Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

Mỹ đề xuất Việt Nam giảm thuế nhập khẩu: Cân nhắc

Tôi ủng hộ việc đàm phán với Mỹ để hai bên cùng giảm thuế. Cơ chế mới này không chỉ hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của cả hai nước mà quan trọng hơn, để hướng và buộc nền kinh tế VN phải tăng cường cơ chế kinh tế thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế... chứ không thể núp dưới cái ô bảo hộ thuế của nhà nước mãi được.
Mỹ đề xuất Việt Nam giảm thuế nhập khẩu: Cân nhắc
Bộ Tài chính vừa xin ý kiến các bộ, ngành về sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, phía Mỹ đề nghị giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng nông sản như thịt gà, sản phẩm chế biến từ thịt gà; hạnh nhân, táo, nho tươi, lúa mỳ, thịt lợn, khoai tây...
Thịt gà nhập khẩu từ Mỹ được bán trong 
một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: VnExpress
Theo đề nghị từ phía Mỹ, những mặt hàng trên được xem xét giảm thuế trong năm 2020 và có lộ trình giảm về 0% ở những năm tiếp theo. Trước đề nghị này Tài chính dự kiến giảm thuế suất các mặt hàng trên song mức giảm thấp hơn con số Mỹ đưa ra.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương cho hay, xu thế giảm thuế xuất nhập khẩu về 0% là một xu thế chung của thế giới trong quá trình hội nhập và sớm muộn các quốc gia cũng sẽ thực hiện, diện thực hiện sẽ mở rộng cho nhiều mặt hàng, đặc biệt đối với những quốc gia có ký hiệp định thương mại tự do với nhau.

Việc thực hiện xu thế chung đó có cái lợi là giúp phát triển sản xuất, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa có chất lượng cao, giá rẻ và khi mức tiêu dùng lớn hơn sẽ kích thích sản xuất phát triển.

Về nguyên tắc là như vậy, song khi Mỹ đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, cần phải cân nhắc.

Lý do đầu tiên mà ông đưa ra, đó là Mỹ và Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do với nhau, Mỹ đã rút ra khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiện không có mặt trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do đó Việt Nam không có trách nhiệm phải giảm thuế.


Thứ hai, chưa giảm thuế thì sức cạnh tranh của một số sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam so với sản phẩm chăn nuôi của Mỹ đã thua kém, như thịt gà, thịt lợn... Nếu giảm thuế bây giờ thì dù người tiêu dùng Việt Nam được lợi vẫn sẽ tạo sức ép lớn lên ngành chăn nuôi Việt Nam, do đó, vị chuyên gia cho rằng chưa nên giảm thuế. Nếu Việt Nam có cân nhắc giảm thuế một số sản phẩm thì cũng phải theo một lộ trình nhất định.

Thứ ba, một câu hỏi đặt ra là Việt Nam giảm thuế cho một số mặt hàng nông sản của Mỹ vào thị trường Việt Nam thì đổi lại, Washington sẽ giảm thuế gì cho Việt Nam? Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cần phải ngồi lại với nhau để đưa ra yêu cầu "có đi có lại" và phải coi đây là trách nhiệm, không có thể có chuyện "cho không".

Thứ tư, trong điều kiện hiện nay, với sức cạnh tranh giữa hàng Việt với hàng Mỹ, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi, vẫn cần phải có các rào cản, rồi mở dần cho sản phẩm của Mỹ vào thị trường Việt Nam.

"Nếu hàng Mỹ ngay một lúc vào Việt Nam lập tức sẽ tạo nên sức ép ghê gớm, cạnh tranh không tương sức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cùng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), trước nay Việt Nam rất quan tâm đến quan hệ thương mại với Mỹ và tích cực đàm phán Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, sau khi ông Trump làm tổng thống đã rút Mỹ khỏi hiệp định này.

Dù vậy, Mỹ vẫn là một thị trường quan trọng của Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam xuất siêu vào thị trường Mỹ, song hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước, trong đó có Mỹ, lại chủ yếu là của doanh nghiệp FDI, trừ một số mặt hàng nông sản.

Bởi vậy, để tránh thiệt hai lần khi vừa bị giảm thu ngân sách vì giảm thuế nhập khẩu cho Mỹ, vừa mang tiếng "xuất khẩu hộ" FDI, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu đề xuất, đàm phán với Mỹ, nếu không đạt được một hiệp định kiểu CPTPP thì ít nhất cũng phải có một hiệp định thương mại song phương để hai bên cùng giảm thuế cho nhau, đôi bên cùng có lợi.

"Ở đây mới là đề nghị một chiều của Mỹ và cơ quan quản lý Việt Nam có lẽ cũng không muốn làm căng vì đây là thị trường mục tiêu rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, như đã nói, cần phải đàm phán để Mỹ cũng phải giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam.

Việt Nam luôn muốn Mỹ giảm thuế quan để mở đường xuất khẩu nông sản vào Mỹ, đổi lại Việt Nam cũng phải mở cửa nhập hàng Mỹ. Đó là định hướng lớn và Việt Nam đang phấn đấu", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Trong khi đó, chia sẻ quan điểm về lo ngại Việt Nam sẽ thiệt thòi khi vừa giảm thuế nhập khẩu cho hàng Mỹ mà xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có Mỹ là xuất khẩu hộ doanh nghiệp FDI, PGS.TS Phạm Tất Thắng bày tỏ, FDI cũng là của Việt Nam. Vấn đề quan trọng là cần phải cân bằng cán cân thương mại Việt-Mỹ.

"Việt Nam đã và đang cố gắng làm điều này và nó có thể được giải quyết rất nhanh đối với tiềm lực của Mỹ và nhu cầu của Việt Nam.

Ví dụ, đầu năm nay Việt Nam ký hợp đồng mua 110 máy bay Boeing của Mỹ, hợp đồng này sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại hai nước nhanh hơn nhiều so với việc xuất khẩu hàng dệt may hay nông sản.

Chỉ có điều Việt Nam cần cân nhắc đó là: thời gian qua Mỹ đã gặp khó khăn trong việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản với khối lượng lớn vào thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bị ách tắc.

Nếu việc tiêu thụ này tiếp tục gặp khó khăn thì sẽ ảnh hưởng tới phiếu bầu của ông Donald Trump. Do đó, không đơn thuần về mặt kinh tế nữa, Việt Nam có thể cân nhắc mở cửa nhập khẩu một số mặt hàng với một khối lượng nhất định, trong một khoảng thời gian nào đó để giải tỏa bớt khó khăn cho Mỹ", PGS.TS Phạm Tất Thắng bày tỏ quan điểm.

Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét