Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

Nữ công nhân "ngại" yêu, "ngán" kết hôn

Nhìn cái tiêu đề bài này thấy buồn quá. Nữ công nhân là một lực lượng rất đông đảo trong xã hội. Họ mà "ngại" yêu, "ngán" kết hôn thì dân số nước ta sẽ ngày càng giảm, lực lượng lao động sẽ ngày càng thiếu, cũng không có đủ thanh niên để cầm súng bảo vệ tổ quốc... Đọc đến mục giải pháp cuối bài càng thấy ngán ngẩm cho các ông bà quan chức ngành công đoàn VN. Không tìm cách giải quyết khó khăn về thu nhập cho người lao động, họ chỉ chăm chăm "đề xuất các đoàn thể cùng phối hợp xây dựng mô hình kết bạn, tìm hiểu tiền hôn nhân... để tạo điều kiện cho nữ CN có thời gian giao lưu, tìm bạn đời giữa các doanh nghiệp có đông nam và đông nữ". Thu nhập không có nên "ngại" yêu, "ngán" kết hôn thì những giải pháp đó có tác dụng gì ? Rồi họ khuyến nghị "các doanh nghiệp, đơn vị cũng nên tạo điều kiện cho CN vui chơi, giải trí; hỗ trợ nữ CN có gia đình, có con nhỏ, nữ CN ly hôn, ly thân được ưu tiên mua nhà, thuê nhà ở xã hội". Doanh nghiệp người ta kinh doanh kiếm lợi nhuận chứ đâu phải làm từ thiện. Vai trò quyết định của nhà nước để đâu mà không nhắc tới ? Thực tế đau xót thế này mà mồm cụ cứ bảo đất nước chưa bao giờ được như bây giờ, tương lai sẽ còn tốt lắm..., thì đúng là phải lạy cụ chục lạy. Ngẫm thấy cũng lạ, một ngành công đoàn không làm được bất cứ điều gì có ích cho người lao động, chỉ biết ăn rồi nói theo, nhưng tháng nào cũng cướp 1% thu nhập của người lao động (phí công đoàn), vậy mà sao nó vẫn tồn tại được nhỉ.
Nữ công nhân "ngại" yêu, "ngán" kết hôn
05-06-2022 - Làm việc theo ca và thu nhập không cao khiến nhiều nữ công nhân ngại nghĩ đến chuyện hôn nhân. LĐLĐ TP HCM và Công đoàn ĐHQG TP HCM vừa công bố khảo sát đời sống nữ công nhân (CN) ngành dệt may. Khảo sát cho thấy nữ CN có gia đình chiếm 61,4%, nữ CN đang sống độc thân 28,8% và 8,1% nữ CN đã ly hôn, ly thân. Ngoài đi làm, đa số nữ CN dành thời gian làm việc nhà (67,7%), 2 hoạt động khác có tỉ lệ nữ CN chọn khá cao là xem tivi (46,3%) và ngủ (41,7%). "Không có thời gian để yêu đương" là câu trả lời được nhiều nữ CN chọn.

Chị Lê Thị Thúy chỉ mong đủ sức khỏe để làm việc, lo cho con, ngại kết hôn lần nữa
Không có thời gian hẹn hò

Chị Võ Hoàng Ly (30 tuổi, quê Vĩnh Long), CN Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết độ tuổi của chị ở quê nhiều người cho là "ế". Tan ca, ghé chợ mua ít thực phẩm để chuẩn bị bữa cơm tối cũng đã 19 giờ. Sau khoảng thời gian này, chị Ly chủ yếu lướt Facebook và tranh thủ ngủ sớm để lấy lại sức nên không còn thời gian nghĩ đến chuyện hẹn hò.

Cũng như chị Ly, do thu nhập bấp bênh nên số đông CN gần như không có tích lũy, vì vậy họ chưa nghĩ đến việc lập gia đình dù gia đình hối thúc. Ở tuổi 28, chị Nguyễn Thị Hằng (quê Trà Vinh), CN Công ty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM), vẫn "phòng không chiếc bóng" trong khi bạn bè ở quê đã có chồng và sinh con. Hằng là con lớn trong gia đình, sau chị còn 2 em đang độ tuổi ăn học. Tháng nào tăng ca nhiều, chị gửi phần lớn tiền lương về quê phụng dưỡng cha mẹ và nuôi các em ăn học.

Nhắc đến chuyện chồng con, chị cười trừ: "Giờ còn sức khỏe thì lo "cày" phụ giúp cha mẹ và chăm sóc 2 em, khi nào ổn rồi tính. Đồng lương CN "ba cọc ba đồng", nếu tháng nào không tăng ca là không có tiền gửi về quê. Giờ mà lập gia đình rồi có con thì không biết xoay xở ra sao". Mấy tháng nay, để tiết kiệm chi tiêu, chị Hằng quyết định ở ghép phòng với một người bạn cùng công ty.


Chỉ mong có sức khỏe làm việc

Kết thúc ca làm việc, chị Lã Thị Yến (33 tuổi, quê Hà Tĩnh), CN Công ty TNHH Long Rich (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức), vội vã ghé nhóm trẻ gia đình đón con gái 5 tuổi. Chị Yến là mẹ đơn thân, đã ly hôn 2 năm.

Chị Yến nói khó khăn lắm mới dứt ra được quan hệ hôn nhân với người chồng rượu chè, cờ bạc bê tha ở quê. Khi mới yêu và cưới, chồng chị cũng là người thật thà, chăm chỉ làm ăn. Dịch Covid-19 bùng phát khiến chồng chị mất việc, bị bạn bè xấu dẫn vào con đường cờ bạc, cá độ. Bao nhiêu tiền dành dụm đều "đội nón" ra đi. Đỉnh điểm là chủ nợ đến nhà tạt sơn, đe dọa, chị đành bán căn nhà cha mẹ hai bên xây cho khi mới cưới rồi quyết ly hôn, một mình ôm con vào TP HCM làm CN. Nhắc đến chuyện tái hôn, chị chỉ im lặng.

Chồng đột ngột qua đời khiến chị Lê Thị Thúy (40 tuổi, quê Thanh Hóa) chới với. Bà con ở quê cũng khốn khó, không giúp được gì nên chị quyết định dắt 2 con vào Nam tìm kế sinh nhai. Không vốn, không bằng cấp nên chị đi bán vé số dạo và đậu phộng để kiếm sống. Lúc rảnh, chị nhận hàng về nhà may gia công. Tiền trọ, sinh hoạt phí và tiền nuôi con hằng tháng buộc chị phải làm việc cật lực, gần như không có thời gian nghỉ. "Giờ tôi chỉ sống vì 2 con chứ không nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Tôi chỉ mong mình đủ sức khỏe để làm việc, có tiền nuôi 2 con ăn học" - chị Thúy bộc bạch.

Tạo cơ hội giao lưu kết bạn cho lao động nữ

Theo bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, yêu - tiến tới hôn nhân và xây dựng gia đình hạnh phúc là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên. Thế nhưng, nhu cầu đó với đa phần CN ở KCN-KCX không hề dễ dàng. Nhiều nữ CN tâm sự rất muốn yêu nhưng không dám cưới. Khi lập gia đình, họ cũng không dám sinh con vì sợ không đủ khả năng nuôi dưỡng. Thực tế, nhiều nữ CN sau khi sinh con phải gửi về quê cho cha mẹ chăm lo giúp.

Từ kết quả khảo sát, LĐLĐ TP HCM đề xuất các đoàn thể cùng phối hợp xây dựng mô hình kết bạn, tìm hiểu tiền hôn nhân... để tạo điều kiện cho nữ CN có thời gian giao lưu, tìm bạn đời giữa các doanh nghiệp có đông nam và đông nữ. Song song đó, các doanh nghiệp, đơn vị cũng nên tạo điều kiện cho CN vui chơi, giải trí; hỗ trợ nữ CN có gia đình, có con nhỏ, nữ CN ly hôn, ly thân được ưu tiên mua nhà, thuê nhà ở xã hội.

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO
https://nld.com.vn/cong-doan/nu-cong-nhan-ngai-yeu-ngan-ket-hon-20220604185735847.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét