng hoảng nợ công và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, ngoài ra còn đưa lại rất nhiều “tác dụng phụ” như đấu tranh biểu tình của dân chúng, xã hội mất ổn định, bạo lực tiêu cực xảy ra nhiều nơi. Chính vì vậy, từ đầu năm 2012, nhiều nước trên thế giới bắt đầu chuyển sang “nới lỏng tài chính” để thúc đẩy tăng trưởng. Đầu năm nay, Mỹ tuyên bố duy trì lãi suất ở mức thấp nhất tới giữa năm 2014, đồng thời sẵn sàng áp dụng gói kích cầu QE3 để thúc đẩy tăng trưởng.
Đầu năm 2012, Ngân hàng EU tuyên bố duy trì lãi suất ở mức 1%, nhưng tới ngày 6/6/2012 tuyên bố giảm lãi suất. Ngân hàng trung ương Nhật Bản tháng 4/2012 tuyên bố áp dụng gói kích cầu từ 5.000 tỉ Yên tới 7.000 tỉ Yên. Trong khi đó 23 nước lớn trong số các nước đang phát triển và trỗi dậy đã tuyên bố hạ mức lãi suất để kích thích tăng trưởng. Ngày 8/6/2012, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng trung ương) đột ngột tuyên bố hạ lãi suất 0,25%. Đây là lần đầu tiên trong 4 năm qua, Trung Quốc tiến hành hạ lãi suất, lần trước vào ngày 16/9/2008.
Các nhà kinh tế cho rằng một xu thế chung của toàn cầu hiện nay là các nước đang từ “Thắt chặt” chuyển sang “Tăng trưởng”, nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất kích thích kinh tế tăng trưởng. Thực tế thời gian qua chứng tỏ rằng “Thắt chặt” không phải viên linh đan hiệu nghiệm như một số người chủ trương, trái lại “Tăng trưởng” mới là lối thoát cho khủng hoảng hiện nay.
“Phái tăng trưởng” rõ ràng đang thắng thế.
Kiều Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét