Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Bên nhau vì quê hương

Bài này hay, viết về người Cuba nhưng không khác gì viết về người VN. Nếu thay tất cả các từ Cuba bằng từ VN thì vẫn hoàn toàn đúng. "Không ai có thể phân chia chúng ta thành người VN này hay người VN khác. Chúng ta sẽ cần lẫn nhau cho một VN tương lai và chúng ta cần lẫn nhau trong VN hiện tại. Không có quý vị, nước chúng ta sẽ trở nên không trọn vẹn, như thể thân thể quê hương bị cắt hết tay chân. Chúng ta không thể cho phép họ tiếp tục chia cắt chúng ta. Hãy giúp chúng tôi đoàn kết quê hương lại, phá tan bức tường này mà, khác với bức tường ở Berlin, không làm bằng bê tông hay gạch đá, mà làm bằng những lời nói láo, sự im lặng, và bao ác ý. Trong nước VN mà rất nhiều người trong chúng ta mơ ước, không cần phải xác định chúng ta là người VN nào. Chúng ta sẽ chỉ là người VN, thế thôi".
Bên nhau vì quê hương
Lời người dịch: Nhân dịp đến Mỹ vào năm 2013, blogger nổi tiếng nhất Cuba Yoani Sanchez đã đọc bài diễn văn sau ở Freedom Tower tại thành phố Miami, tiểu bang Florida trước đông đảo những người Cuba tỵ nạn tại Mỹ. Nhiều người, đặc biệt giới trẻ, đã chào đón chị nồng nhiệt. Và bài diễn văn này tạo ra tiếng vang lớn trong lòng những người Cuba lưu vong.
Bên nhau vì quê hương
Cách đây nhiều năm, khi lần đầu tôi rời Cuba, tôi ở trên chuyến tàu chạy từ Berlin về hướng bắc. Một Berlin đã thống nhất nhưng vẫn còn giữ lại những mảnh vỡ của vết sẹo xấu xí, bức tường chia cắt quốc gia. Trong toa tàu hôm ấy, trong lúc nghĩ về cha và ông mình-cả hai đều kỹ sư- những người sẵn sàng đánh đổi bất kỳ thứ gì để được đi trên những toa và đầu máy tuyệt vời này, tôi bắt đầu nói chuyện với một người đàn ông trẻ ngồi ngay trước mặt mình.

Chúng tôi chào nhau. Do dùng sai tiếng Đức "Gutten Tag" nên tôi nói rõ rằng "Ich spreche ein bisschen Deutsch." Ngay lập tức, anh hỏi tôi người gì. Thế là tôi đáp "Ich komme aus Kuba." (1)

Như luôn luôn diễn ra sau câu nói ta đến từ đảo lớn nhất thuộc quần đảo Antilles, người đối thoại liền chứng tỏ họ biết nhiều về nước chúng ta. "À... Cuba, nhớ ra rồi, thành phố nghỉ mát Varadero, rượu rum, nhạc salsa." Một đôi lần tôi còn biết sự liên tưởng duy nhất mà họ dường như có về nước chúng ta là album nhạc " BuenaVista Social Club" đang thịnh hành vào những năm ấy.

Nhưng người đàn ông trẻ trên chuyến tàu Berlin ấy đã khiến tôi ngạc nhiên. Khác với những người khác, anh không đáp lời tôi bằng những định kiến về nhạc hay du lịch, anh đi xa hơn nhiều. Anh hỏi tôi, "Chị là người Cuba. Cuba của Fidel hay Cuba của Miami?" (2)

Mặt tôi chợt đỏ ửng lên, tôi quên mất tất cả vốn liếng tiếng Đức ít ỏi của mình, nên tôi trả lời anh bằng tiếng Tây Ban Nha chính giọng Havana. "Này anh, tôi là người Cuba của José Marti."(3) Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của chúng tôi kết thúc như thế. Nhưng từ đấy trong suốt đoạn đường còn lại, và suốt cuộc đời còn lại, lần trò chuyện ấy cứ vương vấn mãi trong đầu tôi. Nhiều lần tôi tự hỏi điều gì đã khiến người Berlin ấy và rất nhiều người khác trên thế giới thấy những người Cuba ở trong nước và ngoài nước như hai thế giới cách biệt, hai thế giới không thể hòa giải được.

Câu trả lời cho câu hỏi đó cũng xuyên suốt qua phần nào các bài viết trên blog của tôi, Thế hệ Y. Làm thế nào họ đã ngăn chia nước chúng ta? Làm thế nào một chính quyền, một đảng, một kẻ nắm quyền có quyền quyết định ai nên được giữ quốc tịch của chúng ta, ai nên không?

Quý vị biết rõ hơn tôi những câu trả lời cho những câu hỏi này. Quý vị là những người đã trải qua bao đau đớn của cuộc đời lưu vong. Quý vị thường là những người ra đi tay trắng. Quý vị là những người từ biệt gia đình, ra đi mà không bao giờ gặp lại người thân. Quý vị là những người đã cố gắng gìn giữ Cuba, một Cuba trọn vẹn, không thể nào chia cắt, trong tâm tưởng và trong lòng mình.

Nhưng tôi hôm nay vẫn không biết, điều gì đã xảy ra? Cơ sự nào mà định nghĩa về người Cuba lại trở thành một điều chỉ được ban phát dựa trên ý thức hệ? Hãy tin tôi, khi ta sinh ra và lớn lên với một cách hiểu lịch sử duy nhất, một cách hiểu lịch sử bị cắt xén và tùy tiện, ta không thể nào trả lời câu hỏi ấy.

May mắn, ta có thể thức tỉnh sau đêm dài bị tuyên truyền. Chỉ cần mỗi ngày một câu hỏi, như chất a xít ăn mòn, hiện ra trong đầu. Chỉ cần không nghe những gì họ nói với chúng ta. Tuyên truyền không thể nào tồn tại với hoài nghi, quá trình tẩy não chấm dứt ngay lúc não ta bắt đầu nghi ngờ những lời lẽ nó nghe. Tựa như sự lạnh nhạt, quá trình thức tỉnh diễn ra chậm chạp như thể bề mặt hiện thực bất ngờ bắt đầu lộ ra.

Trong trường hợp của tôi mọi thứ bắt đầu như thế. Tất cả quý vị đều biết lúc nhỏ tôi là một thiếu niên Tiền phong bình thường. Hàng ngày vào lúc chào cờ buổi sáng ở trường tiểu học tôi luôn luôn hô vang khẩu hiệu "Chúng tôi, những thiếu niên Tiền phong vì chủ nghĩa cộng sản, sẽ noi gương Che." Biết bao nhiêu lần tay ôm mặt nạ chống hơi độc tôi chạy đến hầm trú ẩn, khi các thầy cô giáo quả quyết rằng chúng tôi sắp bị tấn công. Tôi tin lời họ. Trẻ em luôn luôn tin lời người lớn.

Nhưng có những điều gì đấy đã không khớp. Mọi quá trình tìm kiếm sự thật đều có điểm kích hoạt, một khoảnh khắc khi một phần không khớp với toàn bộ, khi điều gì đấy không hợp lý. Và sự không hợp lý này tồn tại ở cuộc đời bên ngoài trường học, tại nơi tôi ở và ở trong gia đình tôi. Tôi đã không hiểu, nếu những người vượt biển trong cuộc thủy vận Mariel cứu vớt thuyền nhân (4) là "những kẻ thù của Nhà nước" thì tại sao bạn bè tôi rất sung sướng khi một trong những người thân lưu vong ấy gởi về cho họ thực phẩm hay áo quần.

Tại sao những người hàng xóm ấy, những người bị tiễn đưa bằng những lời bêu xấu tại chung cư Cayo Hueso nơi tôi chào đời, vẫn lo cho người mẹ già còn ở lại quê nhà? Người mẹ già ấy lại đem một phần đồ con cái gởi về cho lại chính những người đã lăng mạ và bêu riếu con bà. Tôi không hiểu được. Và từ chính sự không hiểu được này, mà đau đớn như mỗi lần sinh nở, đã sinh thành nên con người tôi hôm nay.

Vì thế khi người Berlin ấy chưa bao giờ đến Cuba mà lại cố tình chia cách nước tôi, tôi nhảy đựng lên để phản đối anh ta. Cho nên nhờ thế hôm nay tôi đứng đây trước mặt quý vị để khẳng định rằng không ai lại có thể phân chia chúng ta thành người Cuba này hay người Cuba khác. Chúng ta sẽ cần lẫn nhau cho một Cuba tương lai và chúng ta cần lẫn nhau trong Cuba hiện tại. Không có quý vị, nước chúng ta sẽ trở nên không trọn vẹn, như thể thân thể quê hương bị cắt hết tay chân. Chúng ta không thể cho phép họ tiếp tục chia cắt chúng ta.

Như chúng tôi đang đấu tranh để sống trong quốc gia nơi chúng tôi có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và rất nhiều quyền tự do khác mà đã bị cướp đoạt từ chúng tôi; chúng tôi phải làm tất cả mọi điều - những điều có thể và những điều bất khả - để quý vị có thể lấy lại những quyền tự do họ cũng cướp đoạt từ quý vị. Không có " các anh chị" và "chúng tôi". Chỉ có một chúng tôi. Chúng ta sẽ không cho phép họ tiếp tục chia lìa chúng ta.

Tôi có mặt ở đây hôm nay vì tôi không tin lịch sử họ kể tôi. Với rất nhiều người Cuba khác lớn lên dưới một "sự thật" chính thức duy nhất, chúng tôi đã thức tỉnh. Chúng tôi cần xây dựng lại đất nước của chúng ta. Chúng tôi không thể thực hiện điều này một mình. Những người hiện diện ở đây-như quý vị biết rõ-đã giúp đỡ rất nhiều gia đình ở trong nước có thực phẩm để nuôi con cái. Quý vị đã thăng tiến trong các xã hội nơi quý vị khởi sự từ tay trắng. Quý vị ra đi đã mang theo cả Cuba trong lòng và quý vị thương yêu quê hương. Hãy giúp chúng tôi đoàn kết quê hương lại, phá tan bức tường này mà, khác với bức tường ở Berlin, không làm bằng bê tông hay gạch đá, mà làm bằng những lời nói láo, sự im lặng, và bao ác ý. Trong nước Cuba mà rất nhiều người trong chúng ta mơ ước, không cần phải xác định chúng ta là người Cuba nào. Chúng ta sẽ chỉ là người Cuba, thế thôi.

Yoani Sanchez
Trần Quốc Việt dịch
Nguồn: Blog Thế hệ Y. Tựa đề của người dịch. Tựa đề tiếng Anh "Cubans, period".
generacionyen.wordpress.com/2013/04/01/cubans-period/

-----------------
Chú thích:

(1) "Guten Tag" là "Chào";
"Ich spreche ein bisschen Deutsch." là "Tôi nói chút ít tiếng Đức."
"Ich komme aus Kuba" là "Tôi là người Cuba"
(dịch từ Google Translate)

2. Miami là nơi có rất nhiều người Cuba sống.

3. Joses Marti (1853-1895) là anh hùng cách mạng và là nhà thơ người Cuba

4. Cuộc thủy vận cứu người vượt biển ra đi từ cảng Mariel vào năm 1980 đã cứu và đưa hơn 100 ngàn người tỵ nạn Cuba đến định cư ở Hoa Kỳ.

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét