Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Đề xuất phục hồi tên vua Gia Long cho các đường phố

Đối với những nhân vật còn nhiều tranh cãi như vua Gia Long, tôi đề nghị không nên tôn vinh họ. Tôi không tán thành việc đặt tên vua Gia Long cho các đường phố, công trình công cộng... Trong bài “Nên học sử ta”, Nguyễn Ái Quốc cực lực chỉ trích việc Gia Long ký Hiệp ước Versailles, đồng ý cắt lãnh thổ Việt Nam để đổi lấy sự trợ giúp của quân Pháp. Nguyễn Ái Quốc xem đó là hành vi bán nước: “Trước khi vua Gia Long bán nước cho Tây, nước ta vẫn là nước độc lập. Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hóa làm trâu ngựa”.
Thế nên mới có thơ rằng:
“Bảo Đại là cháu Gia Long
Là con Khải Định, là dòng Việt gian
Gia Long cõng rắn cắn gà
Giầy mả ông bà, Bảo Đại rước voi
Ai ơi phải nhớ lấy lời
Đừng cho kẻ hại giống nòi mọc lên”.
Chưa bao giờ người dân gọi vua Gia Long là anh hùng dân tộc. Người dân nước ta chỉ thờ những vị có công đánh đuổi ngoại xâm, trong đó có hoàng đế Quang Trung, người được coi là anh hùng dân tộc Việt Nam.
Đề xuất phục hồi đặt tên vua Gia Long cho các đường phố, công trình công cộng
Trần Hòe Thứ tư, ngày 01/06/2022 Đó là một trong những đề xuất của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại tọa đàm khoa học với chủ đề Công lao và những dấu ấn tích cực về lịch sử và văn hóa của Hoàng đế Gia Long.

Đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tham dự tọa đàm khoa học Công lao và những dấu ấn tích cực về lịch sử và văn hóa của Hoàng đế Gia Long. Ảnh: B.N.

Nhân dịp kỷ niệm 220 năm ngày vua Gia Long thống nhất đất nước và đặt niên hiệu Gia Long, chiều 31/5, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề Công lao và những dấu ấn tích cực về lịch sử và văn hóa của Hoàng đế Gia Long (1802-2022).

Buổi tọa đàm có 32 bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong và ngoài nước gửi về tham dự, gồm: Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thanh Hải, Thụy Khuê, Lưu Trọng Văn, Thái Quang Trung, Võ Hương An, Choi Byung Wook, Hà Bình Liên và Trần Viết Ngạc, Phạm Thị Anh Nga, Trần Đại Vinh, Nguyễn Văn Đăng, Hồng Ngọc, Nguyễn Phước Bửu Nam, Linh Nguyễn, Hoàng Thị Anh Đào, Nguyễn Trung Tiến, Lê Thị Hoài Thanh, Nguyễn Hữu Tâm, Tôn Thất Hướng, Vĩnh Dũng, Trần Văn Dũng, Mai Văn Được, Phạm Đức Thành Dũng, Bửu Đông, Trần Hưng, Lê Thị An Hòa, Nguyễn Thanh Lợi, Lê Nam Trung Hiếu và Nguyễn Đắc Xuân.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, nghiên cứu về triều Nguyễn trước năm 1975 đã có nhiều công trình được xuất bản, đặc biệt là ghi chép của người nước ngoài. Sau năm 1975, đặc biệt từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, giới sử học đã có nhiều đổi mới về phương pháp luận nghiên cứu, tiếp cận nhiều tư liệu hơn và cũng bớt những nhận định có tính chất giáo điều, xơ cứng, hiện đại hóa lịch sử, chính trị hóa lịch sử.

Tất cả là để nhận thức lịch sử nhằm tiệm cận hơn với hiện thực lịch sử, góp phần đánh giá khách quan và công bằng hơn về triều Nguyễn. Từ đó, giới sử học có nhiều thành tựu mới hơn trong việc đánh giá lại triều Nguyễn nói chung và vua Gia Long nói riêng ở các trung tâm sử học lớn như Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và trong cả nước.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trình bày tham luận tại tọa đàm khoa học Công lao và những dấu ấn tích cực về lịch sử và văn hóa của Hoàng đế Gia Long Ảnh: B.N.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng cho hay, hiện vẫn còn đâu đó những ý kiến trái chiều, cực đoan và chậm đổi mới tư duy sử học. Đó chính là điều thôi thúc các nhà khoa học, các học giả và các nhà nghiên cứu tham gia tọa đàm về nhân vật vẫn còn vài điểm chưa thật thống nhất- vị vua khai sáng của triều Nguyễn là Hoàng đế Gia Long.

Các tham luận tại tọa đàm cơ bản thống nhất nhận định vua Gia Long đã có công đặt tên Việt Nam là quốc hiệu, có công lao lớn thống nhất quốc gia trên lãnh thổ rộng lớn tương ứng với lãnh thổ hiện nay.

Vua Gia Long đã xây dựng một cơ chế quân chủ tập quyền mạnh mẽ với một bộ máy hành chính và một thiết chế vận hành quy củ, chặt chẽ. Hoàng đế Gia Long còn đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội..., xây dựng Kinh đô Huế. Dưới triều đại của mình, ông tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo các nhà nghiên cứu, công lao to lớn của vua Gia Long đã đi vào lịch sử, những di sản văn hóa mà thời kỳ lịch sử đó đã tạo dựng nên mãi mãi trường tồn. Đó là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, luôn giữ vai trò động lực tinh thần của công cuộc phục hưng dân tộc, của sự phát triển bền vững đất nước hiện nay.

Vì vậy, cần phải trả lại tính chân xác công lao của Hoàng đế Gia Long trong lịch sử Việt Nam.


TS. Phan Thanh Hải- Giám đốc Sở Văn hóa- thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại tọa đàm khoa học Công lao và những dấu ấn tích cực về lịch sử và văn hóa của Hoàng đế Gia Long. Ảnh: B.N.

Nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng đề xuất các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu một cách thấu đáo để phục hồi việc đặt tên Gia Long cho các đường phố, công trình công cộng. Bên cạnh đó, theo tác giả, để tôn vinh công lao to lớn của vua Gia Long đối với đất nước, Nhà nước cần tổ chức một lễ kỷ niệm ngày vua Gia Long lên ngôi, mở ra một vương triều mới và sự thịnh trị của đất nước trong lịch sử Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng cho rằng, nhằm tránh được nhận thức phiến diện và thái độ cực đoan của một gian đoạn lịch sử đối với Hoàng đế Gia Long, cần phổ biến thật rộng rãi, đưa vào sách giáo khoa giáo dục lịch sử cho học sinh về công lao và sự nghiệp của Hoàng đế Gia Long; chỉnh sửa, bãi bỏ những nội dung chưa phù hợp, giới thiệu sự nghiệp của Gia Long trên các kênh thông tin đại chúng, tài liệu hướng dẫn du lịch có liên quan.

PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam đề nghị có sự đánh giá công bằng, khách quan đối với vua Gia Long nói riêng và triều Nguyễn nói chung. Theo ông, việc đánh giá về triều Nguyễn cần khách quan và xem xét cụ thể từng đời vua chứ không vơ đũa cả nắm.

Bên cạnh đó, cần thay đổi các nội dung không phù hợp trong sách giáo khoa và các tài liệu sử dụng cho giáo dục hiện nay về lịch sử triều Nguyễn, về vua Gia Long… để đảm bảo tính khách quan, công bằng. Ngoài ra, cần có sự tôn vinh một cách thích đáng vua Gia Long và các vị vua triều Nguyễn có công với đất nước, dân tộc, không chỉ ở Huế mà còn ở tầm quốc gia…

https://danviet.vn/de-xuat-phuc-hoi-dat-ten-vua-gia-long-cho-cac-duong-pho-cong-trinh-cong-cong-20220601121534102.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét