Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Vận đen của đường sắt Cát Linh – HĐ vẫn kéo dài

Tình hình đường sắt Cát Linh – Hà Đông chắc sẽ tiếp tục rất gay go vì bây giờ chẳng ai dám ký tiếp nhận và cho vận hành vì lỡ xảy ra tai nạn hay bê bối nào đó dù bé như con kiến thì dân mạng cũng sẽ ào ào chửi rủa và những người ký sẽ trở thành "Việt gian bán nước" hay "tội đồ dân tộc" ngay. Trên có ban cho chức vụ cao, doanh nghiệp Trung Quốc có hối lộ nhiều tiền thì chắc cũng chẳng ai chịu ký. Cụ Tổng vẫn đang ngồi chình ình ở đó, lò đang cháy phừng phừng làm ai cũng khiếp vía. Lại thêm ông tướng công an sang ngồi ghế hành pháp. Sợ quá. Đáng nói là nếu chỉ để hoàn thành thủ tục giấy tờ, mà phải đợi đến tháng 5 tới mới khai trương tuyến đường sắt Hà Đông - Cát Linh, thì hậu quả không chỉ là mấy tháng mất đi, mà thói quen của người dân sẽ không xây dựng được. Tháng 5 trời đã nắng chang chang, người dân chẳng ai muốn đi bộ đến nhà ga trong cái nắng nóng, chẳng ai muốn trèo mấy chục bậc cao ngất ngưởng lên các toa tàu,... Với cái nắng đổ lửa ở Hà Nội thì người dân sẽ tiếp tục chọn xe máy, xe ôm để chạy bất kể các loại quảng cáo cho tàu. Thêm tâm lý phản đối công trình của Trung Quốc đang rất mạnh. Hậu quả là những nhà ga với những đoàn tàu vắng teo sẽ là chủ đề mới cho báo chí và cư dân mạng thảo luận.
Vận đen của đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn kéo dài
FB Hoàng Tư Giang 2-4-2021 - Một lần, đầu những năm 80 tại một nhà máy công nghiệp rất lớn ở miền Bắc xảy ra một cuộc đình công vô tiền khoáng hậu của đoàn chuyên gia Liên Xô. Theo kế hoạch, đến giờ đó, ngày đó nhà máy lẽ ra phải vận hành thử, nhưng vì chưa đủ hồ sơ, giấy tờ nên phía Việt Nam chưa đồng ý.
Có thể là hình ảnh về tàu hỏa, ngoài trời và văn bản
Các lãnh đạo phía Việt Nam, từ nhà máy đến tỉnh rất hốt hoảng. Họ cử một kỹ sư trẻ tuổi đến làm việc với phía chuyên gia Liên Xô. Vị trưởng đoàn đáp: “Chúng tao sang đây giúp chúng mày xây dựng nhà máy, vận hành nó chứ không phải để tuân thủ thủ tục của chúng mày”.

Vị kỹ sư trẻ báo cáo lại với các sếp và đề nghị họ để các chuyên Liên Xô vận hành nhà máy ngay. Đề nghị được chấp nhận và nhà máy chạy ngon lành. Cuộc đình công, vì thế, chấm dứt. Nhiều tháng sau, hồ sơ, giấy tờ mới được hoàn thiện.

Vị kỹ sư trẻ sau này trở thành một trong những lãnh đạo, để lại nhiều công trình trên khắp đất nước. Nếu ông ấy không có bản lĩnh và hiểu biết lúc đó để đề nghị, và nếu các sếp cũng không có bản lĩnh tiếp thu, chấp thuận thì chắc chắn xảy ra vụ scandal to, nhà máy phải mất nhiều tháng, nhiều năm sau mới được hoạt động, hay đen đủi hơn, có khi lại bị “đắp chiếu” chỉ vì thủ tục.

Vì sao có thời lại có những lớp cán bộ dám làm, dám chịu như vậy?

Vì sao giờ tinh thần đó leo lét, kiệt quệ?

Vì sao giờ ai cũng sợ trách nhiệm, ai cũng sợ mất chức?

Vì sao giờ không ai dám quyết cái gì để đến nỗi trong mấy năm qua không xây được công trình gì hoành tráng?

Có điều gì đó rất bất thường làm lớp cán bộ ngày nay ra nông nỗi này?

Ví dụ, đường Cát Linh – Hà Đông. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 31.3 là thời hạn chót để Bộ GTVT hoàn thiện tất cả các bước để bàn giao dự án về UBND TP.Hà Nội đưa vào vận hành thương mại.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT, sau 20 ngày vận hành thử dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Tổng thầu EPC Trung Quốc thực hiện đã vận hành hơn 5.700 chuyến tàu an toàn với tổng số trên 70.000km dưới sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn độc lập ACT của Pháp,…

Tuy nhiên, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Để chính thức đi vào khai thác thương mại, Bộ GTVT và Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc hoàn thiện các thủ tục, các công việc còn lại để đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng”.

Như vậy sớm nhất phải đến tháng 5.2021, đường sắt Cát Linh – Hà Đông mới có thể đi vào khai thác thương mại.

Vâng, nó đã chậm gần 2 thập kỷ, chậm thêm một tháng nữa để “hoàn thiện thủ tục “ là cái đinh gỉ. Bộ trưởng Thể thậm chí còn không xuất hiện.

Mà danh sách các dự án có số phận như Cát Linh – Hà Đông dài… như sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét