Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Khâm phục Trung Quốc đổ bộ thành công xuống sao Hỏa

Dù ghét tập đoàn lãnh đạo TQ, nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận và khâm phục những thành công vĩ đại của TQ trong phát triển kinh tế và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Họ làm thực và thành công thực chứ không phải làm rởm và tự hào về những thành công tưởng tượng như ở nước mình.
Khâm phục Trung Quốc đổ bộ thành công xuống sao Hỏa
Trung Quốc đã thành công với nỗ lực cho tàu thám hiểm Chúc Dung (Zhurong) hạ cánh bề mặt sao Hỏa lần đầu tiên trong lịch sử nước này ngày 15/5. Tân Hoa Xã, Spacenews và BBC đồng loạt đưa tin, Trung Quốc đã cho tàu thám hiểm Chúc Dung (Zhurong) đổ bộ thành công xuống bề mặt Hỏa ngày 15/5. Với lần đổ bộ thành công này, Trung Quốc ghi tên mình vào lịch sử là quốc gia thứ hai, sau Mỹ, đưa tàu đổ bộ thành công sao Hỏa. Các sứ mệnh trước đó của Liên Xô và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đều thất bại.
Tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng hình ảnh mô phỏng tàu Chúc Dung đổ bộ thành công sao Hỏa. Nguồn: Tân Hoa Xã

Tân Hoa Xã (Trung Quốc) xác nhận, vào sáng ngày 15/5/2021, chiếc tàu Chúc Dung nặng 240 kg, cao 1m85 đã chạm xuống cồn cát ở phía nam Utopia Planitia sau 9 phút sau khi tiến vào bầu khí quyển sao Hỏa; đồng thời cũng sau ba tháng cùng tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 bay trên quỹ đạo Hành tinh Đỏ.

Như vậy, các trình tự vào bầu khí quyển, đi xuống và hạ cánh quan trọng (NASA gọi là 7 phút kinh hoàng) đã được thực hiện thành công.


Tàu thám hiểm sao Hỏa Chúc Dung sẽ bắt đầu sứ mệnh 90 ngày sao Hỏa (tương đương 93 ngày Trái Đất) để khám phá và phân tích khu vực Utopia Planitia về khí hậu, từ trường và lớp dưới bề mặt. Utopia Planitia được cho là rìa của một đại dương cổ đại hoặc hồ nước trong lịch sử sơ khai của sao Hỏa. Các nhà khoa học Trung Quốc đang mong muốn tìm thêm bằng chứng về băng nước tại đây.

Thành tựu này đánh dấu sự thành công hoàn toàn cho sứ mệnh Thiên Vấn 1 của Trung Quốc, chuyến thám hiểm liên hành tinh độc lập đầu tiên của nước này được phóng vào tháng 7 năm 2020 và đi vào quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 10 tháng 2 năm 2021.

Trước đó nữa, Trung Quốc đã từng hạ cánh trên các mặt gần và xa của mặt trăng, lần lượt vào năm 2013 và 2019, trước khi hoàn thành một đợt trở lại mẫu mặt trăng phức tạp vào cuối năm ngoái.

Mới nhất, Trung Quốc cũng thành công trong vụ phóng mô-đun Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung bằng tên lửa Trường Chinh 5B, chỉ có điều quá trình "hồi đất" của lõi tên lửa Trường Chinh 5B đã làm tốn rất nhiều giấy mực của truyền thông thế giới vì sự rơi bất thường của nó. May mắn, không có thiệt hại về người và của.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét