Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Trung Quốc bành trướng thế lực ở Thái Bình Dương

Trung Quốc bành trướng thế lực ở Thái Bình Dương
NGƯỜI VIỆT 7-6-22 - Hiếu Chân - Cuộc bành trướng thế lực Hải Quân của Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương bỗng nóng lên trong tuần khi truyền thông tường thuật chuyện Bắc Kinh thiết lập những căn cứ Hải Quân và Không Quân mới trong một khu vực rộng lớn từ Vịnh Thái Lan đến các đảo Nam Thái Bình Dương nhằm mở rộng năng lực thi triển sức mạnh quân sự ra toàn cầu.

Báo The Washington Post dẫn nguồn tin từ các giới chức Tây phương và địa phương cho biết vào Thứ Năm tới đây, 9 Tháng Sáu, Cambodia sẽ làm lễ động thổ xây dựng một căn cứ bí mật của Hải Quân Trung Quốc ở phía Bắc căn cứ Ream Naval Base – không xa đảo Phú Quốc của Việt Nam dù cả Phnom Penh và Bắc Kinh đều phủ nhận chuyện đó và có các biện pháp bất thường để che giấu.

Trước đó, một tài liệu bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc đã bí mật ký kết một hiệp ước hỗ tương về an ninh với quần đảo Solomon, cho phép Bắc Kinh bố trí cảnh sát vũ trang và quân đội tới đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương để vãn hồi trật tự khi cần thiết. Chính quyền Solomon bác bỏ thông tin Trung Quốc lập một căn cứ Hải Quân ở quần đảo nhưng để ứng phó nhanh với tình huống ở nơi xa xôi như vậy, chắc chắn Bắc Kinh phải có một hình thức hiện diện quân sự nào đó và điều đó khiến cho cả Hoa Kỳ, Úc và New Zealand giật mình.

Thực ra, kế hoạch của Trung Quốc thiết lập một chuỗi các căn cứ quân sự ở nước ngoài không phải là mới mẻ. Vài chục năm trước, người ta đã nói tới tham vọng “chuỗi ngọc trai” (strings of pearls), bao gồm một chuỗi các hải cảng mà Trung Quốc xây dựng hoặc được nhượng quyền sử dụng trải dài từ Biển Đông tới Châu Phi.

Một báo cáo của Ngũ Giác Đài khi ấy nhận định, ngoài căn cứ ở Djibouti – căn cứ nước ngoài đầu tiên của quân đội Trung Quốc – được khai trương năm 2017, Bắc Kinh đang theo đuổi việc thiết lập nhiều căn cứ quân sự khác để hỗ trợ “thi triển sức mạnh Hải Quân, Không Quân, mặt đất, mạng và vũ trụ.” Trung Quốc có thể đã xem xét một số quốc gia, bao gồm Cambodia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Tanzania và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) để tìm địa điểm mở căn cứ quân sự mới. “Một mạng lưới căn cứ toàn cầu của Trung Quốc có thể can thiệp vào các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và hỗ trợ các hoạt động tấn công chống lại Hoa Kỳ,” báo cáo của Ngũ Giác Đài nhận định.

Trong thực tế, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát hải cảng Hannatoba ở Sri Lanka trên Ấn Độ Dương, hải cảng Gwadar của Pakistan và cảng Sittwe của Myanmar trên vịnh Bengal. Nhưng sự hiện diện của Trung Quốc tại đây chưa được Tây phương chú ý nhiều. Chỉ đến khi Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở quần đảo Trường Sa và mở căn cứ quân sự ở Cambodia thì Hoa Kỳ và các nước trong vùng mới bắt đầu lo ngại trước dã tâm của Bắc Kinh.

Trung Quốc lập căn cứ Hải-Không Quân ở Cambodia

Kế hoạch mở căn cứ Hải Quân Trung Quốc trên Vịnh Thái Lan, cùng với việc xây dựng một đường băng dài cho phi cơ quân sự gần đó ở Cambodia đã có từ ba bốn năm trước nhưng cả chính phủ Trung Quốc lẫn Cambodia đều giấu kín. Từ năm 2019 báo Wall Street Journal (WSJ) đã đưa tin Trung Quốc ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội của họ sử dụng căn cứ Ream Naval Base của Cambodia. Thông tin của báo cụ thể tới mức, Hải Quân Trung Quốc sẽ được sử dụng khu vực 62 hécta ở phía Bắc, trong tổng số 190 hécta đất của căn cứ Ream. Lúc đó trong căn cứ có sẵn hai tòa nhà do người Mỹ xây dựng để sửa chữa, bảo trì chiến hạm và một cầu tàu đủ cho các tàu tuần tra neo đậu. Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ xây thêm hai cầu tàu, một cho tàu Trung Quốc và một cho Cambodia và nạo vét luồng lạch để các tàu chiến lớn có thể cập bến được. Thỏa thuận bí mật có hiệu lực 30 năm và được tự động gia hạn mỗi 10 năm sau đó.

Bắc Kinh và Phnom Penh cực lực bác bỏ thông tin của WSJ. Ông Hun Sen, thủ tướng Cambodia, nói đây là “tin giả,” còn phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lúc đó bác bỏ cái mà họ gọi là “tin đồn” và nói rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần giúp Cambodia đào tạo quân đội và trang bị hậu cần.

Tuy nhiên, hồi cuối tuần qua, một giới chức Trung Quốc tại Bắc Kinh đã xác nhận với The Washington Post rằng “một phần của căn cứ Ream sẽ được quân đội Trung Quốc sử dụng,” đồng thời cho biết lễ động thổ nâng cấp cải tạo căn cứ Ream, dự kiến vào ngày 9 Tháng Sáu, sẽ có ông Tea Banh, bộ trưởng Quốc Phòng Cambodia, và ông Wang Wentian (Vương Văn Thiên), đại sứ Trung Quốc tại Cambodia, tham dự.

Tuy vậy, hai chính phủ Cambodia và Trung Quốc vẫn cố gắng hết sức để che giấu sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Cambodia. Các phái đoàn nước ngoài đến thăm căn cứ chỉ được phép đi tới các địa điểm đã được duyệt trước. Tại căn cứ, quân nhân Trung Quốc mặc đồng phục giống như quân Cambodia để tránh bị các nhà quan sát bên ngoài nghi ngờ. Khi bà Wendy Sherman, thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, đến thăm căn cứ Ream trong một chuyến công du năm ngoái, hoạt động của bà đã bị hạn chế rất nhiều. Bà Sherman đến sau khi Cambodia đã san bằng hai cơ sở do Hoa Kỳ xây dựng tại căn cứ Ream, từ chối đề nghị của Mỹ chi tiền để cải tạo một trong hai cơ sở đó, thay vào đó họ nhận hỗ trợ từ Trung Quốc để nâng cấp căn cứ, theo một báo cáo của Ngũ Giác Đài. Năm ngoái, tòa nhà “Tình hữu nghị Việt Nam” – một cơ sở do người Việt Nam xây dựng – đã được dời ra khỏi căn cứ Ream để khỏi xung đột với quân Trung Quốc.

Cũng bí mật như vậy là một phi trường mới, giữa rừng, ở Dara Sakor, một dải bờ biển chỉ cách căn cứ Ream 40 dặm. Theo thông tin của báo The New York Times (NYT) năm 2019, ở Dara Sakor một công ty vô danh của nhà nước Trung Quốc là Union Development Group đã thuê đất 99 năm và phát triển thành một phi trường dân sự phục vụ du lịch, nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy phi đạo dài hơn 2 dặm của nó đủ cho các oanh tạc cơ và phi cơ vận tải quân sự cỡ lớn hoạt động. Từ đây các chiến đấu cơ Trung Quốc có thể cất cánh và hạ cánh nhanh để tấn công các mục tiêu ở Thái Lan, Việt Nam, Singapore và nhiều nơi khác trong vùng Đông Nam Á.

Trước những thông tin như vậy, thái độ của Trung Quốc luôn là từ chối và bác bỏ để che giấu ý đồ thực sự của họ, chỉ thừa nhận khi gạo đã thành cơm, không thể đảo ngược được nữa. Một ví dụ, khi bắt đầu bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa năm 2014, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, cam kết với ông Barack Obama, tổng thống Mỹ, rằng đó chỉ là những căn cứ hậu cần nghề cá, nơi ngư dân Trung Quốc được tiếp tế nhiên liệu, lương thực, nước ngọt và trú ẩn khi có bão. “Trung Quốc không bao giờ lập căn cứ quân sự ở Trường Sa,” ông Tập khẳng định trong cuộc họp báo chung với ông Obama ở Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc năm 2015 và bây giờ thì đã rõ đó chỉ là chiêu lừa của ông Tập.

Còn Cambodia sở dĩ phải giữ bí mật các căn cứ Trung Quốc ở phía Nam nước này là nhằm tránh sự chú ý của thế giới và phản ứng của người dân trong nước vì Hiến Pháp Cambodia không cho phép đặt căn cứ của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ. Thủ Tướng Hun Sen cũng cố làm ra vẻ trung lập vì ông ta đang bị cáo buộc là con rối của Bắc Kinh.

Nhưng không có điều gì che mà không lộ giấu mà không biết, nhất là trong thời đại điện toán hiện nay. Một giới chức cao cấp về quốc phòng của Mỹ nhận định Bắc Kinh đang đầu tư vào một khu vực mà các quốc gia“không muốn hoặc không thể thách thức các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” thông qua sự kết hợp các biện pháp cưỡng ép, trừng phạt và đút lót trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quân sự, tin rằng Bắc Kinh có thể khiến các nước phải tuân theo lợi ích của nó. “Về căn bản, Trung Quốc muốn trở nên hùng mạnh đến mức toàn khu vực phải nhượng bộ sự lãnh đạo của Trung Quốc hơn là đối mặt với hậu quả [vì không làm như vậy],” giới chức này nói. Cambodia chỉ là một ví dụ mới nhất.

Ý đồ của Bắc Kinh là gì?

Có thể nói sự kiện Trung Quốc mở căn cứ Hải Quân và Không Quân ở Cambodia là một mối đe dọa, một thất bại về ngoại giao của Mỹ. Một giới chức Mỹ nói các căn cứ này sẽ ngăn cản có hiệu quả việc điều động Hải Quân của Mỹ qua eo biển Malacca để tiếp cứu Đài Loan và các nước Đông Nam Á khi các lãnh thổ này bị Trung Quốc tấn công. Ngoài ra chúng cũng thường xuyên theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, cảnh báo sớm để quân đội Trung Quốc có kế hoạch ứng phó.

Việc xây dựng tại căn cứ Ream một trạm mặt đất cho hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu (BeiDou) của Trung Quốc – như tiết lộ của báo The Washington Post – cung cấp cho Hải Quân Trung Quốc khả năng sử dụng vũ khí được dẫn đường chính xác nhắm vào các tài sản quân sự của Mỹ trong khu vực.

Đối với Việt Nam, mối đe dọa của các căn cứ Trung Quốc tại Cambodia càng nặng nề hơn. Cùng với các căn cứ trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, các căn cứ ở Cambodia tạo thành một gọng kềm khống chế miền Nam Việt Nam từ hai hướng. Nếu xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước trong tương lai, Việt Nam sẽ không có đường thoát khỏi vòng vây của Trung Quốc. Mối nguy đó dường như chưa được các nhà lãnh đạo và công chúng Việt Nam quan tâm bởi vì họ còn đang say sưa với công cuộc “đốt lò” và vô số những trò tiêu khiển khác như đá banh.

Sở dĩ Bắc Kinh có thể mua chuộc Cambodia một cách khá dễ dàng một phần cũng nhờ chính sách “cây gậy” của Washington đối với chính quyền Cambodia. Không ai phủ nhận rằng Hun Sen – đã cai trị Cambodia liên tục 37 năm và chưa có dấu hiệu rút lui – là một nhà độc tài khét tiếng, tham nhũng và đàn áp tàn bạo các tiếng nói đối lập; nhưng việc Hoa Kỳ liên tục trừng phạt Cambodia đã đẩy Hun Sen vào quỹ đạo của Bắc Kinh, trở thành một chư hầu của Trung Quốc và tình thế gần như không còn thay đổi được nữa.

Nam Thái Bình Dương nóng lên vì cạnh tranh Mỹ-Trung

Tình hình cũng tương tự ở các đảo Nam Thái Bình Dương. Các tiểu quốc ở đây đã sát cánh cùng quân Đồng Minh chống Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng đã bị lãng quên trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ suốt mấy thập niên qua. Các nước đồng minh Úc và New Zealand cũng không dành sự quan tâm thích đáng tới các nước láng giềng nhỏ bé, dân cư thưa thớt dù vai trò của các nước đó trong thời chiến đã giúp hai quốc gia này tránh bị bao vây và mất liên lạc với thế giới bên ngoài.

Trong khi đó, Trung Quốc nỗ lực gia tăng sự hiện diện của họ và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực qua việc ve vãn các chính phủ địa phương, xây dựng quan hệ, gia tăng viện trợ và đầu tư. Khi làm như vậy, Bắc Kinh nhắm săn tìm các “bất động sản” có vị trí chiến lược để thiết lập các căn cứ lưỡng dụng, giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và tác động tới chính trị của cả một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn.

Đã có nhiều báo cáo về các công ty quốc doanh Trung Quốc tìm kiếm và thực hiện các dự án cảng nước sâu, phi trường ở Kiribati, Papua New Guinea, Samoa, quần đảo Solomon, Vanuatu và các đảo quốc khác bằng nguồn vốn viện trợ và cho vay từ Bắc Kinh. Tham vọng của Trung Quốc không khó hiểu.

Cũng giống như ở Cambodia hoặc Pakistan, sự hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương giúp Trung Quốc đạt được nhiều mục tiêu chiến lược như bảo đảm tuyến vận tải biển, thu thập thông tin tình báo về các lực lượng đồng minh, khống chế Úc và New Zealand và ngăn cản kế hoạch của Hoa Kỳ đưa quân đội vào khu vực này.

Phải đến khi thỏa thuận bí mật giữa Trung Quốc và Solomon bị lộ ra thì Tây phương mới giật mình. Giới phân tích Úc so sánh thỏa thuận bí mật đó với vụ khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962 ở Hoa Kỳ và đánh giá đây là thất bại ngoại giao tồi tệ nhất của Úc từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.

“Đỉnh cao” các hoạt động của Trung Quốc là chuyến viếng thăm các đảo quốc của ông Vương Nghị, ngoại trưởng, trong tuần trước nhằm thúc đẩy các nước này ký kết với Trung Quốc những thỏa thuận hợp tác an ninh sâu rộng như hiệp định đã ký với quân đảo Solomon.

Để hạn chế ảnh hưởng chuyến đi thuyết khách của ông Vương, ông Antony Blinken, ngoại trưởng Hoa Kỳ, lập tức bay tới Fiji hồi Tháng Hai, chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng đương nhiệm Hoa Kỳ trong gần 40 năm qua. Ông Kurt Campbell, điều phối viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Về Khu Vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đến thăm vào Tháng Tư và vài ngày trước chuyến thăm của ông Vương, bà Penny Wong, ngoại trưởng mới của Úc, đã đến khu vực này.

Trong cuộc hội nghị trực tuyến hôm 30 Tháng Năm với người đồng cấp của 11 đảo quốc Nam Thái Bình Dương, ông Vương đã không thuyết phục được các nước chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh; hầu hết các nước đều không muốn đứng về phía Trung Quốc, không muốn trở thành chiến trường cho cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường. Trung Quốc có thể thất bại trong một hiệp đấu trước mắt nhưng về lâu dài, cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này đòi hỏi Hoa Kỳ, Úc và New Zealand phải thay đổi chính sách, phải giải quyết ngay những vướng mắc còn lại như cử đại sứ tại các đảo quốc và hỗ trợ có hiệu quả nỗ lực chống biến đổi khí hậu của khu vực. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang de dọa xóa sổ các tiểu quốc nằm trên mặt nước mà các chính phủ địa phương không có đủ nguồn lực để chống lại, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hoa Kỳ.

Chính quyền Biden đã ban hành cái gọi là chiến lược an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với những lời lẽ hoa mỹ, những cam kết mạnh mẽ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng những sự việc ở Cambodia và Nam Thái Bình Dương cho thấy, đã đến lúc Hoa Kỳ nên bớt nói mà tăng hành động, nhất là trước một đối thủ nhiều thủ đoạn dài hơi như Trung Quốc. [qd]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét